Site icon Ngọc Thiên Hoa

QUÊ HƯƠNG TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ VỚI NHỮNG HẠT NGỌC TRẦM TÍCH

Phê bình Quê hương tình yêu và nỗi nhớ với những hạt ngọc trầm tích

Sách “Lễ Ký“có câu: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” (bất tri Đạo). Ca dao Việt Nam diễn ca: “Ngọc kia chẳng giữa, chẳng mài. Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi”.Tâm hồn con người, trí tuệ con người “hồn không cày xới có ngày xanh rêu” vì “vườn hoang cỏ dễ mọc dày“. Bởi vậy, ta thường nghe câu: “Văn ôn, võ luyện“. Văn không luyện, võ không ôn đến khi nguy khốn chỉ khôn… đầu hàng!

Văn chương cũng là vàng, ngọc. Viết không dễ, tìm ra cái hay cái đẹp, cái quý của những viên ngọc càng khó như “mò kim đáy biển”.Nắm bắt được cái “tâm” của người làm thơ, ta không thể “tóm” một hai bài là hết nhưng trong một, hai bài, ít ra, “hồn thơ lai láng” không nhiều thì ít chắc chắn là phải có. Người xưa cũng khẳng định: “Non sông dễ dời, bản tính khó đổi”. Con người có “núp” dưới bất cứ tính chất nào: Kiêu kỳ, hóm hỉnh, trầm lặng, sôi nổi, sâu sắc, quỷ quái, khó hiểu, nhân từ… qua thơ văn trước sau gì cũng bộc lộ cái “tôi” thật của mình. Thơ Việt Nam hải ngoại phần lớn còn nằm trong miền trầm tích. Điểm qua một vài thi nhân để tìm ra ”cái tôi” của họ để thấy rằng sức sống của văn học Việt Nam chính là tấm chân tình đối với quê hương.

Thủy Lâm Synh với “Từ khi trở lại” làm cho ta “trở lại” những ngày xưa thân ái:

Từ khi trở lại Nha Trang

Lòng ta bỗng chợt bàng hoàng lắm em.

Nửa đời luân lạc buồn tênh

Tóc phai theo tháng ngày lên của trời.

Đi đâu đến “nửa đời luân lạc” mới trở về chốn cũ? Lịch sử tái diễn ở cảng Cam Ranh cách Nha Trang bốn mươi cây số vào thời điểm trước 1975: Sau khi ra lệnh cuối cùng tái chiếm lại Ban Mê Thuột bằng Quân đoàn 2, vị Tổng tư lệnh tối cao quân lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã “phi thân” bằng máy bay mất hút sang bên kia đại dương. Nha Trang thành phố thơ mộng hơn Đà Lạt qua cơn hú hồn, thoát khỏi trong đường tơ, kẽ tóc của lửa đạn. Bao người đi, bao người ở, bao người không trở về với cái mốc 28 tháng 4, 1975? Nha Trang trở thành nỗi niềm xúc động cho người từ khi trở lại mang một nỗi ngậm ngùi “lòng ta bỗng chợt bàng hoàng lắm em”.

Ai ở đâu, nhớ ở đó. Thủy Lâm Synh sinh ở Quảng Ngãi lớn lên ở Nha Trang nên nhớ Nha Trang. Phan Tưởng Niệm quê ở Quy Nhơn dĩ nhiên nhớ Quy Nhơn quay quắc.

“Quy Nhơn đêm ba mươi” của Tưởng Niệm buồn như tiếng “chuông chùa công phu“. Đêm ba mươi, dĩ nhiên, nhà nào nhà nấy đóng cửa chuẩn bị giao thừa. Tìm em mà đi tìm vào đêm ba mươi thì Tưởng Niệm tưởng chừng uống lộn thuốc thời gian:

Ta về phố xá ngủ im

Khuya ba mươi tết, ta tìm dấu yêu

Loanh hoanh con hẻm buồn thiu

Nhà em đóng cửa, ta nhiều xót xa.

