Site icon Ngọc Thiên Hoa

SÁCH CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT SAU 1975: CHẬP CHỜN NỬA TỈNH NỬA MÊ…

Phê bình Sách chính tả tiếng Việt sau 1975 chập cờn nửa tỉnh nửa mê...

Mỗi quốc gia, chủng tộc hay sắc tộc đều có tiếng nói và chữ viết riêng. Người Việt Nam có gần 60 sắc tộc nhưng tiếng Việt vẫn là tiếng giao tiếp chung cho gần 84 triệu dân. Thế nhưng viết như thế nào mới đúng chính tả? Viết đúng chính tả cần căn cứ theo chuẩn mực và quy tắc nào? Đó là điều mà những bậc “công hầu khanh tướng” cõi trần ai chê người khác viết sai chính tả nên “uốn lưỡi” và coi chừng “chuột chù chê khỉ rằng hôi…”!

I. Viết thế nào mới đúng chính tả? Thế nào là chính tả?

Chính tả (spelling) tức là cách thức đánh vần và viết theo hệ thống bảng chữ cái mà nên. Tiếng Anh có 26 chữ cái. Tiếng Việt có tất cả 29 chữ cái: A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, G, H, I, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X, Y.

Tiếng Việt không có chữ cái F, Z, W, J nhưng lại có Â, Ă, Đ, Ê, Ư, Ơ mà tiếng Anh không có. Bảng của “Từ điển Bách khoa Việt Nam” đẻ thêm F và 2 J”:

“A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, X, Y, J”. (thiennhien.wordpress.com). Hai âm J, F này không biết web có copy nhầm hay không mà thành… 32 chữ cái?

Trong 29 chữ cái, có 6 nguyên âm (vowel) chính trơn: A, E, O, I, U, Y tức 12 nguyên âm: A (a), Ă (ă), Â (â), E (e) Ê (e), O (o), Ô (ô), Ơ (ơ), I (i), U (u), Ư (ư), Y (y) và 27 phụ âm: (consonants): b, c, ch, d, đ, g, gh, gi, h, k, kh, l, m, n, ng, ngh, nh, p, ph, q, r, s, t, th, tr, v, x.

Không thể xem qu hay gi thành phụ âm kép hay coi u và i là bán nguyên âm khi đi với q và g. Những phụ âm bắt buộc phải kết hợp với các nguyên âm đơn (a, ă, â, i, u, ư, o, ô, ơ, y), nguyên âm kép (ai, ươ, oa, eo, uê, iu,ie, iê, ưi, ơi, uy, êy…) và nguyên âm ba (ươi, oai, oay, uyê, iai, iao, iươ, ieo, iui, iôi,…) mới cho ra từ hay cụm từ và tạo thành câu có ý nghĩa. Tiếng Việt, đặc biệt khác với một số ngôn ngữ thế giới là có 6 dấu: “Ngang (-), Hỏi (?), Sắc ( ‘), Huyền ( `), Ngã ( ~), Nặng ( .)” ai đã học đều biết. Cách học phổ thông này có từ lâu và được thể hiện qua những câu mà ông bà hay hát vui:

I, U, Ư bà tư đái dầm

Ướt chiếu má làm sao má nằm!

Hay:

A, B, C dắt dê đi…i

A, Ă, Â chữ nhớ chữ quên!

Hoặc:

O tròn như quả trứng gà

Ô thì đội nón, Ơ già mang râu.

Các chữ cái kết hợp như thế nào và sau đó, ngữ nghĩa ra sao còn nhiều phức tạp tùy theo từng thời kỳ lịch sử dân tộc, từng vùng và từng địa phương Nam – Trung – Bắc khác nhau. Do đó, chúng ta không thể tự nhiên thay đổi hệ thống chính tả. Tức là từ hợp lý, phong phú từ ngữ thành bất hợp lý và làm nghèo từ ngữ tiếng Việt bởi quy định có tính chất pháp luật bằng 2 bản “lựa chọn” hay “không lựa chọn” để bắt người ta bỏ từ này, lấy từ kia theo thiển ý của cá nhân và tập thể có chức, có quyền.

II. Phiền toái:

Thứ nhất là sách… đốt nhà

Thứ hai “độc đoán”, thứ ba ”lệ làng”.

Thứ tư háu đá “tú gàn”

Thứ năm lắm kẻ biến… vàng thành… ph!!

1. Thứ nhất là sách… đốt nhà:

Muốn viết cho trúng (đúng) chính tả (từ trúng/đúng không có trong mục “lựa chọn” hay “không lựa chọn” của cái gọi là “Từ điển tiếng Việt – Viện Ngôn Ngữ Học – 2001) người ta phải tìm mua hàng loạt cuốn sách (đủ để đốt nhà) bày cách viết chính tả. Ví dụ:

– “Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt” (Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu và Hoàng Trọng Phiến, Nxb GD – 1997).

– “Từ điển tiếng Việt” (Viện ngôn ngữ học – 2001).

– “Từ điển chính tả tiếng Việt” (Nguyễn Trọng Báu, Nxb VH – TT, 2005).

– “Từ điển chính tả tiếng Việt” (Nguyễn Thế Truyền, Nxb TN).

– “Từ điển chính tả tiếng Việt” (Nguyễn Văn Xô, Nxb TN).

– “Từ điển chính tả tiếng Việt” (Nguyễn Văn Khang, Nxb KHXH – 2003)

– “Việt Nam Tự Điển” (Hội Khai Trí Tiến Đức – Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội – 1931).

– “Chánh tả tự vị” (Trần Văn Khải, Sài Gòn – 1957).

– “Hán Việt Từ Điển” (Đào Duy Anh – 1931).

Hoặc phải tìm/mò/kiếm cho ra:

– “Quy định tạm thời về chính tả trong sách giáo khoa mới” (Nxb GD – 2002).

– “Phần mềm kiểm lỗi chính tả tiếng Việt” (giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt) (sobic.com.vn).

– “Từ điển tiếng Việt” (Hồ Ngọc Đức – informatik.uni).

– “Phép bỏ dấu hỏi – ngã trong tiếng Việt và Việt Ngữ hỏi – ngã tự vị” (Đinh Sĩ Trang, Australia – 1993)

– “Quy tắc chính tả tiếng Việt và phiên chuyển tiếng nước ngoài” trong “Tự điển bách khoa toàn thư Việt Nam“(bachkhoatoanthu.gov.vn) do “Hội đồng Quốc gia” chỉ đạo mà PGS/TS Phạm Hùng làm viện trưởng đại diện.

Thật là tức cười! Chỉ có 29 chữ cái và 27 phụ âm mà lắm tự điển chính tả, lắm văn bản, lắm quy định đến thế? Nếu đây là vấn đề tối quan trọng của dân tộc, nhà nước chỉ nên có một cuốn sách tự điển chính tả mà thôi. Sách chính tả cũng như sách pháp luật. Nếu nhiều cuốn sách luật viết cùng nội dung thì rõ ràng qúa thừa còn nhiều sách chính tả không để… đốt nhà thì làm gì? Bởi vì sách chính tả xuất bản hằm bà lằng. Người dân nếu mua cuốn này sợ trật thì phải mua cuốn khác để tra coi thử có giống nhau không? Lắm tiền thế? Quy định tiếng Việt cũng như quy định pháp luật. Pháp luật ít khi có “cập nhật”, sách chính tả cũng phải giữ “phong độ” quốc gia của mình. Hôm nay cập nhật, ngày mai sửa sai. Do đó, hạn chế bớt “quy định tạm thời” như hạn chế “xây lên, phá xuống”, chúng ta tiết kiệm cho nhân dân biết bao tiền của! Chúng ta không thể có hai ba cuốn pháp luật của cá nhân hay tập thể thì tại sao, mắc mớ gì sách chính tả tiếng Việt lan tràn? Đúng là “thừa nước đục thả câu”, dân chúng khổ như trâu làm sao “dân giàu, nước mạnh”!

Thêm vào đó, hầu hết những cuốn sách dạy chính tả nói trên toàn là của các bậc có “nội hàm, ngoại hàm” làm theo “công hàm”. Câu hỏi đặt ra: Tại sao các cuốn sách cùng lấy tên giống nhau. Trả lời: Cùng nội dung như nhau. Hỏi tiếp: Cùng nội dung như nhau mà tác giả khác nhau, tức “đạo ngôn ngữ”? Trả lời: Xưa nay chỉ có đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh và… đạo đời chứ chưa có “đạo ngôn ngữ” nên chẳng ai giở luật chiếu theo quốc pháp gia hình tới nơi! Những cuốn sách chính tả ngày xưa hoặc trước 1975, hiện giờ, chúng ở nơi đâu? Những cuốn sách chính tả của các “ngôn ngữ gia” kia, họ lấy tư liệu, văn bản gốc từ “rừng sâu núi thẩm” nào mà nên sách “mỗi người mỗi vẻ ong ve vò vè”? Trả lời: Trời mới biết! Thế nhưng thầy bói có… mù thì sờ voi cũng biết. Bởi vì những quy tắc cơ bản về viết hoa tên người, tên địa phương, địa danh cũng như các cơ quan hành chính hay quy tắc đánh dấu hỏi – ngã trên tiếng Việt (bao gồm từ Nôm và Hán – Việt) đã có từ thời ông tổ, bà sơ. Cùng với cách nhấn trọng âm ở mỗi từ, phép cơ bản, chúng ta cũng biết từ đời nào. Ví dụ đánh trọng âm (đánh nhấn) trên mỗi nguyên âm theo phép cân bằng thẩm mỹ: “Thông minh đột xuất. Ngu thường trực“. Không ai tâm thần mà đi đánh dấu trên các phụ âm cả. Phép đánh dấu cơ bản áp dụng cho từ có một hay hai nguyên âm thì đánh ở nguyên âm thứ nhất và ngoại lệ đánh vào nguyên âm thứ hai cho từ có nguyên âm ia trong tiá vì đánh tía nhìn không quen mắt mà thôi, cũng không sai và y trong quý (nếu đánh qúy cũng chẳng ảnh hưởng gì). Ví dụ: “Mất tư cách đạo đức là mất tất cả những giá trị qúy báu của con người”. Nếu từ có ba nguyên âm, đánh vào nguyên âm giữa (bao gồm từ có “râu” (ơ, ư), có mũ (â) có nửa vầng trăng khuyết lộn ngược (ă) cũng như nhau). Ví dụ: “nghiễn chuyện, thoái hóa, khuấy động, quyện chặc, nghiền ngẫm…”. Ví dụ :“Mấy thằng trí thức thiệt tệ. Chúng tưởng mình tài giỏi, hóa là cũng hạng mù mờ, chẳng biết gì tới lý lẽ đạo đời bởi việc làm của chúng trái khuấy với thực tế và chẳng hiểu gì tới nỗi thống khổ của người khác”. Không thể có chuyện người ta đánh sai từ xưa lơ, xưa lắc “bụi trâu thắt, bụi trâu cày” cho tới giờ này!

Bây giờ, theo cách đánh dấu vào nguyên âm cuối, tức là nguyên âm thứ hai: quả, caí, traí, phaó, taị, haị, baí, đaị, saí… thử hỏi có chướng mắt không? Nếu không muốn chướng mắt, mấy ông thần nước mặn lại “đẻ” ra “quy tắc” nguyên âm nào đánh, nguyên âm nào không… khiến học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên chức ăn lương nhân dân (chứ nhà nước làm gì có lương?) vắt cổ chạy theo nếu không muốn bị chê cười… sai chính tả!

Ví dụ/ thí dụ: Trong bài: “Cách sử dụng i và y và nguyên tắc đánh dấu trong tiếng Việt” của Khải Chính Phạm Kim Thư (trên mạng có sẵn, xin mượn xài/dùng đỡ, chút/lát trả lại) có ghi/viết/nêu/biên/chép ra hàng lô, hàng lốc quy tắc như/giống các cuốn sách chính tả nói trên chẳng/không biết công lao của ai nhưng cho một số từ được phép “đi hàng hai” như sau:

“Những Trường Hợp Có Thể Dùng “I” hay “Y” Cũng Được
Tùy theo tập quán hay thói quen, có người dùng “i” hay “y” để viết cùng một chữ. Dù là được viết dưới dạng bằng nguyên âm “i” hay “y,” nhưng khi được đọc lên thì chữ này vẫn có cùng một âm thanh và cùng một nghĩa. Thí dụ:
– Ì ạch, ỳ ạch; ì ra, ỳ ra; i như, y như; v.v”

Nhận xét: Nếu không bị bắt buộc, chẳng ai viết “i như“, “ì ra” và hiếm ai viết “ì ạch” cả, ngoại trừ họ cố ý viết “tếu” như chữ “buồn quá“, viết thành “buồn wá” khi chát chít với/ví nhau.

“- Kí cóp, ký cóp; kì cạch, kỳ cạch; kì cọ, kỳ cọ; một li, một ly (millimeter), v.v”.

Nhận xét: Từ “ky cóp” tức là nhặt nhạnh, thu góp. Ví dụ: “Những thân hình bé nhỏ run mình bên những ngọn đèn leo lét vẫn đằm mình dưới trời sương buốt lạnh với hy vọng sẽ ky cóp được từng đồng tiền lẻ đón Tết, đón mùa xuân sắp đến… ” (laodong.com.vn). Người ta cũng có thể dùng “ký cóp”. Ví dụ: “Ký cóp lượm lặt”

Chưa gặp:

Cảnh sát hỏi cung một tội phạm:

– Anh đã lừa đảo bao nhiêu người rồi ?

– 36 người cả thảy !

– Thế sao trong lời khai ban đầu khi vừa bị bắt, anh chỉ khai có 35?

– Vì lúc đó tôi chưa gặp thầy!

(giadinhnazareth.org)

Chúng ta nên hay không nên dùng “kí cóp” hay “ki cóp” với y dài thành i ngắn? Không nên.

Ta chọn “một li” hay “một ly” để chỉ một milimet? Ví dụ thành ngữ: “Sai một li, đi một dặm” và “Sai một ly đi một dặm“. Chúng ta chọn cách nào? Không có các “ngôn ngữ gia” nào cắt nghĩa mà chỉ ban bố quy tắc chuyển “y” dài ra “i” ngắn. Thực ra, nếu một từ có nguồn gốc rõ ràng, chúng ta theo nguồn gốc đó mà viết. Đơn vị đo lường quốc tế có 20 tiền tố, đơn vị milimet (viết tắt là m) với độ lớn quy định là 1/1000. Milimet (m) đứng trước đơn vị micrô (µ 1/1.000.000) và sau đơn vị xenti (c 1/100). Chúng ta chọn “li” i ngắn từ trong“mili” là hợp lệ vì nó chẳng lẫn lộn với “ly” y dài như “ly uống nước” hay “biệt ly” trong 1/41 nghĩa của từ Hán Việt “ly”: “con chồn, hàng rào, dời xa, chia lìa, chim vàng anh, lo lắng, con ngựa, dây lưng, cắt, bổ… “

(Thiều Chửu – “Từ điển Hán Việt trực tuyến”, sager-pc.cs.nyu.edu).

