”Dù đến dù đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã đưa em về chốn này…”
”Chốn này” em, tôi, mọi người đã, đang và cũng sẽ được một lần ghé thăm rồi ở lại vĩnh viễn! ”Chốn này” là nơi ta hội ngộ trong một kiếp người cùng khổ với tiếng cười tuổi thơ và niềm đau chôn dấu? Tạ ơn người, tạ ơn đời hay tạ ơn ai?
”Tạ ơn” và ”Cám ơn” nghĩa nào sâu sắc hơn?
Danh từ ”Tạ” như đã nặng nghìn cân trong ”cử tạ” so với danh từ ”Cám” bay bỗng và… rẻ như bèo qua từ ”cám heo”. Ngôn ngữ châm chích xuất hiện:
Anh… Cử đậu, tạ con heo
Rớt đèo thì tạ… trăm hèo vào mông!
Mạng số thi cử đậu thì tạ heo hay “anh Cử đậu” thì cúng con heo; còn thi rớt trong ”rớt đèo” hay rớt thi đều ăn… trăm roi vào đít. Nghĩa nào cũng đã xếp sẵn: Đậu ăn heo. Rớt ăn hèo. Cái nào cũng được ”ăn” (tạ) cả.
Ngữ nghĩa một từ mà hai cách hiểu của từ ”tạ” (tạ tốt và tạ xấu) đã xuất hiện thêm từ ”Sao quả Tạ”. Trong ”Tử vi bổn mạng”, ta gặp những cái sao xấu hơn chữ xấu: ”Nam La Hầu. Nữ Kế Đô”:
Nam mạng ngao ngán La Hầu
Nữ mạng kinh hoảng, thảm sầu Kế Đô.
”Sao quả Tạ” không xuất hiện trong tử vi nhưng xuất hiện cùng lúc khi người ta gặp đại nạn. Thật là một người bạn tri kỷ ”xưa như trái đất” mà Gallilé phát hiện nó chỉ là một hành tinh quay chung quanh mặt trời. ”Sao quả Tạ” cùng Gallilé… suýt lên giàn hỏa thiêu bởi Giáo hội Công giáo La mã ”ban thưởng” cho một nhà khoa học. Theo họ, Thượng Đế (Do Thái) là đấng sáng tạo thế giới loài người. Kẻ nào chống lại bằng khoa học thời ấy nếu không bị treo cổ thì cũng bị lửa thiêu. Loài người hàng nghìn năm vẫn sống trong sự tin tưởng tâm linh một cách tuyệt đối. Các nhà khoa học, ngược lại, họ tin tưởng thành quả khoa học tiến bộ của loài người bắt đầu bằng”Học thuyết tiến hoá” của Charles Darwin – nhà sinh vật học Anh – không có bàn tay can thiệp của Thượng Đế. Quyền lực thần linh và quyền lực khoa học chống đối nhau. Quyền lực thấn bí với thần bí cũng cùng nhau chống đối. Thiên tai, dịch họa trên giáng xuống, dưới sinh sôi. Bão táp đi liền với động đất và sóng thần không tách ra được cũng như ”nguyền rủa và cám ơn”, ”thù hận và tạ ơn”nghìn năm vẫn ”cùng nhau sống chết ”! Sự đối lập bao giờ cũng là những ”vệ tinh” quay chung quanh con người không bắn phá, đốt bỏ được.
Mức độ hai từ ”Tạ ơn” và ”Cám ơn” giống nhau về mặt ”ơn nghĩa” mà ra, vì nó mà có như trong ”Ca dao, tục ngữ Việt Nam” (Phương Thu sưu tầm, Nxb TN – 2004):
Chờ ai, ai nỏ biết ơn
Lâu ngày nên phải đâm đơn kén chồng.
Hoặc câu ca dao truyền miệng đơn giản như bản cửu chương một:
Ơn đền, nghĩa tạ cho hay
Bằng như phủi áo có ngày trôi sông.
Ý trù ẻo bị ”ma gia” nhận nước rồi còn gì! Nhưng lại là một lời ”hăm dọa” đạo đức không làm ai mất sợi tóc. Trong khi đó, ”Tạ ơn”được hiểu như có một sự vật, con người ban phát ra một ơn huệ rất thiêng liêng. Với loại ơn nghĩa:
Nghìn vàng gọi chút nghĩa này
Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân?
mà Kiều của Nguyễn Du đã đền đáp cho vải Giác Duyên theo nghĩa ”ơn đền, nghĩa trả” cũng là một dạng ”ơn” trong ”Tạ ơn”.