Bài thơ 4 khổ, thể lục bát, mở đầu bằng điệp đại từ nhân xưng “Ta” (Ta về phố xá ngủ im. Ta ngồi nhìn ánh sao sa. Ta về em mất đâu rồi? Ta về khuya khoắc ba mươi. Ta ngồi đến giọt sương rơi. Ta về đi giữa phố quen. Ta về đi giữa phố mưa) với nỗi cô đơn giữa thành phố biển. Quy Nhơn đêm giao thừa Giáp Thân 2004 mưa? Mưa hay không mưa thì ta cũng nghe bước chân cô đơn của tác giả với người bạn mưa lòng “tìm dấu yêu” giữa phố quen. Giọt mưa thật chưa thấy đã thấy giọt mưa tình cũ giữa đêm rớt xuống “nghe hồn thương nhớ một thời yêu thương“.

Người “em” trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên là nàng “Maseour”, là “cô Bắc kỳ” nho nhỏ. Người “em” của Nguyễn Bính là “cô hàng xóm…” người em của Phan Tưởng Niệm là người con gái của phố biển Quy Nhơn. Nếu bài “Quy Nhơn đêm ba mươi” là “nhập đề” của một bài văn “Viết về kỷ niệm cũ với Em” thì bài “Quay lối về thăm phố biển Quy Nhơn” là phần “thân bài” (5 khổ với 8/8):

Vàng lá rụng nên mùa hè đi trốn

Trời thu buồn ngày tháng cũng xanh xao

Ngôi trường cũ dấu chân xưa mờ nhạt.

Em bây giờ xa lạ tự phương nào?

Em – chim én bay – trời xa mù mịt.

Biết có còn nhớ chút gió hương quê!?

2Đọc thơ Phan – Thủy, ta sẽ phát hiện ra chất thơ ẩn dụ – ngụ ngôn sâu sa triết lý, thâm thúy ngụ tình của Duyên Anh phảng phất ở những cuộc đời “bất đắc chí”, của những cánh chim “lìa đàn” với “con ngựa hồng” với “chiến tích”, “dấu tích” và “thương tích” có trong thơ họ. Hình ảnh của “mùa hè đi trốn” lá rụng để nói sự chuyển tiếp của mùa hạ sang thu cũng như dòng chuyển tiếp của từng con người từng thời đại. “Mùa hè đi trốn” của Phan Tưởng Niệm trở nên “đắc giá”. Trốn không dược, đành phải trở về sau nửa đời phiêu bạc. Hầu hết trong từng mảng tự tình là văn hoặc thơ, dư âm “ngày xưa hoàng thị” của Phạm Duy vẫn dành cho một tình yêu. Cuối cùng vẫn là một tình yêu đầy ắp kỷ niệm năm nào:

Ngôi trường cũ dấu chân xưa mờ nhạt

Em bây giờ xa lạ tự phương nào?

Trong “Ba mươi tháng tư“, một Nhật Quang tự sự:

Tháng tư xứ lạ, buồn cô liêu

Ba mươi chạy loạn, mất người yêu.

Nàng đã ra đi, từ dạo ấy

Nay về nấm mộ, cỏ xanh rêu.

Đọc 4 khổ 7 chữ đầy tiếc nhớ, Nhật Quang đã cố ý dùng dấu phẩy cách nhịp 4/3 như nhịp dòng nhạc. Thật ra, bỏ các dấu phẩy đi, mạch thơ chạy ngang mới tải cái nội dung loạn lạc với âm diệu “buồn cô liêu” vì “mất người yêu” hơn. Nghĩa là buồn kéo dài từ năm này qua tháng nọ vì “nấm mộ cỏ xanh rêu” chứ không phải là cái buồn giật thót vì ngắt nhịp 4/3.

