Không hóa thân “con cu về gù rặng tre” hay làm “thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc” mang sắc áo hiện thực – lãng mạn như thơ Hoàng Cầm, trái lại, thơ Trần Dần tiêu biểu cho khuynh hướng hiện thực trần trụi đời sống xã hội.
Trần Dần từng xuất thân là người cộng sản. Trần Dần từng bị phế bỏ cũng bởi chế độ ấy khi ông dùng lá phiếu tự do tấn công vào lô cốt sắt thép của nền “Dân Chủ Cộng Hòa”. Những kẻ sĩ thời nào “sĩ khả sát” mà chẳng làm cây cung cong xuống…
Trần Dần là nhà thơ. “Thơ là cái thăm thẳm” của Trần Dần. Thơ với Trần Dần cũng như Trần Dần với tình yêu gắn bó nhau. Tình yêu là lẽ sống của con người. Không có tình yêu, con người không có gì! Tự do không anh. Tự do không em. Tự do để mà làm gì?
Phản kháng bằng câu chữ, bằng cứa cổ, bằng phỉ nhổ, bằng kiếp lưu đầy, Trần Dần cũng chẳng vì thế mà trở thành “sáng giá” hơn nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” hay vượt trội hơn những người cộng sản khác! Trần Dần trở nên “bất tử” chính là trong lúc ngoặc nghèo nhất của ngã đường tận cùng cuộc đời, người cộng sản này đã không bỏ rơi một Tình Yêu. Đấy chính là nét sáng giá nhất của Trần Dần khi chấp nhận từ bỏ mọi thứ “con người” để mà làm “Người” vì trong mọi cái khó thì cái khó nhất chính là làm Người.
Gông xiềng và mất trắng là kết quả của những người tranh đấu quyền tự do mà quyền uy muốn cảnh báo, đó là: Đấu tranh cho cái mình không bao giờ với tới thì tranh đấu để làm gì? Chức quyền? Không lớn hơn một “quan phụ mẫu” văn nghệ Tố Hữu. Tiếng tăm? Không hơn được lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thế nhưng, bày tỏ thái độ “trung ngôn nghịch nhĩ” với Đảng cũng chính là một cách thức yêu Đảng của bề tôi chân chính. Biểu hiện này đi ngược với câm nín “bằng mặt không bằng lòng” bên tai Đảng để “ngọt mật chết ruồi“. Đấy mới chính là loại người không thật lòng với Đảng. Trần Dần thuộc loại người nào?
Phản xạ của con vật khi được người ta vuốt ve, thường có thái độ thân thiện. Con người cũng thế: Hỉ, Nộ, Ái, Ố biểu hiện rõ ràng. Ngược lại những ưu ái và thân thiện, con người hay con vật cũng đều “bày tỏ lòng mình” nhưng “bày tỏ” như thế nào thì chiêu thức mổ, cắn, đớp, táp của loài vật hay án giam, nhà tù và án tử hình dành cho con người đã chứng minh.
Trần Dần quật cường như cây cung oằn xuống nhưng không nhắm mục tiêu vào kẻ hại mình mà lại “cao cả” hơn, “phi thường” hơn, nhắm vào… Đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm bằng cây cung… “Nhất định thắng”. Ít ra, vì nó mà Trần Dần chịu oan khiên ba mươi năm như Hoàng Cầm cùng nhóm “Nhân văn – Giai phẩm”. Ba mươi năm coi như hết nửa đời mà tuổi trẻ là cái quý giá nhất của con người. Hoang phí quá!
Phân tích “Nhất định thắng” dưới góc độ một tác phẩm, chúng ta thử nghiệm soi sáng nó bằng lý luận văn học để nó thành tác phẩm văn học hay tác phẩm văn học – sử về một giai đoạn đẫm máu, oan khiên đã xảy ra trong văn học cũng như trong cuộc đời và thời đại tác giả từng cống hiến với tinh thần “sống, chiến đấu, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Nhà văn Chu Lai có nói: “Sống đúng mình, phải trả giá”. Trần Dần đã trả cái giá đắc nhất của mình bằng những năm tháng tuổi trẻ ức oan còn “vết thương” kia được khâu vá bởi những bàn tay bác sĩ vụng về nên nhiễm trùng thế kỷ!
PHÂN TÍCH TRƯỜNG CA “NHẤT ĐỊNH THẮNG“:
A. NỘI DUNG:
“Nhất định thắng” là một bài thơ dài, thể tự do, được chia thành 9 phân đoạn. Nó có kịch tính với cách mở và kết như một thể loại trường ca. “Nhất định thắng” có nhiều văn bản không thống nhất nhau. Để dễ dàng hình dung mối quan hệ kịch tính tổng thể, khách quan, chúng ta nên xem xét tất cả các văn bản chưa thống nhất, thử so sánh, đối chiếu để tìm về một văn bản chính thức chưa qua biên tập. Đảm bảo đúng nguyên tắc phân tích một tác phẩm, nếu tác phẩm đó không được chính tác giả sửa chữa thì chúng ta triệt để trung thành với nguyên bản cũng như người ta phải buộc dùng phương pháp di truyền học DNA với độ chính xác 99% để kết thúc những hồ sơ khó phá án.
Trường hợp, “Nhất định thắng” của Trần Dần là một tác phẩm được hiểu theo nhiều chiều bất lợi cho tác giả, chúng ta phải căn cứ vào nguyên bản để đánh giá tác phẩm, tác giả theo tính quốc tế chuẩn mực của các nhà triết học và phê bình hiện đại Mỹ, Giáo sư William C. Wimsatt đã viết: “Thơ phải là một bản mẫu xác tính của cái gọi là hìng tượng toàn thể”. (“Thơ là Thơ”, Nguyễn Hoàng Đức tuyển dịch, Cẩm nang mỹ học nghệ thuật thi ca, phê bình, trang 159, Nxb VHDT – 2000).
Các bản:
– “Nhất định thắng” được tienve.org cho là “bản gốc” (1768 từ và 296 dòng).
Đoạn 1 mất:
Người ta nói thằng ngô con đĩ
Ở miền Nam có tên giặc họ Ngô
Tài của hắn là: Khuyển Ưng của Mỹ
Bửu bối gớm ghê là: một lưỡi đao cùn
Hắn nhay mãi cố xẻ đôi Tổ Quốc.
Đoạn 4 mất: “Những ngày ấy bao nhiêu thương xót”
Đoạn 5 mất: “Hôm nay bọn Mỹ Miếc, lũ Ngô Nghê”
Đoạn 6 và 9 mất là những đoạn nói về tội ác và sự trừng phạt bọn “Mỹ Miếc, lũ Ngô Nghê” kia.
– “Nhất định thắng” trong ‘Trần Dần – Thơ’, Nxb ĐN – 2008 (2143 từ và 407 dòng).
Mất 5 câu trong đoạn 1 như tienve.org. Đoạn 4 không mất câu “Những ngày ấy có bao nhiêu thương xót” như trên tienve.org.
Đoạn 5 không mất câu “Hôm nay bọn Mỹ Miếc, lũ Ngô Nghê” mà mất:
Mày không hiểu những gần xa Mỹ Diệm
Chúng ở đâu – mà lại núp bên ta
Chính chúng cướp cả cơm của khuyển
Đoạn 6 mất:
Hôm nay đài tiếng nói Việt Nam
Lại có chuyện tên Ngô Đình Diệm
Hắn sai con em là lũ du côn
Đi ném đá nhà Ủy ban Quốc tế.
Hắn bảo hắn Giơ-ne không ký
Hắn bịt tai, không biết chuyện hiệp thương!
Ô hay! Cái lưỡi uốn càn
Cả thế giới vả vào mõm hắn
Hắn giậm chân khoa lưỡi đao cùn:
– Mặc kệ! Giết ta chết hẳn
thì thôi
Ta chẳng giả miền Nam!
Chứ
giả miền Nam cho nước Việt Nam
Thì ta chết
– thầy ta cũng chết
Hắn thét lên ộc máu mũi máu mồm
Hắn lồng lộn, ôm miền Nam mà cắn!
Thịt dân ta từng mảng nát bươm
Nhưng không!
Hôm nay
Cả thành phố Sài Gòn
Đóng cửa!
Không họp chợ!
Không ra đường!
Những mảng thịt
Những đọi máu đào
đang rầm rập kéo nhau
đi ngoài phố
Hôm nay
hàng triệu mối thù sâu
tới đập cửa lão già Ngô đòi mạng
Vung đao cùn chém phải quãng trời không!
Hắn đi ngủ,
muôn tiếng kêu xúm lại quanh giường
Hắn ngồi ăn
tiếng khóc nổi trong cơm
Hắn nhắm mắt
tiếng kêu vào giấc ngủ
Hắn rong chơi
tiếng rủa bước theo chân
Hắn hội họp
tiếng kêu ngồi cạnh
giơ bàn tay đòi mạng nghều ngào
Tên tội nhân kia!
Lịch sử vạch tên mày!
Tên đứa tay sai!
Chẳng có lâu đâu!
Hắn sẽ sống như tên mắc tội tử tù
Óc điên dại
– chân lê vòng xích
Trốn đi đâu?
Đất trời sâu
đương vẩy máu
đuổi theo chân hắn.
Hắn run sợ – Quỳ xin đã muộn!
Dù đêm khuya, bóng tối đặc ngầu ngầu
Máu vẫn đỏ
trúng đầu trúng mặt
Tên tội nhân kia!
Lịch sử vang tên mày!
Đoạn 9 cắt những đoạn sau:
Tiếng gì ầm phố em à?
A! Những người đi Nam trở ra
Phải rồi! Quên sao đất Bắc!
– Khổ! Trong ấy loạn
Phải đi đồn điền cao su
Chúng tôi bị lừa
Bà con muốn ra không được.
Đồng bào vui muốn khóc
Ô này lạ chưa?
– Mây ngoài này không đen
Mây đen vào trong ấy cả
Họ đã bỏ miền Nam
ra Bắc!
Chúng đem súng mà ngăn
Đem dây mà trói!
Giữ thân người
không giữ được nhân tâm
Người Nam gửi tâm hồn ra Bắc cả.
Bọn Mỹ Diệm ôm đầu sợ hãi
Đổ lên chúng nó
Mây đen
lửa loạn
bão thù
Ai thắng ai thua?
Ai có LÝ và ai có LỰC?
– Nhất định thắng” trên nsvietnam.com (2243 từ và 376 dòng) cũng cắt tương tự và cắt thêm: “Mực ơi! Đừng oán chủ Mực à” trong đoạn 5. Không viết hoa LÝ và LỰC. “Nhất định thắng” tới đây chấm hết như hết như tienve.org đã đăng. Trong “Tư liệu về nhà thơ Trần Dần” (web đd) ghi rõ: “Bài thơ này lúc đầu lấy nhan đề là ‘Bài thơ Thống Nhất’ và chỉ có đến đây là hết. Hoàng Cầm khuyên Trần Dần nên làm thêm một đoạn nữa để ‘giữ vững lập trường’ mới có thể xuất bản được. Vì vậy nên mới có đoạn văn sau này và bài thơ cũng đổi nhan đề là ‘Nhất định thắng’ “. Đoạn sau là đoạn nối tiếp đến hết bài tức là đoạn 9 cuối.
Những đoạn cắt này đều dính líu tới đụng chạm miền Nam như ban biên tập “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã cắt phần nhiều về miền Nam.
– Bản đầy đủ nhất khi đối chiếu hai bản của thivien.net và talawas.org, cơ bản giống nhau về số từ (2618), chỉ khác số dòng (547 và 539).
Người viết chưa tìm ra bản nào khác hơn hai bản này nên tạm mượn hai bản này phân tích. Tại sao phải cắt rời mà không ghép vào cho đầy đủ? Bản nào mới được gọi là “bản gốc”? Những web site và nhà xuất bản đã lấy bản gốc đó từ nguồn nào?
“Nhất định thắng” ra đời năm 1954. Hoàng Cầm in trong “Giai phẩm mùa xuân” năm 1956 có thêm đoạn những đoạn khác tức là “Nhất định thắng” đã là một bài trường ca hoàn chỉnh tại thời điểm đó và coi như một văn bản chính thức. Nếu như những bản gọi là “gốc” (không đầy đủ) thì phải lấy tên “Bài thơ thống nhất” mới đúng và nên ghi chú bài thơ này đã được đăng ở đâu?
Phân tích “Nhất định thắng” là phân tích tổng thể – văn bản chính thức chứ không phải phân tích “Bài thơ thống nhất“.
I. “Nhất định thắng“: Tình yêu nhuộm áo chiến tranh:
1. Tình yêu với “hai trái tim vàng” vượt qua thử thách:
a. Thú thương đau:
Những nhà thơ, nhạc sĩ viết về chiến tranh thường mở đầu bài hát của mình bằng cụm từ chỉ địa điểm, nơi chốn… mơ huyền như: “Tôi ở đồn xa”, “Tôi ở ngoại ô”, “Anh ở đầu sông. Em cuối sông”, “Ở tận sông Hồng”, “Tôi trở về vùng thành đô”…
Trần Dần cũng là anh lính chiến. “Nhất định thắng” của anh lính này cũng mở đầu bằng bản tự khai hộ khẩu:
Tôi ở phố Sinh Từ:
Hai người
Một gian nhà chật.
Rất yêu nhau, sao cuộc sống không vui?
Hộ khẩu anh thật hơn khi ghi rõ ràng ở “phố Sinh Từ” (khu phố mà Từ Thị Khánh, Trần Thị Khánh của Thâm Tâm từng ở). Anh không sống độc thân mà lại: “Hai người“. Hai người đó “Rất yêu nhau“. Cuộc sống của họ thuộc về giai cấp nào? Bần cố nông! Nghèo nhưng chưa mạt rệp. Vẫn có “Một gian nhà” dù “nhà chật” chứ chưa phải ở “khách sạn ngàn sao” nghe nhạc sóng rì rào! Có tình yêu là có tất cả! Thế sao đôi uyên ương này vẫn cảm thấy “cuộc sống không vui”? Vậy thì cần “ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng” để cân đo, đong đếm nỗi sầu này là vì thiếu trước, hụt sau hay vì là nỗi đau thời cuộc hoặc vì chỉ buột tơ hồng mong manh?
Năm 1954, bài thơ ra đời, tác giả đã ba mươi tuổi. Năm 23 tuổi (1948), Trần Dần gia nhập Vệ quốc quân. Phục vụ quân đội gần 7 – 8 năm cho đến khi lấy vợ. Lấy vợ tuổi ba mươi coi như “ế độ”. Thế nhưng Trần Dần lấy vợ cũng đâu “thuận buồm xuôi gió”. Trần Dần vào Đảng năm 1949. Oái ăm thay! Luật Đảng lại không theo chế độ hôn nhân tự do mà lại theo chế độ hôn nhân phong kiến “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó“. Không ngồi đúng chỗ “cha mẹ” đặt, thì… ăn đòn! Hôn nhân cưỡng bức như chuối ép có chân ruồi! Không mang kính hiển vi thì dám ăn. Có mang kính thì đố cha đứa nào đói chết cũng không dám nuốt! “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ“. Trần Dần “rượu mời không uống lại uống rượu phạt”. Đảng không cho lấy cô gái ở Sinh Từ mà vẫn cứ lấy. Vậy thì cứ chiếu theo gia huấn thi hành tới ngay. Trần Dần như thiên lôi giáng búa mà không ngán. Anh chàng “ăn gì mà to gan rứa” này làm đơn xin ra khỏi Đảng.
