Chiều nay, bàn số 3 có bốn người đàn ông đang cụng ly đôm đốp. Người thanh niên có vẻ đàn em cứ rót bia vào ly người đàn ông trung niên:
– Drô! Drô trăm phần trăm, anh hai!
Người trung niên có hàm râu quai nón oai phong như Từ Hải, ngà ngật đưa tay cầm lấy ly bia uống một hơi:
– Dô thì dô chớ, anh hai sợ mày sao, Nhiều!
Người thanh niên tên Nhiều rót thêm ly nữa:
– Anh cứ uống khi nào anh hai không nhớ tên Nhiều này mới được à!
– Okê salem! Chơi tới bến luôn! Nóng qúa mày. Gọi thêm cây quạt máy coi bây! Ai gọi vậy cà? Vợ tao gọi mày ơi! Tao phải về chứ ôm một cục tiền đi long dong, mất là bả cạo đầu khô anh hai à mày… híc… mẹ nó, nứt cục cái con…
Anh không thấy người bạn anh trừng mắt khi anh nói tới “cục tiền”. Nói trong tiếng nấc cục, anh hai định bấm phôn trả lời nhưng thằng Nhiều cản:
– Anh trả lời với cái giọng bừa nhựa như vầy là chị hai biết liền đó nhen. Tắt mẹ đi anh hai! Drô ô ô ô… trăm phần trăm!
Nói dứt câu, hắn cầm phôn người anh hai nọ, nhấn nút off. Người đàn ông đi chung với anh hai nhìn đồng hồ rồi đứng dậy:
– Tao đủ đô rồi! Tao về trước rước máy nhỏ học Anh văn nghe thằng hai! Tụi bây ở lại về sau với anh hai nghen bây. Thôi đi, anh hai say khước rồi để ảnh về kẻo tối tụi bây.
– Dạ! Có tụi em, anh đừng lo cứ để nhà nước lo!
Chờ người đàn ông kia lên xe chạy khuất, Nhiều hất hàm bảo người bạn:
– Đưa anh hai ra về, mày!
Thằng bạn hiểu ý. Hắn nhanh nhẹn dìu anh hai ra xe. Thằng Nhỏ vẫy tay:
– Tính tiền mấy em! Còn lại bo cho mấy em luôn.
Tiện tay, hắn bẹo má một cô tiếp viên khiến cô nọ quẹo đầu… cười duyên. Thấy tiền bo nhiều, những tiếp viên vồn vã dọn dẹp, giúp hắn đưa anh hai ra xe. Cả ba không ai có mũ bảo hiểm, ngồi trên chiếc xe khiến chiếc xe ngoằn ngèo như con rắn theo đường quốc lộ 1. Chiếc xe ngược hướng Sài Gòn khi trời bắt đầu chạng vạng. Đường lộ về ngang qua cầu Lùn tối thui. Các xe nhìn đèn mà tránh nhau. Đây là đoạn đường gấp khúc nhiều tai nạn xe nhất trong tỉnh. Những người nông dân thường chép miệng: “Ăn cho tràn bản họng, tọng bao nhiêu cũng hết. Bắc mấy cái đèn đường thì sợ tiền hết”. Chiếc xe chở anh hai chạy đến khoảng đồng không mông quạnh thì dừng. Thiếu gì chuyện lý giải vì sao họ phải ngừng xe ở đây? Tiểu tiện. Đại tiện. Hết xăng. Nghỉ mát. Những chuyện khác…. Trời hay Chúa biết được cũng chẳng dám can!
*
Trời mới buổi sáng thôi mà đã nóng như lửa. Những ngọn gió mát đã bị cái nóng thiêu trụi khiến ông Năm đổ mồ hôi hột. Chịu hết xiết, đang nằm trên võng, ông ngồi dậy bảo bà Năm:
– Bà ở nhà đi mua dùm tui lít rượu đế cái. Tui ra bàu kiếm vài con trầu, con trê nhậu chơi.
Chẳng chờ bà Năm ừ, ông Năm lấy cuốc ở ngoài chái. Ông cuốc quanh gốc chuối. Những con trùn phang bị cuốc trúng quằn quại trên đất. Ông Năm thò tay tóm lấy bỏ vào lon. Đàn vịt của ông đang tránh nắng ở vũng nước bùn, đánh hơi mùi trùn bèn xông vào rỉa. Chúng chẳng sợ người. Chúng rỉa vào tay ông Năm mà giành giựt những con trùn khiến ông Năm bực. Ông túm đầu con vịt đực quẳng “bịch” vào gốc chuối:
– Vô đó mà… dọng táp! Hừ.