“Nàng” của Nhật Quang đã “xanh rêu” còn “em” của Tưởng Niệm? “Em bây giờ xa lạ tự phương nào?” Khi con người buộc lòng phải lìa nơi chôn nhau cắt rún thì dù ở nơi đầy phồn hoa, đầy tráng lệ cũng “trời thu buồn ngày tháng cũng xanh xao“. Người làm thơ nào không ít thì nhiều cũng đụng vào mùa thu vàng vọt. Hình như trong những lời tự tình đó, từ từng bước cỏ đến lên chót vót của nỗi buồn cũng mang hình ảnh mùa thu. “Tiếng thu” đã mang tên tuổi họ Lưu bay lên ở trong nước nhờ hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” lãng mạn. Tiếng thu của người Việt hải ngoại đã mang sự lãng mạn cất giấu nơi “an nghỉ cuối cùng” của ngôi mộ thời cuộc. Bởi thế, tiếng thu lãng mạn ngày xưa đã chuyển sang tiếng thu của nỗi niềm tâm sự. Phan Tưởng Niệm có bài “Thu buồn”:

Trời thu buồn mưa sa

Ta kẻ sống xa nhà

Đêm lang thang phố lạnh

Trong nỗi buồn miên man.

Ai ở xứ người cũng đều mang một tâm trạng ngày “buồn mưa sa“, nhưng với “đêm lang thang phố lạnh” thì chỉ dùng cho những nơi không có tuyết. Đó là nỗi trống trải, đó là tiếng thở cô đơn để nhớ về một chút “Hương xưa” mà Bích Huyền thầm nói:

Lòng ta vẫn còn say

Dư hương ngày xưa ấy

Một thời hoa với mộng

Hơi men còn ngất ngây.

Cũng giống như Duyên Anh, dòng thơ hải ngoại không đành quay lưng với dĩ vãng nên mới ru hời, ru mãi qua bốn mùa nuối tiếc chuyện ngày xưa. Hoa với mộng, mộng với hoa mang “hơi em ngất ngây” chỉ còn là hư không với một dấu chấm cuối bài thơ là chấm dứt dư điệu “hương xưa” tan thành kỷ niệm. Hương xưa đã len vào tâm hồn người xa xứ cho nỗi nhớ đêm thức thao, ngày cồn cào gậm nhấm. Phan Tưởng Niệm có một bài văn “Đêm vu lan” và một bài thơ “Đêm vu lan quê người” để cho nỗi nhớ tự bật ra dành cho “mẹ”:

Nhớ quá! Mẹ già

Ôm nỗi xót xa. Biết bao giờ trở lại?

Quê ta, với dãy thông già

Con đường phố nhỏ thường ngày mẹ qua.

Người mẹ này cũng là người mẹ quê hương trong “Thu buồn” đã “ôm nỗi xót xa” trong “đêm sân ga tiễn biệt, con tàu buồn vút bay” mang mất hút thằng con sang bên kia đại dương. Hình ảnh người mẹ già mòn mỏi qua “con đường phố nhỏ” như một vết dao rạch một đường nhỏ trong tim thằng con. Vết thương đó sẽ không bao giờ lành lặn.

Thủy Lâm Synh viết truyện ma kinh dị cũng không kém gì bóng “truyện ma” của Nguyễn Ngọc Ngạn từ “Tiếng đàn khuya” đến cả bóng ma trong căn nhà có chủ, bây giờ, Lâm Synh cũng như Tưởng Niệm, quên hẳn bóng ma để về với những “hương xưa” có em, có mẹ. Bài thơ “Mồ côi” của Synh chỉ 8 câu thể 6/8 rất đổi đơn sơ như tình mẹ ấm áp:

Mẹ về với cõi xa xôi

Con nghe chợt phận mồ côi hiện về.
Còn đâu bóng mát con che
Còn đâu nữa những đêm hè quạt tay.

Bốn chữ “đêm hè quạt tay” là một hình ảnh “đắc”. Đêm hè nào ở quê hương mà không hâm hâm nóng nực? Ai quạt? Ai được quạt bằng tay? Hình ảnh chiếc quạt phất qua, phất lại rồi phất lại, phất qua… mỏi tay lắm. Một chút này là tình thương bao la như biển rộng, sông dài của lòng mẹ; một sự nâng niu, chăm sóc của mẹ cho ta một đời để nhớ!