Vậy mà những bài phản biện như Huy Vân (một trong 304 anh hùng viết bài biểu quyết chống “Nhân văn – Giai phẩm“) đã trung thành cẩn cẩn với Đảng, cho rằng “Ðể truyền bá những tư tưởng phản động của mình, Trần Dần đã dự định ra khỏi quân đội, mưu viết báo chống lại chế độ. Sau khi cùng với Nguyễn Hữu Ðang, Lê Ðạt, Văn Cao, Hoàng Cầm mặc cả với những phần tử tư sản phản động về cái chức chủ bút một tờ báo tư với số lương tháng 10 vạn đồng, Trần Dần đã viết đơn xin ra khỏi Ðảng và quân đội. Những phần tử xấu trong văn nghệ bộ đội cũng hùa theo hắn viết thư “xin ra”. Mặc dù Trần Dần đã đi đến chỗ rất xấu như vậy, chi bộ vẫn giữ phương châm kiên nhẫn giáo dục. Song hắn vẫn ngoan cố, lại dùng những lời lẽ khiêu khích chi bộ. Toàn thể chi bộ đã nhất trí quyết nghị khai trừ hắn ra khỏi Ðảng” (Một tâm hồn đồi trụy Trần Dần, talawas.org).
Té ra, Đảng khai anh, chứ anh không thể khai Đảng. Bảo vệ danh dự Đảng là phải viết thế! Đảng đâu phải hang Từ Thức mà ai muốn… tham quan vô ra tùy tiện! Khi Đảng đã nhận sai lầm thì con cá chép chẳng thể nào hóa rồng như Huy Vân và những chư vị anh hùng hảo hán ấy bây giờ cảm thấy như thế nào khi đọc lại bản án ngày rày, năm xưa cho một đồng chí của mình?
Với người con gái mười chín – hai mươi tuổi, Trần Dần gặp rồi mê, rồi yêu. Cánh đàn ông, nếu không biết xúc cảm trước những “Kỳ hoa dị thảo” thì chẳng phải người! Đảng không tán thành nhưng “anh yêu đắm đuối và ương ngạnh” (Hoàng Cầm). Bản lĩnh đến thế còn gì! Khi yêu, người ta dám sống chết cho tình yêu mới là lẽ đời. Lý lẽ này có tự ngàn xưa vậy mà những người đồng đội thời ấy chẳng hiểu, vậy thì giải phóng cái chi cho con người “sung sướng ấm no“, cho con người “độc lập, tự do“? Những kẻ phản đối tình yêu mãnh liệt của Trần Dần là những thứ người mà đời gọi là “quân ăn hại”. Đã là đồ ăn hại thì dạng mọt, mối rồi còn chi? Đặng Thùy Trâm đã vạch trần lũ sâu mọt này và chửi ra trò trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Vậy là hỏng một mối tình thơ. Tội nghiệp cho người con gái vì yêu chàng lính vệ quốc mà ôm xót một đời với “bốn chiều gió cả” mà nhà thơ áo lính Phạm Thanh Khương nhìn ra cho mọi số phận xuân thì đã sớm phai bông vì thời cuộc:
Em về phía cuối chân trời
Lận đận chuyện đời cơm áo
Chiều xé nát bóng đêm huyền ảo
Ru người vào những giấc chiêm bao.
Một “giấc chiêm bao“… chồng trong lao tù!
Lý lẽ mà ai cũng biết:
Đuổi người chớ đuổi cùng đường
Ngày sau đường ấy cũng “nhường” mình qua!
Trước khi trở thành kẻ chống lại một số nguyên tắc hợp tình, hợp lý, hợp lẽ của Đảng; Trần Dần và người yêu trẻ đã vì tình yêu mà hy sinh. Cô gái mười chín, hai mươi kia vì nghe lời người yêu là anh vệ quốc quân mà “dâng hiến” mấy căn nhà cho thuê của bố mẹ di cư vào Nam để lại? Ngu gì ngu dữ! Thế nhưng ngu để được yên thân thì ngu đó cũng được cho là thức thời vụ! Người ta ở tù thì có tiền thế chân là tại ngoại. Tình yêu dâng hiến mấy căn nhà cũng chẳng được yên cái thân. Không nổi khùng là mới lạ! “Thêm vào đó, câu chuyện tình chưa được công nhận. Bóng người con gái hiền lành, hay khóc, người yêu của Trần Dần bỗng trở thành một thứ gì ám ảnh: Một bóng ma đáng sợ. Người nào muốn tỏ ra “lập trường tư tưởng vững chắc” không bị “tư tưởng tư sản tấn công” đều phải ghét người con gái ấy đi. Tình cảm day dứt đến cực độ, như một cành cây non bị quật lên quật xuống trong trận bão khổng lồ, Trần Dần không còn biết bộc bạch cùng ai. Nói gì bây giờ cũng khó lọt qua tai những người “vững lập trường lòng lim dạ sắt”. Trần Dần gần như phát điên”. (Hoàng Cầm “Tiến tới xét lại một vụ án văn học: Con người Trần Dần” talawas.org).
Ta hiểu vì sao Thâm Tâm lại đau buồn khi quen biết Từ Thị Khánh (gia đình tiểu tư sản) và cô gái này không có một tình yêu sắt đá với anh như Bùi Thị Ngọc Khê đối với Trần Dần. Nguyễn Văn Thạc cùng anh trai chưa được vào Đảng vì lý lịch “tiểu chủ”. Đặng Thùy Trâm khốn đốn với đơn xin vào Đảng vì lý lịch “tiểu tư sản”. Thế mà, trên chiến trường đánh địch, các ngài chỉ huy quân sự lại không “xét lý lịch” những người này để thiên hạ khối người không làm “Liệt sĩ”! Rõ ràng khi có quyền lợi cá nhân, lý lịch thành con “kỳ đà cản mũi”. Khi quyền lợi cá nhân bỏ đi để hy sinh cho chế độ, lý lịch được “đánh đồng”! Ai người khôn dại ở trong đời? Hỡi kẻ khôn ranh của thế thời! Bất công từ đấy mà ra.
Sự trao ra “tiểu tư sản, tiểu chủ” cho nhà nước để chứng minh người yêu là “lương dân, bần thị cùng” cũng không được lãnh đạo cho là đủ. “Mất cả chì lẫn chài“! Trần Dần quyết lấy cho bằng được cô con gái vì mình mà trắng tay. Tội nghiệp! Người con gái mười chín – hai mươi đó “đã thôi không trang điểm, xếp áo màu vào tủ, có cái thì đem cắt ngắn, nhuộm nâu. Đã tan đi từ lâu lắm tiếng cười ròn rã. Trong giọng nói đã thấy ngấn nước mắt” (Hoàng Cầm, bài đã dẫn, talawas.org). Người con gái ấy lại phải từng ngày:
Em đi tìm việc
Mỗi ngày đi lại cúi đầu về
– Anh ạ.
Họ vẫn bảo chờ…
Thú đau thương của đôi vợ chồng này là người mong ngày kiếm việc, kẻ đợi đêm viết lách và chịu đựng:
Tôi không gặng hỏi, nói gì ư?
Trời mưa, trời mưa
Ba tháng rồi
Em đợi
“Em đợi” ba tháng thì cũng như anh đợi ba năm. Thế là “lửa Đảng” đã làm nên “khói Trần Dần – Ngọc Khê” như Hoàng Cầm nói “con giun bị xéo mãi cũng quằn lên“. Câu thơ cháy lòng, đắng chát ê chề của hai kẻ “rất yêu nhau, sao cuộc sống không vui?” là đây! Nhân vật thật trong đời là vợ Trần Dần, cô gái 19 tuổi ấy đã sinh con không có cha (cha ở tù) “Đứa bé ra đời, còm rom như một con mèo ốm. Nó quặt quẹo, sài đẹn mấy lần tưởng chết. Chị K. nuôi con bằng nước mắt nhiều hơn bằng sữa” như Hoàng Cầm chua chát trong “Con người Trần Dần”.
Trong “Tô Hoài Hồi ký” (Nxb HNV – 1997), Tô Hoài đã đề cập đến hôn nhân không tự do. Cô con gái bà lý trưởng làng Bùng vì quá sợ hãi cái thai với anh thợ cửi (Đành) đến nổi phải trầm mình tự tử. Sự lựa chọn của anh lính nhà thơ cũng day dứt, quặn lòng như nhân vật “anh” trong trường ca tình yêu “Đợi chuyến đò đã lỡ” của Nguyễn Hoàng Đức. Ở đây, cũng hai nhân vật nam phải lựa chọn hoặc Tình yêu lứa đôi hoặc Tình yêu Chúa? Tình yêu lứa đôi hay Tình yêu Đảng? Nhân vật trong “Nhất định thắng” đã lựa chọn xong với một giá thật đắc. Nhân vật nam trong “Đợi chuyến đò đã lỡ” thì lưỡng lự:
Ôi định mệnh tình yêu
lớn biết nhường nào
anh đã chạy trốn đất liền
muốn bỏ rơi tình yêu của em
để lựa chọn
tình yêu Thiên Chúa
vậy mà
đau đớn làm sao!
hình bóng em
án ngữ
ngay ngưỡng cửa đầu tiên
Một sự đọ trí với Chúa bằng cái búa định mệnh vung lên… Tình yêu chẻ hai, không vẹn hình hài. Ác hay không ác? Chỉ biết, tình yêu trong “Nhất định thắng” là tình yêu của cuộc đời. Nó chân thật. Tình yêu của “Đợi chuyến đò đã lỡ” là đã lỡ chuyến đò. Nó phù phiếm, hoang mang. Nó chỉ có giá trị vĩnh hằng khi người yêu chết đi. Nhân vật nữ chết thật:
Anh dìu em lên bờ
nụ hôn vừa dứt
đã kịp gieo vào vũ trụ
hai cặp môi vĩnh hằng
khao khát tình yêu.
Ta hiểu vì sao mà nhà văn Chu Lai cứ yêu thương nhân vật nào là để nhân vật ấy không sống được trong các tập tiểu thuyết của mình. Chết chính là sự giải thoát cuối cùng. Nếu phải chọn “hy vọng tương lai” trong “Nhất định thắng” hay “hai cặp môi vĩnh hằng” trong “Đợi chuyến đò đã lỡ“, ta thà chọn cái thứ nhất cho đời trần trụi có lương tâm. “Nhất định thắng” tức là thắng cái nghịch cảnh này trước nhưng bài thơ đâu chỉ có một tiếng lòng không vui đó?
b. Tình vợ chồng tuyệt vời:
Người con gái mười chín – hai mươi sau vụ hiến nhà đã trở thành thất nghiệp cho vừa lòng ai! Lời thơ sao mà buồn não ruột. Câu thơ nhẹ nhàng, sâu lắng lại như từng mũi kim chích và tim người: “Em đi trong mưa. Em đi tìm việc” và cử chỉ “cúi đầu”. Dáng vẻ chờ đợi ngậm ngùi, chịu đựng thầm lặng sao mà đáng thương! Từng tuổi này, các cô tiểu thư nhà giàu, gia đình cán bộ đâu có phải làm lụng đụng móng tay, trầy móng chân gì? Mới thấy sự dâng hiến “gia tài của mẹ để lại cho con” là một lầm lẫn!
Em đi
trong mưa
cuối đầu
nghiêng vai
Hình ảnh mưa cứ vây lấy cuộc đời người vợ trẻ, đã “chẻ” thêm trong Trần Dần những “vết chẻ” đau không biết đếm mấy đường! Anh thương cảm cho vợ bằng những câu chua chát:
Khổ thân em mưa nắng đi về
lủi thủi
Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
Em cúi đầu đi, mưa rơi
Người vô tâm không nhận ra tâm người khốn khó nên thơ văn Việt Nam hiếm thấy bóng dáng “Những người khốn khổ” (Les Misérables) của Victo Hugo thứ hai. Những kẻ xu nịnh đã cho cô gái yếu này là tiểu tư sản, là bọn phá hoại Đảng của miền Nam cài vô. Với Trần Dần, anh nhìn vợ bằng cặp mắt của người hiểu người và bằng trái tim người yêu hiểu người yêu. Vợ anh trong trắng và chẳng dính dấp gì với những cái mũ chụp trâng tráo (là Tờrốtki, là tay sai Mỹ, là người của chế độ Ngô Đình Diệm) vô lương tâm kia (hiện tượng “chụp mũ” này tới nay vẫn tiếp tục như giòi bọ sinh sôi nẩy nở trong nước ra tới hải ngoại!). Tác giả tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng“, Nguyễn Thị Sáng “từng quét chợ, bán bún ốc” (vietbao.vn) chưa qua lớp bốn đã trải qua một sự chụp mũ, bôi nhọ danh dự ức oan cho tác phẩm được dựng thành phim của mình. Sự oan ức của nhân vật cô gái thật hay nhân vật cô gái trong “Nhất định thắng” được an ủi là người chồng chị không phải là kẻ bạc tình như chồng chị Sáng.
Người vợ Trần Dần là một người như mọi người phụ nữ bình thường khác, chăm ăn, chăm làm:
Trời mưa to lụt cả gian nhà
Em tất tả che mưa cản gió…
Người yêu, người vợ của nhà thơ còn trẻ đến xót xa để bị chụp mũ:
… Người con gái mới mười chín tuổi
Em ơi!
Em có biết đâu
Ta khổ thế này
Vì sao?
Em biết đâu
Mỹ Miếc, Ngô Nghê gì?
Nhân vật chính nào có oán than, rủa xả. Anh vẫn hừng hực một tư thế vệ quốc quân. Anh đã đem cả khí chất này truyền sang cho vợ như tìm một lời động viên, an ủi. Hoàn cảnh khó khăn của hai vợ chồng anh cùng với khó khăn chung của đồng bào, anh mong ở vợ một sự cảm thông! Cách giải quyết này đã chứng tỏ Trần Dần không bán Đảng mà mưu sinh tư lợi, không lấy cái khổ của vợ mà mắng chó, chửi mèo!
Em ơi! – ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử
À cái tin trên báo – Ừ em ạ
Hôm nay bọn Mỹ Miếc, lũ Ngô Nghê
Chúng đang phải giậm chân đấm ngực!
Cái “Tôi” của anh trong “Tôi ở phố Sinh Từ” đã nhân lên thành cái “Ta” chung của đất nước. Trong cái “ta” đó vừa có đôi ta vừa có mọi người chúng ta “Em ơi! – ta ở phố Sinh Từ“. Khổ đến mức không có tiền nuôi thân, nuôi vợ con, không tiền nuôi cơm cho con chó Mực mà có tiền mua báo đọc? Không như chị Dậu phải bán chó, bán con. Trí nhân rồi còn gì!
Con chó Mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ – nó gầy – lông xấu quá
Nó thiếu ăn – Hay là giết đi ư?
Nó đỡ khổ – Cả em đỡ khổ.