Dùng “kỳ cạch” chứ không dùng “kì cạch“: Ví dụ: “Đã lâu lắm chúng tôi mới có dịp ngồi lại với nhau như thế này… Đứa nào cũng đã bước qua vạch tuổi 40 rồi. Thằng làm giám đốc, thằng làm thày giáo, thằng làm ngoại giao và có cả thằng mất sức sớm, về nhà kỳ cạch ngồi sửa xe máy cho thiên hạ kiếm sống” (Chu Lai – “Sông Xa“, Nxb LĐ – 2009) Không nói tới hai từ “thày giáo” đánh sai chính tả trong đoạn trích.

Cũng như các từ: “kỳ ảo, kỳ đà, kỳ cùng, kỳ phùng địch thủ, kỳ đài, kỳ diệu kỳ, kỳ hình, kỳ bộ, kỳ công, kỳ cùng, kỳ cạch, kỳ cọ, kỳ cục, kỳ cựu, kỳ dị, kỳ dư…” không thể đổi y dài thành i ngắn được. Không thể ngoại lệ cho các từ dưới đây theo hàng hai:

“- Mỹ lệ, mĩ lệ; mỹ cảm, mĩ cảm; mỹ mãn, mĩ mãn; mỹ miều, mĩ miều; mỹ nữ, mĩ nữ; mỹ nghệ, mĩ nghệ; mỹ nhân, mĩ nhân; mị dân, mỵ dân; … Ti tiện, ty tiện; ty tiểu, ti tiểu; tự ty mặc cảm, tự ti mặc cảm; ty trưởng, ti trưởng; năm tý, năm tí; tỳ bà, tì bà; tỳ nữ, tì nữ; tỳ tướng, tì tướng; thị tỳ, thị tì; tỳ thiếp, tì thiếp; tỳ vết, tì vết; tỳ vị, tì vị; tỉ dụ, tỷ dụ; một tỉ đồng, một tỷ đồng; tỉ lệ, tỷ lệ; tỉ mỉ, tỷ mỉ; tỷ muội, tỉ muội; tỉ như, tỷ như; tỉ số, tỷ số; tỉ thí, tỷ thí; tỉ trọng, tỷ trọng; năm tỵ, năm tị; tỵ nạn, tị nạn; tị nạnh, tỵ nạnh; v.v”. Chọn một như cha ông ta ngày xưa đã dạy chúng ta. Chúng ta coi thử quy định sau:

“Trong trường hợp danh từ riêng như tên thành phố, tên nước, hay tên người, v.v., nếu các chữ đã được viết bằng “i” hay “y” thì ta không được quyền tự ý thay đổi như trong trường hợp của tên thành phố hay tên người sau đây: Thị xã Qui Nhơn, Mỹ Quốc, Mỹ Châu, tỉnh Mỹ Tho, Mị Châu… Mị Nương…, GS. Doãn Quốc Sỹ, và CH Trần Thy Vân, v.v.”

Nhận xét: Có trường hợp đúng và chưa đúng: Quy Nhơn trước 1975 và hiện nay vẫn là Quy Nhơn chứ làm gì có Qui Nhơn như trên? Bởi vậy mà người ta hay đùa gọi thành phố biển nên thơ, nhỏ nhắn và xinh xắn này là xứ… Rùa vì chữ “Quy” này. Không tin cứ ra đó nhìn lên bảng hiệu: “ĐẠI HỌC QUY NHƠN” ở Quy Nhơn sẽ rõ. Quy định này như tên lửa “không đối không” với quy định nhà nước Việt Nam. Ví dụ: Trong kỳ thi tuyển sinh hệ đại học khối C, môn văn có đề như sau: “Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A. Lin-côn (1809 – 1865) viết: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” (Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr. 135)

Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống” (media.tuoitre.com.vn, maivoo.com)

Từ Mỹ (Hoa Kỳ) đẹp đẽ bao lâu nay bỗng biến thành “mèo… cụt đuôi ai nuôi mày lớn”: Mĩ (Hoa Kì)?? bởi đổi y dài thành ngắn. Thế nhưng, trên các web sites: tintuc.xalo.vn, forum.cadovn.com, thamhue.com… nhiều tác giả vẫn viết theo ký âm y dài và tên người nước ngoài vẫn viết đúng theo tiếng nước ngoài chứ không cần phiên âm. Đó là điều mà chúng ta thấy rằng nó hết sức đúng đắn/đứng đắn và đáng khích lệ/động viên. Ví dụ: “Thư của Tổng thống Mỹ xuất hiện trong đề thi văn. Từ lá thư của Tổng thống Mỹ A.Lincohn gửi cho thầy giáo của con trai, “Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết:“Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.”(Theo Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục, 2006, tr. 135). Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống”. (vietnamnet.vn).

Chúng ta chưa bàn tới cách trích sai hay dùng tên tiếng nước ngoài chưa chuẩn như: A.Lin-côn hay A.Lincoln?! Chắc chắn, người ra đề thi viết “Tổng thống Mĩ” còn các phóng viên, ký giả lại thấy “chướng mắt” nên ghi theo cách cũ “Tổng thống Mỹ” như trên vì một đề thi, không giám thị một nào dám chép sai một nét huống chi là chép từ Mĩ thành Mỹ!

Từ y dài sang i ngắn vẫn không được hưởng ứng trong giới báo chí. Ngay cả đề thi cũng có vấn đề cần bàn ở đây:

– Thứ nhất: Một đề thi có hai cách trích: “xin thầy hãy dạy cho cháu…” và “Xin thầy hãy dạy cho cháu…”. Cách nào đúng? Cách viết hoa sau dấu hai chấm là đúng khi sau hai chấm nếu câu văn có đầy đủ thành phần chủ – vị như câu trích trên. Nó không đúng khi sau dấu chấm chỉ là câu gãy (fragment). Có dịp quay trở lại, chúng ta sẽ bàn thêm vì sao? Tiếng nước nào cũng vậy, câu mở đầu với chủ ngữ và kết thúc bằng vị ngữ là dạng thông thường. Cho nên, chúng ta luôn viết hoa chủ ngữ. Vấn đề mở rộng ở đây là cái đề thi đại học trích dịch bài văn của tác giả nước ngoài. Trích dịch cần phải bám sát nguyên bản và dịch sát nghĩa đến mức tối đa theo khả năng của dịch giả. Đề thi cho “địa chỉ” là sách Ngữ văn 10, Tập 2/tập2 năm 2006. Lần vào sách, trang 135, chúng ta thấy bài có tiêu đề bằng chữ in “XIN THẦY HÃY DẠY CHO CON TÔI…”. Tiêu đề viết chữ in trong sách giáo khoa này cũng “không đối không” với quy định của các web sites thuộc các diễn đàn học sinh, sinh viên trong nước (dĩ nhiên có sự giám sát của nhà nước). Chúng ta không nói tới lỗi “râu ông nọ cắm cầm bà kia” của cái gọi là “Thư Tổng Thống Mỹ Abraham Lincoln”. Cựu tổng thống này không bao giờ viết lá thư trên theo Ph. D. Thomas F. Schwartz giám đốc “The Abraham Lincoln Presidential Library and Museum and the Illinois State Historian” đã khẳng định.

Chúng ta xem thử quy định này: “Viết hoa cả câu. Tiêu đề bài viết nếu toàn chữ in hoa cũng là vi phạm” (tác giả xin trích nguyên mực đỏ). Chữ in hoa với in thường cũng là chữ in cho sang, cho đẹp chứ khác gì? Nhưng, tiêu đề này cũng vi phạm nguyên tắc trích dịch. Nếu đề bài do người dịch đặt, người dịch hay người trích vào sách phải ghi chú cho rõ ràng: “Xin thầy hãy dạy cho con tôi“: tiêu đề người dịch/người trích đặt. Bởi vì theo nguyên văn bức thư được cho của cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln không có câu như trên làm tiêu/tựa đề cả. Tác giả chỉ ghi: “Dear Teacher” or “Dear teacher” (Thầy/cô giáo thân mến) mà thôi.

– Thứ hai: Nguyên văn câu được trích dịch và ra đề thi như sau: “In school, teacher, it is far more honorable to fail than to cheat”.Do đó, chúng ta không thể không viết hoa từ mở đầu câu trích nhưng câu tiếng Anh như trên e rằng cũng chẳng đúng văn phạm nốt.

Còn các trường hợp khác, ai mà chẳng biết viết hoa và cũng hơi đâu đi đổi cho mệt! Trường hợp tên đệm: “Thụy” hay “Thy” là các bà đổi từ “Thị” ra cho đẹp thôi vì chữ “thị” vừa… xấu, vừa… Tàu! Sau khi dân ta bị Tàu đô hộ ngàn năm, con gái mang chữ “thị” mà ta hay giễu “thị mẹt, thị hến, thị nở…”, con trai phải “vác” chữ “văn” như “văn truồng, văn trụi…” đến nay, ít ai dùng tên lót, tên đệm này nữa. Mới hát/ca:

Gái lót thị mất vị hương lài.

Trai dùng văn còn răng với… d!
Quy định khác của mấy bác gàn: “Khi đánh các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng lên chữ “quy” hay “qui,” chúng ta phải đánh dấu lên trên nguyên âm “y” hay “i” vì chữ “u” trong chữ phụ âm kép “qu” đã cùng vơiù “q” để biến thành phụ âm kép chứ không còn là một nguyên âm nữa. Trong trường hợp phụ âm kép “th” ghép với vần “ui” hay “uy” thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ nhất “úi” (thúi) và “úy” (thúy). Nếu nguyên âm thứ 2 có dấu sẵn như “uê” hay “uơ” thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ 2 này “uế” (thuế) và “uở” (thuở)“. (trích nguyên văn).

Nhận xét: Nếu u đi với qu không còn là nguyên âm, chúng ta dùng nó làm chi nữa? Ví dụ như “quái, quải, qúy, qủy, qũy, sẽ thành qái, qải, qý, qỹ cho xong, ngắn gọn biết chừng nào! Nhìn không quen mắt phải không? Nhìn không quen mắt, sắc không thẩm mỹ, tại sao lại bắt dân ta phải đổi y dài thành i ngắn kiểu “cắt tóc, gọt đầu” cho giống Tàu mới chịu? Quy tắc cho “thúi- thúy” cũng có khác gì ông bà ta đã dùng trong “núi, củi, búi, húi, húy, úy, úi, lũy, chùi, ngùi, bùi, thụi…”. Không cần quy tắc đó, chúng ta cũng viết đúng… như đùa! Bởi vì khi các ông thần ra nguyên tắc đánh dấu trên nguyên âm thứ hai thì đẻ ra trường hợp này thấy “xấu đui”: “thuí, thuý” hay “nuí, cuỉ, luỹ, luị, uí, chuì, buì, thuị…” nên mới ra thêm quy tắc dư thừa (“nguyên âm mở, nguyên âm khép”) chán chết này! Vậy với những từ không phải phụ âm kép th như trên thì làm thế nào? Vẫn phải chạy về nguyên tắc cơ bản của cha ông: đánh dấu trên nguyên âm thứ nhất, tức theo nguyên âm giữa “núi, củi, lũy, lụi, chùi, bùi, thụi…” thì có gì mà “nghiên cứu” với “ngâm củ kiệu” chua đến ê cả hàm răng… giả chứ! Theo nguyên tắc cha ông, chúng ta cần quái gì quy tắc dành riêng mỗi “th” cho tốn giấy, tốn tiền tỷ? Thế nhưng, nước ngoài dạy học sinh như thế còn trong nước dạy học trò như ri: Đánh dấu trên nguyên âm thứ hai với uy chứ không phải nguyên âm thứ nhất: “thuỷ mặc, thuỷ triều” (Nguyễn Văn Khang, sđd, tr 653) nghĩa là không đánh “thủy mặc, thủy triều” (đẹp hơn nhiều chứ). Dĩ nhiên, nguyên tắc của Nguyễn Văn Khang hay của tập thể giáo sư, tiến sĩ nào đó cần loại bỏ ngay vì mất cân đối cho từ. Chúng ta thử đọc tiếp quy tắc i:

“Những Chữ Chỉ Được Viết với Nguyên Âm I”
1. Những Chữ Có Các Vần Sau Đây Chỉ Được Viết với Nguyên Âm “I”: ai, ia, ich, iêc, iêm, iên, iêng, iêp, iết, iêu, im, in, inh, ip, it, iu, oai, oi, ôi, ơi, ui, uôi, ưi, ươi, v.v.”.