Không hẳn nhiên, một Nguyễn Tấn Hưng “gạo cội” tài hoa với những dòng thơ, truyện, nhạc với “hương xưa” đầy ắp kỷ niệm quê hương, đã ôm hết từ “Một” vào lòng để mở đầu cho những sáng tác của anh: “Một cảnh hai quê, Một kỷ niệm đẹp, Một dòng ca dao, Một nỗi buồn riêng, Một trời, một biển”…

Tôi, người khách không ai thèm mời cũng cố len lỏi vào dòng người xuống… con tàu hàng HQ451 của bà Ngô Đình Nhu như Nguyễn Tấn Hưng kể trong một chuyến ra khơi tìm về “Một thoáng hương xưa“. Xứ Thành của tôi qua Nguyễn Tấn Hưng hiện ra trong tác phẩm này với nhân vật Tần bằng một bài thơ viết tặng Hiền:

Về Thành phải ở lại Thành

Thích ăn bánh tráng cuốn

Chấm nước mắm ớt vừa hái trên cành

Thì em mới chịu yêu anh suốt đời.

Chi tiết bánh tráng cuốn làm tôi thèm thật thèm nhưng chấm với “mắm ớt’ làm tôi… chợn! Ớt là khắc tinh của tôi! Tôi khoái món canh quê nhà này hơn:

Nấm dừa nấu với tập tàng

Quanh năm suốt tháng chẳng màng cao sang.

Ăn suốt đời như vầy mà không… đau ốm thì… giàu sụ!

Tôi theo bài thơ “Nha Trang tìm em” của Thủy Lâm Synh về Nha Trang tìm lại con sóng ngày nao vẫn vỗ nơi bờ với một trời thương nhớ:

Còn em lệ vẫn đầy vơi

Gian truân quá nửa cuộc đời biển dâu.

Nhìn em chẳng dám nhìn lâu

Vì tim ta cũng bắt đầu nhói đau.

Tìm ra người cũ mà “chẳng dám nhìn lâu” thì khác nào là một cái “ngoảnh mặt”. Cái “ngoảnh mặt” này sao lại “nhói đau”. Vì sao? Hiện thực của “biển dâu” quá nửa cuộc đời, ta không ngờ tới nay đã trước mặt. Giọt nước mắt rơi xuống lòng ta mềm đi… Thôi thì đành “lẫn tránh”. Trốn đi đâu cho thoát cõi đọa đày? Không trốn được thì trút vào trời:

Nhiều khi anh giận trời cao

Sinh ra em để người trao muộn phiền.

Một Thủy Lâm Synh “giận trời cao“. Một Duyên Anh “thản nhiên ngước mặt ngạo trời“. Một Nguyễn Thành Kim cuồng ngông trong “Hậu hồ trường”:

Chẳng muốn ra đi làm kẻ sĩ

Nhưng đời bắt buộc phải cuồng ngông.

Một thảm cỏ “cuồng giận” trải xuống, mấy “con ma cũ”: Cao Bá Quát, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Vũ Mộng Long (Duyên Anh)… mời mấy con “ma mới” Thủy Lâm Synh, Nguyễn Thành Kim… an tọa rồi “dần” một trận cho bớt tội… bắt chước… ngông cuồng vì nợ bút nghiên bất thành. Thủy Lâm Synh bày tỏ:

Trót mang chút nợ bút nghiên

Một dòng thơ vụng từ miền xa xôi.

Gặp nhau không nói nên lời

Nên xin gởi chút hương thời xa xưa.

Dấu chấm sau “chút hương thời xa xưa” của Synh vừa gởi theo những “khu chính như Phạm hồng Thái với nhà in Bác Ái, Quang Trung với phòng thông tin, Hai chùa với rạp Tân Tân và bên kia quán Lise, Chiều tím… Rồi không mấy chốc đến điểm hội tụ của ba đường Độc Lập, Trần Qúy Cáp… đường Phương Cài… Độc Lập, Yersin và Gia Long từ dưới ngã 7 nhà thờ Núi đâm lên… Chùa Phật Học…, Võ Tánh, Huyền Trân…, Thánh Tâm, Kim Yến còn có Âu Cơ, Vinh Sơn, Đăng Khoa, Bá Ninh, Trí Dũng… Bồ Đề. Đó là chưa nói đến trường Tây (Collège Franscais), trường Đại học Duyên Hải, trường nhà dòng Thiên Chúa giáo Thần học viện…” (“Một trời một biển” – Nguyễn Tấn Hưng). Về Nha Trang mà lần tìm những cái tên trên chắc… mù đôi mắt! Tên cũ còn mà người xưa, chốn cũ ở đâu? Em đã đổi tên? Em thay họ? Buồn thay! Thủy Lâm Synh mang chữ buồn này lén bỏ vào “Chiều thu” 16 câu thể 6/8:

Một mình đứng tựa chiều nghiêng

Nghe trăm năm nguyện về bên lỡ làng.