– Quạp! ạp ạp…! Quáp áp… áp!
Con vịt ngã dúi nhũi. Cả bầy vịt mất hồn, chạy táo tác và… chửi om sòm khiến bà Năm mới quày qủa vô nhà, bèn trở lui, nóng gà:
– Chết mẹ con vịt tui rồi! Ông làm gì mà ác qúa vậy hả?
– Đào trùn đi câu chớ làm gì! Ác gì mà ác! Nóng nực bực mình thí bà nội mà cứ nhào vô rỉa. Bà tưởng gà mỏ nhọn mổ mới đau chứ vịt mỏ dẹp rỉa không trầy da, chảy máu à? Quân không biết điều! Hứ!
– Điên hết thuốc chữa trời à!
Chẳng thèm trả lời vợ, ông Năm vác cần câu ra sau hè, ông không quên đe con vịt:
– Câu không có cá, tao về… tiết canh mày trước!
Bà Năm hự trong miệng. Bà ràm:
– Vốn liếng có mấy con gà, con vịt. Nay thịt con này. Mốt tiết canh con kia. Lấy thằng già dịch sáng xỉn, chiều say này coi như đời mình không say cũng xỉn!
Ông Năm không kịp nghe vì ông đi lẹ qúa. Qua luống khoai mì đang rạp mình dưới nắng cháy da, ông nhảy qua con mương là tới cái bàu sau nhà. Cái bàu này lạ lắm. Nó sâu chẳng thấy đáy và cũng nhận chìm không biết bao nhiêu con nít tắm sông. Mỗi năm là mỗi thây ma chết nước. Người ta nói ma gia kéo cẳng, hà bá trôi sông thường hay ở sông, ở bàu là vậy. Năm nay, chẳng biết tới ai vì dạo này, sấp nhỏ cũng ít dám bén mẻng tắm ở đây. Vụ ma gia kéo cẳng, ai tin thì tin chứ ông Năm chẳng tin:
– Ma gia gì ma gia! Nhảy xuống nước bị chuột rít gân, bơi không được thì uống nước mà ngủm cù đeo chứ ai kéo? Hoặc không thì bèo hoặc rễ cỏ nước quấn chân mà chìm lỉm chứ ma qủy gì ở đây! Khéo bày mê tín thì thôi!
Người làng mê tín… trù cho ông sớm ngày thấy con ma gia le lưỡi xanh lè nhát cho ông… ị trong quần luôn hết nói tướng.
Ông Năm chọn một bãi cỏ còn xanh vì gần bàu có hơi nước nên chúng chưa bị nắng háp, ngồi xuống. Ông thò tay lấy một trong những con trùn còn cựa quậy rột rẹt trong lon, móc vào 2 lưỡi câu, miệng càu nhàu:
– Mẹ bà nó! Còn có mỗi chục con trùn.
Ông quẳng 1 cần câu ra xa câu cá thác lác, 1 cần quẳng gần bờ câu cá trầu, cá trê, cá rô rồi ngồi bập bập điếu thuốc lào. Thời buổi này, ai còn hút thuốc lào ngoài ông? Ông tự hào về cái khác người của mình lắm lắm. Ví dụ hén. Thời đổi tiền, người ta chạy trối chết kiếm người đổi dùm; ông ngồi trong nhà rung đùi ăn… củ chuối. Người ta nhận ruộng hợp tác xã khoán; ông nai lưng đánh trâu cày mướn cho cả xóm chứ không thèm nhận ruộng. Thời đổi mới, người ta tranh thủ đi buôn làm giàu; ông lên núi làm rẫy trồng chuối, thu đủ. Thời đóng cửa, người ta ngồi chửi rủa chính quyền; ông chửi vợ già còn ham mánh mung. Người ta rỉ tai nhau đi vượt biển; ông quát vào tai vợ mua rượu đế cho ông nhậu. Người ta có con đàn, cháu đống; ông nói không con cái cho sướng, có con, nuôi dạy không được, phí công đẻ. Bây giờ, người ta thành ông này, bà nọ; ông vác cần câu đi câu cá ở cái bàu đầy ma gia. Cuộc đời ông sướng thế còn gì! Tìm cái sướng trong sự khổ ải triền miên, đấy không phải là “trong cái khó, ló cái khôn” sao chớ!