Nhận xét: Mới nhìn qua, chúng ta “choáng” vì tưởng các nhà nghiên cứu ngôn ngữ này “phát hiện” ra những gì mới lạ hơn cha ông ta. Thế nhưng, chúng ta thấy rõ ràng chỉ là “rung cây nhát khỉ“. Bởi vì, nguyên âm “y” hầu như không đi sau phụ âm đơn hoặc kép. Ví dụ nó không thể kết hợp với phụ âm thành: “by, cy, chy, dy, đy, gy, ghy, khy, ngy, nhy, qy, ry, sy, thy, try, xy”. Ngay cả 3 từ hy, ky, tyđứng một mình cũng vô nghĩa. Chúng cũng phải kết hợp với từ khác như hy sinh, ky cóp, công ty… mới có nghĩa. Trường hợp khác: Ba từ my, ny, vy (chỉ dùng cho tên cá nhân như Huyền My, Ty Ny, Tường Vy…). Chỉ độc nhất từ “ly”( 玻 璃 杯 từ Hán – Việt) có thể đứng một mình với nghĩa chỉ vật dụng là cốc uống rượu, bia, nước. Nếu theo y thành i: li ( ): Nó mất luôn nghĩa đứng một mình mà cần kết hợp với cụm từ thành thành ngữ “Sai một li đi một dặm”. Nguyên âm y cũng không bao giờ đi với các nguyên âm: ă, i, ư, o, ô. ơ (ăy, iy, ưy, oy, ôy trong căy, thiy, qoy, nôy… ) mà chỉ đi với nguyên âm a, â và u (ay, ây, uy trong cày, thấy, qủy…). Bởi vậy, thật vô lý nếu ta viết: cướy hỏy (cưới hỏi), buổy sáng (buổi sáng), chửy mắng (chửi mắng), cúy đầu (cúi đầu), trờy ơy (trời ơi), bốy rốy (bối rối), đoáy hoày (đoái hoài), nýu lạy (níu lại), con nýt (con nít), lừa bỵp (lừa bịp)…

Từ đó, chúng ta thấy sự “thặng dư” quy tắc dưới đây:

“2. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm “I” Bằng Cách Ghép Phụ Âm Đơn với Nguyên Âm “I.”: B-I, D-i… X-I”… 3. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm “I” Bằng Cách Ghép Phụ âm Kép với Nguyên Âm “I.”: Ch-I, Gh-i…tr-i… 1. Những Chữ Có Các Vần Sau Đây Chỉ Được Viết với Nguyên Âm “Y”: ay, ây, oay, uây, uy, uya, uych, uyên, uyêt, uynh, uyt, uyu, yên, yêt, và ynh… 2. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm “Y” Đứng Một Mình hay Đứng Đầu Mỗi Chữ:
– Nguyên Âm “Y” Đứng Một Mình: Y đến rồi, y án, vàng y, qui y, chuẩn y hay y chuẩn, y hẹn; y hi, y sĩ, qui y, y theo, ý chí, ý định, ý nhị, ý kiến, ý nghĩa, ý thích, ý tứ, ý vị, ỷ mình, ỷ lại, ỷ lại, ỷ quyền, béo ỵ, v.v.
– Nguyên Âm “Y” Đứng Đầu Mỗi Chữ:
Yêm hoạn (hoạn quan), yếm thế, yểm bùa, cái yếm, yểm trợ, v.v.; Yên Đổ (Nguyễn Khuyến), Bình yên, yên hà, yên xe, yên đổ (tửu sắc yên đổ), yên trí, yến tiệc, yến oanh, yến sào, v.v.;

3. Những Chữ Sau Chỉ Được Dùng Nguyên Âm “Y” Bằng Cách Ghép Phụ Âm Đơn với Nguyên Âm “y.”:
-“H-y”: Hy Lạp, hy vọng, hy sinh, hy hãn, hý lộng, hý ngôn, hỷ lạc, hỷ nộ, hỷ sự, v.v.
-“K-y”: Ký âm, bi ký, chữ ký, ký danh, ký giả, ký hiệu, ký lục, nhật ký, ký quỹ, ký sinh trùng, ký sự, ký tên, ký túc xá, ký thác, thư ky,ù ký ức, Bắc Kỳ,…, kỵ sĩ, v.v.
– “L-y”: cái ly, ly biệt, quẻ ly, hồ ly, ly bôi…, lý trưởng, mạ lỵ, bệnh kiết lỵ, v.v.
– “M-y”: Bắc Mỹ, Mỹ Châu, Mỹ Quốc, Mỹ kim, hoa mỹ, mỹ sắc, thẩm mỹ, Mỹ Tho, mỹ thuật, mỹ tục, mỹ từ pháp, mỹ tửu, mỹ xảo, mỹ vị, mỹ viện, mỹ ý, v.v.
– “T-y”: Ty mật thám, công ty, tỳ tạng, tỳ kheo, tỳ vị, tỷ đối, tỵ hiềm, v.v.”

Như vậy, đổi y thành i ngắn làm gì nữa? Chúng ta coi lại nguyên tắc đánh dấu:

“Nguyên Tắc Đánh Dấu trong Tiếng Việt:
– Nếu một chữ có phụ âm đơn hay phụ âm kép ghép với một nguyên âm, thì các dấu phải đánh vào nguyên âm đó: bé, tá, phò mã, khỉ, xạ thủ, v.v.
– Nguyên âm “u” và “i” trong phụ âm kép “qu” và “gi” đã cùng với phụ âm “q” và “g” để biến thành phụ âm kép chứ không còn là một nguyên âm nữa. Chính vì thế mà hai phụ âm kép này ghép với 1 hay 2 nguyên âm thì các dấu phải đánh vào nguyên âm ở ngay sau phụ âm kép này: quý, quí, quá, quà, quả, quỹ quạ, già, giá, giữa, giác, giải, giả, v.v.

Thật là vô lý khi thúy lại đánh vào nguyên âm nhất mà các q, g đi với âm uy, ua, ia… thì không: thúy, quý, quỹ, quà, già…? Tại sao lại không thể viết: thúy, qũy, qúy, qùa, gìa? Vậy còn thụy hay thuỵ? qụy hay quỵ? tùy hay tuỳ? tụy hay tuỵ? Tất nhiên, phải làthụy, qụy, tùy, tụy. Các quy tắc lại phải mượn “trường hợp ngoại lệ”, mệt chưa?
“- Nếu trước 2 nguyên âm mà có phụ âm đơn hay kép và sau 2 nguyên âm này lại không có phụ âm nào thì các dấu phải đánh vào nguyên âm thứ nhất như: chùa, chúa, thúy, thùy, thúi, lũy, gào, góa, bùa, của, bùi, chúa, khói, khảo, khóa, lìa, trào tráo, khéo, khỏe, khóe, chúi, thủy, và trụy, v.v.”

Ta thấy chúng “đụng đầu” với quy tắc này: “Đánh dấu các dấu thanh điệu trên âm chính: hoà, thuý, quả, khoẻ, ngoằn ngoèo”. Thật tréo cẳng ngỗng đến tức cười!
“- Trong một chữ có 2 hay 3 nguyên âm mà1 nguyên âm đã có dấu sẵn như: ă, â, ê, ô, ơ, ư, v.v. thì các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng phải đánh vào nguyên âm đó: thuế, thuấn, thuyền, thuở, uyển chuyển, chữa, suyễn, diễm, truyện, diệu, v.v. Nếu 2 nguyên đều có dấu cả như “ư và ơ” thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ hai: tướng lãnh, thường lệ, thưởng phạt, dưỡng khí, thượng lộ, v.v.
– Nếu trong một chữ chỉ có 2 nguyên âm mà trước và sau 2 nguyên âm này đều có phụ âm đơn hay kép thì các dấu phải đánh vào nguyên âm thứ hai: đoán, khoáng, khoát, khoét, toàn, khoảng, loãng, loạng choạng, v.v.

– Khi một chữ tận cùng bằng 3 nguyên âm, thì các dấu phải đánh lên nguyên âm ở giữa như: thoái thác, ngoéo cổ, cười, bải hoải, khúc khuỷu, choãi chân, hải ngoại, v.v.”

Nhận xét: Ba quy tắc này giống nhau ở chỗ đánh vào nguyên âm thứ hai cũng là nguyên âm giữa thì cần gì chia ra mà không gộp lại?

– Trường hợp “qu”: Hà Dương Tuấn trong bài “Âm tiếng Việt và chính tả” giải thích: “Nhưng nhân tiện đây cũng bàn luôn về u và i trong hai cụm ký tự gi và qu : tại sao đó lại là những trường hợp đặc biệt phải tính đến khi bỏ dấu ? Như thể đó không phải là những nguyên âm. Thực ra trong trường hợp gi thì đúng như thế, vì trong mọi trường hợp (trừ gịa trong giặt gịa) có thể thay gi bằng z. Thí dụ zấu thay cho giấu vẫn đọc thế, chẳng thấy âm i đâu cả.
Còn lại ký tự u. Nếu có thể thay qu bằng một ký tự khác (chẳng hạn k, phát âm giống qu trong tiếng Pháp) không có âm u, thì u trong qu không mang theo âm vị gì cả, nếu không phải coi nó là một bán nguyên âm.
Bảng 8 cho danh sách những chuỗi ký tự có một nguyên âm đi theo qu. Trong bảng này ta không thấy trường hợp nào có thể bỏ ký tự u khi đọc lên cũng như cũng không thể thay qu bằng k. Vậy ở đây rõ ràng phải coi u là bán nguyên âm, cũng chính là bán nguyên âm /w/. Qu của chữ việt khác hẳn qu của chữ Pháp trong đó nhiều khi không có âm /w/.” (ngonngu.net).

Theo như tác giả nói thế thì gi (giấu, giấy, giày, giếng, gió, giường… ) có thể thay bằng z (zấu, zấy, zày, zó, zường… ) vì i trong gikhông phải là nguyên âm nên đánh vần thì mất i. Nếu mượn được Z thì hay quá nhưng khổ nổi, Z lại không thể thay thế gi trong các từ:giếng, giêng bằng zếng, zêng! Nếu thay Z (không có trong bảng chữ cái tiếng Việt) tại sao chúng ta không lấy chữ cái D thay Z = Gi cho tiện? Ví dụ: dấu/zấu/giấu, dày/zày/giày, dó/zó/gió, dường/zường/giường, dấy/zấy/giấy? Nhưng lấy D thay, từ lại cùng âm mà khác nghĩa lộn xộn thêm. Ví dụ Dấu thay Giấu: vừa dấu chân, vừa cất trộm, cất kỹ cái gì đó… May thay! Tiếng Việt chúng ta không có chữ cái Z, F, J, W nên thay gi bằng z hay đổi qu bằng w (quá = wá, quả = wả, quải = wải… ) không thể thực hiện! Bảng chữ cái của “Từ điển Bách khoa Việt Nam” hay bất cứ của ông trạng, bà quan nào có thêm F, J, W, Z như tiếng Anh là sai cơ bản và mắc vào tội “chôm chĩa” nguyên âm nước người mà không xin phép! Tất nhiên, đây là những “công trình nghiên cứu” của cái đã có sẵn chứ không phải là những phát hiện mới mẻ gì nên không tránh khỏi lùng bùng!

Chúng ta nhìn dưới đây để coi thử cách truyền thống hợp lý, đẹp mắt nào trong các nguyên âm ghép với phụ âm q:
“- Qui, quy (con rùa); nội qui, nội quy; chính qui, chính quy; vu qui, vu quy; qui chế, quy chế; qui củ, quy củ; qui định, quy định; qui hàng, quy hàng; qui hồi, quy hồi; qui luật, quy luật; qui mô, quy mô; qui nạp, quy nạp; qui phục, quy phục; qui tắc, quy tắc; qui thuận, quy thuận; qui tiên, quy tiên; qui tội, quy tội; qui tụ, quy tụ; qui ước, quy ước; qui y, quy y; quí báu, quý báu; quí danh, quý danh; quí hóa, quý hóa; quí hồ, quý hồ; quí hữu, quý hữu; quí khách, quý khách; Quí Mùi, Quý Mùi; quí nhân, quý nhân; quí nữ, quý nữ; quí ông, quý ông; quí phái, quý phái; quí phi, quý phi; quí quốc, quý quốc; quí san, quý san; quí tòa, quý tòa; quí tộc, quý tộc; quí trọng, quý trọng; quí tử, quý tử; quí vật, quý vật; quí vị, quý vị; quì gối, quỳ gối; quì lạy, quỳ lạy; quỉ kế, quỷ kế; quỉ quái, quỷ quái; quỉ quyệt, quỷ quyệt; quỉ sứ, quỷ sứ; quỉ thần, quỷ thần; thủ quĩ , thủ quỹ; ngân quĩ, ngân quỹ; ký quĩ, ký quỹ; quĩ đạo, quỹ đạo; quị lụy, quỵ lụy…”

Nhận xét: Đúng là/quả là các nhà bác học ngôn ngữ chúng ta/chúng tôi đã úm ba la ú a, ú ớ! Đây là âm phụ bị các nhà ngôn ngữ gia “ép” như ép chuối khô khi cho rằng “q + u = qu” chỉ là phụ âm kép!? Từ đó, “u” nguyên âm bị “thủ tiêu”. Trong 6 nguyên âm (chưa kể dấu) không thể có nguyên âm nào bị coi là phụ hết. Vì sao? Ngày xưa, ông bà ta đánh vần như thế này: Ví dụ từ “quai”: Cu (q) u (u) a (a) qua (qua) a (a), i (i) ai (ai) là quai!, từ “qúy“: Cu (q) u (u) y (y) quy (quy) sắc qúy… Không như bây giờ: Qờ ai qai! Quải! Nếu choqu là phụ âm ghép thì gi cũng chung mồ/huyệt vì gi trong giấy đánh vần theo kiểu bây giờ là mất âm i: Gờ ấy gấy hoặc Dờ ấy gấy. Trong khi ông bà ta đánh vần: gê i ấ giấ ấ ây giây là giây sắc giấy! Chính xác từng từ một. Có dài nhưng trẻ nhỏ ít ghi sai chính tả vì từng âm một phát ra như súng lục “bụp” tới đâu… đổ máu tới đó! Sự hợt hời của nền giáo dục đã đẻ ra nạn tiến sĩ giấy. Nạn bì/bao thư đã đẻ ra “văn hóa phong bì’… Thế nhưng, cách đánh vần sau 1975 không đẻ ra cái gì mới hơn, trái/ngược lại, nó đã thủ tiêu/giết đi giá trị nguyên âm i trong gi và u trong qu chứ không phải u và i trong gi hay qu là phụ âm hay bán nguyên âm. Từ cách không chịu hiểu ngụ ý đánh vần của ông bà, các “bạch diện thư sinh” chúng ta “dài lưng tốn vải” đã “làm đẹp” nghiễn ra “cách tân cách âm” bậy bạ, tới “copy gia” khi quy định đánh âm (trọng âm nhấn) trên các nguyên âm lắm quy tắc ớn tới cổ!

Không gì đơn giản và cực kỳ ngắn gọn hơn với quy tắc cũ mà bền: Nếu thống nhất luôn cách không có ngoại lệ với ia và y thì càng tốt! Vì thật/thực ra, viết trên bảng hay trên giấy, những từ như “tía, mía, gía, lìa, qúa, qủy, qúy báu, qúy gía, qúy danh, qúy hóa, qúy hồ, qúy hữu, qúy khách, qúy phái, Qúy Mùi, qúy tộc, qúy trọng, qúy ông, qúy bà, qúy tòa, qùy lạy, qúy tử, qủy thần, thủ qũy, ngân qũy, qũy đạo, qụy lụy… ” (quy tắc cũ) thay vì “tiá miá, lià, giá, quý baú, quý danh, quý hoá, quý hữu, thủ quỹ… (quy tắc mới) mang sự cân bằng nét chữ vì đánh đánh trọng âm bằng phấn, bằng viết/bút mực hay viết chì cao hơn cách bỏ dấu của máy vi tính. Cách đánh dấu vào nguyên âm giữa là đẹp (cân bằng) và tiện (không theo nhiều quy tắc). Có thể chúng ta còn ngập ngừng chút ít nhưng sự thống nhất này, dễ chịu hơn y dài thành i ngắn. Tại sao ta phải theo cải cách chính tả ép/bắt buộc hiện hành/hiện nay/hiện tại như “dây cà, dây muống” mới được coi/cho/xem là “đúng chính tả” chứ? Chính là muốn tỏ ra có uy của người “trong tay có sẵn chức quyền”.