Mai này hạt bụi sang ngang

Bên sông còn động sương hàn lẻ loi.

Dáng “chiều nghiêng” ôi chao như “giáng ngọc”. Người ta muốn vững thì tựa vào một cái gì vững chắc mới không đổ. Đứng “một mình” đã ôm chữ “cô đơn” mà tựa vào cái buổi chiều: Chiều đổ bóng, chiều tím. Chiều nhớ thương ai? Sao mà giống căn nhà trống “bốn vách xiêu” của Xuân Diệu, hắc xì một cái là đổ nhào còn đâu mà trăm năm với nghìn năm “thề nguyện về bên lỡ làng”? Bức tranh với hình tượng dáng “chiều nghiêng” mơ hồ đối với “hạt bụi” tí ti cũng mơ hồ, thêm một mình “cô đơn” cộng vào sự “lỡ làng” gắn với “sương hàn lẻ loi” cũng mơ hồ làm cho cái hẹn “trăm năm” đưa “hạt bụi sang ngang” cũng tan vào sương, mất tuốt! Còn lại là cái “chiều thu” của người cảm ở lại bên đời cũng xế chiều! Hết! Lâm Synh cũng chưa chịu hết lại rơi rớt một “Tiếng thở”:

Ta ngồi lá rớt trên vai

Công viên ghế lạnh hình hài càn khôn.

Thở đi từng hạt bụi hồng

Vết lăn tuế nguyệt mênh mông đất trời.

Một “tiếng thở” cũng lắm bụi trần. Đất trời (càn khôn) thu vào trong tiếng thở. Phì một cái lại… văng ra “mênh mông đất trời”. Không thuộc loại “gàn” thơ thì sao chẳng ngán ông trời “giáng” cho một búa! Thiệt ra “càn, khôn” là quẻ bói trong kinh dịch mà Cao Biền thời xưa của Trung Quốc chuyên bấm quẻ này (Càn, Khôn, Ly, Cấn) để tìm huyệt đế, vương mà trù ẻo dân tộc ta. Càn Khôn của Synh được xem như một sự trần trụi, một sự vứt bỏ hết để mà “Tĩnh” mà “Thiền”. Có “tĩnh” được không? Bài “Từ khi trở lại” của Synh vì hai chữ “biển dâu” cuộc đời mà đau. Thế là tích “Thương hải biến vi tang điền” của người xưa trở thành biểu tượng chung của “mới sớm đã chiều”, nháy mắt, biển trời chỉ còn là ruộng dâu. Thủy Lâm Synh kết lại “Tiếng thở”:

Vàng thu lá đổ muôn nơi

Cành trơ vuốt mặt cho thời gian trôi

Choàng trăng đi dạo một hồi

Vài dòng thơ vụng chợt rơi xuống hồ.

“Cành trơ vuốt mặt” của Synh giống “con bọ ngựa chống kiếm” của Duyên Anh. Nó chả đả động đến con người nhưng làm con người chợt bình tỉnh. Chàng Synh “thiền” để mà “tĩnh” đến nỗi thấy cả “cành trơ” cục cựa “vuốt mặt“. Tức tâm nhập vào cảnh trời đất rồi còn gì? Sao không chịu “tĩnh” tiếp cho “cành trơ” xuống tí nữa… “vuốt râu”? Khiếp quá! “Con bọ ngựa chống kiếm” của Duyên Anh lập tức chìm vào “mơ màng” rồi… thăng luôn! Dè đâu, Thủy Lâm Synh này ngông, bắt chước Lý Bạch lôi trăng (choàng trăng) đi dạo như bạn bè. Lý Bạch ôm trăng… vật xuống sông bơi để… uống nước sông thay vì uống rượu, tắc thở. Thủy Lâm Synh có chữ “Thủy” chống chèo nên thoát kiếp ma sặc nước bên hồ! Hú vía, anh chàng lỡ tay đánh rớt: “Vài dòng thơ vụng chợt rơi xuống hồ”, ngông tập hai tới nơi !