Em thương nó – Ừ thôi chuyện đó
Lời thơ như thầm thì trong đau xót mà thật ngọt ngào. Người vợ trẻ trong đôi mắt của anh là một người vợ hiền ngoan (nghe lời anh dâng nhà cho chính phủ, san sẻ với anh tin tức), đảm đang (che mưa, cản gió) và là một kẻ từ tâm (thương con chó, không nỡ giết). Có một người vợ như thế, anh buộc phải từ bỏ danh hiệu “Đảng viên” (vì Đảng ép anh) cũng xứng đáng! Chỉ có những người chiến sĩ giải phóng quân mơ màng làm cánh chim mùa xuân bay trong chiến thắng như Thùy Trâm, Văn Thạc mới nôn ngày, nóng tháng chờ được vào Đảng. May mà họ chết hết cả rồi! Nếu không, có thêm hai người phải làm đơn xin ra Đảng vì chữ “Yêu” cuồng này!
c. Tình yêu và sự lao động bền bĩ với đức tin:
Trần Dần quả thật đã không nản lòng dù với:
Trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt
Chúng ta vẫn làm ăn chiu chắt
Công tử bột “Trần Dần là con một nhà địa chủ và tư sản đã dựa vào thế lực thực dân để bóc lột nhân dân lao động. Sống trong một gia đình “ngồi mát ăn bát vàng” như vậy, Trần Dần đã sớm đi vào con đường truỵ lạc, bê tha” trong mắt của Huy Vân là như thế sao? Chúng ta sẽ thấy Trần công tử “sặc mùi thuốc phiện” đã sống bằng thơ mình như thế nào?
Những tủ kính tôi dừng chân dán mũi
Các thứ hàng ế ẩm đợi người mua
Nhưng mà sách – hình như khá chạy
À quyển kia của bạn này – bạn ấy
Quyển của tôi tư lự, nét đăm đăm
Nó đang mơ: – nếu thêm cả miền Nam
Số độc giả sẽ tăng dăm bảy triệu
Hình ảnh một anh vệ quốc như con ngựa bất kham giữa đội hình vì bất đồng chính kiến, đang nhướn mắt, “dán mũi” vào tủ kính bày bán thơ người mà ao ước sách mình “tăng dăm bảy triệu” nếu “thêm cả miền Nam”. Một ước mơ lương thiện như bác sĩ Trâm, Quân sau hòa bình về chữa mắt, chữa bệnh cho người. Một ước mơ của sự thống nhất. Thơ sẽ chuyển tải trên con tàu hòa bình xuôi ngược Bắc – Nam. Con người sống không biết ước mơ thì khác nào cây xanh không biết ánh nắng mặt trời! Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến gia cảnh của đôi vợ chồng con của nhà địa chủ, tư sản ấy xuống cấp hơn nhà cấp 4 hiện nay? Vì chính sách, vì chế độ, vì lý tưởng mà anh Vệ quốc quân, Đảng viên 29 tuổi ôm ấp. Anh lính nhà thơ trong “Nhất định thắng” đa tài (thi sĩ, họa sĩ) như vệ quốc quân nghệ sĩ Thâm Tâm để mưu sinh này lại khiêm tốn cho mình có “chút tài mọn”. “Chút tài mọn” này lại không dùng để cho cá nhân mình mà lại tiếp tục cống hiến cho Đảng. Anh đã từng phản kháng cử chỉ “yêu cho roi cho vọt” của Đảng, của chính ủy khi nhà thơ áo lính này công khai đòi giải phóng văn nghệ ra khỏi chính trị. Nghiệt ngã thay! Đứa con kia đã quen mùi sữa mẹ, anh lại phải quay lại làm “thơ chính trị” để rồi tự than:
Thơ nó đi đâu?
Sao những vần thơ
Chúng không chuyển, không xoay trời đất
Sao chúng không chắp được cả cõi bờ?
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
Chút tài mọn
tôi làm thơ chính trị
Xác định tư tưởng quá rõ ràng. Với tư tưởng như thế thì dù có “Trăm hoa đua nở” hay ngàn hoa nở đua cũng chẳng thể nói Trần Dần phản Đảng. Không tha thiết với Đảng, không trung thành với con đường đấu tranh của mình thì sao Trần Dần còn làm “thơ chính trị”. Đúng như Trần Dần thông báo, “Nhất định thắng” của chàng trai ba mươi là một bài thơ trong những bài thơ “sặc mùi chính trị”. Không đi theo Đảng thì làm thơ chính trị mắng nhiếc bên kia giới tuyến với “Mỹ Miếc” này, “lũ Ngô Nghê” kia để làm gì? Hãy xem, một Chế Lan Viên thứ hai đang vận nội công vào ngọn bút:
Hôm nay
Những vần thơ tôi viết
Đã giống lưỡi lê: đâm
Giống viên đạn: xé
Giống bão mưa: gào
Giống tình yêu: thắm
Tôi thường tin ở cuộc đấu tranh đây
Cả nước đã bầu tôi toàn phiếu
Tôi là người vô địch của lòng tin.
Những động, tính từ “đâm, xé, gào, thắm” mạnh bạo, cuồn cuộn căm thù như nhân vật Trương Phi trong “Tam quốc chí diễn nghĩa” hồi 2 của La Quán Trung: “Nổi giận Trương Phi đánh khâm sai. Lập mưu Hà Tiến trừ phản loạn”. Những tư tưởng đấu tranh này do ai đã dạy nên? Vậy mà, với Trần Dần, niềm tin vô địch cuối cùng của anh do toàn dân bầu “toàn phiếu” cũng giống như “lưỡi lê đâm” chẳng trúng ai, “viên đạn xé” gió bay lệch mục tiêu! Những hoán dụ trốn vào ẩn dụ và cùng sự phóng đại niềm tin theo “cây tre trăm đốt” bị câu thần chú của ông Bụt “khắc xuất” niềm tin ấy ra khỏi đời thơ khi đời thơ tràn đầy thơ mà toàn thơ bão lòng! Tiêu cực nhóm lên một ngọn lửa tàn cho người thơ trước tro than mặc niệm:
Nhưng hôm nay
tôi bỗng cúi đầu
… Sao bỗng hôm nay,
tôi cúi mặt trước đèn?
Bất lực nhân tình mới “cúi đầu“. Chán nản thế thái mới “cúi mặt“. Đời vui phơi phới thì Hoàng Cầm đã không phải an ủi “em” trong “Bài ca sông Đuống” rằng: “Em ơi! Buồn làm chi?… Em ơi! Đừng hát nữa! Lòng anh đau“. Nỗi buồn này từ đâu ra, phút mặc niệm đó từ đâu mà có? Vậy mà anh chồng lại bám vào đức tin như người vợ trẻ “sống bằng tương lai”. Tương lai nào ai biết quá khứ vị lai mà sống? Niềm tin này quả thật không dễ dàng cho một cô gái tiểu tư sản thành phố đang thất nghiệp vì đã vì tình yêu mà hy sinh này nhưng cô là nguồn động lực lớn của anh:
– Em hãy đỡ cho anh khỏi ngã
Đứng đây
Một lúc!
Động lực của anh lại có thêm một động lực khác. Chính là Đảng, là màu cờ: “Màu cờ kia là thang thuốc chữa cho anh”. Ca ngợi Đảng là thầy thuốc Hoa Đà tái thế rồi còn gì? Tình yêu đưa người ta qua cánh đồng bùn sình định kiến, qua dòng sông đầy cá sấu giai cấp, qua khu rừng cháy khô nhân văn và qua những con đường tương lai đầy gai sắc nhưng tình yêu cũng phải trả một giá thật đắc: Bùn nào bùn chẳng hôi tanh? Cá sấu nào chẳng thích “banh” thịt người? Rừng nào cháy mà tốt tươi? Đường nào gai sắc chẳng “xơi” chân người? Anh muốn chứng minh vợ chồng anh trong sạch bằng hoán dụ đặc biệt:
Bây giờ
Em khuân đồ đạc ra phơi
Em nhé đừng quên
Em khuân tất cả tim gan chúng mình
phơi nắng hết.
Ánh sáng mặt trời chính là chân lý của Đảng mà Tố Hữu “phát hiện”: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chiếu qua tim”. Anh chồng nhà thơ áo lính kia bảo vợ “khuân tất cả tim gan chúng mình phơi nắng hết” có nghĩa gì khác là “phanh thây mổ bụng” chúng ta ra để “ánh sáng mặt trời chân lý” ấy soi coi trong ấy còn chứa những gì tư sản, việt gian nào nữa ngoài “lục phủ ngũ tạng”? Còn chỗ nào mà Đảng không lấy hết, không thấy hết? Ngựa hay thì chạy đàng xa mới biết sức. Yêu cho lắm thì ngấm với thương đau. Gần vua như gần cọp. Đảng muốn biết ai trung thì phải coi ai là người dám vuốt râu cọp mà không sợ cọp cắn? Ai sờ răng cọp mà chẳng sợ cọp vồ? Dần là Cọp. Trần Dần bản thân là cọp. Trần Dần nhào vô cọp nhưng không “vuốt râu” mà… “bứt” luôn râu cứng của cọp, không sờ răng cọp mà… “nhổ” luôn răng hư của cọp bằng một loại tính khí Trương Phi!
2. “Nhất định thắng“: Tình yêu dân tộc và nỗi đau chia cắt:
a. Cuộc di tản miền Bắc vào Nam: Vượt lên tình yêu là tình yêu nhân dân, đất nước:
Trong “Nhất định thắng” không chỉ có một tình yêu của hai người yêu nhau ở phố Sinh Từ sống trong chuỗi ngày khốn khó mà còn có nhân dân với kiếp sống hãi hùng vì chiến tranh, vì chia cắt. Người dân thời ấy, “họ lếch thếch ôm nhau đi từng mảng” để vào Nam:
Họ kêu những thiếu tiền thiếu gạo
Thiếu Cha, thiếu Chúa, thiếu vân vân
Có cả anh nam chị nữ kêu buồn
– Ở đây
khát gió, thèm mây…
Ô hay!
Trần Dần hình như đang cố gắng lý giải cuộc sống khó khăn dùm cho chính quyền mới sau khi miền Bắc được giải phóng:
Tổ Quốc hôm nay
tuy gọi sống Hòa Bình
Nhưng mới chỉ là năm thứ nhất
Chúng ta còn muôn việc rối tinh…
Trần Dần thật là “trạng sư” cho chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa rồi còn gì nữa? Người lính nhà thơ này đã nhìn thấy trong cuộc di tản của dân Bắc vào Nam là nỗi đau xé lòng của họ với hình ảnh nhân hóa (đất níu, gió cản) đầy tình quê cha, đất tổ:
Đất níu chân đi,
gió cản áo bay về.
Xa đất Bắc tưởng như rời cõi sống
Tưởng như đây là phút cuối cùng
Giăng giối lại: – Mỗi lùm cây – hốc đá
– Mỗi căn vườn – gốc vả – cây sung
Không vì chuyện gì, ai nỡ bỏ quê hương? Những người di dân ấy đã ra đi trong “nức nở”:
mà họ khóc mãi thôi
Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió
Bắc Nam ơi, đứt ruột chia đôi
Hiệp định đình chiến Genève nhóm lại sau khi Pháp thua trận tại “Chiến dịch Điện Biên Phủ” 1954. Hiệp nghị này đã dẫn độ hơn một triệu người di cư vào Nam (bao gồm dân là Thiên chúa giáo, dân bị bạc đãi và con cháu những nạn nhân trong công cuộc “cải cách ruộng đất 1953-1956). Đây là một hiện thực lịch sử. “Nhất định thắng” đã làm nên một bài thơ lịch sử thời chia cắt nên nó có một giá trị hiện thực sâu sắc. Điều này, chứng minh, “Nhất định thắng” không phải là bài thơ đi ngược với đường lối cách mạng. Cho Trần Dần phản là một quan niệm sai lầm của những kẻ không hiểu thời cuộc mà thích làm chính trị, một đánh giá văn học chụp mũ của những kẻ tự xưng là chính nhân quân tử! Ai đúng, ai sai hôm nay và tương lai, thời gian đã và sẽ nhận ra. Ta thấy “Nhất định thắng” không những có giá trị về hiện thực lịch sử mà nó còn có giá trị về mặt nhân văn của tác giả. Ta hãy đọc những câu thơ cháy lòng vì chúng sinh dưới đây:
Tôi cúi xuống – Quỳ xin mưa bão
Chớ đổ thêm lên đầu họ
– Khổ nhiều rồi!
Họ xấu số – Chớ hành thêm họ nữa
Vườn ruộng hoang sơ – Cửa nhà vắng chủ
Miền Nam muôn dặm, non nước buồn thương
Họ đã đi nhưng trút lại tâm hồn
Ơi đất Bắc! Hãy giữ gìn cho họ
Cử chỉ “cúi xuống” của người thơ áo lính này không phải để “ban phát” một ân huệ. Anh ta bây giờ là “bần cố nông, tay không, tay có” thì có quyền hành gì mà ban phát, ban ơn cho ai? Anh ta “cúi xuống” vì lưng anh bây giờ theo nghĩa thật cũng “còng” vì lao động. Anh “cúi xuống” vì tình người với người; vì anh cũng là một kẻ bị hất ra bởi đồng loại, đồng chí khi “khác tư tưởng”! Khác tư tưởng là khác tất cả những bản chất phi tính người! Không đứng cùng đội hình thì làm sao thấy đội hình ngang dọc? Không khoát chung chiếc áo bần cùng thì làm gì biết đến cái nghèo? Không ở trong hàng ngũ cùng đinh thì sao thấy những cái “đinh” đang đâm óc thủng? Không ở trong nỗi đau giông bão thì sao biết được lòng người bão giông? Tức là “đổ dầu vào lửa” hoặc “đâm bị thóc, thọc bị gạo” chính là đấy. Dèm pha, xúc xiểm ư? Hay ho gì! Anh thông cảm cho những người di tản. Họ đi về Nam mà hồn vẫn hướng về Bắc như “Cáo chết còn quay đầu về núi“. Họ nói thật với anh lý do. Gặp được người đồng cảnh, nói đúng tâm lý đang có như điểm trúng huyệt, nhà thơ đã phải đành bộc lộ bản chất hiền lương của mình so với ngoại hình mà bạn bè cho rằng “nom dữ tợn”:
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Chỉ vì rằng họ thiếu “quả tim, bộ óc”. Quả tim cho ta tình người. Bộ óc cho ta trí tuệ. Tim bơm máu nuôi sống óc. Óc thiếu máu thì óc phải chết trước. Bởi vậy, người ta mới trọng tình người hơn trọng trí tuệ một chút! Con người không tình (cha mẹ, anh chị em, vợ con, họ hàng mình cũng… làm thịt nhậu) thì làm gì có được trí tuệ thông minh? Không thể sáng suốt, thông minh thì cũng chỉ là hạng người thất đức và bất nhân! Những vụ minh oan, những bản sửa chữa sai lầm chất chồng trong lịch sử không đủ chứng minh cho chúng ta thấy một sự thật hay sao? Trần Dần quả có con mắt hơn người khi “nhìn xa thấu rộng” nẻo đi, đường về của lịch sử! Nhà thơ áo lính đã chép miệng bênh vực cho những khó khăn của một nhà nước cộng sản mới ra lò còn non nớt như con cua lột bằng hình tượng “mây rủ“:
Trời của chúng ta gặp ngày mây rủ
Nhưng trời ta sao bỏ nó mà đi?