2. Thứ hai “độc đoán”:

Các ngài ngôn ngữ học của chúng ta nói trên đã thay thiên chức của phụ nữ mà “đẻ” ra văn bản độc đoán đất hỡi, trời ơi! Ví dụ họ quy định như sau: “Các từ tiếng Việt viết theo quy tắc chính tả hiện hành (tham khảo các từ điển chính tả), chú ý phân biệt:

c/k: ca, co, cô, cơ; ke, kê, ki.
d/gi: da, dô, dơ; gia, gio, giơ, giô.
g/gh: ga, go, gô, gơ; ghe, ghê, ghi.

Viết rời các âm tiết, không dùng dấu gạch nối”

Nghĩa là sao? Từ trước tới nay, thông thường, trừ những kẻ gọi là “nhà drăng/văn” viết bừa đụng chữ gì cũng gạch nối vớ vẩn, ai đâu điên mà đi viết với dấu gạch nối không ý nghĩa bao giờ? Quy định độc đoán: “Dùng i thay cho y ở cuối âm tiết mở. Ví dụ: hi sinh, hi vọng, biệt li. Trừ trong các âm tiết uy và các trường hợp sau qu hoặc y đứng một mình hoặc đứng đầu âm tiết. Ví dụ: ý nghĩa, ý chí, yêu mến. Một số từ có i làm thành tố thì vẫn viết theo thói quen: ỉ eo, ầm ĩ; hoặc i đứng đầu một số âm tiết: in, im, inh, ít ỏi, ụt ịt, ỉu xìu. Ngoại lệ: trong cách viết tên riêng (tên người, tên đất), tên các triều đại đã quen dùng y thì vẫn viết theo truyền thống. Ví dụ: triều Lý, Lý Bôn, Lý Thường Kiệt, xã Lý Nhân, Nguyễn Thị Lý, vv.”.

Thật là “ăn không ngồi rồi”! Thế mới nảy sinh ra ý kiến chống đối và hiện nay, nhiều người trong giới trí thức nhà nước cũng “bấm bụng” mà giơ… tứ chi biểu quyết đồng ý đổi nhưng “dạ trước mặt… “! Nếu văn bản này không “ép” người ta thi hành bằng cách đưa vào hành chính (chấm điểm), xuất bản (biên tập) và quy định thành văn bản (pháp luật)… thì chẳng có ma nào thèm đếm xỉa!

Vẫn Đoàn Xuân Kiên trong bài “Nói thêm về chữ i và y trong chính tả tiếng Việt” viết: “… mãi đến năm 1984 nhà cầm quyền Hà Nội mới ra quyết định về chính tả bằng quyết định 240/QĐ kí ngày 5.3.1984 thì phải nói đó là một quyết định đúng. Chúng tôi nghĩ rằng làm như thế là chính quyền đã phải công nhận việc làm của những người tiền phong ở miền Nam trước 1975 và những nhà tiền phong trước kia là đúng. Thế nhưng cũng rất là khôi hài nếu chúng ta biết được sự thật này: ngoài một số sách giáo khoa bậc phổ thông tiểu học và trung học, cho đến nay các trang sách báo in ở trong nước vẫn không thèm đếm xỉa gì đến nguyên tắc chính tả ghi trong Quyết Định vừa nói”. Tức là ông công nhận văn bản đổi y = i là “quyết định đúng”. Ông cũng phê phán các tay viết báo không chịu nghe… đèn giời/trời soi sáng. Thế nhưng, chẳng phải họ “tùy tiện” mà là họ nhìn thấy sự việc “trái khuấy” này nên “bằng mặt không bằng lòng” là vậy!

Chúng ta cũng thấy rằng:

– Về nguyên tắc viết hoa: Xưa nay, không ai viết thường tên người, tên nước, địa danh… trừ khi chế độ mới sau 1975 (cái gì cũng đổi cho khác trước đi cái đã rồi đến khi bị chê thì lại đổi lại như cũ) bắt học sinh viết tên đệm (thị, văn, xuân… ) phải viết thường. Ví dụ: Trần văn Tèo, Nguyễn thị chà Bá hay Nguyễn thị Chà Bá chứ không phải Trần Văn Tèo, Nguyễn Thị Chà Bá như trước 1975 và bây giờ “phục hoàn”!

– Viết hoa tùy tiện, tên gọi nhập nhằng: Ngày trước, viết: “Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Vì thế, các bản kiểm điểm, lý lịch… đều phải ghi như sau:

* Viết hoa: CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

ĐỘC LẬP – TỰ DO – HẠNH PHÚC

BẢN KIỂM ĐIỂM CÁ NHÂN

* Viết thường: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Bản kiểm điểm cá nhân

Hôm nay đổi: “Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”? Mắc gì “Cộng hòa” viết hoa từ “Cộng”, “Xã hội” viết hoa từ “Xã” mà “chủ nghĩa” lại không? Trả lời: Vì “Xã hội chủ nghĩa” phân biệt với “Xã hội tư bản” nên viết hoa đầu từ “Xã“. Nhưng nếu chúng ta viết: “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để phân biệt với: “Nước tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ” thì chỉ cần viết hoa từ “Nước” và tên nước là đủ chứ? Tại sao “quy về”, “quý vị” vẫn giữ nguyên mà “quý giá” thì đổi “quí giá“, “quy định” thành “qui định“? Bởi vì, không có nghĩa cho từ “qui về”, “qui định”, “quí vỵ”. Nồi chè đang ngọt vừa miệng bỗng không có kẻ tâm thần giở chứng điên… đạp bà bán muối vào cho thành… nước biển!

Nói chung, quy định trên do người ta thích khuấy động mặt nước hồ thu chơi mà thôi. “Trong tay có sẵn quyền – tiền, nhìn cò bảo ngỗng, ai không dám ừ!”.

– Cái bất hợp lý khác: Về chuyển y dài thành i ngắn (y = i) kéo theo bao nhiêu luật lệ phiền phức như trên và điều đại kỵ là các từ mang ký âm y = i đều không được chút giá trị nào cũng sự “thẩm mỹ”. Ta thử đọc quy định này: “Trật tự các dấu thanh điệu: không dấu, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng. Đánh dấu các dấu thanh điệu trên âm chính: hoà, thuý, quả, khoẻ, ngoằn ngoèo”. Tại sao biết âm nào chính, âm nào phụ khi cả hai cùng là nguyên âm? Căn cứ vào đâu? Như vậy, các âm o, u trong các từ trên là âm phụ hay sao? Thử bỏ chúng ra, các từ ấy có còn nghĩa hay không nhé: “hà (hòa), thý (thúy), qả (qủa), khẻ (khỏe), ngằn ngèo (ngoằn ngoèo)?”. Hiểu được… trời đánh! Còn nữa, nếu đánh dấu vào nguyên âm chính thì những từ sau đây: “cứu” hay “cưú“? Lại phải thêm quy định đánh dấu vào nguyên âm có râu, có ria! Quải! Không lẽ có thêm quy định đánh dấu thanh vào từ “không có râu”? Từ nguyên âm với phụ âm kết hợp với nhau ra câu, ra kéo chứ làm gì có chuyện nguyên âm mà có chính với phụ như cầu thủ đá banh bao giờ? Càng đi sâu vào ngôn ngữ tiếng Việt, chúng ta bị các nhà ngôn ngữ có… đẵng cấp quốc gia đai… xám này đưa vào trận bát quái bịt bùng khói cay lựu đạn! Nhìn vào cách đánh dấu thanh này, chúng ta thấy chúng cực kỳ “trái mắt, trái tai, khổ hơn ‘trái rạ’ chúng tra vô mình”! Các nhà… đại ngôn ngữ cứ lao vào ba cái quy tắc chết tiệt. Chúng ta phải chú ý nét đẹp của tiếng Việt. Dấu đánh cơ bản: hòa/hoà; thúy/thuý; qủa/quả;khỏe/khoẻ… cách nào nhìn “mát mắt” hơn, cân bằng hơn? Tại sao hôm nay, chúng ta lại đi vứt tọt chúng vào thùng rác nét thẩm mỹ này? Vóc dáng người cân đối ba phần thân thể vẫn “lọt mắt” hơn hình hài kẻ “đầu nhỏ, mình to, chân ốm o, mông phì lũ” chứ! Nếu nói theo sự cân bằng, trọng âm luật chính tả mới như hiện nay, chúng có nguy cơ làm “đổ kềnh” cụm âm tiết mất! Ông bà ta trước đây đều đánh như vậy và chẳng bị coi là “sai chính tả”. Chúng ta cuối cùng cũng bị “tẩu hỏa nhập ma” vì những hệ thống nghiên cứu lằn quằn “bán âm, nhị trùng âm, hình vị, âm tiết, âm vị, chúm môi, chu mỏ…” từ Á tận Âu nhức đầu chóng mặt mà thôi! Thế mới rên:

Tiếng Anh như gió, tiếng có tiếng không

Tiếng Việt đổi tông, chẳng thông mà… tắc tị!
Không ai đi viết: di tích thành dy tích, lí nhí thành lý nhý…

– Tại sao lại phải đổi y thành i gây lộn xộn trong hệ thống ngôn ngữ dân tộc mới cam lòng?

– Tại sao từ đổi, từ không cho trẻ học thuộc lòng đứng tròng con mắt?

– Tại sao một số từ viết theo “truyền thống” thì được “vũ như cẩn” còn một số lại phải từ “rồng hóa chép”?

Chúng ta đã từ nền giáo dục tiếng Việt với 29 chữ cái La Tinh này nên không thể vì sự ”áp đặt” mà tuân theo một cách vô ý thức. Quy tắc đánh trọng âm và chính tả từ xưa đã “cha truyền con nối”, không thể bỏ vì những quy định độc đoán với những quy tắc cũng đầy sự “ngoại lệ” trên! 3. Thứ ba “lệ làng”: Bản lựa chọn từ ngữ trong sách “Chính tả tiếng Việt” của Nguyễn Văn Khang đã dựa trên “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học: “Quy định tạm thời về chính tả trong sách giáo khoa mới” và “Cách viết phổ biến theo sách báo hiện nay” tự hệ thống những lỗ hổng như sau:

– Đưa vào hàng loạt từ tối nghĩa:

Chúng ta đọc hai loại “lựa chọn” (bên trái) và “không lựa chọn” (bên phải). Ví dụ: ăn chạc/ ăn trạc, ẩm sì/ẩm xì, bải hải/bài hải, bàn chùn/bàn trùn, bảo mệnh/bảo mạng, bạo cửa/bậu cửa, bánh giầy/bánh giày, bằng vai/bài vai, bật (bông)/bựt (bông), bù trì/bù chì, bùng nhùng/lùng nhùng (có phải là lùng bùng trong “lùng bùng lỗ tai, lùng bùng lỗ nhĩ”?), dấm dẳn/nhấm nhẳn/dấm dẳng, dậm doạ/giận doạ (phải chăng là hăm dọa?), dấn xuống nước/giấn xuống nước (phải chăng là nhấn/nhận xuống nước?), dấp (khăn)/nhấp xấp (khăn) (phải chăng là xếp/gấp khăn?), dây dướng/giây dướng, dé chân chèo/ré chân chèo, dềnh dàng/rềnh rang, dềnh dang/rênh rang (hay là cưới hỏi rình rang?), diềm bâu/dường bâu, dử (mắt)/nhử (mắt), gậy tầy/gậy tày, giang chân/chạng chân (có phải dang chân ra, dạng chân ra?), giôn giốt/nhôn nhốt, giở giói/dở dói, hấp him/hấp hem, hét lác/thét lác, huê tình/hoa tình, khoeo khư/kheo khư, lạt giang/lạt dang (có phải lạc rang – đậu phụng – đậu phộng rang?), lẵng nhẵng/lẳng nhẳng (hay là cằn nhằn, cẳn nhẳn?), lầm rầm/lầm dầm (có phải lầm bầm?), lẩu bẩu/lảu bảu, liếu điếu/lưới đưới, mâng mủ/mưng mủ (phải là mụt nưng mủ?), nấc/nức (phải là nấc cục/nức cục?), ngáng trở/ngang trở/ngãng trở (phải chăng cản trở?), nắm/núm (nắm vú/núm vú?), nguẩy (đi)/ngảy (đi), nhà có dớp/nhà có rớp, nhặm/rặm, nhệch miệng/dệch miệng (hay nhếch miệng?), nhom nhếch/nhơm nhếch, nhũn (chín)/dũn (chín), rấm chuối/dấm chuối, rậm rật/dậm dật/giậm giật, rẫy (nóng rẫy)/rãy (nóng rãy) (hay nóng nảy?), rúm/dúm (hay là co rúm/co dúm?), rẻng rẻng/riểng riểng/rủng rẻng (hay là rủng rỉnh?), rửng mỡ/dửng mở (hay trửng mỡ/quẩn mỡ?)…

Không có bên nào đáng cho ta “lựa chọn” cả.

– Hàng loạt từ “lựa chọn” (trái) không sáng sủa hơn từ “không lựa chọn” (phải):

Ví dụ: ăn rở/ăn dở, ba giăng/ba trăng (lúa), bẹp rúm/bẹp dúm, bột phát/bộc phát, dăm dấp/râm rắp, dây chun/dây thun,doành/duềnh, dõng (lính dõng)/dũng (lính dũng), đại cục/đại cuộc, gen/gien (từ này phiên âm từ “gene” tiếng Anh), gỉ (sắt)/rỉ (sắt),giá dụ/giả dụ, gian giảo/gian xảo, giàn giụa/ràn rụa, gió bắc/gió bấc, gian giảo/gian xảo, giội (nước)/dội (nước), giục giặc/dục dặc,háo khí/hiếu khí, hắt hủi/hất hủi, hoen gỉ/hoen rỉ, hói (đầu)/sói (đầu), kền kền/kên kên, khai mào/khơi mào, khảng khái/khẳng khái,khặc khừ/khật khừ, khinh quân/khi quân, khúc nhôi/khúc nôi, kích thích/khích thích, lay lắt/lây lất, lép kẹp/lép xẹp, mũ mãng/mũ mão, mủn/bủn, mung lung/mông lung, na mô/nam mô, nảy mầm/nẩy mầm, nền nếp/nề nếp, ngoáo ộp/ngáo ộp, nháp (bài)/ráp (bài),nhạt (miệng)/lạt (miệng), nhể (gai)/lể (gai), nhọ (mặt)/lọ (mặt), nhọ nhem/lọ lem, nhòm/dòm, nhơ (vết nhơ)/dơ (vết dơ), nhỡ nhàng/lỡ làng, nhuận tràng/nhuận trường, nhưng nhức/rưng rức, nhường/dường, nói nhịu/nói lịu, oạch (ngã đánh oạch)/ạch (ngã đánh ạch), sao nhãng/sao lãng/xao lãng, sáp nhập/sát nhập, sắc lẻm/sắc lẹm, sầy da/trầy da, sênh tiền/sinh tiền, siết (chặc tay)/xiết (chặc tay), táng đảm/táng đởm, tặc lưỡi/chắc lưỡi, tẹp nhẹp/tạp nhạp/tèm nhèm, thâu tóm/thu tóm, thoán đoạt/soán đoạt, thiếp mời/thiệp mời, thọt (léc)/thọc (léc)/chọc léc, thườn thượt/sườn sượt, tiết diện/thiết diện, tiêu dao/tiêu dao, tiu nguỷu/tiu ngỉu, toòng ten/tòng ten/tòn ten, tôn miếu/tông miếu, trả (chim trả)/sả (chim sả), rộp (bỏng rộp)/dộp/giộp, tâng tâng/tưng tưng, tuyệt nọc/tiệt nọc,vì nể/vị nể, xe gíp/xe díp (phiên âm từ tiếng nước ngoài “zip”)…

Từ “không lựa chọn” lại được quần chúng sử dụng nhiều hơn từ “lựa chọn“.