Đang rung đùi, nhịp chân, ông vội giựt cần câu:
– Bà mẹ! Cá bự!
Ông reo lên khi cần câu gần bờ giựt được con cá trầu trung trung. Ông gỡ họng cá rồi cho vào giỏ tre chính ông đan. Ở nhà quê, ai mà không biết đan vài ba cái giỏ đi chợ, cái nôm chụp cá, cái thúng đựng lúa chớ. Thả cần câu xuống bàu, ông lại bập bập điếu thuốc và giở cái nón lá quạt phành phạch, phành phạch. Đỡ mát, ông nhìn cái cần câu ở giữa bàu như dò hỏi rồi nhấp nhấp tay để cái phao nhích lên nhích xuống. Ông lầm bầm:
– Quái! Nó dính mẹ vào chùm bèo hay cái gì mà nặng gớm!
Ông giật thử nhè nhẹ. Không cục cựa. Ông giật mạnh tay hơn. Cần câu nặng chình chịch. Ông lấy hết sức mà giựt.
– Mẹ ơi! Cái gì lềnh bềnh gớm ồm?
Ông kéo, kéo, kéo… Rồi ông trợn hai mắt, tay buông 2 cần câu, chân dẫm lên lon trùn, đá luôn cái giỏ đựng con cá trầu, ông hét:
– Bớ làng xóm óm…m…mmm! Bớ làng… àng… ng… Bớ người ta…a….ta…
“Xoảng!” Bà Năm nghe tiếng kêu thất thanh của chồng, bà quăng cha cái chai rượu đế mới mua xuống nền xi măng rồi lật đật nhảy ra nhưng bà vấp vào con mực nằm trước thềm khiến nó đau điếng kêu to “quẳng, quẳng… ẳng… ẳng…”. Bà đụng mặt ông Năm dưới bậc thềm nhà dưới. Mặt ông tái nhợt như vừa thấy ma, như bị ai bóp cổ… Bà há hốc loạng choạng ngã ngửa vì ông xô dạt bà ra rồi ba chân bốn cẳng chạy như ma rượt về phía ủy ban nhân dân xã…
*
Chủ tịch và trưởng công an xã đang tiếp người đàn bà có nét mặt ủ rũ. Không biết chị trình bày chuyện gì mà cả ủy ban, trạm y tế xã cũng tập trung vào đấy để nghe. Khi người đàn bà ra về khoảng 5, 10 phút, cả xã lại tá hỏa đom đóm, nhốn nháo về chuyện của ông Năm câu cá. Không biết ông Năm nói gì mà công an xã gọi điện lên công an huyện. Đám du kích lên xe máy theo ông Năm đi ngược về cái bàu có ma gia. Tin một đồn mười. Khắp xã, người ta bỏ cả buổi sáng để chạy theo du kích, công an xã như hồi mới giải phóng, người Liên Xô hay về thăm xã anh hùng khiến trẻ con, người lớn tha hồ xách dép chạy theo để có dịp ngắm nghía những người phương Tây “mắt xanh, mũi lõ” như ông cha từng tò mò ngắm những tay Chà Gìa (Ấn Độ), Mỹ đen, Mỹ trắng trước năm 1975.
– Chuyện gì vậy bây?
– Ma gia hả?
– Đóng phim thằng Trình giết bồ lại à?
– Chạy theo thì biết, hỏi nhiều làm gì!
Trời nóng thật nhưng người ta khi nóng lòng, cái nóng của trời chẳng xi nhê gì tới sự tò mò.
Họ chạy tới bao quanh cái bàu. Ở giữa, chỗ sâu nhất của cái bàu khoảng 1 – 2 mét nước, khối bèo và chiếc áo thun trắng ba lỗ lình bình chình ình ra đó.
– Có người chết đuối rồi. Tội nghiệp qúa đi!
– Ma gia bắt người thế mạng năm nay rồi.
– Để coi là ai?
Công an xã và huyện tới đông đủ. Họ kéo khối bèo vào bờ và người công an mang giày ống lội ra. Ông ta kéo sợi dây dù quấn quanh càng cổ nạn nhân. Khi cái xác được đưa lên bờ, người ta mới tá hỏa đó là một… vụ án giết người dã man.