Chế Lan Viên trong “Người đi tìm hình của nước“, đã từng khóc dùm Nguyễn Tất Thành khi anh ta ra đi “tìm đường cứu nước” bằng cái câu: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi”. Nguyễn Tất Thành có cái mộng lớn lao là mưu đồ đại nghiệp mà người dân di tản lại không thể nào có được. Nguyễn Tất Thành ra đi vì “cứu nước”. Người di tản ra đi vì mục đích thật bình thường là “manh áo miếng cơm”, là “khát gió, thèm mây“. Ai cũng có mục đích ra đi của họ. Đó là quyền tự do “Chim khôn tìm cây mà đậu. Người khôn tìm chúa mà thờ”. Lý lẽ này mà không thấu thì làm sao làm Người? Trần Dần chưa hẳn đã thấy lý lẽ đó nhưng Trần Dần có cách giải thích của riêng Trần Dần. “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi” thì huống gì đất nước thời Trần Dần đầy những vần “mây rủ” và những người di cư đang sống lại muôn vàn khó khăn và “không đẹp vô cùng” thì sao họ lại không ra đi để tìm cái “vô cùng” tốt hơn? Trần Dần đau đớn vì đất nước khó khăn thì ít mà đau xiết vì thơ đã “câm họng” trước nỗi đau đớn này của dân tộc, của đất nước thì nhiều:
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào Thơ?
“Nhà thơ cũng phải biết xung phong” mà tác giả “Nhật ký trong tù” từng dạy đã bay tuốt luốt trên “đường vinh quang xây xác quân thù” của Văn Cao. Thấm được vào thơ là Thơ như cây non chết đứng. Thấm được vào hồn là Hồn bị khoá bởi xiềng gông. Thơ đã “không có thép” là đấy! Nhà thơ đã không dám “xung phong” là thế! “Nhất định thắng” đã thấm lúc “Đất nước khó khăn” này vào thơ. Trần Dần đã thấm phút “Đất nước khó khăn này” vào hồn. Kết quả là gông xiềng! Trần Dần biết mà vẫn đâm thơ mình vào đất mà tự vẩn. Thơ là tiếng nói trái tim. Trái tim này có lúc đập những nhịp thất thường vì tình yêu, vì bất đồng chính kiến, chẳng cùng tư tưởng nhưng nó toàn phần vẫn có nhịp đập đồng điệu như những người cộng sản nòi khác. Tự phán rồi tự làm luật sư, Trần Dần nhập vào nhân vật mình không tách ra được nữa với “Cổng tỉnh“.
“Trần Dần viết xong “Cổng tỉnh”năm 1959, năm thử thách cam go nhất đời ông. Năm đó, nói theo kiểu Phùng Quán, nếu không vịn câu thơ mà đứng lên, có lẽ Trần Dần sẽ không thể nào gượng dậy được nữa. Trước khi nhờ người cõng đi lĩnh giải, gần bốn mươi năm về trước, qủa là Trần Dần đã nhờ vả những trang bản thảo “Cổng tỉnh” cõng tâm hồn ông vượt qua phong ba bão táp của cuộc đời. Ai ngờ, thi ca tưởng có lúc gieo tai bay vạ gió cho ông, lại hóa thành cái phao cứu nạn” (Từ “Cổng tỉnh đến cổng thơ“, Trần Mạnh Hảo, giaodiem.com).
Xem ra, chiều hướng leo từ hầm đá vượt thoát lên núi hoa đã có dấu chân Trần Dần.
b. Cuộc di tản miền Nam ra Bắc:
Có dòng người di tản về Nam thì cũng có dòng người di cư ra Bắc. Với một quan niệm miền Bắc là tất cả, Đảng là tất cả, vô sản là tất cả, nhân vật người chồng trong “Nhất định thắng” có định kiến về những người di tản miền Bắc vào Nam là vào “nhầm” chỗ non bồng. Miền Nam trong tay Mỹ – Diệm thì chẳng phải miền Nam của ta. Nhân vật thơ mừng rỡ khi nghe tin người miền Nam lại quay về miền Bắc:
A! Những người đi Nam trở ra
Phải rồi! Quên sao đất Bắc!
– Khổ! Trong ấy loạn
Phải đi đồn điền cao su
Chúng tôi bị lừa
Bà con muốn ra không được.
Đồng bào vui muốn khóc
Phải chăng miền Bắc là thiên đường của niềm “vui” mà đồng bào miền Nam ai cũng “muốn ra” mà “ra không được“? Vì thế mà ngay cả đám mây ẩn dụ kia cũng chia ra làm hai loại “đen” và “không đen” cho hai miền:
Ô này lạ chưa?
– Mây ngoài này không đen
Mây đen vào trong ấy cả
Đúng rồi! Đó là công sức của nhân dân ta
lùa mây đuổi gió
Công lao này, một lần nữa, anh khẳng định là của “nhân dân ta” nhưng không có Đảng thì làm sao dẫn dắt “nhân dân ta” đi làm cách mạng đây? Nhà thơ đã gián tiếp dùng ẩn dụ ca ngợi công lao của Đảng “lùa mây đen, đuổi gió dữ”? Sau đó, người lính nhà thơ này lại ôm vào lòng những suy tư chiến tranh:
Những vết thương kháng chiến đỏ lòm
Đã mím miệng, lên da lên thịt.
Tôi bỗng nhói ở nơi lồng ngực
Em ơi
Chúng đốt phố Ga-li-ê-ni
và nhiều phố khác.
Anh đã sống ở Sài gòn thuở trước
Cảnh miền Nam thành một góc tim anh
Chúng đốt tận đâu
mà lửa xém tim mình
Tim nó bị thui đen một nửa
Miền Nam trong lửa chiến tranh đã làm tim anh đau “nhói ở nơi lồng ngực“. Ngoa dụ “lửa xém tim mình” khiến “tim nó bị thui đen một nửa” khi chưa gặp em tức “từ dạo ấy mà em chưa rõ“. Anh ngụ ý rằng: Trước đây, miền Nam vẫn ở trong trái tim anh. Em bây giờ cũng ở trong trái tim anh. Cả hai cùng làm anh đau nhói vì yêu! Tình yêu Tố Hữu! Tình yêu cách mạng có khác gì hơn? Không yêu nước, thương nòi, điên gì rên xiết vì một nơi xa lắc chẳng phải “non bồng“! Kẻ phản nước mà có tình yêu đất nước như thế sao? Yêu nước là phải căm thù giặc. Hai thuộc tính này không bao giờ lìa xa trong một thể thống nhất.
II. “Nhất định thắng“: Tiếng nói căm thù:
Như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Nhất định thắng” có 9 phân đoạn cũng hừng hực lửa căm thù. Những gì xấu xí nhất của Mỹ, của chế độ miền Nam của Ngô Đình Diệm đã chiếm hết hơn một nửa. Rõ nhất ở 3 phân đoạn cuối.
1. Mỹ – Diệm trong mắt nhà cộng sản Trần Dần:
– Đoạn 1: Mỹ trong mắt Trần Dần là một kẻ chuyên mưu sâu, xảo quyệt chực hại “đời ta” (đồng bào ta, chính phủ ta), ngay từ mở đầu bài thơ:
Ta biết đâu bên Mỹ Miếc tít mù
Chúng còn đương bày kế hại đời ta?
Bên kia vĩ tuyến 17 là miền Nam Việt Nam với chế độ Ngô Đình Diệm. Trong mắt cộng sản Trần Dần, tổng thống Diệm đã trở thành “tên giặc họ Ngô” là tay sai của Mỹ, là loài “Khuyển Ưng” (chó, chim ưng ăn thịt người) không phải con người:
Người ta nói thằng ngô con đĩ
Ở miền Nam có tên giặc họ Ngô
Tài của hắn là: Khuyển Ưng của Mỹ
Bửu bối gớm ghê là: một lưỡi đao cùn
Hắn nhay mãi cố xẻ đôi Tổ Quốc
“Nhất định thắng” đã “kết tội” “thằng ngô con đĩ“. Họ chính là những kẻ cầm “một lưỡi đao cùn” thực hiện “nồi da xáo thịt” trong việc “xẻ đôi Tổ Quốc“! Không là nhà thơ truyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, am hiểu từng tiến trình lịch sử Đảng cộng sản, ai mà điên đi viết những lời thơ chống cộng hòa nhà nòi đến thế? Chửi Mỹ, mắng Mỹ là loài thú, không phải chỉ riêng “Nhất định thắng” mà toàn bộ nền văn học dưới chế độ xã hội chủ nghĩa đều phải có “khẩu khí” như thế mới thể hiện được dòng “văn học đấu tranh chống ngoại xâm”!
Phan Tứ trong “Về làng” đã để nhân vật “Ông Sần” theo chân giải phóng về “tiêu diệt chính quyền Mỹ – Diệm và giải phóng thôn nhà“, mắng địch: “Mày còn nhớ mày đánh tao bao nhiêu cây sắt không? Mày cướp của tao bao nhiêu ruộng, khai đi! Đồ quỷ, đồ chó Mỹ!” (trang 443, Truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1985, Nxb VH 1985). Không chửi Pháp, Mỹ thì không phải là con người cách mạng! Những câu chửi thật… độc này chỉ cần thay… chủ ngữ là có bao nhiêu là câu chửi độc đáo khác hiện nguyên hình là Ai đã đánh ai? Ai đã cướp đất, cướp ruộng của ai? Từ một khuôn đúc như thế, nhân vật anh chồng lính nhà thơ trong “Nhất định thắng“ ở phố Sinh Từ đều coi kẻ thù là kẻ cướp nước, cướp ruộng, cướp cơm:
Mực ơi!
đừng oán chủ, Mực à!
Mày không hiểu những gần xa Mỹ Diệm
Chúng ở đâu – mà lại núp bên ta
Chính chúng cướp cả cơm của khuyển
Căm thù cao độ “tăng xông máu” đến nơi! Cướp ruộng, cướp cơm cũng bà con với “cướp nhà” thiên hạ! Từ “cướp” có “thương hiệu” hẳn hoi. Chửi người ta chẳng qua chửi mình! Đau đớn bấy!
– Đoạn 5: Hình ảnh sự tức tưởi của Mỹ và Ngô Đình Diệm qua trí tưởng tượng của tác giả “Nhất định thắng” đã khiến cho bài thơ này “hét ra lửa”:
Hôm nay bọn Mỹ Miếc, lũ Ngô Nghê
Chúng đang phải giậm chân đấm ngực!
Những câu thơ đầy gân cốt như thế này thì làm sao bảo “Nhất định thắng” là phản bội cộng sản? Văn chứng này giúp Trần Dần trắng án đã bị cắt đi.
– Đoạn 6: Đoạn dưới đây cho ta thấy tác giả Trần Dần đang là “con cọp trinh sát” tóm hết tin tức từ Ngô Đình Diệm:
Hôm nay đài tiếng nói Việt Nam
Lại có chuyện tên Ngô Đình Diệm
Hắn sai con em là lũ du côn
Đi ném đá nhà Ủy ban Quốc tế.
Hắn bảo hắn Giơ-ne không ký
Hắn bịt tai, không biết chuyện hiệp thương!
Ô hay! Cái lưỡi uốn càn
Cả thế giới vả vào mõm hắn
Hình ảnh, câu chữ “cái lưỡi uốn càn” ai đọc mà không hiểu cọp trinh sát này muốn nói cái gì? Thù hằn đến mức cọp Trần Dần đã coi Ngô Đình Diệm chỉ là con thú với cái “mõm” mà cả thế giới đang “vả“? Cái “mõm” Ngô Đình Diệm được động vật hóa đến mức thành ma ca rồng hút máu người:
Hắn thét lên ộc máu mũi máu mồm
Hắn lồng lộn, ôm miền Nam mà cắn!
Thịt dân ta từng mảng nát bươm
Căm thù qua cách phóng đại hết cỡ khi biến họ Ngô thành con vật khổng lồ “ôm cả miền Nam mà cắn” đến thế còn mức nào hơn? Bản thân cọp Trần Dần chưa kịp thấy Ngô Đình Diệm “hộc máu mũi máu mồm” ra sao thì cọp Trần Dần đã tự mình “cứa cổ” mình. Máu cọp đã đổ trong xà lim! Cọp Trần Dần chưa tận mắt nhìn “thịt dân ta từng mảng nát bươm” thì cọp Trần Dần đã bị 800 nhà văn nghệ sĩ, trí thức nhào vô “cắn” hội đồng. Da cọp cũng bị cho lý tưởng cộng sản của mình tôn thờ “cắn” cho “từng mảng nát bươm”! Bản cáo trạng của cọp Trần Dần dành cho Ngô cựu tổng thống miền Nam đã trở thành bản cáo trạng chính mình. Từ bản cáo trạng chính mình lại thành bản cáo trạng chính người hại mình:
Tên tội nhân kia!
Lịch sử vạch tên mày!
Tên đứa tay sai!
Chẳng có lâu đâu!
Hắn sẽ sống như tên mắc tội tử tù
Óc điên dại
– chân lê vòng xích
Trốn đi đâu?
Đất trời sâu
đương vẩy máu
đuổi theo chân hắn.
Hắn run sợ – Quỳ xin đã muộn!
Dù đêm khuya, bóng tối đặc ngầu ngầu
Máu vẫn đỏ
trúng đầu trúng mặt
Tên tội nhân kia!
Lịch sử vang tên mày!
Ngô Đình Diệm không “mắc tội tử tù”, “chân lê vòng xích” như cọp Trần Dần phán mà bị “khử” vào năm 1963 vì không còn tác dụng điều khiển một chế độ bảo hoàng hơn tân tiến. Kẻ phản bội nhân dân thì phản kiểu nào cũng phải chết!
hàng triệu mối thù sâu
tới đập cửa lão già Ngô đòi mạng
Cọp quan tòa Trần Dần đã quên một ưu điểm của vị tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam là không chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ vào Việt Nam. Điều này có nghĩa là ông ta có tinh thần độc lập, không muốn nô lệ. Đó là một thái độ tự tôn nhưng lại là một tư tưởng độc lập mà một thủ lãnh quốc gia cần phải được trang bị kỹ càng để dân tộc không phải sống mãi trong muôn sự lệ thuộc nước ngoài.
Cọp Trần Dần đã thành “tên tội nhân“ và đồng đội đã “vạch tên mày” là “đứa tay sai“. Cọp Trần Dần “trốn đi đâu?” trong “bóng tối đặc ngầu ngầu” khi “máu vẫn đỏ trúng đầu trúng mặt“? Thật là đau thương! Hình ảnh thê thảm của Ngô Đình Diệm (ngủ, ăn, khóc, nhắm mắt, rong chơi, hội họp…) bị “rủa nguyền” trong “Nhất định thắng” khác nào tên “phản bội” Trần Dần “ăn không ngon, ngủ không yên” vì bị đồng chí mình bêu rệu trong mấy chục năm qua? Hỡi ơi! “Quả báo nhãn tiền”! Nghiệt thay! Quả báo cũng oan! “Việt gian Trần Dần” cũng như “Hán gian Hồ Chí Minh” nhanh chóng trở thành hai tấm gương phản chiếu hai mặt trái phải của mặt người có chữ “Gian”. Hồ Chí Minh đã được ông Chủ nhiệm Bộ chính trị “Hầu đại nhân” trả tự do năm 1943. Trần Dần cũng được trả tự do với “Giải thưởng Nhà nước” năm 2007 nhưng vẫn bị lưỡi “đao cùn” của “đại nhân” nhưng là “Hèn đại nhân” “chém phải quãng trời không” cho đến bây giờ!