– Đưa hàng loạt từ quần chúng không sử dụng để vào “không lựa chọn” (trái):

Ví dụ: ảo não/áo náo, ẵm con/ãm con, ăn ghẹ/ăn kẹ, ăn rơ/ăn giơ, bông lơn/ba lơn, bù nhìn/bồ nhìn, bủn rủn/bún nhủn, bưng cơm/bâng cơm, cà khịa/khà khịa, càn khôn/kiền khôn, can trường/can tràng, chạnh lòng/trạnh lòng, còng queo/khòng queo, cướp đoạt/kiếp đoạt, da diết/gia giết, diếp cá/giấm cá, đại bàng/đại bằng, điều hòa/đều hòa, ghẹ/gạnh, lảo đảo/lểu đểu, lay ơn/la dơn, mồ côi/bồ côi, nghề nghiệp/nghệ nghiệp, nhiếc mắng/diếc mắng, phân bua/phân vua, tham quan/thăm quan, thượng tầng/thượng tằng, tráo trở/giáo dở, vịn cho chắc/bịn cho chắc, xí xóa/xuý xoá, bồ kết/bồ kếp, bông lơn/ba lơn, bù nhìn/bồ nhìn, bừng cháy/bầng cháy, dịp may/nhịp may, dùng dằng/dùng giắng, đề kháng/để kháng, gạ gẫm/ghẹ gẫm, gậy gộc/gậy gạc, ghẹ/gạnh, giả thiết/giá thiết, gié/ré lúa, giếng khơi/giếng thơi,góa chồng/hóa chồng, gùi gạo/cùi gạo, gườm gườm/gầm gầm, keo cú/keo cúi, kệch cỡm/kệch cợm, kết nghĩa/kết nghĩ, khá/khớ, khỉ đột/khỉ độc, khỉ gió/khí gió, khuân/khun, khuất (núi)/khút (núi), lảo đảo/lểu đểu, lẻn/lỏn, leo lét/leo lắt,mệnh lệnh/mịnh lịnh, ngắt (lá)/ngứt (lá), ngụm (nước)/hụm (nước), nhại/nhãi, nhanh nhẹn/lanh lẹn, nháo nhác/nháo rác (có phải dáo dác?), nhóm (lửa)/dóm (lửa), nhún (vai)/rún (vai), phiêu bạt/xiêu giạt, rảo (chân)/nhảo (chân), rón rén/nhón nhén, tạp nham/táp nham, tẩm quất/tầm quất, tẹo/téo, tham quan/thăm quan, thảng thốt/sảng sốt, thắc mắc/sắc mắc, thấm (ướt áo)/thẩm (ướt áo)…

Chẳng ai điên điên sử dụng từ bên phải “không lựa chọn” cả. Thật là hoài công, phí của!

– Hàng loạt từ đồng nghĩa bên trái bắt chúng ta phải “lựa chọn”:

Ví dụ: ái chà/ái dà, an tâm/yên tâm, án ngữ/án ngự, áp bức/áp bách, ân huệ/ơn huệ, ân nghĩa/ơn nghĩa, ẩn nấp/ẩn núp, bá láp/bá láp, bách bệnh/bá bệnh/bá bịnh, ban ơn/ban ân, bản mệnh/bổn mệnh, báng súng/bá súng, bảo bối/bửu bối, bảo vật/báu vật, báo yên/báo an, bằng cớ/bằng cứ, bậc thềm/bực thềm, bất nghĩa/bất nghì,bất nhân/bất nhơn, bâu/bu (ruồi), bênh/binh (nhau), bệnh/bịnh, bí thư/bí thơ, bình yên/bình an, bò cạp/bọ cạp, bọng đái/bóng đái, bố chánh/bố chính, bốn bể/bốn biển, bủa vây/bổ vây, búi tóc/bới tóc, day dứt/ray rứt, dâm bụt/râm bụt, dò/dọ, dù (cho)/dầu (cho), dùi mài/dồi mài, đàn/đờn, đàng hoàng/đường hoàng, đại thụ/đại thọ, đằng hắng/tằng hắng, đằng xa/đàng xa, đậu phộng/đậu phụng, đèn trời/đèn giời, đẹp trai/đẹp giai, đĩa/dĩa (xôi), đờm/đàm, đương cục/đương cuộc, đường/đàng, gạch tên/gạc tên, gảy (đàn)/khảy (đàn), gầm giường/gậm giường, ghế tựa/ghế dựa, ghềnh đá/gành đá, gia phả/gia phổ, giang mai/dương mai, giang sơn/giang san, giành giật/giành giựt, giáp lá cà/xáp lá cà, giao tiếp/giao tế, kẻng/kiểng, giễu cợt/riễu cợt (đúng hơn là diễu cợt), gợn (sóng)/dợn (sóng), gửi/gởi, gượm đã/hượm đã, hàm ơn/hàm ân, háo danh/hiếu danh, háo dâm/hiếu dâm, hằng ngày/hàng ngày, hể hả/hỉ hả, hòa/huề, hoan nghênh/hoan nghinh, hóc búa/hắc búa, học lỏm/học lóm, hộ mệnh/hộ mạng, hôn/hun, kết cục/kết cuộc, khập khiễng/khập khễnh, khiêm nhường/khiêm nhượng, khinh rẻ/khinh dể/khi dể, khổ qua/ổ qua, lăm/nhăm, lắp bắp/lặp bặp, lè (lưỡi)/thè (lưỡi), linh đơn/linh đan, mệnh/mạng, mệnh yểu/mạng yểu, mồng (một)/mùng (một), náo nức/nao nức, nát bàn/niết bàn, ngao/nghêu, nghe lỏm/nghe lóm, ngẩng đầu/ngửng đầu, nghênh/nghinh, nghìn/ngàn, nghìn thu/ngàn thu, nghìn trùng/ngàn trùng/ nghìn xưa/ngàn xưa, ngừng (lại)/ngưng (lại), nhãn tiền/nhỡn tiền, nhạt nhẽo/lạt lẽo, nhất/nhứt, nhật/nhựt, nhíp/díp (nhổ râu), nhuận (năm nhuận)/nhuần (năm nhuần), nộp/nạp, ối dào/úi dào, ống nhòm/ống dòm, phúc/phước, phượng/phụng, quả thật/quả thực, quan san/quan sơn, rân rấn/dân dấn, rết/rít, rốt cuộc/rốt cục, rớm máu/rướm máu, run rủi, dun dủi, sai sót, sơ sót, sâu róm/sâu rọm, sẹo (vết thẹo)/sẹo (vết thẹo), sinh (con)/sanh (con), sinh mệnh/sanh mệnh, sờ mó/rờ mó, sờ sẫm/rờ rẫm, sởn (tóc gáy)/rởn (tóc gáy), sứ mệnh/sứ mạng, sững (đứng sững)/sựng (đứng sựng), tanh bành/tanh banh, thật/thiệt (nói), thật ra/thực ra, thật thà/thực thà/thiệt thà, thủng (lốp)/lủng (lốp), thuổng/xuống, thì giờ/thời giờ, thiên đường/thiên đàng, tròng trành/chòng chành, tôi/tui, tột bậc/tột bực, thiếp (mời)/thiệp (mời), trở chứng/giở chứng, trưng bày/chưng bày, tuột/vuột, tướng lĩnh/tướng lãnh, uy nghiêm/oai nghiêm, vận mệnh/vận mạng, vật vờ/dật dờ, vũ trang/võ trang, vứt/vất, xà phòng/xà bông, xanh rờn/xanh dờn, xẻo (thịt)/thẻo (thịt), xoa/thoa, xúi giục/xui giục, xung quanh/chung quanh, yên giấc/an giấc, yên lành/an lành, yên lòng/an lòng, yên nghỉ/an nghỉ, yên tâm/an tâm, yên vị/an vị…

Từ đồng nghĩa ai cũng dùng, cũng hiểu. Đó là sự phong phú của tiếng Việt. Những bài viết hay đọc say, mê cũng thấy là do tác giả biết cách sử dụng nguồn từ ngữ đồng nghĩa phong phú này đưa vào trong các văn cảnh khác nhau. Ví dụ: Bắt chọn “tôi” mà không chọn“tui”. OK. Vậy còn “tớ“? (chưa nói tới từ địa phương “qua, bậu, o, mệ…”), ta đọc thử: “Sáng hôm sau tớ ra bến xe về quê sớm, dự định nghỉ ngơi vài ngày rồi đi tìm thằng bé lang thang như đã hứa với ả làm tiền. Quân tử nhất ngôn. Với lại dù sao tớ cũng đã ăn nằm với ả. Cho đến lúc này tớ có thể khẳng định ả là người đáng tin nhất mà tớ từng gặp” (Tạ Duy Anh, “Giã biệt bóng tối”).

Còn đây là “tui”: “Tui có thằng chồng thuộc loại quái đản nhứt nhì thế giới. Nghe má chồng tui kể thì hồi nhỏ thằng chồng tui cũng thuộc loại khá thông minh nhưng không hiểu sao tới lớn nó vẫn không mần ra cái trò trống gì… Nói thiệt nghen, cái thằng chồng củatui – dù trước đây có quái đản cái cỡ nào đi chăng nữa – nó vẫn là thằng có tình, có nghĩa với tui, với con tui, với nhà tui, với nhà của nó. Bây giờ, tui coi nó như là thân cổ thụ, vững chắc, che chở bóng mát cho má con tui, không phải vì nó mần ăn có đồng ra đồng vô, mà vì nó không thấy cái vòng tay nhỏ xíu của tui, cái miệng răng sún của thằng con tui, là tạm.

Cái mãng lục bình trôi sông lạc chợ hồi trước chắc nay đã rã mục ở bến bờ nào rồi chứ không rã mục ở bến bờ của má con tui” (Tuệ Tâm “Thằng chồng quái đản của tui“, datviet.com). Nếu thay cách gọi “tớ” và “tui” bằng “tôi” cho hai nhân vật quái gở mà có hồn này, giá trị “trào phúng” của hai truyện coi như… vứt!

Tại sao các nhà ngôn ngữ không chịu nghiên cứu cách dùng từ cho nghĩa câu phong phú mà lại muốn làm nghèo từ vựng tiếng mẹ đẻ?

– Chưa ngã ngủ đã vội phân liệt: “giả lả/giã lã, giông tố/dông tố, gằm mặt/gầm mặt, gặm/gậm, giáo mác/dáo mác, giãy nãy/giãy nảy/giảy nảy, giẫm đạp/dẫm đạp, giòn dã/dòn dã, giũa/dũa (móng tay, chân), xăm (mình)/xâm (mình), giông bão/dông bão, mâu thuẩn/mâu thuẫn, hổn hào/hỗn hào, sử dụng/xử dụng, xa xót/sa sót, buâng khuâng/bân khuân, băn khăn/băn khuăn, sả/xả (thịt)…

– Chưa rõ ràng: Mục A, bản chọn “an tâm” (lựa chọn) thay cho “yên tâm” (không lựa chọn) nhưng mục Y, bản chọn lại chọn “yên tâm” (lựa chọn) chứ không chọn “an tâm” (không lựa chọn). Vậy là sao? Y hệt như khi thì thúy, khi lại thuý, lúc thì hòa, hứng chí bắt thành hoà, ưng thì khỏe, không ưa thì khoẻ…? Hết biết!

– Những từ không đi chung với nhau: lát/nhát vì “lát” không thể thay thế từ “nhát” được vì những từ này đặt trong từng nhóm từ sẽ có ý nghĩa khác. Ví dụ: “Cắt từng lát. Chém từng nhát”. Không ai dùng: “Cắt từng nhát. Chém từng lát!” như vậy/như vầy: “như vậy”(quá khứ đã xong) không đi chung với “như vầy” (hiện tại đang làm). Các từ: “nhỡ nhàng, xới cơm” (từ địa phương miền Bắc) được chọn thay thế cho “lỡ làng, bới cơm” (từ địa phương miền Nam). Thế nhưng từ “lớn, trời, trầu không”… miền Nam hay dùng lại thay thế “nhớn, giời, giầu không” của miền Bắc? Từ “tí” đi với “xí” chứ không đi với “thí” nên đem vào so sánh chỉ khập khễnh ngữ nghĩa. Ví dụ: “Cho thêm tí đường/ Cho thêm xí đường”. Không ai dùng: “Cho thêm thí đường”.

– Theo cách đánh vần hiện tại (gờ i thành dờ) đã làm mất âm i trong gi nên các từ trước đây vẫn dùng bị thay đổi vô lý: Ví dụ: “thư giãn” thành “thư dãn”, “trau giồi” thành “trau dồi”, “gióng gĩa” thành “dóng dã”…

– Những từ đã thành thành ngữ hay cụm từ thì nhất định không thể bị thay thế: “tẩn mẩn, tần mần”, “trầy da tróc vẩy”, “chắc lưỡi hít hà”, “nhảy tưng tưng” “tiêu diêu cực lạc”… không thể vì các nhà “lộng ngữ” mà thành “tần mẩn, tẩn mẩn”, “sầy da tróc vẩy”, “tắc lưỡi hít hà”, “nhảy tâng tâng”, “tiêu dao cực lạc”…

– Những từ cũ, có thể thay thế: “nguyên súy, thạnh an, tầm, thiếp mời…” thay thế bằng “nguyên soái, thịnh an, tìm, thiệp mời…” nhưng bản “lựa chọn” đã đi ngược lại khi dùng “thiếp mời” nghe kỳ khôi. Nếu bắt đổi “thiệp mời” thành “thiếp mời“, vậy “thiệp cưới” có bắt thành “thiếp cưới” hay không? Nếu đổi “chánh” thành “chính” (trừ chánh án, chánh văn phòng) thì “nữ công gia chánh” hay “nữ công gia chính“? “chánh chủ khảo” hay “chính chủ khảo“? Phải tùy trường hợp mà dùng chứ!