*
Cách xã khoảng 1 cây số là nhà vợ chồng thằng Nhỏ. Nhà nó nghèo có hạng trong xã vì nó cũng chẳng có việc làm nào nên hồn, nên thân. Hợp tác xã giao ruộng, nó bắt vợ làm chí chết. Còn nó, không đi đánh lộn với đám du côn cũng đi nhậu tới tối mới lò mò về nhà. Chẳng biết sao, nó vẫn sống được và vợ nó vẫn đẻ được cho nó 2 đứa con đủ tiêu chuẩn nhà nước. Người ta đồn rằng nó đi rừng kiếm trầm kỳ nên trúng mánh mà giàu ngầm chăng? Vợ nó là dân đồng ruộng chính hiệu và là người vợ chịu nhẫn nại nuôi chồng, chăm con nên nhà nó ít khi nghe tiếng bấc, tiếng chì. Nấu cơm xong, vợ thằng Nhỏ thấy chồng vẫn còn loay hoay ngoài giếng nên gọi:
– Anh vô ăn cơm cho con ăn với nè!
– Ăn trước đi mà. Anh giặt đồ xí. Cho mấy nhỏ ăn đi. Anh vô liền hà.
Chờ mãi chẳng thấy chồng vào, chị Nhỏ đi ra giếng. Chị thấy chồng đang nhún cái áo sơ mi vào chậu nhưng không lấy xà bông. Chị giành lấy:
– Để em giặt cho nà. Giặt có cái áo cả buổi chưa xong. Vào ăn cơm đi!
Ủa. Anh làm gì mà áo dính máu không hả?
– Đi quýnh lộn với tụi xóm bên. Không thấy xịt máu mũi hay sao?
Chị Nhỏ ừ à. Chị chẳng lạ gì tính chồng hay cà khịa nên hỏi loa qua. Chặp tối, mấy đứa con ngủ hết, chị Nhỏ thấy anh Nhỏ xáp lại bên chị, đưa cái túi vải cho chị và nhỏ giọng:
– Em cất túi vải này cho anh. Cất kỹ nghe không?
– ???
– Vàng đó. Mấy chục cây lận! Giữ dùm người ta. Người ta ăn sơn hào hải vị, mình cũng có cá mà ăn.
Thấy vợ đực mặt, há mồm, thằng Nhỏ giải thích:
– Chưa hề thấy 4 số 9 phải không? Vàng này của mấy người ở bển đó. Họ gởi về để chuẩn bị… đó.
– Chuẩn bị cái gì?
– Mệt qúa! Nói ra là bị công an thộp cổ à. Nhớ cất kỹ nghe không?
Chị Nhỏ run rẫy:
– Không dám! Em không dám cất đâu. Sợ mất, không trả được, tụi giang hồ thanh toán anh ơi!
Vừa nói, chị đẩy gói vàng về phía chồng. Thằng Nhỏ chửi thề một tràng dài rồi mắng:
– Ngu qúa mà! Không giữ thì thôi. Từ này về sau đừng kêu khổ này, khổ nọ.
– Em có kêu đâu chớ!
– Hùm!
Chị Nhỏ mệt mỏi với đồng ruộng và con cái nên cũng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chờ cho vợ ngủ, thằng Nhỏ đi ra giếng
Sáng sớm, một người thanh niên xuất hiện trước nhà. Thằng Nhỏ như chờ đợi hắn đã lâu nên nhanh nhẩu xách túi xách ra cửa. Nó bảo với vợ:
– Anh đi núi với anh Thái chắc cả tháng mới về đó nhen.
– Ủa? Mới về sao đi lại mau vậy?
– Đi rừng mùa này mới có trầm kỳ. Đi mùa đông có nước gặp mấy ổng và rắn rết. Đàn bà đái không qua ngọn cỏ, đừng có hỏi nhiều.
Chị Nhỏ nghe bực nhưng chị cãi và cản không được vì biết tính chồng. Thằng Nhỏ ngồi sau xe Dream II cũ kỹ do thằng Thái lái. Chúng nó phóng ào ra đường cái lớn. Chị Nhỏ nhìn theo và chị nhíu mày khi thấy chồng không mang ba lô với gạo, cá, mắm như mọi khi mà lại còn mặc chiếc áo gió đen thui khi trời nóng chết cha như thế này! “Chắc đi núi sợ lạnh đó mà”. Chị nghĩ thế nên lại thôi.