Ơn nghĩa thiêng liêng này chỉ có thể lấy thân mình báo đáp giống như trả ơn ”mưa móc” của Hoàng Thượng dành cho các công thần hay cung tần mỹ nữ, tam cung lục viện. Kẻ có công hoặc có tội đều ”Tạ ơn hoàng thượng” nhưng người được thưởng cám ơn ngút ngàn, người bị phạt phun ra lời nguyền rủa sau khi bị thủ tục ”tạ ơn”.
Trong cuộc đời, nhiều ơn nghĩa như một sự may mắn hiếm hoi, đẩy đưa số phận ”đi đến nơi, về đến chốn” như một định mệnh ”trúng số độc đắc”: ”Cám ơn em đã yêu anh” để bật ra ca khúc ”Tạ ơn” của Trịnh Công Sơn.
Trong văn nói, cách viết ngày nay, từ ”Tạ ơn” hầu như được từ ”Cám ơn” thay thế.
– ”Cám ơn” là từ thông dụng được sử dụng để bày tỏ một thái độ lịch thiệp, một nghĩa cử biết điều, một ít nhiều hiểu biết từ những người được thừa hưởng công trình, quyền lợi vật chất, chia xẻ tinh thần… từ một tập thể, cá nhân, cuộc đời với bốn mùa mưa nắng để có lời ”Cám ơn mùa thu” của Thanh Tùng ra đời như ít nhiều ”hát cám ơn cuộc đời”.
Một ”Tạ”, một ”Cám” cộng với từ ”Ơn” nhập lại thành từ ”Merci” trong tiếng Pháp, ”Koraxo” trong tiếng Nga, ”Thanks, Thank you”trong tiếng Anh-Mỹ…
Thanksgiving (Lễ Tạ ơn) ở Mỹ.
Tình người có nhiều ơn nghĩa đáng cho ta ”cám ơn” không hết lời. Cuộc đời có nhiều công đức đáng cho ta ”tạ ơn” kiếp kiếp. Trăm năm cám ơn, nghìn năm đáp nghĩa và … một ngày tạ ơn. ”Uống nước nhớ nguồn”; ”Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đó là truyền thống tốt đẹp, thiêng liêng mà những lễ hội nhớ ơn người đi trước đã được tổ chức khắp nơi trên thế giới.
Nếu ở Việt Nam có ngày ”mùng mười tháng ba” là giổ tổ Hùng Vương để tưởng niệm tổ tiên mở nước thì ở Mỹ cứ vào tháng mười một, trong tuần thứ tư ngày thứ năm là quốc lễ ”Thanksgiving” (cám ơn cho – lễ tạ ơn).
Mỹ có tất cả ba mươi hai ngày lễ lớn nhỏ, trong đó chỉ có mười ngày lễ giữ đúng ngày, còn lại thay đổi lên xuống theo năm. Những ngày lễ lớn hàng năm như Independence Day (July 4), Halloween (Octorber 31), Thanksgiving Day (November 24), Christmas Day(December 25). Người người mua sắm, vui chơi nhộn nhịp hơn ngày New Year’s Day (January 1). Những ngày lễ như Mother’s Day(May) , Father’s Day (June) diễn ra lặng lẽ nhưng rất cảm động về tình cha mẹ (tình Phụ – Mẫu tử có lẽ vì quá bao la, vị tha nên con cái ít ai nhớ đến công ơn cha mẹ như trời như biển).
Lễ hội diễn ra vui nhộn hay yên lặng còn tùy thuộc vào nền kinh tế một nước và tình hình chung thế giới. ”Thanksgiving Day – Lễ Tạ ơn” của Mỹ đi sau ”Thanksgiving Day” của Canada một tháng mười bốn ngày hàng năm, diễn ra không được rôm rả như năm trước. Sự tiêu thụ nào cũng mang tính chất ”dây chuyền”. Đầu vào không có bao nhiêu thì đầu ra nhỏ giọt bấy nhiêu!
Tuy nhiên, người Mỹ hầu như đã thích ứng nhanh chóng với không khí đe dọa bởi khủng bố, giá cả, bệnh tật nên vẫn cứ tiêu, cứ sài. Khối dân nhập cư gốc Á châu nhất là cư dân “Asian” đã như hơi co cụm về mặt mua sắm khi nguồn thu nhập của họ từ các tiệm ăn, chợ búa, nhà hàng, nhất là các tiệm Nails trong vài năm gần đây đã xuống thấp đến mức ”phát hoảng”.