– Đoạn 7: Sự cảnh báo cho “Người” (dân tộc) Mỹ chính là “sư tử giấy“, khác chi “cọp giấy” Trần Dần đành phải viết tờ kiểm điểm mới “yên thân”:
– Chúng phá hiệp thương
– Liệu có hiệp thương?
– Liệu có tổng hay chẳng tổng?
– Liệu đúng kỳ? Hay chậm vài năm?
Những câu hỏi đi giữa đời lỏng chỏng
Ôi! Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn thường kinh hoảng trước Tương Lai
Người quên mất Mỹ là sư tử giấy
Người vẫn vội – Người chưa kiên nhẫn mấy
Gan người ta chưa phải đúng công nông
Người chửa có dạ lim trí sắt
Người mở to đôi mắt mà trông!
Bọn Mỹ Diệm ôm đầu sợ hãi
Đổ lên chúng nó
Mây đen
lửa loạn
bão thù
Thực thi gan “công nông” chưa đúng, thiếu tính “kiên nhẫn“, chẳng có “dạ lim trí sắt” thì sao mà đánh địch. Lời phê phán lại một lần nữa dành cho địch mà cũng ôm về cho một phần cho mình! Tương lai Trần Dần đầy “kinh hoảng” đến tận 30 năm và sau đó, 2008, một lần nữa, ông lại “hoảng kinh” vì “di cảo” của mình đã bị cắt xén, bị “kiếm chuyện” nên chúng lại chui vào “đất trời sâu” và hận thù cũng “đuổi theo chân hắn” (một người cộng sản chết trong oan khiên lại oan khiên)! Từ điệp từ “Người” viết hoa này đã khiến tác giả “Nhất định thắng” bị chém bởi “dao cùn” mà tác giả trong thơ dùng để chém ngược lại Ngô Đình Diệm.
Nhận xét về chi tiết hiện thực lịch sử này, Thụy Khê viết lại lời kể của Phan Khôi: “Về vụ Giai phẩm mùa xuân, ‘Tôi còn nhớ có vị bắt lỗi trong bài thơ Trần Dần có chữ Người viết hoa, lấy lẽ rằng chữ Người viết hoa chỉ để xưng Hồ chủ tịch, thế mà Trần Dần lại viết hoa chữ Người không phải để xưng Hồ chủ tịch. Tôi ngồi nghe mà tưởng như ở trong chiêm bao, chiêm bao thấy mình đứng ở một sân rồng nọ, ông Lê mỗ tố cáo ông Nguyễn mỗ trước ngai vàng: ‘Trong phép viết chỉ có chữ nào thuộc về Hoàng thượng mới phải đai, thế mà tên Nguyễn mỗ viết thư cho bạn dám xài những chữ không phải thuộc về Hoàng thượng’. Nhân may cho tôi, tôi tỉnh ngay ra là mình đang ngồi ở trong phòng họp hội Văn nghệ”. (Thụy Khê, thuykhue.free.fr).
Nói về “người”, Nguyễn Huy Thiệp trong “Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn” có viết: “Ngay từ cổ đại Aristốt ở Hy Lạp đến Mạnh Tử ở Trung Hoa đều có chung quan niệm ‘người – đấy là một con vật chính trị’. Mà nói đến chính trị làm sao không nói đến “lễ’ được? Trong khái niệm ‘con vật chính trị’ bao hàm cả con người tự nhiên lẫn con người xã hội. Tìm hiểu hai con người đó, lý giải quan hệ giữa chúng là nhiệm vụ hàng đầu của văn học” (Nguyễn Huy Thiệp – Tác phẩm và dư luận, Nxb HL CA 1991). Đến giờ đây, 304 các quan văn nghệ mới thấy thật “hố” to khi chụp mũ “trật hất” một con cọp “người chính trị” của mình! Thật ra, viết hoa, đó cũng chỉ là cách nhấn mạnh của một từ, ngữ mà tác giả muốn lưu ý người đọc mà thôi.
Trong đoạn thơ này, từ “Người” chỉ là người. Viết hoa trân trọng như thế thì Trần Dần đã muốn “con người” trở thành “Người” khi con người được trang bị đầy đủ “tin tưởng, không khủng hoảng, kiên nhẫn, có dạ lim, trí sắt, mở mắt trông…) tức là nhấn mạnh trí tuệ và tim óc. Nhân bản thế còn gì? Như vậy, khi một từ, một câu được viết hoa thì phải xem xét nó đi cùng với một đoạn văn, đoạn thơ. Đoạn thơ có 8 điệp từ “Người” trong “Nhất định thắng” đã đi cùng một loạt năm câu hỏi trước. Cũng như khi Quốc An viết ca khúc “Hát cho Người ở lại” thì không lẽ bị chụp ếch là “Hát cho Bác ở lại”? Hay Vũ Đức Sao Biển có “Thu hát cho Người” thì cũng bị hiểu “Thu hát cho Bác”? Thời chưa xa mấy mà người tri thức của ta lại có cách hiểu thơ ngây trung thành cẩn cẩn đến bệnh Down! “Nhất định thắng” đâu chỉ viết hoa cho mỗi từ “Người”. Nó còn viết hoa cho cả “LÝ” và “LỰC”, “TIM” với “HÒA BÌNH THỐNG NHẤT ĐỘC LẬP DÂN CHỦ” ở trong bài và cuối bài thơ (không khéo lại đụng nhầm tên họ ông lớn, bà to nào nữa thì chết dở!!?).
Âu cũng là một cái giá cho sự thù hận ngút ngàn của Trần Dần về bên kia chiến tuyến! “Lịch sử vang tên mày“ chính là vang tên người viết ra những câu tiên đoán số phận của mình theo hai chiều cộng trừ: Một Trần Dần cộng sản vẫn cứ là cộng sản! Một Trần Dần oan khiên vẫn cứ là oan khiên! Vì thế mà Trần Dần đã thấm sâu vào máu thịt oan hồn. Đó chính là một Trần Dần từng là Vệ quốc quân, từng mắng Mỹ, chửi Ngô và luôn đứng về phía đoàn quân tiến vào miền Nam chứ không là kẻ phản Đảng, phản nòi như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ, Bửu Tiến, Lương Ngọc Trác, Nguyễn Khải, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng, Hồng Cương, Nguyễn Văn Bổng, Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông, Trọng Loan, Văn An, Tô Hải, Cao Sơn, Xuân Thịnh, Trần Dư, Hồ Đắc Di, Từ Bích Hoàng, Vũ Đức Phúc, Quang Đạm, Tú Mỡ, Bàng Sĩ Nguyên, Ngụy Như Kontum, Hằng Phương, Lương Xuân Nhị, Đoàn Văn Cừ, Trần Văn Cẩn, Phạm Văn Chừng, Dzoãn Mẫn, Phạm Ngữ, Hoàng Dương, Vũ Tuấn Đức, Vũ Thuận, Đào Trọng Từ, Tạ Phước, Thanh Hương… là những “công tố “phát hiện tội”, với những lời lẽ vô cùng khiếm nhã, khó thể mường tượng được, từ miệng, hoặc từ ngòi bút của giới được gọi là “trí thức văn nghệ sĩ” đối với các đồng nghiệp và bạn hữu của mình đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm. Nó ghi lại một thời kỳ mà nhân cách con người đã đạt tới đáy sâu của sự tha hoá” (Nhân văn – Giai phẩm, huongduongtxd.com) đã gán cho ông.
Những đoạn thơ về Ngô Đình Diệm, về những người di dân Nam ra Bắc đã bị cắt. Đứng về phía nghệ thuật thì lại vi phạm bản quyền tác giả. Đứng về phía nội dung thì những đoạn này là “nhân chứng, văn chứng” cho tội danh Trần Dần phản bội Đảng, phản quân đội trở nên vô tội. Nói về trường hợp cắt xén này, Trần Dần đã từng than thân, ví von trong “Thơ mi ni” năm 1988 – 1989 vào thời gian ở bị phế bút:
Tác phẩm là bản gốc? đời là bản sao?
Ối Ôi, luôn tam sao thất bản.
Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời.
(Hai câu thơ sau lại là trở thành “mẩu thơ” hay lấy từ “mẩu thơ” nào? Tình cờ, người viết đi rong, phát hiện thấy Phạm Hưu Vũ có bài thơ “Trong tiệm giày” (vanchuongviet.org) ghi “tặng Bùi Chát” có đoạn:
Tôi khóc cho những đôi giầy
không có người đi.
Lại khóc những người đi
không có đôi giầy.
***
Tôi khóc cho những bóng người
không có sân ga.
Lại khóc những sân ga
không có bóng người.
Ai là sư phụ?).
Bản thân từ quân đội mà ra, Trần Dần như những người Vệ quốc tự hào “đoàn vệ quốc chúng ta từ nhân dân mà ra” không thể nào không xây dựng nhân vật thể hiện sức mạnh “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh“. Sau cơn mưa, trời lại nắng “hết mưa là nắng hửng lên thôi” như “Nhật ký trong tù” từng lạc quan.
2. Ca ngợi sức mạnh quân đội cộng sản và nhân dân:
Thể hiện truyền thống đánh giặc của dân tộc và thể hiện sức mạnh của nhân dân “làm lật thuyền mới biết sức dân như nước” của Nguyễn Trãi.
a. Nhân dân anh hùng:
Kẻ “phá hoại và phản động” Trần Dần và nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” như Tố Hữu tổng kết tội danh trong cuốn “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại ‘Nhân văn – Giai phẩm’ trên mặt trận văn nghệ, (Nxb Văn Hoá – 1958) sao lại có thể ca ngợi quân đội và sức mạnh của “địch” như thế này?
– Đoạn 5:
Vượt qua đầu chúng nó,
mọi thứ hàng
Những tấn gạo vẫn vượt đi
Những tấn thư, tài liệu
Vẫn xéo qua đầu chúng, giới ranh gì?
Ý muốn dân ta
là lực sĩ khổng lồ
Đè cổ chúng mà xóa nhòa giới tuyến
Dân ta muốn trời kia cũng chuyển
Khí thế tiến công “vượt qua đầu, xéo qua đầu” không phải là của quân đội miền Bắc của “Bác” của “Đảng” thì là của quân đội nào đây? Tiếp thương, tải đạn, vượt qua lằn ranh giới tuyến, không lẽ là của quân đội miền Nam của Ngô Đình Diệm? Sức mạnh nhân dân là “lực sĩ khổng lồ” mới đối đầu được con ma cà rồng hút máu khổng lồ họ Ngô có thể “ôm miền Nam mà cắn” chứ? Đối lập thống nhất trong “Nhất định thắng” đã cho ta hai con người khổng lồ: Một tập thể “lực sĩ khổng lồ” lao vào một con vật họ Ngô khổng lồ. “Mãnh hổ nan địch quần hồ“! Họ Ngô thua là cái chắc! Sức mạnh của nhân dân trong “Nhất định thắng” đã thực hiện “quần hồ” như thế nào?
– Đoạn 6:
Hôm nay
Cả thành phố Sài Gòn
Đóng cửa!
Không họp chợ!
Không ra đường!
Những mảng thịt
Những đọi máu đào
đang rầm rập kéo nhau
đi ngoài phố
Không khí rầm rầm, rộ rộ như thể bão táp, sóng trào cuồn cuộn như đi đập phá “ấp chiến lược”, tiêu diệt “ác ôn” được tác giả “Nhất định thắng” miêu tả hết sức sinh động bằng những từ phủ định “Không” (Không họp chợ, Không ra đường). Họ xuống đường biểu tình. Hình thức biểu tình hầu như hiếm thấy ở chế độ dân chủ cộng hòa nhưng rất phổ biến trong các nước văn minh hay lưỡng cực văn minh. Một biểu hiện của sự tự do! Ngày hôm nay, trên thế giới, dân đấu tranh cho nền tự do, dân chủ nếu không được đi thả cửa đập phá như thế cho “hạ hoả”, ta thật không biết thiên hạ phải làm gì cho “hỏa hạ” đây?
– Đoạn 7: “Nhất định thắng” của Trần Dần khẳng định lại một lần nữa sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam anh hùng với khả năng “dân ta muốn trời kia cũng chuyển“!
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi – như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm – nhưng mà quả quyết…
Biết nhân dân
Biết Tổ Quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
Không biết nhục
Không biết thua
Không biết sợ!
Dân ta ơi!
Những tiếng ta hô
có sức đâm trời chảy máu.
Không địch nào cưỡng nổi ý ta
Chúng ta đi – như quả đất khổng lồ
Hiền hậu lắm – nhưng mà quả quyết…
Lòng tin của người cộng sản Trần Dần ở trong tù mà vẫn kiên cường, tự hào, ca vang “chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi. Thế tiến công như sức mạnh thần kỳ” như thế mà thì bảo Trần Dần là kẻ phản bội Đảng thì nền văn hiến Việt Nam hơn 4000 năm mà Nguyễn Trãi đã tự hào trong “Bình Ngô đại cáo” năm 1428: “Duy ngã Đại Việt chi quốc. Thật vi văn hiến chi bang” tới thời cáo chung!
Người lính Trần Dần (cùng Tử Phác) vì cầm đầu phong trào đấu tranh đòi quyền sáng tác trong quân đội (với sự tham gia của Hoàng Cầm, Lê Đạt) phê bình tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu mà lĩnh án 3 tháng tù biệt giam (13/6 – 14/9/ 1955). Chẳng ai biết số tù của tác giả “Nhật ký trong tù” và tác giả “Nhất định thắng” là số mấy nhưng dù số nào thì các tác giả này cũng có số may mắn là được phóng thích như số tù 24601 của Jean Valjean trong “Những người khốn khổ“. Valijean hết lần này tới lần khác phạm tội ăn cắp trước khi gặp giám mục Myriel cải hóa làm người lương thiện. Trần Dần không làm điều gì xấu mà phải chịu ngồi tù. Trần Dần lại không vì chuyện tư thù đó mà quay lưng với quân đội, đồng chí mình. Chỉ ra cái khiếm khuyết trong tư tưởng, chính là tiếng nói đấu tranh cái xấu để xây dựng cái tốt. Đấy là ưu điểm mà tất cả những ai đã từng đứng trong một đội hình nào cũng phải học hỏi! Yêu người yêu cả đường đi lối về. Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra. Khi yêu thương, thù ghét chỉ có một chiều như thế thì đúng là tình cảm là tiêu cực! Trần Dần dùng tình cảm một chiều này ra sao trong “Nhất định thắng”:
b. Quân đội cộng sản anh hùng. Chính phủ có tài:
Nguyễn Sáng trong “Hoa đào vẫn nở” (Giai phẩm mùa xuân, talawas.org) đã diễn tả đoàn quân miền Bắc đi trong tâm trạng chung:
Nhớ Đảng!
Nhớ Bác!
Đoàn quân đi
Lách vào khe núi
Mũi súng trút về hướng giặc.