Thái chạy ra khỏi cổng, Nhỏ khều tay bạn nhắc chừng:
– Chạy vừa thôi mày!
– Sao tay lái hôm nay cứng qúa hè! Ngồi yên tao chở. Ai đưa mày xuống âm phủ đâu mà lo!
– Coi chừng! Áááaaaa… á…a…a…
“Rầm…”
*
Căn nhà chị Ánh âm u khác hẳn mọi hôm. Bàn thờ chồng còn nghi ngút khói nhang. Người đi đám đã về hết còn mỗi mình mẹ chồng, nàng dâu. Bà má chồng chị cứ đi vô lại đi ra. Bà hết thắp nhang trong nhà lại thắp nhang ngoài miểu. Chị Ánh vái chồng bằng cặp mắt sưng húp:
– Hồn anh sống khôn, thác thiêng mau mau về chỉ ra đứa nào là hung thủ giết anh rồi trấn nước dã man như vậy nè anh ơi! Ác chi mà ác vậy trời ơi trời!
Con dâu khóc. Mẹ chồng gào. Bàn thờ rung ring bởi hai bàn tay hai người đàn bà đập xuống, vật vã khóc than. Cây nhang trong lư lóe lên một tia sáng rồi cả lư nhang bỗng nhiên bốc cháy phừng khiến chị Ánh như dội ngửa ra sau. Lát sau, chị gục xuống đống nhang người ta đi đám chồng và không nói được lời nào nữa. Chị thẩn thờ như người mất hồn. Ba đứa con chị đã ở Pháp hết nên chẳng đứa nào thấy mẹ và bà nội loay hoay như người ta xây lúa thời xưa. Khi chúng nghe tin dữ, thằng con trai đụng xe vào cột đèn đỏ còn hai chị em nhận loại C trong bản điểm giữa học kỳ.
Chặp sau, chị Ánh tỉnh hồn. Chị bước có, bước không đi vào nhà trong lấy chìa khóa xe, quên cả thay đồ. Chị dắt chiếc xe tay ga nói với má chồng:
– Con đi tới nhà anh Lợi chút nghen má!
– Tối rồi đi chi con. Mai hẵn đi con à!
Chị Mừng nhà bên cạnh bước qua, nghe vậy, chị dặn theo:
– Cẩn thận xe cộ mày, Ánh à!
Thấy Ánh phóng xe ra ngõ, không nghe, chị lắc đầu nói với bà má chồng Ánh:
– Thằng Tèo mới về nói rằng ở ngã ba dưới chợ mới bị tai nạn xe cộ. Nghe nói nạn nhân tự nhiên đâm sầm vô xe chất lượng cao từ bắc vô nam khiến bất tỉnh nhân sự chi đó. Công an đến tùm lum, tùm la.
Chị vừa dứt lời, đèn pha từ xe máy ai đó dừng trước cổng. Hai người đàn ông mặc đồ công an bước vào. Chị Mừng nhỏm đít đứng dậy khi bà má chồng chị Ánh nheo mắt nhận mặt khách không mời.
– Có chị Ánh ở nhà không, bà Tám?
Nhận ra hai người công an, bà Tám thôi nheo. Bà lau nước mắt, đưa tay chỉ ra cổng:
– Nó mới chạy ra ngoài. Tin tức gì nữa mà bây tới ban đêm, ban hôm?
– Bà Tám ơi! Chúng con còn nhiều việc lắm cần chị Ánh để hỏi chuyện mà.
– Nếu cần gấp, sao mấy đứa bây không gọi điện cho chị Ánh?
Nghe chị Mừng mách nước, người thanh niên “à” lên rồi xin số phôn chị Ánh. Anh ta bấm phôn. Chị Mừng nhìn sắc mặt của hai công an. Chị nghe những người Việt kiều về nói rằng ở bên đó, chẳng ai sợ cảnh sát, sao bên này, ai thấy mặt mấy ông nội, bà ngoại công an là cứ như thấy ông bà cò bị vậy? Chị Mừng sửa lưng: “Không phải sợ mà là… ghét”! Có trăm lý do để thương, cũng có ngàn lý lẽ để ghét! Nhưng hai thằng này thì khác, chúng chẳng làm cho chị Mừng thấy ghét vì chúng nó là hàng xóm đó mà. Chị thường nhắc chừng: “Ở sao cho người ta thương. Mai này xuống ngựa còn có con kiến mà cưỡi đó bây à.”. Chúng nó chỉ nhe răng cười hiền lành. Bây giờ, chúng nó đang đứng ở ngoài gốc cây bưởi, chỗ anh hai Lộc thường cột võng nằm, chờ chị Ánh về. Mặt đứa nào cũng như con nai. Lát sau, chị Ánh về. Hai người công an đưa cho chị cái bóp đen. Chị Ánh vừa nhìn thấy là mặt đổi sắc. Chị lao tới, tay cầm, miệng đánh bồ cạp:
– Cái bóp của anh hai Lộc mà. Ở đâu mà mày có vậy Thành? Trời đất ơi!