“Lễ Tạ ơn” của Mỹ đang âm thầm diễn ra vào ngày thứ năm cuối tháng 11 với những con gà Tây có mào đỏ chót hay trơn trui là Bronze hay White Holland loại ú nu, ú nần. Chúng khi sống nhìn như con đà điểu và thiếu một đống màu ụp lên mình để thành chị Công rực rỡ, khi tới ngày chúng ”đền ơn” thì người đi chợ nhìn thấy đã … no mất hồn. Chẳng phải vì sợ virus H5N1 mà vì chúng to quá cỡ gà thường, gấp năm bảy lần loại ”gà đi bộ”. Một con gà loại ”Honey Suckle White” hay ”Broth Basted” trong các siêu thị lớn như Dominic hay Jewel-Osco to như cái thúng ghe đi biển (phóng đại chút xí đỉnh) mà sau khi ”cook” xong chắc phải hú còi mời… Trư Bát Giới. Ăn gì nổi mà ăn!
Buổi tối nghiêm trang với con gà Tây ấy và những món ăn gợi nhớ ”những ngày xưa thân ái” : Bí rợ, khoai lang, luá mì, bắp, bánh hạt nhân… làm cho không khí hướng về nguồn cội y như có cánh đưa người thế hệ sau vào phút mặc niệm…
Nhưng người nào mà dân Mỹ ”tạ ơn” ở đây? Là Ông Chúa (Do thái) hay người ân nhân nào bí mật?
Lễ Tạ ơn đầu tiên.
“Lễ Tạ ơn gắn liền với các lễ hội ngày mùa thường được tổ chức ở châu Âu từ xưa. Lễ hội này đầu tiên tại Bắc Mỹ được tổ chức tạiNewfoundland bới Martin Frobisher và nhóm Thám hiểm Frobisher năm 1578. Mội lễ hội khác được tổ chức vào ngày 4 tháng 12, 1619 khi 38 người khai hoang từ giáo khu Berkeley xuống thuyền tại Virginia và tạ ơn Thượng đế. Trước đó, cũng có một buổi tiệc Tạ ơn tổ chức bởi Francisco Vásquez de Coronado (cùng với nhóm người da đỏ Teya) ngày 23 tháng 5 năm 1541 tại Texas, để ăn mừng việc họ tìm ra lương thực. Một số người cho rằng đây là cuộc tổ chức Tạ ơn thật sự đầu tiên tại Bắc Mỹ. Một sự kiện tương tự xảy ra một phần tư thế kỷ sau vào ngày 8 tháng 9 năm 1565 tại St. Augustine, Florida khi Pedro Menéndez de Avilés gặp đất liền; ông và những người trên thuyền đã tổ chức một buổi tiệc với người bản xứ” (vi.wikipedia.org).
Tại sao người Mỹ phải làm lễ tạ ơn?
Nguồn gốc
Tại tiểu bang Illinois, thành phố gió Chicago xây dựng từ hai trăm năm về trước có một tượng đài rất lớn dựng tượng một nguời đàn ông đầu đội ”Indian hat” (mũ da đỏ) tay cầm giáo, cưỡi ngựa nom rất hiên ngang như đang phi ngựa song song với những đợt sóng êm ả trong hồ Michigan (một trong ngũ đại hồ lớn nhất thế giới) không là dân da trắng thống trị mà là người đàn ông da đỏ. Đó có phải là tổ tiên bộ tộc da đỏ Wanpanoag mà Francis C Khuc trong bài ”Thanksgiving Day” (Bản tin Người Việt Illinois số 227 tháng 11/05) có ghi rõ: ”Sau vụ thu hoạch trồng hoa màu đầu tiên, trưởng nhóm Pilgrims là William Bradford tổ chức một ngày lễ tạ ơn, mời bộ tộc da đỏ Wanpanoag cùng đến tham dự bữa chung vui trong ba ngày lễ để tỏ lòng tri ân sự giúp đỡ của họ”.
Như vậy, lễ tạ ơn ở Mỹ ”Thanksgiving” là để nhớ ơn người thổ dân da đỏ.