“Cành trơ vuốt mặt” của Synh và đụng “vuốt mặt” khác của Phan Tưởng Niệm. Một cái tên nghe qua đã thấy “phút mặc niệm” rợn người, còn đầu bài thơ lại là “Vuốt mặt” nữa thì y như… “vuốt mắt”:

Ta vuốt mặt nhìn đời

Ta thấy đời đen thẩm

Ta ngước mặt nhìn em

Ta thấy em thầm lặng.

Tại sao trong tư thế đĩnh đạc “vuốt mặt“, vuốt râu nhìn trời lại chuyển qua nhẹ nhàng “ngước mặt” nhìn em mà không “vuốt mặt” nhìn em? Bỗng không người “em thầm lặng” này được nâng cao lên một bậc trên đời. Đời ngang ngữa với ta mà đen thui nên ta phải “vuốt mặt“. Em cao hơn phải “ngước”. Vì sao? Trong cuộc “đời đen thẩm”, em là kẻ chịu đau với nỗi đau “thầm lặng” (chẳng rõ là đau vì chuyện gì?). Chỉ có kẻ chịu hy sinh, chịu nhẫn nhịn mới thầm lặng mà thôi. Bấy nhiêu đó, em đã “cao cả” hơn đời tức là “ta” chứ nào phải là tấc thước chiều cao!

Thủy Lâm Synh trong “từ khi trở lại” Nha Trang – Quy Nhơn đã vì sự cao cả của “Em” này mà “chẳng dám nhìn lâu”, “không nói nên lời” thì làm sao Phan Tưởng Niệm kia không… chạy thục mạng, chạy… mất dép?:

Ta lẫn trốn cuộc đời

Vì thấy đời loạn lạc.

Chữ “trốn” giống như “mùa hè đi trốn” mùa thu “vàng lá rụng” của Phan Tưởng Niệm rơi vào “Viễn mộng” của Tín Bảo:

Ai người đang trong mơ mộng

Hạnh phúc dù tìm có, vẫn không.

Cuối cùng, mấy ông nội có những mối “tình tính tang cô mình rằng này cô mình ơi” đã bỏ chạy hết, phủi tay coi như “Tình đã như xong“:

Anh đi buồng tim nâng bỗng

Anh về đầu bạc, răng long

Anh đi lòng bao hy vọng

Anh về có mộng bằng không.

“Hạnh phúc dù tìm có, vẫn không” của Tín Bảo chạm cái “sắc sắc không không” của Nguyễn Thành Kim: “Anh về có mộng bằng không“. Mộng gì đây? Gặp cố nhân? Một kẻ xanh mồ, một em xa lạ phương nào, một em không dám nhìn… Tại sao vậy? “Mộng dưới hoa” đã trở thành cổ tích, dệt bản tình ca nữa làm gì! Người “em” của Thủy Lâm Synh “hóa bụi sang sông’. Người “em” của Nguyễn Thành Kim cũng qua cầu nhân duyên:

Chiều nay tìm em phố rộng

Âm thầm sáo đã sang sông.

Chao, man mác dư âm ca dao:

Ai đưa con sáo sang sông

Để cho con sáo sổ lồng bay xa.

Thời buổi “điểu tận, cùng tàn”, hết chim, bắt sáo xào lòng nhậu chơi! Bớt buồn chút ít chăng?

Phan Tưởng Niệm “Quay lối về thăm phố biển Quy Nhơn” đến cửa Thị Nại gặp con sông Hà Giao (sông Côn) trong ca dao:

Sông Côn nối tiếp sông Ba

Sông anh cũng đã tiếp vào sông em.

Sông anh, sông em với Grành Ráng cát vàng, trái tim hoang dại, nước xanh biếc, không ai không nhớ khi một lần đến!