Chị như cây chuối bị đốn ngang thân, từ từ khụy xuống. Thằng Thành cũng mất máu theo:
– Úy cha. Úy má ơi! Chị bình tĩnh chị ơi. Em tìm ở trong túi áo vét của một trong hai thanh niên tung vào xe hồi sáng nay!
– Vậy là đúng rồi…
“Bịch”. Chị Ánh ngã lăn quay xuống thềm khiến chị Mừng đỡ không nổi cũng ngã theo ra. Bà như hiểu ra điều gì nên chao đảo, chao đảo…
– Con Ánh! Con Ánh!
– Bà Tám! Bà Tám!
Cả xóm nhà bà Tám lại một phen bấn loạn sau cái tin chồng chị Ánh mất tích ba hôm nay đã được công an tìm được… xác ở cái bàu sau nhà ông Năm rồi hôm nay tìm thêm được… cái bóp của chồng chị Ánh trong… túi 2 thằng tự ý nhào vô xe lớn để… đầu thú!
*
Những người công an túc trực tại bệnh viện. Họ nôn nóng tin tức từ phòng hồi sức. Một lát, bác sĩ ra bảo hai công an:
– Bệnh nhân Nguyễn Văn Nhiễu và Trần Văn Thái đã tỉnh rồi. Sức khỏe tương đối khả quan. Họ chỉ ngất sơ vì đụng mạnh chứ không phải chấn thương sọ não.
– Tốt qúa. Khi nào cho xuất viện được, bác?
– Bây giờ thôi.
– Cám ơn bác.
– Không có gì! Nhiệm vụ chúng tôi là cứu bệnh nhân.
Người bác sĩ quay đi. Bệnh viện bận rộn với nhiều ca tai nạn giao thông, đâm chém, đánh lộn… khiến bác sĩ, y tá, điều dưỡng ai cũng mệt mỏi chẳng muốn nở nụ cười vốn đã hiếm hoi trong mọi ngày. Họ than phiền rằng tai nạn xe cộ bị thương tới chết còn nhiều hơn thời chiến tranh. Vì sao? Cây hỏi treo lơ lửng giữa trời. Những người trả lời được thì… vô tù ở. Công an giải hai người thanh niên bị đụng xe lên xe. Theo lệnh của cấp trên, người thân nạn nhân chưa được thông báo.
*
Chị Nhỏ vừa đi chợ về đã thấy 1 công an đang đợi, 2 công an hình như là công an tỉnh, đang đi chung quanh nhà chị khiến chị luýnh quýnh chẳng biết chuyện gì. Không có người quen trong số họ khiến chị tái mặt. Một người hỏi:
– Chị là vợ của anh Nguyễn Văn Nhiễu tức Nhỏ?
Chị Nhỏ gật đầu lập cập hỏi:
– Ảnh có chuyện gì phải không mấy anh?
– Có chút chuyện. Chị cho chúng tôi biết là tối hôm qua chồng chị về bằng xe gì?
– Dạ em thấy ảnh đi bộ về. Hình như ai đó chở ảnh. Em không biết.
– Chồng chị đi đâu, chị biết không?
– Ảnh nói ảnh đi rừng.
– Đi với ai?
– Anh Thái, bạn ảnh.
– Chồng chị bị tai nạn xe sáng nay.
– Trời ơi…!
Người công an vội trấn an:
– Chị đừng lo lắng. Bác sĩ nói chồng chị không có sao. Chúng tôi chỉ tạm giữ chồng chị để điều tra sự việc và mong chị hợp tác. Chồng chị hôm qua có nói với chị cái gì và đưa tiền bạc gì cho chị cất giữ không?