Nhưng ngược lại, theo Trần Bình Nam trong bài ”Tôn giáo và đất nước” (Bán nguyệt san ChicagoViệt Báo số 97 ngày 15/ 11/05 ) thì lại ghi: ”Những người chủ trương tôn giáo trên hết nói rằng hành động đầu tiên của quốc hội Hoa Kỳ là cho phép in 20.000 bản Thánh Kinh để phân phát cho người da đỏ và tổng thống George Washington đã công bố một ngày cám ơn Chúa (Thanksgiving)”. George Washington (1789-1798) là cha đẻ đầu tiên của Hoa Kỳ.
Vậy ”Thanksgiving” là tạ ơn Chúa (Do Thái?).
Trong bài ”Lịch sử Lễ Tạ ơn nhiều nước trên thế giới” (Hoàng Quý sưu tầm, Nguyệt san Ngày Mới số 145, tháng 11/05) cho rằng:”Phong tục tổ chức lễ tạ ơn hàng năm sau mùa thu hoạch vẫn tiếp tục… Vào năm 1863, tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố Lễ Tạ ơn là một ngày lễ quốc gia…”. (Abraham Lincoln (1861-1965) là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ).
Đứng về mặt mùa màng bảo đảm sự sinh tồn của người đầu tiên đặt chân đến Mỹ có sự giúp đỡ của người da đỏ thì nên tạ ơn họ trước bởi:
Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng. (Ca dao – Tục ngữ VN sđd).
Nhưng trên phương diện tôn giáo, người di dân (Pilgrims) bỏ nước Anh mà sang Mỹ vì họ bị đàn áp tôn giáo. Miếng ăn của họ có được là vì Chúa (mà họ tin theo) đã đưa người da đỏ thân thiện đến với họ. Như vậy, “Lễ Tạ ơn” coi như “Tạ ơn Người, Tạ ơn đời”. “Tâm (Ông Chúa Do thái)” và lòng người thổ dân da đỏ hồi ấy đều tốt như nhau đáng đời đời ”Tạ ơn”, ca ngợi.
Ngày quốc lễ ”Thanksgiving” và nguồn cội của nó có tầm vóc lớn lao đã được lịch sử Hoa Kỳ ghi lại rất rõ ràng cho ai ai cũng phải ghi nhớ khi muốn trở thành công dân Mỹ. Ngày quốc lễ này có tất cả 4 câu trong 100 câu thi quốc tịch Mỹ:
– Câu thứ 55: ”Why did the Pilgrims come to America ?” (Tại sao người di dân Pilgrims đến Mỹ?) và câu trả lời phải là ”foreligious freedom” ( để có tự do tôn giáo).
– Câu thứ 58: ”What holiday was celebrated for the first time by the American colonists?” (Ngày lễ đầu tiên của người di dân Mỹ ăn mừng là ngày gì?) . Câu trả lời đúng “Thanksgiving”.
– Câu thứ 73: ”Who helped the Pilgrims in America ?” (Ai giúp đỡ người di dân đầu tiên ở Mỹ?). Câu trả lời duy nhất ”The Indians”(Thổ dân da đỏ).
– Câu thứ 74: ”What is the name of the ship that brought the Pilgrims to America?” (Tên chiếc tàu chở người di dân Pilgrims tới Mỹ?). Câu trả lời đúng ”Mayflower”. (Có vui thì dịch thành tên tàu ”Hoa tháng Năm” ).
Thật ra, di dân Pilgrims đến Mỹ bằng hai chiếc tàu Speedwell (khởi hành ngày 22/7/1620 tại Hòa Lan) và Mayflower (khởi hành ngày 6/9/1620 từ Anh đến đảo Tân thế giới tức New Caledonia (Sau này Pháp dùng để đày tù nhân. Tân thế giới hiện nay có khoảng 1/6 là người Việt Nam sinh sống là đất ngoài lãnh thổ của Anh). Tàu Mayflower sau 65 ngày trôi nổi lênh đênh mới bị dạt vào đất Cape Cod thuộc tiểu bang Massachusetts vào ngày 11/11/1620.
Những người di dân ngày xưa đó đi tìm đất tự do cho tôn giáo. Họ đã toại nguyện bởi ”Tu chính Án số 1” ghi: ”Freedom of speech, press, religion, peacefully assemble, and to request a change in the government” – (Tự do phát biểu, báo chí, tôn giáo, hội họp bình đẵng và có quyền yêu sách thay đổi trong chính phủ). Họ cầu mong có thức ăn và chiến thắng ”đại tướng mùa đông” khắc nghiệt. Người da đỏ đã giúp họ cầu sao được vậy.