“Nhất định thắng” không đi trong trường tư tưởng trực tiếp như thế. Nó đi theo ngã riêng. Trước hết, quân đội xuất hiện trong tư thế tập trận mà đã trùng trùng điệp vũ khí (rừng lê, biển súng), âm thanh rộn ràng (kèn vang), khí thế rất xung sức, gan dạ, kiên cường (bạt ngàn con mắt, chẳng sờn gan) đầy tự tin (cờ bay đỏ phố, cờ bách thắng):
A tiếng kèn vang
quân đội anh hùng
Biển súng
rừng lê
bạt ngàn con mắt
Quân ta đi tập trận về qua
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà…
Lá cờ ấy là cờ bách thắng
Đoàn quân kia muôn trận chẳng sờn gan
Bao tháng năm đói rét nhọc nhằn
Không lẽ Trần Dần “Việt gian, phản động” đã miêu tả khí thế trên của quân đội Cộng hòa miền Nam Việt Nam? Tiếng nói chính trị của người đảng viên cộng sản – nhà thơ cộng sản là đây. Sự khẳng định đó là “quân vô sản“. Sức mạnh thần kỳ của đoàn quân vô sản chính là ở chỗ “thắng được chiến tranh, giữ được hòa bình” và tiến bộ nhanh chóng “mỗi bước đi lại một bước trưởng thành”, từ nơi bí mật:
Từ đất dấy lên
là quân vô sản
Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được Chiến Tranh
Giữ được Hòa Bình
Giặc cũ chết – lại lo giặc mới
Đoàn quân ấy – kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu
Dân ta ơi! Chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có LÝ? và ai có LỰC?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy.
Những lời thơ ở ngoài lao lung. Những câu thơ thật sảng khoái khi ngợi ca hết mình. Thấy được sức mạnh của quân đội vô sản của mình “kẻ thù sợ hãi“, Trần Dần còn thấy được cái Tâm của những người lính miền Bắc “chưa bao giờ làm mất bụng dân yêu”. Tức là Trần Dần đã tự khẳng định cho mình một sức mạnh và sức mạnh này dựa trên lập trường “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh” của quân đội. Chính là “Lý” (chân lý) và “Lực” (sức mạnh). Một trong hai sức mạnh này mà vỡ, cuộc tiến công của nhân dân, của đoàn quân vô sản ấy chẳng thể nào “giải phóng miền Nam”. Thế nhưng cuối cùng, “Nhất định thắng” đã chốt lại nguyên nhân thắng lợi:
Chính phủ muôn lo nghìn lắng
Thực có tài đuổi bão xua mưa
Chính phủ của Trần Dần có khác gì Đảng của Tố Hữu:
Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt
Đảng ta đây mình sắt da đồng.
Mắt thần của tác giả đã nhìn thấy cái “tài đuổi bão xua mưa” của chính phủ nhưng chính phủ thì đã từng không để tác giả trong con mắt của mình! Trong rừng cờ, biển người biểu tình, đôi vợ chồng người lính vệ quốc kia… chìm lỉm khi khan tiếng kêu gọi kết đoàn.
c. Kêu gọi đoàn kết:
Sự hăm hở, háo hức của một anh lính vệ quốc quân hình như chửng lại khi đụng đầu vào lô cốt của lòng tin và sự đói nghèo của gia đình. “Tu thân. Tề gia. Trị quốc. Bình thiên hạ” ngỗn ngang bao chuyện. Anh lính kịp thời đã thấy lòng mình còn muôn ngàn nổi lo toan. Con người hùng dũng đầy cộng sản “khắc xuất”, lập tức, con người thường với bổn phận làm chồng, làm cha “khắc nhập” để lo “Tu thân. Tề gia” trước:
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ! Chúng đã biến thành tảng đá
chặn đường ta!
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có những phút giây ngờ vực
Ai có LÝ? Và ai có LỰC?
Ai người tin? Ai kẻ ngã lòng tin?
Anh đã dành hết niềm tin vào Đảng, vào đồng đội, vào nhân dân, vào đoàn quân vô địch nhưng sao tất cả dành cho anh là một sự ghẻ lạnh trong tình Đảng, tình đồng chí, đồng sự, đồng nghiệp để “đồng mưu” hại anh? Đau lắm đấy! Ngồi trong tù là vì lẽ tử sinh nào đây? Chính là vì mối nhân duyên “tiểu tư sản” nhưng “bần cùng” nhất trong xã hội? Hiện thực rớt xuống “thành đá tảng”. Ẩn dụ đau buốt lòng! Anh tin tưởng sức mạnh của “Lực” trong khi vợ anh vẫn đi mưa về gió xin việc làm? Ai có thể đấu tranh trong cái dạ dày rỗng tuếch! Rỗng tuếch không phải vì cái nghèo chung của dân tộc mà vì thiếu “tim” và “óc” của một thứ tình Người! Vậy thì cần trấn an mình và vợ mình:
Em ơi
Cuộc đấu tranh đây
cả nước
cả hoàn cầu
Cả mỗi người đêm ngủ vẫn lo âu
Có lẫn máu, có xót thương, lao lực.
Anh gạch xóa trang thơ hằn nét mực
Bỗng mắt anh nhìn thấy! Lạ lùng thay!
Tảng đá chặn đường này!
Muôn triệu con người
Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực!
Anh đã nghĩ: không có đường nào khác
Đem ngã lòng ra
mà thống nhất Bắc Nam ư?
Không không!
Đem sức gân ra!
Em ơi em!
“Nhất định thắng” cũng không đơn thuần chỉ “miêu tả hoàn cảnh của một cô gái lang thang trên phố phường thủ đô của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vì không xin được việc làm” như trên vi.wikipedia.org đã viết. Nó miêu tả cả sức mạnh và thế tiến công cũng như đích tới của cuộc cách mạng miền Bắc tiến vào Sài Gòn “giải phóng miền Nam”. “Nhất định thắng” với khí thế “xóa nhòa lằn ranh” từ năm 1954 – 1955 nhập cùng “Trường ca Hàm Rồng” của Từ Nguyên Tĩnh:
Đêm Hàm Rồng bừng tỉnh giấc
Đoàn người kéo nhau họp mặt
Xây lại cho ta nhịp cầu
Xóa dần đi nỗi thương đau
và cùng lời “Thơ chúc Tết năm 1956” của Hồ Chí Minh:
Thân ái mấy lời chúc Tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng,
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí, bền gan phấn đấu,
Hoà bình, thống nhất thành công.
Trần Dần thể hiện ý chí của mình trong “Hãy đi mãi“: “Hãy đi mãi như một người cộng sản“. Oái oăm thay! Đi cùng đường, hướng cùng đích lại là nghịch thần! Không gì oan ức bằng! Oan ức và công lao của Trần Dần lên xuống như mô hình bậc thang trong nghệ thuật trường ca “Nhất định thắng“.
B. NGHỆ THUẬT:
Trần Dần là nhà thơ có hướng đổi mới, bứt phá lại có tài năng về hội họa. Thơ Trần Dần mang nhiều tầng lớp ngữ nghĩa như những bức tranh “không ai hiểu nổi”. Do đó, bức tranh ấy có thể hiểu đúng, có thể cảm nhận sai. Thơ Trần Dần với “Nhất định thắng” có một dạng nghệ thuật bậc thang mà không phải ai cũng đủ sức và chẳng cần thiết leo từ chân đến ngọn.
I. “Nhất định thắng“: Mô hình bậc thang:
Bậc thang tâng cấp:
Đi tìm cái mới cho thi ca, vô số các thi hữu đã lầm lẫn giữa sự đổi mới “rượu cũ – bình mới, rượu mới – bình cũ và rượu mới – bình mới”. Thể loại thi ca của ta trước và nay không phải đã chuyển tải nội dung muôn hình, muôn vẻ trong đời sống hiện thực và lãng mạn hay sao? Tình yêu. Áo cơm. Thời cuộc. Than thân. Bức xúc… mà ngày hôm nay thi ca đang mang, đó đâu phải là đề tài mới mẻ gì? Bình vẫn cũ. Bình cũ nhưng người điêu khắc có thể thêm bớt hoa văn để mượn nét khắc ý cho đời. Đó là cái mới. Rượu mới chưa? Rượu nghìn năm vẫn là loại tửu “thượng hảo hạng”! Người làm rượu có thể thêm bớt mùi vị hay nguyên liệu chế tạo ra nó. Hoa văn ngoài có thể đẹp hơn, có thể xấu hơn hay rượu trong có thể ngon hơn hoặc dở hơn còn tùy vào “nghề nghiệp” (giỏi hay dở) và “lương tâm” (lợi nhuận hay vì nghề).
Ngôn từ và câu chữ. Ý nghĩa và tạo hình. Đấy chính là cái mới của thi ca mà thi ca rất cần những ngôn từ không xảo thuật. Hình thức thi ca đã cõng nội dung thi ca qua dòng sông đào thải của thời gian từ xưa đến nay đã là một chứng minh đúng đắn nhất của bản điểm xếp loại: Thơ có độc giả hay mất độc giả? Mất hay không mất chính là sự hấp dẫn của từng loại hoa văn và nhất là hương vị của rượu trong bình! Người ta đang vì sự đổi mới này mà tranh luận tốn hao giấy mực vô bổ. Đó là tiếng nói đòi hỏi “cách tân” mà chẳng ai định nghĩa và hình dung nó là thế nào? Khi không có tiếng nói tự do chân chính trong văn học, cách tân kiểu nào cũng chỉ là bức họa thừa màu, thiếu nghĩa và như người thiếu nữ dư thịt mặc áo dài!
Cùng Tử Phác cầm đầu phong trào đòi trả quyền văn nghệ độc lập, tháng 3/1955, rồi cùng Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Trần Duy, Trần Dần với “Nhân văn – Giai phẩm” đòi tự do văn nghệ, đòi xuất bản những tác phẩm gọi là “cách tân” của mình đã đưa đến sự phế nhân trong ba mươi. Một cái giá quá đắc cho một kiếp người! Đến hôm nay, Trần Dần tạm gọi là “thắng cuộc” với sự nhìn nhận sai lầm của chính phủ và “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật đã về đến sau khi Trần Dần về bên kia thế giới mười năm! Giải thưởng đã nói, chỉ là hình thức “vỗ về” như một sự “cắt đất phong vương” của triều đại phong kiến trong lòng xã hội chủ nghĩa. Cái chính ở đây là chất lượng mà dù có được thổi phòng thì chất lượng dỏm như bong bóng cũng tự động xì hơi khi hết khí H2.
Cách tân của Trần Dần nằm ở nơi nào trong thơ mình, vợ người? Chúng ta thấy rằng hình ảnh bậc thang của Trần Dần gởi người yêu Khê trong đoạn trích từ bài thơ “Tình yêu” dưới đây:
Em ơi
anh không ngủ được
bốn đêm rồi!
Nhớ em
đường phố Sinh Từ
đen cả mũi
mùi than
mùi bụi
Nhớ gian nhà
bây giờ
lùi lũi
một mình em…
Đó là trò chơi sắp chữ. Nếu như, Trần Dần không sắp chữ thì nguyên si thế này:
Em ơi
anh không ngủ được
bốn đêm rồi!
Nhớ em
đường phố Sinh Từ
đen cả mũi
mùi than
mùi bụi
Nhớ gian nhà
bây giờ
lùi lũi
một mình em
Xem ra, nội dung chẳng vì thế mà hay hoặc giảm hơn. Hình thức này có gì mới không? Nhà thơ Wordsworth trong bài “Người thợ gặt cô đơn” đã từng làm trước đây mà Nguyễn Hoàng Đức dịch trong sách “Cẩm nang mỹ học…” của mình:
Chẳng lẽ những lời ta phán cứ trôi lớp lớp như dòng lũ
Tuổi già,
bất hạnh,
gần đất xa trời,
Và tất cả những chiến trận oai hùng chỉ còn vang trong dĩ vãng.
Thu gọn:
Chẳng lẽ những lời ta phán cứ trôi lớp lớp như dòng lũ
Tuổi già, bất hạnh, gần đất xa trời
Và tất cả những chiến trận oai hùng chỉ còn vang trong dĩ vãng.
Nội dung không khác gì! Bài thơ “Hoa Thủy Tiên” (hainguyen.wordpress.com) dưới đây cũng của ông thì hình bậc thang đã thu lại:
Cô đơn như vạt mây trôi
Tôi đi qua núi qua đồi lửng lơ
Hốt nhiên như một tình cờ
Tôi may mắn gặp bất ngờ Thủy Tiên
… Dõi theo tôi khắp giang hà
Đôi mắt lóng lánh lời hoa nồng nàn
Cô đơn, tôi với hoa vàng
Hóa thân hạnh phúc muộn màng sóng đôi.
Chúng ta thích thú thì cứ cho chúng xếp theo hình bậc thang chơi! Dịch giả là người chạy tiếp bước cho các nhà thơ nước ngoài. William Wordsworth là nhà thơ bậc nhất trong trường phái lãng mạn Anh đầu thế kỷ XIX đã ảnh hưởng khá mạnh đến các nhà thơ từ bỏ âm tiết, vận thức của Hoa Kỳ trong thời kỳ cách tân như Mark Jarman, Vikram Seth, Charles Martin, Andrew Hudgins, Dana Gioia, Schnackenberg, Paul Lake, Robert McDowell, Molly Peacock, Mary Jo Salter, Whitman… nhưng dịch giả lại dịch không giống nhau vì ở nước ngoài làm gì có thể loại lục bát! Mà dịch theo thể loại lục bát, đòi hỏi người dịch phải là người thông thạo thi pháp này mới đủ sức chuyển tải cái hay của thi ca. Tản Đà và Nguyễn Hàm Ninh (chỉ mới nói vận) đã dịch “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế từ thất ngôn tứ tuyệt (Tàu) sang lục bát (Việt Nam) có “hồn” như thế mà còn “vấp ngã” ở “Cô Tô” và “chuông chùa” (âm “ô” trong từ “cô” không thể đi cặp với âm “ua” trong từ “chùa“):
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Xem ra, thơ bậc thang chẳng khuyến khích mà cũng không chê bai. Giá trị của nó còn tùy thuộc người nào xếp bậc cho nó. Cũng như đánh giá công trình, ta cần chất lượng xi măng chứ không hẳn trọng hoa văn bên ngoài. Trong “Nhất định thắng“, Trần Dần đã đi theo thể thức cấp bậc này.
– Ở đây
khát gió, thèm mây…
Ô hay!
– Cũng còn hơn
non bồng Mỹ
triệu lần…
– Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.
– Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
– Bóng chúng
đè lên
số phận
từng người
– từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
– từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ
– Nắng lên
đỏ phố
đỏ nhà
đỏ mọi buồng tim lá phổi
– Hôm nay
trời xanh
xanh đúc
Nắng lên
đỏ phố
đỏ cờ
– Chúng ta đi
nổi bão
biểu tình
Vung cờ đỏ
hát hò
vỡ phổi…
Hỡi những người
thành phố
thôn quê
Vui mắt, nhưng thể thức tốn giấy như thế này thì bất tiện muôn phần! Người yêu thích thì có thể sắp chữ theo thứ tự từ A tới Z. Một ví dụ thơ nghệ thuật bậc thang theo phép tăng tiến từ, hấp dẫn và đầy đủ vần điệu:
Chiều
Nắng tắt
Gió vờn mây.
Mặt hồ lặng ngắt
Soi rõ bóng hàng cây
Nao nao một dáng lau gầy.