Chỉ Nhỏ rụng rời. “Chết rồi!” Chị Nhỏ nhớ chồng đã nói: “Nói ra là bị công an thộp cổ à” nên chị chối phăng:
– Dạ thưa mấy anh! Em không nghe ảnh nói hay đưa cái gì về nhà cho em cất.
Người công an xòe tờ giấy:
– Chúng tôi có lệnh khám xét nhà chị.
Chị Nhỏ mặt tái không còn giọt máu. Chị run rẫy hơn lần chồng chị bảo chị cất cả gói vàng 4 số 9. Nếu chồng chị mà giấu cái gì bị cấm trong nhà này là chị chết nhưng 3 người công an tìm khắp nhà nhưng chẳng thấy gì. Căn nhà không đẳng cấp nào này nhìn vô chẳng có chỗ nào bí mật khiến họ cũng tắt hy vọng. Một người công an đành phải hỏi lại chị Nhỏ:
– Hồi tối về, chồng chị làm gì?
Chị Nhỏ thật thà:
– Dạ. Ảnh tắm rửa và giặt quần áo.
– Như mọi ngày?
Chị Ánh thật thà:
– Dạ không. Mọi ngày em giặt cho ảnh.
– À!
– Được rồi. Chúng tôi kiểm tra bên ngoài.
Nói xong, họ cùng nhau ra giếng. Chung quanh giếng nước cũng chẳng có gì đặc biệt nên một người bảo:
– Về thôi!
Người công an đi sau bỗng kêu lên:
– Khoan đã!
– Phát hiện điều gì à?
– Giày của tao dẫm phải bùn. Để tao rửa giày cái đã.
Nói xong, anh tới vò nước. Anh cầm cái gáo dừa thò vào chiếc lu nước gần giếng múc dăm ba gáo rồi đổ vào chiếc giày dính bùn. Anh gác cái gáo vào thân cây cọc. Mắt anh nhìn xuống cây cọc rồi nhìn cái lu nước. Anh gọi 2 người bạn:
– Chỗ này hình như có dấu hiệu của sự đào xới. Thấy không?
– Phải há! Tao vào nhà mượn cái cuốc.
Khi họ dừng cuốc lát thứ năm, chị Nhỏ mắt… đứng tròng. Chị đã biết vì sao chồng chị tự giặt đồ đêm hôm ấy.
*
Mười người trong đội thi hành án đến một địa điểm quy định. 6 người xếp hàng. Đối diện với họ là một chiếc cọc bỏ không. Chặp sau, xe công an áp tải một người thanh niên đeo băng trắng. Hắn bị trói vào thân cây cọc.
– Vào chỗ!
– Sẵn sàng!
– Bắn!
Sáu phát súng nhả ra cùng một lúc từ những kẻ tay nghề cao nên chỉ nghe trọn lọn một tiếng “đoành”. Kẻ bị tử hình trúng đạn. Toàn thân hắn giật nãy. Không ai biết ai đã bắn trúng tim hắn? Người chỉ huy bước tới. Ông ta rút súng ngắn. “Đoành”. Phát này gọi là phát ân huệ. Sáu người thu súng. Họ làm như cái máy như không cần biết trong đời, họ đã thi hành án biết bao nhiêu mạng. Giết người phải đền mạng. Thi hành án không phải là kẻ giết người. Tử hình tưởng như ác nhưng không tử hình, chẳng ai ngán phải đền mạng nên tiếp tục gây tội ác. Những người thi hành án lên xe. Sau khi thi hành án, họ vẫn phải cần ăn uống. Kẻ bị bắn không biết có về bên kia để… ăn năn hay không? Thiên hạ kháo nhau thằng Nhiễu bị bắn, thằng Thái bị chung thân là đáng đời. Thế nhưng, nếu chúng là con ông cháu cha, con nhà đại gia, án tử hình có thi hành không? Dứt khoát là trì hoãn hoặc giảm án để cứ chờ mỗi năm tới ngày lễ lộc, chủ tịch nước giảm án cho ra tù mau chóng rồi về phạm pháp trở lại. Nhân từ với kẻ ác chỉ là đạo đức giả mà thôi và khi cái dù xòe trên đầu, kẻ thủ ác nào sợ nắng với mưa! Nghe nói bây giờ, người ta không tử hình mà chỉ tiêm thuốc độc. Họ tiết kiệm từng viên đạn tử hình nhưng chưa biết tiết kiệm xương máu cũng như từng tấc đất cha ông.