– Những từ “lựa chọn” nhưng không rõ nghĩa: xả/sả, xệ/sệ, xông/xôm… Bản thân mỗi từ trên có nghĩa khác nhau nếu không đứng cùng văn cảnh thì chúng ta làm sao mà chọn? Ví dụ: xả trong “xả xú báp, xả xui, từ bi hỉ xả …” còn “sả” trong “lá sả, sả làm đôi, sả thịt, sả láng sáng về sớm…” hoặc “xông” trong “xông xáo, xông đất, xông hơi, xông pha…” không thể đi cùng với “xôm” trong “xôm tụ, diện cho xôm, làm cho xôm…”? Làm sao có thể đặt chúng song song rồi bắt chúng ta chọn một trong hai? Bảng chọn lựa này không khác gì uniforms (đồng phục) trong nhà trường, đoàn thể thao, nhà hát múa… ?! Cái đẹp của đồng phục cũng phải tùy thân thể con người mập ốm khác side. May sẵn đồng phục rồi phát ra bắt người ta mặc khiến cho “kẻ cao thì thiếu, người lùn thì dư! Đứa mập khóc ứ ừ ư. Đứa ốm cười ngất, coi như… quét nhà!”.

4. Thứ tư lỗi của tú gàn:

– Cá nhân: Điều thắc cười (hay mắc cười?!) là những bài viết dạy người ta học tiếng Việt để viết cho đúng chính tả lại… sai chính tả luôn:

“Mẩu Tự

A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z

A Bê Xê Đê E Ép Ghê Hắt I Chờ Ca En Lờ Em Mờ En Nờ O Pê Pi E Rờ Ét Tê Du Vi Đáo Bô Du Ích Wai Zét

Trong Mẩu tự tiếng Việt có tất cả 26 chử cái trong đó có

* 6 Nguyên âm A, O, I, E, U, và Y

* 20 Phụ âm B, C, …

Ngoài ra tiếng Việt còn có tất cả 8 dấu trên các Nguyên âm để tạo thêm nghỉa chử khác” (vi.wikibooks.org).

“Sư phụ” trên đã có 4 lỗi đúng sai chính tả cấp “mẫu giáo”: mẩu/mẫu, nghỉa/nghĩa và chử/chữ:

– Từ “Ngả” trong “dấu ngã”: Tác giả ghi dấu ngã nhưng lại viết dấu hỏi.

– Từ “mẩu” dùng trong “mẩu bánh“, “lấy mẩu”, “mẩu thuốc lá, mẩu chuyện cười, mẩu tre… ” chứ không ai dùng “mẩu” dấu hỏi trong “mẩu tự, mẩu thử, làm mẩu, mẩu mẹ, mẩu hợp đồng, mẩu đơn, mẩu biên bản bàn giao, mẩu nhà đẹp, người mẩu… ” bao giờ!

– Tập thể: Vài trang web sites quảng cáo sai chính tả: “Trường mẩu giáo Việt Nhi. Nằm trên hẻm 137 Âu Dương Lân(hẻm xe tải)rất đẹp,an ninh và sạch sẽ. Trường mẩu giáo Việt Nhi có tiếng ở quận 8,với cơ sở rộng và đẹp và rất có uy tín” hay “Nhà Trường mẩu Siemens” (wikimapia.org).

– Từ “nghỉa”: không có từ “nghỉa” dấu hỏi trong tiếng Việt. Các sách chính tả xưa và nay đều dùng từ nghĩa theo nghĩa: nghĩa của từ như “nghĩa địa” (nơi chôn cất người chết, nghĩa địa voi là nơi voi khi già tìm tới rũ ngà mà chết), nghĩa binh (những người lính thời xưa khởi nghĩa), chính nghĩa (không theo trái lương tâm)… hay việc nghĩa cần làm: nghĩa cử, trả ơn, trả nghĩa…

Sách Nguyễn Văn Khang tr 311 – 312 ghi nhiều từ nhưng đã chú thích thiếu từ “nghĩa” dùng cho tên gọi một người nào đó hay tên gọi một địa danh. Ví dụ: “Trần Hữu Nghĩa” hay thôn “Nghĩa Phong” – Quảng Trị chẳng hạn. Các cách viết sai cần tránh như: “Nghỉa trang nhà họ Tống“, “Dinh thự Nghỉa đại gia”, (wikimapia.org), “đố ai định nghỉa được tình yêu” (svkto.com)…

– Từ “chử”: dùng cho một họ như “Chử Đồng Tử“, Chử Hồng Hạnh, Chử Hồng Thu, Chử Khánh Văn; dùng cho một địa danh: “thôn Chử Xá” – Văn Đức, Văn Lâm hay phố “Long Chử” – Tây Ninh… Ngoài ra, “chử” không dùng để chỉ từ tức “chữ”.

Cách viết sai cần tránh: “chử đẹp, người đẹp” (flickr.com), “phông chử” (wordpress.com), “không học chử yêu” (ca.video.yahoo.com), “demo màu chử” (luutru.hnsv.com), “chử U” (wordpress.com), “code chử chạy” (yeudoiclub.15.forumer.com), “Song Tấu Hài: ChơiChử” (dailymotion.com), “Vần và chử cái” (nz.answers.yahoo.com)…

Có thể là các em nhỏ hoặc người nước ngoài mới học tiếng Việt nên viết sai, nếu người ở trong nước hay người Việt ở nước ngoài mà viết sai những lỗi cơ bản này thì thật đáng tiếc!

5. Thứ năm lắm kẻ biến vàng thành… ph…!

– Thành phần chống CS: Kêu gọi con cháu học tiếng Việt cho giỏi (chẳng biết giỏi như thế nào?) để mai kia, mốt nọ còn đi… chống Cộng (không phải Cọng). Viết chính tả chưa thể khẳng định là “giỏi” hoặc “dở” vì chẳng có giải thưởng dành cho người viết chính tả. Viết chính tả không dính líu gì tới chống hay không chống Cộng. Tiếng ta, ta phải học thông, viết thạo trước, mọi mục đích sau đó tính sau. Con cháu Việt Nam ta ở nước ngoài không viết được tiếng mình đã là nỗi buồn dân tộc bởi “gà không phải gà, vịt chẳng phải vịt” còn nói chi tới chính trị! Bài viết có giá trị là bài viết cái nào ra cái đó, không nên lạm dụng xỏ xiên. Làm sách chính tả cũng vậy, chúng ta không được dựa vào nhà nước để kiếm chác. Kiếm chác bằng mọi cách không lương thiện, nhồi sọ cháu con không phải cách, chúng ta tự bầm nát lương tâm mình!

– Thành phần “cháu ngoan Bác Hồ”: Kêu gọi viết đúng chính tả vì… Bác Hồ từng dạy giữ gìn tiếng Việt trong sáng!? Thấy mà thương… hại! Nhìn lại những năm tiếng Việt “trong sáng” đến độ những nhà cầm đầu muốn đẩy Hán – Việt ra khỏi ngôn ngữ tiếng Việt. Vì thế một thời học Bác: chiến sĩ nam nữ biến thành “chiến sĩ gái, chiến sĩ trai” thấy hãi hùng. Có ai dám cãi? Kêu gọi giữ gìn tiếng Việt trong sáng mà thơ Bác Hồ của chúng ta toàn bằng chữ Hán? Cuộc “thi thơ lục bát” ở Việt Nam là điển hình: Những kẻ kiếm chác bằng chất xám người khác nếu không nói là a dua, nịnh nọt chấm bài “Nguyên tiêu” bốn câu, bảy chữ bằng tiếng Hán của Hồ Chí Minh đứng nhất qua bài dịch lục bát trật đường rầy của Xuân Thủy khiến cho “Hèn đại nhân đắc chí, quân tử khí bất bình”! Nếu nói về tự hào tiếng Việt, các “cháu ngoan” phải nhắc tới vua Quang Trung trước. Chính vị vua anh hùng này đã dùng chữ Nôm thay chữ Hán sau khi lên ngôi năm 1788. “Sùng chính viện” được ông cho mở để dịch sách Hán ra Nôm năm 1791 là bằng chứng lòng tự cường, tự chủ của dân tộc ta thời bấy giờ. Thời Pháp thuộc, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của… là những người có công trong việc truyền bá chữ quốc ngữ bây giờ trong quần chúng bằng các sáng tác. Trước đó, thế kỷ XVI – XVIII tức thời điểm 1621 đến 1867, công lớn nhất phải được tính đó là sự truyền đạo của giáo sĩ Tây phương và giám mục Alexandre de Rhodes đã hình thành mẫu tự tiếng Việt với bảng chữ cái La Tinh ngày nay. Ông bà ta xưa nay đã dạy “Ăn qủa nhớ kẻ trồng cây” hay “Ăn cây nào rào cây đó” mới có mà ăn.

– Thành phần “ngựa non háu đá” ở các diễn dàn: Nhìn thoáng qua, chúng ta không khỏi giật mình: Hầu như các diễn đàn mà ban điều hành tuổi 25 – 30 đều “lên gân bà, vặn cốt ông” cùng một giọng điệu “hùng hồn” nhưng “hống hách” như những bí thư chi đoàn “bonsevic” ngày xưa: “Diễn đàn Olympia cấm tất cả các bài viết có những lỗi chính tả tiếng Việt, gồm các trường hợp sau:
– Dùng ngôn ngữ chat, cố tình sửa từ ngữ tiếng Việt, ví dụ: rùi, hok, thui, roài, bít, j, nì,…
– Dùng tiếng địa phương có lỗi chính tả, ví dụ nhầm lẫn chữ “l” (phát âm đúng: “lờ”) và “n” (phát âm đúng: “nờ”).
– Viết tắt những từ hoặc cụm từ không được sử dụng trong ngôn ngữ chính thống, ví dụ: KO (không), DC (được), NG (người)…
– Viết tiếng Việt không dấu.
– Viết hoa cả câu. Tiêu đề bài viết nếu toàn chữ in hoa cũng là vi phạm.
– Đầu câu không viết hoa. Tiêu đề bài viết không mở đầu bằng chữ hoa cũng là vi phạm.
Tất cả các bài viết ở khu vực công cộng có bất kỳ lỗi chính tả nào thuộc về các mô tả này, đều sẽ bị xóa ngay, không cần giải thích”(olympiavn.org). Một web site khác sau khi đăng quy định đỏ chét như trên có viết: “Các em thử hình dung xem, 1 bài luận văn tốt nghiệp của bọn em được đánh văn bản và in ra, trong đó các từ “không” được thay thế bởi từ “không” sẽ như thế nào ? Đúng là nó không ảnh hưởng gì tới nội dung thật, nhưng như vậy liệu có ai trong số những người ở đây viết sách hoặc viết luận án đã dùng từ “không” để cho độc giả đọc chưa ?” Nguyễn Minh Lâm ADMIN. Thành viên Nguyễn Vĩnh Cẩm Anh OLYMPIAN trả lời: “Em có vào forum để viết luận án hay làm luận văn gì đâu anh… nhưng dù sao thì em cũng vẫn phải nói thẳng là forum mình nghiêm một cách hơi thái quá thì phải”. “Thuốc đắng dã tật, anh sẵn sàng xóa những bài viết sai trong giai đoạn này, để những năm sau không còn phải bận tâm về những lỗi sai ấy nữa”. “Ah thì chắc năm sau sẽ không còn bài để anh bận tâm nữa đâu. Cũng như anh/chị KXOR, chúc anh dok thành công với những luật lệ quy định đã được phân tích kỹ lương, chúc anh cứ tự tin vào sự phân tích cá nhân của mình ! gud luk (chưa có quy định cụ thể về tiếng nước ngoài nhá ”.

Phản ứng của thành viên này thật có ý nghĩa vì cái câu “Tất cả các bài viết ở khu vực công cộng có bất kỳ lỗi chính tả nào thuộc về các mô tả này, đều sẽ bị xóa ngay, không cần giải thích“. Đó là nội quy “đao to búa lớn” đánh vào các thành viên ở các web sites: chuyenhungyen.org, chuyenhanam.net, tranhungdao-nd.net, olympiavn.org… Điểm đặc biệt là các diễn đàn khác chủ nhân nhưng cùng chung một nội quy cấm hãi hùng “đỏ chét” như trên. Phải chăng thế hệ trẻ nước nhà cùng chung chí hướng!? Vậy thì hay quá! Hãy chờ đợi thế hệ trẻ chúng ta sử dụng đúng chính tả tiếng Việt mà đánh giặc cứu nước ra trò hay xây dựng đất nước ra… tro!? Nếu bài viết “sai chính tả” theo hiện nay bắt buộc phải “xóa hết“, sách “sai chính tả” phải nghiền thành bột, vứt sọt rác, đốt hết thì các cửa hàng, thư viện sách sẽ trống không và người Việt chỉ dùng ngôn ngữ nói với động từ “tu quơ” là hay nhất! Văn minh người ngoài hành tinh cũng không sánh bằng!

– Thành phần sờ vòi “mục hạ vô nhân” :Vớ được “Từ điển tiếng Việt” cùng “Quy định tạm thời về chính tả…” có giá trị “quyền lực” là các ông bà có chút bằng cấp dán trên ngực ôm vào lòng làm “kim chỉ nam” để soi mói vào bài, vào sách người khác về chính tả. “…xin tác giả xyz chú ý lỗi … chính tả, làm giảm bớt giá trị các sáng tác của xyz. Chân tình” . Tức là người hùng trên bục giảng này muốn “phơi áo” xyz ra cho cả thế giới biết họ “dốt” chính tả ngoại hạng chứ “chân tình” cái nổi gì! Tư tưởng “nhà nước đi trước, trí thức bước theo sau” chứ không phải cái đầu trí tuệ, đã thành luật lệ “hèn đại nhân”! Đôi khi, chúng ta đánh máy hay viết cũng trật vài ba từ chính tả vì chúng ta sơ ý thôi. Ví dụ như: “vui vẻ” thành “vui vẽ”, “chú rể” thành “chú rễ”, “mâu thuẫn” thành “mâu thuẩn”, nhẫn cưới” thành “nhẩn cưới”… là chuyện thường nhưng không phải chúng ta sai suốt một bài. Những kẻ múa chữ không qua tờ giấy học này cứ thấy cái sai sót đó lập tức “chột lấy” mà “gáy” lên như thằng mù bắt được chẫu chàng! Những kẻ múa chữ trên giảng đường ấy với cái gọi là “công trình nghiên cứu” không bằng người khác viết… ráng mà cũng bày đặt:

Trạm xá mà ghét nhà thương

Chê người mà chẳng soi gương ngắm mình!