(conghung.com)
Thế nhưng nội dung có chút vấn đề: “Chiều nắng tắt” nên “mặt hồ” không đủ ánh sáng để “soi rõ bóng hàng cây”… Làm thêm vài câu nữa là coi chừng lạc rừng… Cần cẩn thận, vì sắp chữ không khéo sẽ tạo ra sự hiểu nhầm:
Không có gì
quý hơn
độc lập tự do.
Hay câu thơ sẽ trở thành vô nghĩa khi xếp chữ:
Em đi trong
mưa cúi
đầu nghiêng
vai
Mỗi câu, từ xuống dòng trong thể thức bậc thang yêu cầu phải đầy đủ ý nghĩa ngữ pháp khi đứng một mình. Nếu không, chúng sẽ chạy theo nghĩa âm như hai ví dụ trên. Cần thấy rõ rằng cách xuống chữ của thơ bậc thang không giống như “cách tân hình thức” (tanhinhthuc.org) xuống hàng ngắt ngứ. Ví dụ Phạm An Nhiên với “Từ những bước chân đi”:
Sàigòn phố cà phê bụi
bặm, cao ốc xây dở dang
như chuyện tình, cô gái mặc
mini jupe làm nghề hớt
tóc ráy tai, khoe đùi trắng
và đôi mắt nhiều đêm mất
ngủ, xe taxi máy lạnh
và quán bia hơi, Sàigòn
ôi đã mấy mùa chinh chiến
Thơ Trần Dần còn đi theo hướng viết sai chính tả (vần J ôi jờ joạcx sạchxxx!) vì sử dụng ngôn ngữ nửa ta, nửa tây nhưng vẫn có người coi là một cách tân, đáng khích lệ?! Bậc thang là tâng cấp lên xuống dễ té cắm đầu!
Phạm Thị Hoài trong “Trần Dần – Thủ lĩnh trong bóng tối” (vanchuong.vnweblogs.com) nhận xét: “Bi kịch của Trần Dần là bi kịch của một nhà cách tân, có lẽ là nhà cách tân lớn nhất và sâu sắc nhất trong văn học miền Bắc Việt Nam nửa thế kỷ qua… Tôi không cho rằng ông bị hiểu nhầm, mà ông bị không hiểu. Không hiểu chứ không phải hiểu nhầm. Hiểu nhầm còn chữa lại được, không hiểu thì khó thay đổi hơn nhiều. Một người như thế sống ở bất kỳ đâu cũng khó. Còn ở một nơi mà tính đại chúng là tiêu chuẩn tối thượng của văn chương nghệ thuật, một nơi mà sự phục tùng tổ chức, quyền uy, thế lực là kim chỉ nam cho mọi hành vi văn chương thì một người như thế phải bị đày đọa, bị tảy chay, hoặc nhẹ nhất là bị bỏ qua. Trong văn học Việt Nam, tôi chưa biết một trường hợp nào mà ham muốn sáng tạo và cách tân quyết liệt như ở Trần Dần”.
Chúng ta có thể suy gẫm… Còn Trần Mạnh Hảo trong bài “Từ ‘Cổng tỉnh’ đến cổng thơ” nhận xét: “Với Trần Dần, ý thức cách tân thơ đã xuất hiện từ khi ông còn trẻ, lúc tham gia nhóm Dạ Đài. Sau khi theo kháng chiến chống Pháp, Trần Dần và nhóm bạn bè ông bị cái thang thơ của Maiacốpxki ám. Đến nỗi, các ông thi nhau leo thang trong thơ, thậm chí một chữ cũnng leo, hai chữ cũng leo” (giaodiem.com).
Leo xuống… cấp như thơ ”Tân hình thức” cũng mệt mà leo tâng cấp như thơ “Tâng cấp” cũng đuối ! Tâng hay Tân? Cái nào cũng làm người đọc theo… “mệt đuối!“.
II. “Nhất định thắng”: Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: (Giá trị nghệ thuật chính).
“Chủ nghĩa hậu hiện đại” mà Đông La từng đề cập trong “Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta” cơ bản là “chủ nghĩa hậu hiện đại đã làm méo mó lịch sử một cách có ý thức phản tỉnh, hư cấu những văn bản về những biến cố nổi tiếng, sự sái niên đại, hay việc hoà lẫn lịch sử và giả tưởng, làm sai lệch cả hiện tại” (vietnamnet.vn). Tức là sự phản ánh sự vật và hiện tượng theo khuynh hướng nhào nặn bột để đắp tượng theo ý mình nhiều hơn. Nếu nói chủ nghĩa hậu hiện đại là kế thừa chủ nghĩa hiện đại đã bao trùm thế kỷ XX thì chủ nghĩa hiện thực đối lặp với chủ nghĩa lãng mạn và khi chế độ cộng sản nắm độc quyền thì chủ nghĩa hiện thực trở thành hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa hiện thực cần được hiểu đơn giản như “Sở kiến hành” của Nguyễn Du (ghi lại) còn “Ngục trung nhật ký” của Hồ Chí Minh hay tác giả khác còn là ẩn số X (ghi lại, lạc quan) được coi như là điển hình của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa mang tính phê phán. (Xem thêm khái niệm các chủ nghĩa văn học: Chủ nghĩa hiện sinh, hiện thực “Chủ nghĩa hiện thực” phê phán, huyền ảo, mới mẻ mà rắc rối trong Từ điển Văn học – Bộ mới , Nxb TG – 2004).
Lại Nguyên Ân chỉ rõ: “Miêu tả hiện thực chiến đấu và xây dựng một thế giới mới, xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhân vật tích cực (chính diện), hình tượng con người mới – người chiến sĩ… được xem là nội dung chủ yếu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa”. (Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, Từ điển Văn học – Bộ mới, sđd trang 287). Sinh ra cùng thời với chủ nghĩa xã hội, khi chủ nghĩa này biến mất, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng… đi theo cho trọn tình huynh đệ!
Với “Nhất định thắng“, nó phản ánh cả hai khía cạnh vừa ghi nhận (chủ nghĩa hiện thực), vừa phê phán (chủ nghĩa hiện thực phê phán) và đầy tư tưởng lạc quan (hiện thực xã hội chủ nghĩa) của người cộng sản. Do đó, dễ dàng thấy được, “Nhất định thắng” đi theo con đường chủ nghĩa hiện thực, hiện thực phê phán và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa: Một cuộc tình đẫm nước mắt và tù gông của đảng viên Trần Dần – Vệ quốc quân và cô gái Bùi Thị Ngọc Khuê không gia đình, từ tiểu tư sản xuống bần cùng hóa trong thời miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hoàng Cầm kể lại: “Mối tình đó kéo lê những ngày lo sợ, buồn phiền. Trần Dần không ngờ yêu lại khổ đến thế này. Cùng một thời gian đó, bản “Đề nghị Chính sách Văn nghệ” thảo luận chưa xong. Giời sang hè, mùa mưa tầm tã. Trần Dần và người yêu vẫn sống trong một góc nhà tối thiếu ánh sáng. Bữa cơm không vui. Bụi phố Sinh Từ rắc vào nhà như sương, bụi phủ trắng mặt bàn ghế. Ăn vội vàng, Trần Dần lại về đơn vị để rồi lại được nghe những lời phê phán, những tiếng xì xào. Và người thiếu nữ lại chân đất, áo ngắn, đi tìm việc làm, có hôm từ sáng đến tôi mới về:
Em đi trong mưa… cúi đầu… nghiêng vai
Chính “mùa mưa tầm tã… ” này đã làm nên “chủ nghĩa hiện thực nghệ thuật” độc đáo gây hiểu nhầm nhất trong “Nhất định thắng”.
1. Sự đối lập giữa “không” và “có” trong một thực thể thống nhất:
a. Miêu tả thực: Tác nhân là “Mưa“:
Hoàng Quảng Uyên trong “Nhật ký trong tù – Số phận và lịch sử” (Nxb VH – 2005) ghi cảm nhận của Đặng Thai Mai về tập thơ “Nhật ký trong tù” (Ngục trung nhật ký): ” ‘Đây là một tập thơ – nhật ký khá phóng khoáng, gặp gì ghi nấy xúc cảm thế nào thì ghi như thế’, bởi vậy để hiểu và cảm thụ được nó phải đọc toàn bộ, theo trình tự, không tách bạch từng bài riêng rẽ”.
Chúng ta thấy yêu cầu của Đặng Thai Mai là phải đọc “Nhật ký trong tù” kỹ như thế thì “Nhất định thắng” của Trần Dần có thể nào bị xé lẻ mà phán đoán, chụp mũ, kết luận phi nghệ thuật như người ta đã làm?
Theo William C. Wimsatt “Thơ phải là một bản mẫu xác tính của cái gọi là hình tượng toàn thể” (“Thơ là Thơ“, sđd trang 159). “Nhất định thắng” của Trần Dần cũng phải được hiểu toàn diện là một “Hình tượng toàn thể” nói trên. Toàn thể bài trường ca “Nhất định thắng” 9 đoạn được Trần Dần viết trong tù. Trường tư tưởng đã vượt qua chấn song sắt xà lim của người cộng sản trị tội người cộng sản. Bối cảnh viết trong tù nhưng trường liên tưởng là trong cơn mưa chi phối ý tưởng. Chính tác nhân thiên nhiên này đã tạo nên sự “bất hủ” của nhà thơ theo hai chiều cộng trừ liên tưởng đúng như “Nhật ký trong tù” khẳng định: “Thân thể ở trong lao. Tinh thần ở ngoài lao. Muốn nên sự nghiệp lớn. Tinh thần phải càng cao”!:
– Đoạn 1:
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Đất hôm nay tầm tã mưa phùn
– Đoạn 2:
Những cơn mưa rơi mãi tối sầm
Tôi nức nở giữa trời mưa bão.
Trắng con ngươi nhìn lại đất trời
Nhìn cơn nắng lụi, nhìn hạt mưa sa
Hôm nay đây mưa gió giập vùi
– Mưa đổ mãi lên người xa đất Bắc…
Tôi cúi xuống – Quỳ xin mưa bão
– Đoạn 3:
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Trời mưa, trời mưa
Em đi
trong mưa
cúi đầu
nghiêng vai
Khổ thân em mưa nắng đi về
Em cúi đầu đi, mưa rơi
lủi thủi
– Đoạn 4:
Trời mưa mãi lây rây đường phố
Non nước sụt sùi mưa
Tôi muốn bỏ thơ
Làm việc khác
Nhưng hôm nay tôi mê mải giữa trời mưa
– Đoạn 5:
Trời mưa to lụt cả gian nhà
Em tất tả che mưa cản gió
Con chó Mực nghe mưa là rú
– Đoạn 7:
Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
– Đoạn 9:
Hôm nay
Trời đã thôi mưa
Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa!
Chính phủ muôn lo nghìn lắng
Thực có tài đuổi bão xua mưa
Không thấy mưa sa
Có ít nhất 28 từ mưa trong “Nhất định thắng” (riêng “mưa sa” đã 5 lần): “Trời mưa, mưa phùn, mưa rơi, mưa bão, mưa sa, mưa gió, trong mưa, mưa nắng, mưa đổ, sụt sùi mưa, mưa to, che mưa, mưa đất Bắc, thôi mưa, ngày mưa, mưa to, mưa cản, nghe mưa, xua mưa… “. Trong đó, mưa nghĩa thật nhiều hơn mưa nghĩa ẩn dụ. Cũng vì cơn mưa phùn, mưa bão mà đất Bắc ngập chìm trong mưa. Trên khung cảnh như thế, ai có thể thấy được gì ngoài những cơn mưa đổ tới tấp không kịp vuốt mặt, không kịp tìm chỗ ẩn? Khi mưa mù trời, người ta thấy gì nữa đâu? “Nhất định thắng” đã hoàn toàn viết theo hiện thực như Đặng Thai Mai nhận xét cho “Nhật ký trong tù” là “gặp gì ghi nấy, cảm xúc thế nào thì ghi như thế”. Mưa suốt gần hết bài thơ, vì vậy mới có 4 đoạn tả thực như một điệp đoạn suốt bài thơ:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Ta tìm hiểu đoạn thơ đặc biệt nhất trên trong “Nhất định thắng” (đã gây những hiểu chưa đúng về giá trị nghệ thuật cũng như nội dung của nó khi đối chiếu toàn bài thơ) có hàm chứa “ẩn số” nào cần phải giải mã?
Nguyễn Trọng Tạo đã xúc cảm lý trí trong “Người phiên dịch chính mình”:
Mưa rơi không cần phiên dịch
em làm sao phiên dịch đời anh
một khối đá câm
tạc thành ngôn ngữ
một đối thoại câm
thốt ra con chữ
(nguyentrongtao.vnweblogs.com)
Phiên dịch cũng như “giải mã” cho thơ. Dịch giả tồi, thơ chết dở!
b. Giá trị của phủ định “Không” trong “Nhất định thắng“(đoạn 3 (hai), 4 (một), đoạn 5 (một):
Tác động thực của thiên nhiên là “mưa bão” gắn liền với ẩn dụ những khó khăn, đói nghèo của dân tộc và sự chia cắt tạo nên một nỗi “thương xót” trong lòng tác giả nên 4 đoạn phủ định “Không“:
Những ngày ấy bao nhiêu thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
Hiện thực: Mỗi độ gần Tết, mưa phùn, gió bấc ở Hà Nội cứ kéo về tạo không khí mịt mù và giá rét cho đến tháng 3. Vì mưa sa nên tôi không thấy phố, không thấy nhà, không thấy gì hết. Không thấy thì không thể nói là thấy. Đó là tính xác thực của người làm thơ. Thế nhưng người thơ đâu chỉ có miêu tả hiện thực đơn phương như một cộng một bằng hai như thế? Người thơ đã đi trong mưa với một tâm trạng “bao nhiêu thương xót” nói trên. Tâm động thì mắt mở. Mắt mở không nhìn thấy gì thì lòng mở. Lòng mở thì trí thông.
Nhà thơ đang là một người đang căm thù chế độ Mỹ – Diệm. Thơ của người thơ đang hừng hực khẩu khí “diệt Ngô – đuổi Mỹ”. Nỗi “thương xót” vì người thơ cách mạng Trần Dần cho rằng Ngô “Khuyển Ưng của Mỹ” kia là nguyên nhân gây ra “xé đôi tổ quốc” vì Ngô không chịu chấp nhận Tổng tuyển cử, đã “không biết chuyện hiệp thương”. Muốn xóa nhòa ranh giới chia cắt thì chỉ có quân đội miền Bắc của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Hồ Chí Minh đang làm chủ tịch mới có thể làm được. Quân đội đó đang là đội quân bách chiến. Nhân dân họ có sức mạnh thần kỳ “Dân ta muốn trời kia phải chuyển” như một tín hiệu “cóc nghiến răng kêu, trời phải mưa” vì “con cóc là cậu ông trời“!
Một chính thể độc lập phải có các thứ: Tuyên ngôn. Quốc ca, Huy hiệu, Màu cờ. Giữa trời mưa phùn mà đi ra đường mà đọc tuyên ngôn, khùng cấp 1. Giữa trời mưa bão mà ra đường hát quốc ca, khùng cấp 2. Giữa trời mưa sa mà ra đường khoe huy hiệu, khùng cấp 3. Giữ trời mưa gió mà ra đường mang cờ đỏ vẫy, khùng hết thuốc chữa! “Nhất định thắng” không có tuyên ngôn, không có quốc ca, chẳng đào đâu ra huy hiệu mà chỉ có mỗi bóng cờ. Cờ của phe nào?