*
Chị Nhỏ ôm 2 đứa con với vành tang trắng. Chị vừa khóc, vừa nói với chồng đang chỉ còn là tấm ảnh không hồn:
– Anh giết anh hai Lộc làm chi để bây giờ bị người giết lại?Anh ham vàng làm chi để giờ nhắm mắt cũng chẳng mang được theo cái gì! Người chết oan, hồn họ khôn thiêng lắm trời à. Họ khiến anh phải mặc lại cái áo dính máu tẩy không đi để công an nhận dạng cho mau. Anh giết anh hai Lộc sao dã man đến vậy? Đập đầu, siết cổ còn dìm xuống bàu! Anh giết người mà anh không nghĩ lại có ngày người ta giết vợ con anh, anh có đau lòng hay không hả? Hồn anh hai Lộc đưa đẩy cho anh mặc chính cái áo gió anh lột của anh ấy mà anh không biết trong ngăn túi nhỏ bên có giấy tờ xe của anh hai. Anh đi xe với anh Thái nói dối mẹ con em là đi rừng để hồn anh hai Lộc bắt anh Thái phải tự tung vào xe khách cho công an bắt. Có vợ con rồi mà anh chẳng chịu nghe lời em cứ đi lo ăn nhậu để sinh ra tham lam, giết người cướp của. Con thì mồ côi. Vợ thì góa chồng! Có nhà không ở cứ hết lên rừng cho muỗi vắt cắn rồi giờ ra nghĩa địa nằm lạnh lẽo nè trời!
Chị vật vã. Chị rên xiết. Chị kêu van. Quay sang con ôm chúng vào lòng chị khóc không thành tiếng:
– Con à! Má ráng chịu cực nuôi hai đứa con học hành. Sau này, hai đứa con đừng bắt chước ba con giết người, cướp của nghe con. Giết người đền mạng đó con ơi!
Hai đứa nhỏ khóc theo má khiến căn nhà đang u ám lại u ám hơn. Nhìn bàn thờ đỏ choét, chị lại vật vã:
– Chạy đâu mà thoát được anh ơi! Em đã nói dối với công an là anh không đưa vàng cất nhưng công an cũng đã moi ra. Em đâu có biết là anh cất vàng ở chỗ cái lu nước! Biết, em cũng chỉ cho họ vì vàng đó là anh cướp của giết người mới có. Người cõi âm sao mà không biết hết người dương gian làm chuyện ác. Nhỏ ơi! Nhiễu ơi! Anh ơi…
Cây nhang trong lư nhá lên rồi rớt xuống cùng với những dòng nước mắt của người ở lại. Tóc xanh bỏ đời sớm cũng lắm nguyên do nhưng nguyên do như vầy có mấy ai thương xót?
*
Bên kia đường cái, người bạn cùng đi nhậu với anh hai Lộc ở quán Duyên Hải đi tới nhà chị Ánh. Ông ta rót ba ly rượu trước bàn thờ bạn:
– Mày uống đi! Mày cụng ly với tao đi! Cụng ly với thằng Lợi này đi mày! Hôm đó, tao không bỏ về trước thì tụi thằng Nhỏ, thằng Thái đâu giết mày được. Tao đã dặn mày đừng bô bô cái miệng nói tiền này, tiền nọ để chúng nó động lòng tham! Vàng đó cũng đâu phải của mày. Vàng hùn hạp buôn bán thôi mà xui xẻo cho mày qúa Lộc à. Đau lòng tao biết bao, thằng ôn dịch mày ơi! Uống đi mày, hai Lộc, rồi lo đầu thai kiếp khác nghen mày.
Khi ông nước lên bàn thờ, ông thiếu điều ngã bổ sấp. Ba ly rượu ông rót đã… cạn mất từ lúc nào.
*
Tới mùa đông, cái bàu sau nhà ông Năm ngập mênh mông nước. Những cánh lục bình xanh mướt tới mùa hồi sinh. Chúng nở hoa tím ngập đất trời. Không có thêm cái chết oan nào ở cái bàu này nữa. Có thể kẻ ác đã bỏ đao đầu Phật còn con ma gia vốn dĩ chịu qúa nhiều oan uổng cũng đã lật đật đi… tu./.
Tháng 2/25/2011
Ngọc Thiên Hoa