Không chịu động não! Chẳng siêng đọc sách! Dựa thời núp nách. Đó là nguyên do mà trước có Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, sau người thời nay gắn cho họ là “tiến sĩ giấy”! Qủa không sai!

– Thành phần “nhắc nhở con dân”: Những kẻ “vì mình hiến thân” bằng bốn câu thơ dự thi lục bát “Ngàn năm thương nhớ” 2009:

Giữ trong tiếng Việt

Chữ không mang dấu buông tuồng

Viết sai chính tả văn chương lạc dòng

Giữa thời văn hoá a còng

Giữ trong tiếng Việt khó không hở mình!

(Vũ Quang Tần, chùm thơ dự thi số 50)

Thật tội nghiệp!

Một vài bài viết nước ngoài chê đến mạ lỵ các ông bà “tiến sĩ, giáo sư” trong nước cũng như ngoài nước viết sai chính tả cũng là “chê bậy” luôn. Đâu phải tiến sĩ, giáo sư nào cũng “giấy”! Chúng ta chỉ nên nhã nhặn góp ý là được rồi. Ai mà chẳng có lúc sai. Chúng ta ngoài chuẩn mực cơ bản chính tả theo ông bà, chưa có chuẩn mực chính tả nào khá hơn, giàu tiếng Việt hơn để thay thế. Thế nhưng, tiêu đề bài bằng chữ in hoa mà cũng “sai”, cũng “nghiêm cấm” thì ôi thôi như thời Tự Đức “cấm quần không đáy, người ta hãi hùng“!

– Thành phẩn dành “tác quyền”: “Bàn luận về quy ước chính tả tại TTCN. Hiện nay, với sự tiến bộ của CNTT, rất nhiều nội dung được xuất bản trực tuyến một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, cùng với việc chưa có các công cụ kiểm lỗi chính tả tiếng Việt, các nội dung đăng trên mạng mỗi người viết một kiểu, kể cả báo điện tử. Để “giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt”, TTCN có đặt ra các quy ước chính tả cho riêng mình.

Viết “i” hay “y” Để tránh phức tạp, TTCN quy ước rất đơn giản, sau phụ âm viết “i”, sau nguyên âm hay bán nguyên âm viết “y”. Cụ thể viết đúng sẽ là : tỉ phú, một tỉ, vật lí, nước Mĩ, quy ước, yêu quý…

và Y

Trừ tên riêng, cách dùng hai chữ i-ngắn và y-dài như sau.

1. Dùng i-ngắn với các phụ âm H-, K-, L-, M-, T-.

2. Dùng y-dài cho từ Hán-Việt với âm này đứng riêng lẻ.

3. Dùng i-ngắn cho từ thuần Việt với âm này đứng riêng lẻ.

(cse.hcmut.edu.vn)

+ Ngẫm nghĩ tức cười: Chưa chi mà đã giành nhau “bản quyền”! “TTCN có đặt ra các quy ước chính tả cho riêng mình” nghĩa là “chính tả tiếng Việt cũng phải theo “lệ làng” ư? Nếu không, TTCN dám cho đó là của mình mà tự đặt quy ước riêng? Ôi chao! Bởi vì không ai không nhận mình đã “phát minh” ra luật chính tả cả. Thử điểm qua như “điểm huyệt’: Ngay cả những sách, giáo trình của các ông bà trong tới ngoài nước: Nguyễn Văn Khang, Nguyễn Trọng Báu, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Xô, Đoàn Xuân Kiên, Hà Dương Tuấn, Ngô Thanh Nhàn, Phạm Kim Thư, Phan Ngọc, James Đỗ, Nguyễn Hoàng, Lê Trung Hoa, Nguyễn Ngọc Giao, Nguyễn Phú Phong… với tập thể chủ biên như Hoàng Phê, Bùi Minh Toán, Phạm Hùng và cả nghiên cứu tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam có chỗ nào khác, chỗ nào giống về quy ước, quy tắc trong các sách chính tả hiện nay? Tại sao cùng nội dung mà lắm tác giả? Tại sao khác nhau mà cùng xuất bản cho người ta học? Sách chính tả hiện nay, quy tắc cơ bản được coi là đúng đã hết 90% từ cha ông. Có gì mà “sáng tạo, sáng kiến” của cá nhân, tập thể nào? Vậy, cá nhân, tập thể nào là “tác quyền” của quy định chính tả tiếng Việt?

Ở nước ta, hiện tượng “làm cho lấy có”, “đổi cho có khác”, “nhát cho tới xỉu” rồi… thăng là hiện tượng đại trà rồi. Sau 1975, tên gọi trường theo cấp độ đã được chế độ mới “xóa sổ” bằng: Trường phổ thông cơ sở cấp I thay cho Trường Tiểu Học, Trường phổ thông cơ sở cấp II thay cho Trường Trung Học đệ nhất cấp. Trường phổ thông cấp III thay cho Trường Trung Học đệ nhị cấp. Kết qủa: Phải “trả lại tên cho em” chỉ không dùng “đệ nhất, đệ nhị cấp” thôi. Thậm chí Trường Phổ Thông Trung Học XYZ xài mòn nước sơn lại chuyển thành Trường Trung Học Phổ Thông XYZ. Bản chữ cái A, B, C trước 1975 là A, Bê, Xê (cê). Sau 1975, chúng bị chuyển thành A, Bờ, Cờ (Kờ). Thế nhưng, trước sau gì, chúng cũng phải được trả lại những gì thuộc về nguyên thủy và thời gian.

Không có ngoại lệ cho trường hợp nào với hai từ “thay thế“: Trong thể thao, muốn thay cầu thủ, vận động viên chính, huấn luyện viên phải có cầu thủ, vận động viên khác thế đúng chức năng của cầu thủ, vận động viên đó. Không thể cho cầu thủ đánh bóng chày vào… bắt “goal” hay làm “tiền đạo” được. Ví dụ mùa bóng “Confederations Cup 2009“, tiền vệ Anderson được HLV Dunga (Brazil) cho thay thế Kleberson bị chấn thương. Trong ngành y: Bệnh nhân muốn thay lục phủ ngũ tạng hư cũng phải chờ có người hiến tặng hay mua từ người khác. Cho hay mua cũng phải có sự hiểu biết y học nữa chứ. Ví dụ: Dưới 20 và trên 55 tuổi không được cho gan và trên 60 không được cho thận. Tức là nhóm máu, tốt xấu của tuổi tác sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ các bộ phận. Cho mà loại dỏm, xấu thì chỉ tổ làm chết người ta cho mau. Muốn thay triều, đổi chúa cũng vậy. Trước khi thay, cần có nhân sự, quân sự, vật lực… Nếu thứ thay chẳng hay hơn thứ trước, thay làm gì? Xây dựng công trình cũng thế! Một con sông xây 6 cây cầu làm gì? Hầm xây xong thành hồ bơi. Cầu xây xong, chỉ thả diều hay sáng xong, chiều sập. Khu du lịch xây một nửa, bỏ phơi gan cùng tuế nguyệt một nửa. Lấp ruộng cày của dân để xây đô thị nhưng dân chưa lấy được tiền bồi thường, ruộng mất, nhà tan đô thị hạng sang vẫn còn đang chờ… chỉ thị! Xong game! Game over! Vậy, chính tả hôm nay quy định tạm thời, ngày mai quy định chính thức, ngày mốt chỉnh lý, sửa sai cũng khác gì sách giáo khoa cải tới cải lui mệt cho giáo viên đứng lớp và học sinh cách gì!

III. Kết:

1. Điều gì nên làm?

Chính tả tiếng Việt lắm cái cần bàn, lắm cơm nhiều sạn. Người ở Việt Nam phải theo quy tắc của Việt Nam, nếu không sẽ bị phiền hà.

– Người Việt nước ngoài trong ngành giáo dục dạy tiếng Việt cho trẻ em hay người nước ngoài học tiếng Việt cũng phải nên dùng cái đầu mình suy xét nên thay y dài thành i ngắn hay không? Dạy theo kiểu nào dễ hiểu, dễ nhớ? A, Bê, Cê hay A, Bờ Cờ? Khi dạy, giáo viên cần nhất là cách đánh vần như thế nào để khỏi mất đi những nguyên âm i và u trong qu và gi. Giáo viên cũng nên chú ý tới giá trị thẩm mỹ của từng từ và nhất là các từ đồng nghĩa mang tính chất địa phương phải được giữ gìn. Không mang vào tính chất chính trị trong sự giảng dạy tiếng Việt trong sáng cho con em.

– Ở trong nước, các nhà ngôn ngữ nên thống nhất chỉ có một cuốn “Từ Điển Chính Tả Tiếng Việt” mà thôi. Công trình nghiên cứu nào cũng phải có sự kế thừa và phát triển. Các phần nào, chúng ta kế thừa, cần ghi rõ nguồn tham khảo nếu không muốn bị coi là kẻ “mượn đồ quên trả”. Phần nào chúng ta phát triển, chúng ta ghi rõ của chúng ta đã thật sự là “công trình nghiên cứu”. Cái cần nhất là các nhà ngôn ngữ học nên chịu khó bỏ thời gian ngồi “bịa” ra mà dùng thời gian đó đi vào dân gian, đọc tác phẩm để tìm hiểu lời ăn tiếng nói của 3 miền khác nhau như thế nào rồi mới lên “bảng phong thần” từ nào được dùng, từ nào nên bỏ. Các ngài cũng cần đọc sách cho nhiều mới tìm ra được sự phong phú từ ngữ của các tác giả để kết luận hay rút ra quy tắc chính tả. Không làm được như thế, sách chính tả của các ngài hiện nay, nếu không có “nhà nước” dán cho con tem, đóng mộc đỏ chét theo kiểu áp đặt thì chúng chỉ còn là đống giấy lộn vì 2/3 chép của nhau từ ông bà 9 (ai cũng biết) và 1/3 bịa ra (ai cũng không dùng) cho dày sách mà thôi!

– Chúng ta không cần quan tâm nhiều đến từ Hán Việt đang chiếm 60 – 70% trong tiếng Việt. Chúng đã nhập vào tiếng ta, chúng chịu ở với tiếng ta, chúng ta coi như chúng là bạn bè rồi. Không có các bạn bè đó, tiếng Việt của chúng ta mất đi sự tao nhã, trang trọng và lịch sự trong mọi giao tiếp bằng tiếng nói cũng như chữ viết. Cái mà chúng ta quan tâm chính là cách sử dụng từ ngữ đồng nghĩa và dấu hỏi ngã chứ không phải đổi y dài thành i ngắn nữa! Cải cách vô bổ này, chúng ta không cần phải theo!

2. Quy tắc chính tả ngắn gọn nhất:

Cách đánh dấu trên nguyên âm:

+ Nếu từ có một hay hai nguyên âm trơn mà cần dấu, ta đánh vào nguyên âm thứ nhất: tí tách, lúy túy; thì thầm, thúy (tên); tị nạn, tận tụy; hò hét, hòa bình; bí mật, bùi ngùi…

Ngoại lệ với từ có ia: “gía” khó đổi vì “giá” đã quen mắt.

+ Nếu từ có hai nguyên âm mà chúng “đội mũ, mang râu”, chúng ta cứ nhấn vào nguyên âm thứ hai: tưởng niệm, niềng răng, thường niên, thiển cận, tưởng thưởng, cường dương, đường cái…

+ Nếu từ có ba nguyên âm, ta đánh vào nguyên âm thứ hai tức nguyên âm giữa của cả từ: khoảng giữa, mài giũa, tiểu nhân, tiếu lâm, đi tiểu, quấy nhiễu, ngoại bang, chuối sứ, thiếu nữ, kiểu cách, ngoằn ngoèo…

+ Ngoại lệ: Gặp nguyên âm ba có y, hay ươ ta đánh dấu nhấn vào nguyên âm thứ ba là xong: chuyền tay, thuyên chuyển, huyền thoại, giường chiếu…

Chúng ta không cần học thuộc lòng vì khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ và thao tác cân bằng dấu trong tiếng Việt từ cha ông đã dạy tự ngàn xưa sẽ giúp ta nhấn trọng âm đúng mà không cần đến sách chính tả dư thừa “đốt nhà”. Thói quen cần thiết này sẽ tự nhiên giúp chúng ta bỏ dấu ngon lành. Trường hợp ươ rất ít gặp nên chúng ta không lo ngại đánh sai.

Chú ý những dấu nhấn trong những từ này đều đứng trên nguyên tắc “thẩm mỹ từ” tức “cân bằng dấu“.

3. Chú ý:

– Nguyên âm Y, y không đi sau các phụ âm trừ phụ âm t (ty, tý, tỵ, tỷ…), m (mỹ, mỵ, my), h (hy, hỷ, hý), l (ly, lý, lỵ), k (kỵ, ký, kỹ, kỷ, kỳ). Không tính tên người như th (thy), v (vy, vỹ). Nguyên âm Y, y (Hán – Việt) có thể đứng một mình để chỉ ngôi thứ ba số ít (y – 伊:hắn, thị) và y: nghề thuốc.

– Những từ có thể dùng với nghĩa tương đương (synonyms): nhất/nhứt, thật/thiệt, tôi/tui, ví dụ/thí dụ, an tâm/yên tâm, ân nghĩa/ơn nghĩa, ẩn nấp/ẩn núp, bốn bể/bốn biển, cạc/kệch, cài/gài, chẳng ai/chả ai, chặn/chận, chẳng lẽ/chẵng nhẽ, chơ vơ/trơ vơ, chui/chun, chứ/chớ, cơn giông/cơn dông, cúng bái/cúng vái, cứng cáp/cứng cát, dù cho/dầu cho, đàn/đờn, dĩa/đĩa, gạch tên/gạc tên, giang sơn/giang san, dò/dọ, lanh lợi/linh lợi, lĩnh tiền/lãnh tiền, lòng đỏ/tròng đỏ, lơ đãng/lơ đễnh, lơ thơ/lưa thưa, lởn vởn/lẩn quẩn, lừa gạt/lường gạt, màn/mùng, mặc dầu/mặc dù, ngạt/ngộp, ngắt/rứt, nghiện/nghiền, nghìn thu/ngàn thu, nhại tiếng/nhái tiếng, nhanh nhẹn/lanh lẹn, nhạt/lạt, mắng/nhiếc, phước/phúc, rờ/sờ, sâu rọm/sâu róm, sinh/sanh, tanh bành/tanh banh, thu tóm/thâu tóm, thiên đường/thiên đàng, hôi thúi/ hôi thối, trở chứng/giở chứng, xung quanh/chung quanh, yên nghỉ/an nghỉ…

– Những từ địa phương không thể bỏ: trời/giời, lớn/nhớn, cỏ tranh/cỏ gianh, hoa nhài/hoa lài, nhặt lá/lặt lá, nhem nhuốc/lem luốc, nhọ nhem/lọ lem, nhơ bẩn/dơ bẩn, ối chao/úi chao, thật/thiệt, trai/giai, trải/giải, trăng/giăng, trộ/chộ, chúng mày/chúng bây, kia/tê, sao/răng, qua/tui-tôi, bậu/cô-em…,

– Những lỗi chính tả thường gặp: sử dụng # xử dụng, đường sá # đường xá, xử lý # sử lý, mất mát # mất mác (vì cùng phụ âm t cho dễ nhớ), xót xa # sót sa, se sắt # xe xắc # xe sắc, sa sả # xa xả, sồn sồn # xồn xồn, mày # mầy, màu # mầu, phép nhiệm mầu # phép nhiệm màu…

Thống nhất chính tả là một điều cần thiết nhưng thống nhất kiểu qúa nhiều quy tắc thành vô bổ. Nói gì thì nói, đổi gì thì đổi nhưng ký tự Y (y) là một trong 6 nguyên âm chuẩn của tiếng Việt không thể đổi như Công văn số 4: 1635/VPCP-KG ngày 27 tháng 4 năm 2000 quy định trên toàn quốc đã đổi.