Suy ngẫm
Thế nhưng, ”Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhơn, nhơn trả oán”. Người thổ dân da đỏ thân thiện, hiếu khách, anh hùng kia với mảnh đất của họ giờ này còn đâu! Người da trắng đã tàn sát dã man những người mà hôm nay người ta đang làm lễ ”Tạ ơn”. Tạ ơn người hay tạ ơn ai? Người đến trước và đến sau từ lâu đã quên đi đất đai này thực ra không phải là người di dân Pilgrims. Đất đai của ”Thiên đàng và địa ngục America” này từ lâu đã thuộc về người bản xứ mà họ chỉ còn là những tượng đá trên cao ngẫn ngơ nhìn cõi mênh mông như ngàn xưa chưa hề có họ trong lịch sử nhân loại với những sắc màu kỳ quái, bất công. Nhưng có những con người khi hóa đá mới vĩnh viễn, mới thuộc về ”bất tử”.
Chuyện đất đai sinh ra những cuộc chiến tranh đẫm máu, tàn sát đồng loại có gì mà vui vẻ hả hê, no say ngon lành sau khi chiến thắng thì những ngày lễ lộc ít nhiều gì người ta cũng đã, đang cùng nhau chia xẻ những nỗi niềm…
Cộng đồng người Việt cũng đang hoà mình vào lễ hội xứ người như tuân theo lệ ”nhập gia tùy tục”. Những ngày lễ xứ người hay xứ nào nếu chúng mang lại cho chúng ta những niềm vui bé nhỏ, lương thiện và thiêng liêng thì chúng ta hãy cố mà giữ lấy. Nhìn người ngẫm mình. Người da đỏ nơi đâu đấy trên đất Mỹ đang ngậm ngùi hay vui vẻ trong ngày quốc lễ ”Thanksgiving”? Những người mất nước có bao giờ là người cảm thấy mình hạnh phúc trên xứ người! Bóng Tháp Chàm cô đơn nơi đất Tây Sơn – Bình Định hay hình ảnh người Chàm – Phan Rang với sắc áo màu tang tóc, đội trên đầu những cái chum đất lê chân trần trên cát đi bán nó mà sinh tồn có làm cho ta một thoáng bâng khoâng…
Chuyện những người mở nước và những người mất nước đã trở thành công ước mang tính chất quốc tế mất rồi! ”Mạnh được, yếu thua”. Thôi thì… những người mong muốn hoà bình đêm nay trong ngày ”Lễ Tạ ơn” ở đây hay ở bên kia bờ đại dương xin hãy cùng nhau “ăn một củ khoai nhớ ơn người đã trồng, uống một chén nước, nhớ ơn người đào giếng, dìu một người đứng lên nhớ ngày mình ngã qụy”. Đó là bản tình ca cám ơn, là lời tạ ơn sâu sắc nhất trong một ngày ”Thanksgiving”. Một ngày thôi, bạn ơi! Thức ăn còn xin hãy chia cho 6 triệu người trên thế giới đang hấp hối vì sắp chết đói với chiến tranh, bệnh tật, thiên tai còn rất nhiều điều nhân loại cần để được ”Tạ ơn” thay vì tiếng ”Căm thù”.
”Dù đến dù đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã đưa em về chốn này…”. Cám ơn Trịnh Công Sơn một lần nữa với bài ”Tạ ơn” trong một ngày tạ ơn… ./.
Tháng11/24/05
Ngọc Thiên Hoa
Tư liệu tham khảo có sử dụng:
Ca dao, tục ngữ Việt Nam (Phương Thu sưu tầm, Nxb TN – 2004).
Thanksgiving Day” (Francis C Khuc, Bản tin Người Việt Illinois số 227 tháng 11/05).
Ngày lễ tạ ơn tại Hoa Kỳ (bcdlldb.com).
Lịch sử Lễ Tạ ơn nhiều nước trên thế giới” (Hoàng Quý sưu tầm, Nguyệt san Ngày Mới số 145, tháng 11/05).
Lễ Tạ ơn (vi.wikipedia.org).
Tôn giáo và đất nước” (Trần Bình Nam, Bán nguyệt san ChicagoViệt Báo số 97 ngày 15/ 11/05).
Xin chân thành cám ơn.