Lưu Hồng Phúc trong “Thu sầu” nâng niu, xót xa:

Lặng lẽ đêm thâu tiếng thở dài

Lòng nghe nức nở nhớ thương ai.

Bao mùa xa cách, dù xa cách

Kỷ niệm còn đây với tháng ngày.

Hai câu đầu thương nhớ “thường” nhưng cái ngữ “xa cách dù xa cách” sao mà cuồn cuộn sóng nhớ thương “kỷ niệm còn đây với tháng ngày“. Là tiếng lòng. Là tấm chân tình. Thơ sống được nhờ hai chút tình này!

Phan Tưởng Niệm về Quy Nhơn với con đường Nguyễn Huệ. Sóng Quy Nhơn của Xuân Diệu “hôn mãi ngàn năm không thỏa” là đây. Tình cũ ấy còn đầy nhưng hiện tại thì quá phủ phàng! Nói ra từ “tan nát” thì không nỡ nên người thơ chỉ nhè nhẹ bỏ xuống từ “mộng bằng không“. Thế thì ôm cái trứng ngỗng bằng cái lu vào cuối đời!

Với biển, biển hiền hòa nhưng không bao giờ yên lặng và cũng như con người:

Chiều lặng thầm nghe sóng biển giận hờn

Ta từng bước nhẹ tìm quen dấu tích

Ghế đá cũ bây giờ ai xê dịch

Lệch bóng chiều rẽ ngã lối yêu thương.

Bóng chiều của Thủy Lâm Synh là bóng chiều nghiêng. Bóng chiều của Phan Tưởng Niệm là bóng chiều lệch. Nghiêng, lệch gì cũng là sự xê dịch mơ hồ, lỏng lẻo cả. Không như mà bỗng nhiên, tiếng sóng biển giận hờn ở Quy Nhơn chưa kịp vuốt ve cho dịu thì Tsunami disaster với những con sóng thần khổng lồ đã dửng dưng ập ào Indonesia, India, Thailand, Srilanka… kinh hoàng, khủng khiếp như một giấc mơ! Biển dịu êm nay cớ sao giận dữ đã trở thành tên sát thủ không tên? Nước mắt cũng đã cạn khô. Tôn Ngộ không đã thành Bồ Tát cớ sao Long Vương còn muốn trả thù cái nhục: “Tề Thiên Đại Thánh, đại náo thuỷ cung” ngàn thế kỷ trước? Sơn Tinh đã nên đôi cùng Ngọc Hoa công chúa sao Thủy Tinh cớ gì vẫn hờn ghen tàn ác hằng năm? Những lý giải ngây ngô vẫn được muôn đời chấp nhận như để xoa dịu nỗi đau nhân loại. Con sóng thần, kẻ sát thủ ghê gớm, bất chấp thủ đoạn cao tới 30 mét ngày xưa đã từng vùi chôn hai trăm tàu siêu lớn và các tàu container đã được vệ tinh Maxwav chụp được vào năm 2001 bỗng nhiên quay trở lại vùng Châu Á vốn đã nghèo nàn, trấn nước họ:

Sóng vô hình, tình chẳng có, biển khơi

Chữ “tàn ác” ngàn đời, ta nguyền rủa.

Người còn sống? Ôm “mắn may” làm của

Dốc hết lòng nhân ái để thương nhau.

Kẻ sống sót không ôm cái “may mắn làm của” thì ôm cái gì? Người đời không giữ lấy “nhân” thì giữ lấy chữ gì? “Tình yêu” là cái nền của yêu thương sao lắm kẻ hợt hời? Câu “trời kêu ai nấy dạ” không là câu “phủ phàng”, quay lưng mà chỉ là tiếng thở dài an ủi. Dĩ nhiên, tất cả đau thương gì tang tóc nào cũng được thời gian đưa vào dĩ vãng và ta vẫn phải bước qua.