– Các từ: Hoa Kỳ, Hy Lạp, Lý luận, Địa lý, Sử ký, Lý luận, hy vọng, biệt ly, Kỷ Tỵ, kỹ thuật, thế kỷ, cách ly, kinh kỳ, hợp lý, Quy Nhơn, qúy báu, bất hợp lý, tình yêu… không thể đổi thành Hoa Kì, Hi Lạp, Lí luận, Địa lí, Sử kí, hi vọng, biệt li, Kỉ tị, kĩ thuật, thế kỉ, cách li, kinh kì, hợp lí, Qui Nhơn, qúi báu, bất hợp lí, tình iêu…

Vì sao? Tìm hiểu riêng một từ y dài thành i ngắn sau: từ “Mỹ – mỹ” đã bị chuyển đổi thành “Mĩ – mĩ” xem có hợp lý không:

– Dựa vào Từ điển Trung Việt và Từ điển Trần Văn Kiệm:

+ Từ “mĩ” tìm thấy với các nghĩa: Ðẹp: Chân, Hảo, Mĩ; Mĩ dung (sửa sắc đẹp) – Tốt, ngon: Mĩ vị; Bồ đào mĩ tửu – Như ý: Mĩ mãn – Tên hoa dong: Mĩ nhân tiêu (canna) – Hai châu giữa Thái bình dương và Ðại tây dương: Bắc Mĩ; Nam Mĩ; Mĩ châu báo (jaguar); Mĩ châu sư (puma) – Tên riêng Hoa kì: Mĩ quốc; Mĩ nguyên (đồng đô la) – Cụm từ: Mĩ tư tư (chấm thuỷ) (đắc chí) – Phiên âm: Mĩ lạp ni tây á (Melanisia); Mĩ lợi nô (Cừu Merino).

+ Từ “mỹ”: Không tìm thấy.

– Từ điển Việt Hán:

+ Từ “mĩ”: Không tìm thấy

+ Từ “mỹ”: 美, 美丽 : Đẹp.

– Từ điển chữ Nôm:

+ Từ “mĩ”: Không tìm thấy.

+ Từ “mỹ”: Mỹ > mĩ thuật nhưng tra về chữ (tự) thì chúng cùng bộ “Phi – 非“ 8 nét.

– Từ điển Hán – Việt Thiều Chửu:

+ Từ “mĩ”: 靡: lướt theo

Nhân thế nó đi mà lướt theo, như: tòng phong nhi mĩ 從風而靡 – theo gió mà lướt; phong mĩ nhất thời 風靡一時 – như gió tràn lướt cả một đời (nói nghĩa bóng là phong trào cuốn đi, thảy đều lướt theo); Mĩ : 鎂 镁 một vật mỏ, chất nhẹ sắc trắng, khi đốt phát ánh sáng rất mạnh (Magnesium, Mg).

Trong khi đó, chữ “Mỹ, mỹ” có kết qủa ngược lại. Khi tra âm Hán – Việt trong sách Đào Duy Anh và Thiều Chửu, chúng ta được một “liên bang” từ Mỹ như sau:

+ mỹ: 美

(1): đẹp, cái gì có vẻ đẹp khiến cho mình lấy làm thích đều gọi là mỹ, như: mỹ thuật 美術 .

(2): khen ngợi, như: mỹ Thiệu bá 美召伯 khen ông Thiệu Bá.

(3): nước Mỹ (Mỹ lợi kiên).

(4): châu Mỹ (Mỹ lợi gia).

mỹ: Ðt: Xem chữ Mỹ và Hoa kỳ. Bt: Ðẹp, khen ngợi; mỹ âm: Dt: 1. Tiếng tốt, giọng hay 2. Nghĩa rộng: Âm nhạc khiêu dâm, mỹ cảm: Dt: 1. Cảm giác về cái đẹp 2. Cũng gọi thiện cảm, cảm tình đẹp đẽ; mỹ cảnh: Dt: Cảnh đẹp; mỹ chất: Dt: Tính chất đẹp; mỹ chính: Dt: Chính trị tốt; mỹ diệm: Dt: Sắc đẹp; mỹ dục; Dt: Sự dạy mỹ thuật; mỹ dung; Dt: Dáng mạo đẹp đẽ; mỹ dung thuật: Dt:Cách trau dồi sắc đẹp; mỹ dung viện: Dt: Xem chữ Mỹ viện; mỹ đàm: Dt: Câu chuyện thú vị; mỹ đức: Dt: Ðức tốt; mỹ hảo: Tt: Tốt đẹp (dáng ngoài đẹp, tính chất tốt); mỹ hóa: Dt: Làm cho ra tốt đẹp Ðt: Trở thành người Mỹ, ra vẻ người Mỹ; mỹ học: Ðt: Môn học nghiên cứu cái đẹp; mỹ kim: Dt: Ðơn vị tiền tệ nước Mỹ; mỹ lệ: Tt: Xinh đẹp; mỹ mãn: Tt: Tốt đẹp đầy đủ; mỹ mạo: Dt: Dáng dấp đẹp đẽ; mỹ miều: Tt: Như tiếng Mỹ lệ; mỹ mục: Dt: Cặp mắt đẹp; mỹ nghệ; Dt: Nghề chế tạo đồ đẹp để chưng diện; mỹ nhân; Dt:Người đẹp (đàn bà đẹp), mỹ nhân kế: Dt: Kế dùng sắc đẹp đàn bà mê hoặc người để giết, bắt hay lợi dụng; mỹ nữ: Dt: Gái đẹp; mỹ quan: Tt: Ðẹp mắt; mỹ sắc: Dt: Sắc đẹp, sắc đẹp đàn bà; mỹ tác: Dt: Công trình đặt để hay, đẹp (tác phẩm nghệ thuật); mỹ tài: Dt:Tài năng cao rộng; mỹ thuật: Dt: Miếng nghề khéo léo như: vẽ, nặn tượng, sơn mài v.v… Tt: Khéo, đẹp theo khoa thẩm mỹ; mỹ tình: Dt: Tình cảm do thấy cái đẹp hay cái xấu mà có; mỹ tú: Dt: Dáng dấp tốt đẹp; mỹ tục: Dt: Phong tục tốt; mỹ từ pháp: Dt:Cũng gọi từ hoa, những cách dùng lời nói diễn đạt ý tứ cách tài tình, linh động và bóng bảy; mỹ tử: Dt: Người trai đẹp, đáng yêu; mỹ tửu: Dt: Rượu ngon; mỹ văn: Dt: Văn chương hoa mỹ (gồm thi, ca, mỹ từ pháp v.v…); mỹ vị: Dt: Ðồ ăn ngon; mỹ viện: Dt: Cũng gọi mỹ dung viện, nơi trau dồi sắc đẹp cho người; mỹ xảo: Tt: Khéo léo đẹp đẽ; mỹ ý: Dt: Ý tốt, ý đẹp.

Nhận xét và kết luận:

+ Từ “Mỹ” với y dài có nghĩa riêng là một danh từ chỉ nước Mỹ – không phải nước Mĩ. Nó là một từ Hán – Việt chứ không phải từ thuần Việt.

+ Từ “mĩ” với i ngắn cũng là từ Hán – Việt có nghĩa là “đẹp” nhưng từ này bắt buộc phải kết hợp với một từ khác thành cặp từ mới có ý nghĩa như trên. Loại ghép từ này hầu như các từ điển đều không sử dụng rộng rãi.

Kết qủa thử nghiệm:

+ Từ “Mỹ” viết hoa với y dài đứng một mình đã đầy đủ ý nghĩa là nước Hoa Kỳ: nước Mỹ, nhân dân Mỹ… Không thể dùng nước mĩ, nhân dân mĩ.

+ Từ “mỹ” y dài không viết hoa, không thể đứng một mình.

+ Từ “Mĩ” i ngắn không được dùng cho nước Hoa Kỳ vì không phải là từ Hán – Việt và nó không có trong tự điển với nghĩa nước Mỹ như đã thấy ở trên (trừ từ điển Trần Văn Kiệm dùng từ Mĩ cho “Mĩ quốc là Hoa Kỳ).

+ Từ “mĩ” i ngắn không viết hoa không thể đứng độc lập mà có nghĩa. Nó có thể đứng một mình đầy đủ ý nghĩa nhưng là nghĩa khác (lướt nhẹ) như trên.

Suy ra: Căn cứ vào các sách tự điển Hán Việt và từ Nôm, nếu chúng ta chuyển đổi âm y dài thành i ngắn là chúng ta đánh mất gía trị “thẩm mỹ” của một từ và đồng thời, chúng ta làm cái việc coi thường tiền nhân khi… quăng luôn tất cả những cuốn tự điển của cha ông ta đã thành “chuẩn mực” vào thùng rác? Điều này có lợi cho ai? Chúng ta đủ “công lực” và “nội lực” làm điều xằng ấy sao? Chúng ta tự suy nghĩ lấy để sau này khỏi phải làm công chuyện “trả lại tên cho em” như chúng ta từng làm trên lĩnh vực từ địa thế, văn hóa đến giáo dục… hàng chục năm qua tốn tiền, tốn bạc, phí công, phí sức vẫn chỉ là “dã tràng xe cát” và “mèo hoàn miêu” mà thôi!

Ngoài ra, mọi thứ “dây nhợ, dây má, thêm hành thêm tỏi” chẳng lợi ích gì thêm cho chúng ta khi viết lách và không khéo sinh những kẻ “níu áo ăn theo, đứng đỉnh đèo chê núi thấp”! Nay sửa cái này, mai đổi thứ kia, đó chỉ là một cách sửa đổi “rửa tiền” nhân dân. Bởi vì, các ngài ăn lương nhà nước mỗi tháng nhưng khi làm một công trình gì đó lại được hưởng khoản lợi tức to như núi nhét vào túi mà chẳng nghĩ gì đến ngày mai “mèo lại hoàn mèo”, “lá rụng về cội”. Bao nhiêu của cải – gia tài văn học nghệ thuật bị “niêm phong”, cuối cùng vẫn phải mở ra vì lịch sử đã chứng minh “tính thời gian” của những thứ bị lá bùa “niêm phong” này! Thế mà, tầng lớp trí thức mặc áo da vẫn chưa sáng tròng con mắt ra. Vậy thì “thà đui mà giữ đạo nhà” như cụ Đồ Chiểu để muôn đời còn kính phục, có hơn không!

Ta thà chịu tiếng “ngu” theo ông bà để mang tiếng viết sai chính tả còn hơn theo “đúng chính tả” kiểu phá đình ông, đổ miếu bà như bây giờ để mà… ngu! Những áp đặt như hiện nay là điều bắt buộc vô lý, vô duyên, vô căn cứ này không nói lên được cái hay của tiếng Việt cũng như chẳng làm giảm cái dở của nội dung bài viết nếu họ (những thảo dân “ăn cơm nhà vác tù và hàng xóm”) không cần và không nhất thiết phải thèm theo! Truyền thống ký âm tốt đẹp này, không thể vì một “lũ ăn hại” mà hủy bỏ! Thế mới ca:

“Mảng vui cơm tấm, ổ rơm…”

Y dài đổi ngắn, canh cơm chẳng lành.

U, I âm chính rành rành

Ghép Q, G lại chuyển thành phụ âm!?

“Lựa chọn”, bảng dẫn cà lăm

Miệng ngậm, ai chẳng nói câm bao giờ?

Quy định chính tả mập mờ

Xem ra, tiếng Việt đến giờ cáo chung!

Viết sai hay viết đúng chính tả? Thử hỏi trên trần ai ai giỏi hơn ai?./.

Tháng 7/04/2009

Ngọc Thiên Hoa

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG:

I. Sách và bài viết:

1.“Tiếng Việt tập I và II” Nxb GD – 1998

2.“Từ điển chính tả tiếng Việt” – Nguyễn Văn Khang, Nxb KHXH – 2003.

3. “Cách sử dụng i và y và nguyên tắc đánh dấu trong tiếng Việt” – Khải Chính Phạm Kim Thư (tqlcvn.org).

4. “Âm tiếng Việt và chính tả” – Hà Dương Tuấn (ngonngu.net).

5. “Nói thêm về chữ i và y trong chính tả tiếng Việt” – Đoàn Xuân Kiên, (talawas.org)

6. “Giã biệt bóng tối” (Tạ Duy Anh, Nxb HNV – 2008).

7. “Sông xa” (Chu Lai, wattpad.com).

8. “Đề thi tuyển sinh đại học khối C năm 2009” (môn văn – media.tuoitre.com.vn).

9. “Quà tặng dâng lên thầy cô” (Nhóm Nhân văn, NXB Trẻ – 2008).

10. “Đề thi Ngữ văn khối C” (maivoo.com).

11. “Hán – Việt Từ Điển” (Đào Duy Anh, Nxb VHTT – 2005)

12. “Từ Điển Hán – Việt Thiều Chửu” (Thiều Chửu, sager-pc.cs.nyu.edu).

II. Web sites trích dẫn: tqlcvn.org, vi.wikibooks.org, wikimapia.org, svkto.com, nz.answers.yahoo.com, giadinhnazareth.org, wattpad.com, thiennhien.wordpress.com, ngonngu.net, laodong.com, cse.hcmut.edu.vn, chuyenhungyen.org, chuyenhanam.net, tranhungdao-nd.net, olympiavn.org, datviet.com, sager-pc.cs.nyu.edu, media.tuoitre.com.vn, maivoo.com…

Xin chân thành cám ơn.

Exit mobile version