Biển hung dữ rồi cũng trở lại hiền hòa trong Phan Tưởng Niệm (Bây giờ có đang ngồi “tưởng niệm” người đã bị sóng cuốn hay không?):

Ba mươi năm rồi ta mãi vấn vương

Con nắng ấm gió ru tình của biển

Chiều Nguyễn Huệ – con đường yêu thánh thiện

Tìm chân quen ngày cũ bước em về.

“Em” của Tưởng Niệm đã là cái bóng mờ nhạt ở “ngôi trường cũ”!

Kết thúc của dòng thơ bao giờ cũng là vị đắng, hơi hơi cay. “Đường Nguyễn Huệ – Qui Nhơn chìm ước vọng. Giờ chỉ còn tiếng đọng của con tim!”. “Con nắng ấm, gió ru tình” của Tưởng Niệm là những kỷ niệm đã trôi xa trên vùng “biển nhớ”. Cuối bài thơ, hình ảnh người đàn ông giữa phố đứng đó cô đơn:

Ta bây giờ đứng giữa thành phố quê

Ôm dĩ vãng nửa đời mang thương tích.

Em – chim én bay – trời xa mù mịt

Biết có còn nhớ chút gió hương quê!?

Một chấm than bối rối, một chấm hỏi nghẹn ngào như chấm hết ngày về thăm phố biển. Tôi muốn bỏ một chấm hỏi cho Phan: “Mai có về chốn ấy nữa hay không?” Con “chim én bay” của Phan làm tôi nhớ lại bài hát “Tạm biệt chim én” của Trần Tiến đã từng vang lên ở thành phố này, ngôi trường này: “Em như chim bay xa, những đàn chim bay trong phong ba, góc trời kia, chim én thương ai, thương ai, đợi chờ ai?…“.

Hình ảnh đó, em bay – con chim én – đã “lìa đàn” hay “lạc đàn” đã trở thành một ngã rẽ, với hai quan điểm bất đồng nhưng kết quả: Vô cùng đau xót!

Nha Trang, Quy Nhơn còn lắm nỗi u hoài trong Phan Tưởng Niệm, Thủy Lâm Synh và những tha nhân còn luyến lưu hương xưa quê nhà nơi quê người, đất khách.

Mượn câu thơ “nên xin gởi chút hương thời xa xưa” trong “heo may” của Thuỷ Lâm Synh:

Heo may chợt níu mùa thu lại

Có lá vàng hơn nỗi nhớ xưa.

để tạm kết thúc cho cuộc hành trình về quê hương bằng con tàu giai điệu thơ ca.

Những hạt ngọc hải ngoại vẫn còn rãi rác, vẫn còn trầm tích với Nhật Quang, Minh Nhã, Bích Huyền, Nguyễn Thành Kim, Lưu Hồng Phúc, Khinh An, Phan Tưởng Niệm, Thủy Lâm Synh… hay còn những ẩn danh trong năm châu bốn bể chưa có duyên hội ngộ trên bàn tròn văn chương.

Dòng văn học người Việt hải ngoại mở đầu chỉ là những nét chấm phá những bức tranh mùa thu, mái trường kỷ niệm, con đường thân thương qua những vần thơ mộc mạc nhưng đầm thắm tình quê. Tình quê và tình người đã góp phần cho Hồn Thơ sống mãi với bốn mùa mưa nắng tuyết sương, với những thăng – trầm cuộc đời!

Duyên nợ văn chương gặp nhau, dở hay gì cũng nhắc nhở nhau: Người bạc đầu, chân bước đã run run. Kẻ tóc xanh, chân chập chững vào đời! Chung quy lại, về một thoáng những rung động cho hương xưa vẫn thắm thiết về một quê hương đầy “tình yêu và nỗi nhớ” với những hạt ngọc còn trầm tích giữa lòng biển nghĩa tình của văn chương./.

Tháng 1/01/2005
Ngọc Thiên Hoa

Tư liệu tham khảo có sử dụng:

Thơ Phan Tưởng Niệm, Thủy Lâm Synh, Nhật Quang, Bích Huyền, Hồng Phúc, Trí Bảo, Nguyễn Thành Kim… (Bán nguyệt san ChicagoViệtBáo).

Xin chân thành cám ơn

(Nhìn lại bến bờ, Nxb HNV – 2008)

Exit mobile version