Trong “Ngục trung nhật ký“, bài “Thụy bất trước” (Không ngủ được) có câu: “Mộng hồn hoàn nhiễm ngũ tiêm tinh“. Những người hiểu chữ Hán dịch là “Sao năm cánh nhọn mộng hồn quanh” chứ không phải “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh“? Hoàng Quảng Uyên trong “Nhật ký trong tù – Số phận và lịch sử, Nxb VH – 2005) đã trích một bản dịch khác “Hồn mộng đã quẩn quanh nơi ngôi sao” có tiến bộ là chữ “vàng” biến mất. Ngôi sao hay sao vàng tượng trưng quốc kỳ của miền Bắc (khác với cờ vàng không sao, ba sọc đỏ ở miền Nam). Tác giả “Ngục trung nhật ký” viết câu thơ này đang trong mơ mơ màng màng mà vẫn để hồn tưởng tượng ra cờ sao vàng (sao đúng hơn) thì lẽ nào, Trần Dần tỉnh rụi không thấy được màu cờ đỏ chét? Ta thấy “Nhất định thắng” ngập tràn mưa và ngập tràn cờ đỏ:
Bóng cờ bay đỏ phố đỏ nhà…
Lá cờ ấy là cờ bách thắng
Thêm nữa:
Dưới phố bao nhiêu cờ đỏ!
… Em treo cờ đỏ đầu nhà
Lá cờ trừ ma
Cờ bay
đỏ phố
đỏ nhà
Nắng lên
đỏ phố
đỏ cờ
Vung cờ đỏ
hát hò
vỡ phổi…
Lá cờ đỏ này đi với khẩu hiệu đòi họ Ngô kia “Giả miền Nam” thì hiển nhiên, tác giả có phải là “phản động” miền Nam cài vào? Chúng ta thấy rằng dưới góc độ ngôn từ, Trần Dần miêu tả cờ đỏ bay rợp trời báo hiệu sự thắng lợi của quân đội miền Bắc. Xét về nghệ thuật hiện thực (đi trong mưa, không thấy nhà, không thấy phố) đến liên tưởng (vẫn đi trong mưa nhưng lại thấy cờ đỏ), thơ Trần Dần đã đạt hai tầng thơ:
– Một: Tả thật: Cờ màu đỏ thì trong mưa vẫn nhìn thấy. Màu đỏ tượng trưng cho sự chiến thắng và khí chất mạnh.
– Hai: Liên tưởng: Không thấy gì nhưng thấy cờ. Tức là Trần Dần đã làm một Phạm Ngũ Lão thời Trần thứ hai (Phạm Ngũ Lão thời trai trẻ “ngồi đan sọt mà lo việc nước” đến độ lính của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn dùng giáo kích đùi chảy máu mà chẳng hay). Tập trung cao độ cho vấn đề nào, đêm mơ thấy nó không nói gì, ngày mưa cũng thấy nó mới… cao thủ võ lâm! Trong mưa, Trần Dần bước đi không thấy gì hết mà chỉ thấy cờ đỏ. Yêu nước đến… hoa cả mắt! Tác giả “Nhất định thắng” mơ bóng cờ như tác giả “Nguỵ bất trước” mơ sao vàng. Kết quả một tác giả được ca ngợi yêu nước, thương dân. Một tác giả bị dạt vào phản động, phản đảng! Ui cha! “lọ là con mắt tráo trưng” mới… đời!
Giá trị “Không” đã thành “Có” này được Trần Dần tiếp tục nâng cao trong “Nhất định thắng“. Tác giả đã mở đầu điệp đoạn bằng cụm từ chỉ nguyên nhân “bao nhiêu thương xót” là “những khó khăn, đói nghèo của dân tộc và sự chia cắt” đã “lùi xa” dẫn đến phủ định “không” nhưng lại là khẳng định của sức sống. Sức sống và niềm tin cũng từ “Nhật ký trong tù” mà ra “hết mưa là nắng hửng lên thôi”:
Những ngày thương xót đã lùi xa
Hòa bình
thêm vững
Anh bước đi
đã thấy phố thấy nhà
Không thấy mưa sa
Chỉ thấy nắng lên
trên màu cờ đỏ
Theo phong thủy, ra quân mà gặp gió thì nguy to, gặp mưa là điềm tốt. Trong “Tiết Nhân Quý chinh đông”, Cáp Tô Văn vì gió thổi gãy cây cờ, không nghe lời can hoãn xuất binh, bị Tiết Nhân Quý lấy mất thủ cấp. Trong “Tam quốc chí diễn nghĩa“, Khổng Minh nhờ trời mưa mù sương mà đoạt mười vạn tên của Tào Tháo nộp cho Chu Du đúng quân lệnh trạng khiến Chu Du hoảng vía!
Thời xã hội chủ nghĩa lấy biểu quyết làm cái cân. Nếu mang cái cân này vào “Nhất định thắng” để cân đo đong đếm bao nhiêu từ mưa sa với nắng hửng thì chắc chắn, Trần Dần không phải tù tội, phiền hà vì chỉ thấy “mưa sa trên nền cờ đỏ” mà không thấy “nắng lên trên màu cờ đỏ” này! Các phép tính cộng, trừ, nhân, chia luôn đi chung để đánh giá mọi vấn đề. Đem bốn phép tính đơn giản mẫu giáo này vào “Nhất định thắng” để tính thì phần lợi vẫn về Trần Dần. Với cái “không” (không thấy phố, không thấy nhà) mà vẫn “có” nhà (một gian nhà chật, lụt cả gian nhà, gian nhà vắng – chuột đêm nó rúc) với “có” phố (Tôi ở phố Sinh Từ, Em ơi – Ta ở phố Sinh Từ). Tức là cảnh giới “sắc sắc, không không” của nhà Phật đã được “Nhất định thắng” thể hiện xuất sắc. Ai bảo “Nhất định thắng” không có nhà, có phố? Vậy thì cái “Phố Sinh Từ” chầm dầm ấy, chúng ta quăng đi đâu?
III. “Nhất định thắng“: Trường ca với nghệ thuật tăng cấp tuyệt đối:
1. Tăng cấp về “Tề gia”: Tức tình yêu ổn thỏa. Gia đình êm ấm.
a. Sự nhẫn nại, hy sinh của người vợ 19 tuổi:
Mở đầu đoạn 1, “Nhất định thắng” đã cho thấy một gia đình nghèo khổ trong xã hội miền Bắc thời kỳ cải cách ruộng đất: Cô vợ chưa có việc làm “mưa nắng đi về lủi thủi“:
Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi
Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã…
Cô gái bé bỏng đã sống trong chờ đợi mà không một tiếng oán hờn như nhà thơ miêu tả:
Ba tháng rồi
Em đợi
Sống bằng tương lai
Trong thơ, tác giả chưa cắt nghĩa rõ ràng vì sao em khổ nhưng trong sự thật đời thường, vì em đã hiến hết của cải cho chính phủ để cầu xin được yên thân mà lấy chồng vệ quốc! Sự đánh đổi đáng thương! Chính vì đánh đổi tất cả để được tình yêu đó của tiểu tư sản Ngọc Khê mà người lính vệ quốc quân Trần Dần không thể nào quay lưng ruồng rẫy. Cặp tình nhân trên đáng tạc tượng mà chiêm ngưỡng hơn tất cả tượng đồng phơi chẳng có ý nghĩa gì thiêng liêng hơn một tình yêu bất diệt này.
Nhân vật người vợ dù tác giả cho “câm” (như nhân vật vợ chồng Mùi cũng được đạo diễn Trần Anh Hùng cho “câm” trong “Mùa đu đủ xanh“ – The Scent of Green Papaya) nhưng vợ chồng Mùi “câm” là vì diễn viên không nói thạo tiếng Việt. Nhân vật người vợ trong “Nhất định thắng” câm là vì tác giả đã nói thay bằng những câu chữ cho ta thấy được một tâm hồn trẻ dại, tin người, lương thiện và đặc biệt là biết thích nghi với hoàn cảnh để mà tồn tại. Ở cô gái, ta không thấy chị một đấu tranh, hai tranh đấu như những nhân vật trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trong dòng văn học thời kỳ này, nhân vật chính phải là chiến sĩ, là giao liên, là cán bộ vùng. Ví dụ là “người nông dân, cô gái làng, cô dân quân” trong “Trường ca Hàm Rồng” của Từ Nguyên Tĩnh:
Tôi đã nghe câu hò người nông dân đào đắp công sự
Tôi đã gặp cô gái làng Yên Vực bơi qua sông
Tôi đã gặp cô dân quân Đông Sơn
Súng khóac vai ra trận địa
Người con gái 19 tuổi này dù không cầm súng như những nhân vật trong truyện ngắn, tiểu thuyết cách mạng như Diệu, Mẫn, Sứ, Út Tịch, Phước, Nhặt, Phương Định – Nho – Thao… (Vĩ tuyến 17 ngày và đêm của Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, Mẫn và Tôi của Phan Tứ, Hòn Đất của Anh Đức, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Hoa rừng của Đào Thị Xuân Quý, Vợ chồng xã đội của Lê Khánh, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê… ) nhưng chị vẫn ở bên chồng chia sớt ngọt bùi buồn vui của lịch sử. Đó cũng là một tính cách tích cực gián tiếp của nhân vật văn học. Tính cách này phát triển theo thời gian.
Nhân vật nữ này, ngày mưa thì “che mưa, cản gió”. Ngày nắng thì “khuân đồ đạc ra phơi“. Chị tiến lên bước nữa “treo cờ đỏ đầu nhà” và cuối cùng, chị hòa vào dòng người xuống đường:
Cả nhà ra phố
mít tinh
Chúng ta đi
nổi bão
Tính tích cực trong gia đình đã nhập thành tích tích cực của quần chúng trong những ngày kháng chiến. Gia đình này không phải là “Gia đình má Bảy” của Phan Tứ, không hẳn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, chẳng là “Vợ chồng xã đội” của Lê Khánh thì cũng là “Gia đình Trần Dần” của Trần Dần vệ quốc quân, nhà thơ, nhà… phế bút! Vậy, người vợ mười chín tuổi này có đáng cho văn học xã hội chủ nghĩa ghi nhận và đóng dấu đỏ hay không?
b. Những trăn trở của người chồng, nhà thơ, vệ quốc quân:
Anh chồng nhà thơ “chính trị” ấy lại đói meo khi sinh sống bằng “quyển của tôi tư lự, nét đăm đăm” nằm hoài trong tủ kính bán sách trong một cửa hàng “các thứ hàng ế ẩm đợi người mua” mà sách nào bán cũng chạy nhưng không phải sách của anh!
Cả gia đình anh đều chịu chung cái “thiếu tiền, thiếu gạo, thiếu óc, thiếu tim” của nhân dân nhất là những người di tản. Gia đình anh đến con Mực đều chung số phận:
Con chó Mực nghe mưa là rú
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Thương nó nhỉ – nó gầy – lông xấu quá
Nó thiếu ăn
Anh bối rối với chuyện cơm áo thường ngày:
Ngày làm việc, đêm thì lo đẫy giấc
Vợ con đau thì rối ruột thuốc men
Khi mảng vui – khi chợt nhớ – chợt quên
Thái độ của anh thông cảm và trân trọng sự cam chịu của vợ trong ba tháng ròng rã “đi trong mưa” tìm việc. Anh “không gặn hỏi” sợ vợ đau lòng. Lúc nào, ta cũng nghe những câu chua xót nhưng cũng thật đằm thắm của anh dành cho người vợ: “Em ơi, em có biết đâu! Ừ em ạ”:
Gặp em trong mưa
Em đi tìm việc
Em đợi
Em đi trong mưa
Em ơi!
Em có biết đâu
Em biết đâu
Khổ thân em mưa nắng đi về
lủi thủi
Em cúi đầu đi, mưa rơi
Em ơi! – ta ở phố Sinh Từ
Em đương có chuyện gì vui hử
À cái tin trên báo – Ừ em ạ
Em tất tả che mưa cản gió
Tiếng nó lâu nay như khản em à
Nó đỡ khổ – Cả em đỡ khổ.
Những lời ngọt ngào đầy ân tình như thế thì có ngủ đất, ăn củ chuối vợ nào chẳng nghe! Từ là người vợ, anh đã chuyển chị thành người bạn đời tri âm, tri kỷ. Bao nhiêu trăn trở đời thường, anh thầm thì với vợ:
Em ơi thế ra
Người tin tưởng nhất như anh
vẫn có những phút giây ngờ vực
Ai có LÝ? Và ai có LỰC?
Ai người tin? Ai kẻ ngã lòng tin?
Em ơi
Em ơi em!
Em ơi đếm thử bao nhiêu ngày mưa!
Bây giờ
Em khuân đồ đạc ra phơi
Em nhé đừng quên
Em khuân tất cả tim gan chúng mình
phơi nắng hết.
Em nhìn
cao tít
trời xanh
Dưới phố bao nhiêu cờ đỏ!
Hôm nay em đã có việc làm
Em treo cờ đỏ đầu nhà
Tiếng gì ầm phố em à?
Em ơi
– Em hãy đỡ cho anh khỏi ngã
Em có thấy bay trên trời xanh
Em ơi
Hôm nay
trời xanh
xanh đúc
Em này
Hôm nay
đóng cửa
Đôi vợ chồng đã đồng lòng cùng tát biển đông ấy, đã thoát ra được cùng cảnh này hay chưa? Nỗi lo đời thường nằm lại trong anh:
Gian nhà vắng – chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hình ảnh con chuột với hai nghĩa cộng trừ. Chúng ta tha hồ luận bàn. Hoàng Hưng trong “Người đi tìm mặt” cùng em “nhẫn nhục ăn làm” trong “Một ngày” để “ta cùng ăn qua vách bữa cơm tù” đã ẩn dụ:
Đi cung
Giữa hỏi đáp
Ú tim
Mèo chuột
Vẫn lởn vởn một bóng dáng vô hình.
Chuột đêm có gì ăn đâu mà không đói, không rúc? Con chuột này coi bộ cũng có số không may mới chọn ở nhầm cái gian nhà chứ chẳng phải cái nhà, còn trống trước hở sau “trời mưa to lụt cả gian nhà”. Con chó Mực “thiếu ăn” vì“không có miệng mo có đâu cho bồ đài“. Chuột kia không chết đói là phước 7 đời! Chuột rúc trong nhà có hai điềm báo: “Nhất thì chuột rúc (túc) trong nhà” sẽ có tin tức, may mắn, điềm vui sắp đến. Chuột rúc còn mang cảnh báo tiểu nhân hại người quân tử. Ta thấy cả hai điềm đều ứng với hai vợ chồng nhân vật trong trường ca “Nhất định thắng” này: Hai vợ chồng đều qua được những ngày thiếu thốn. Cô vợ có việc làm:
Hôm nay em đã có việc làm
Lương ít – Sống còn khó khăn!
Cũng là may…
“Có còn hơn không” này như một lời an ủi “khổ tận cam lai“. Không oán hờn. Không nguyền rủa vào nguyên nhân gây ra chấn thương cũng như Hoàng Cầm đã trúng thương trong “Về Kinh Bắc“, nhân vật người chồng trong “Nhất định thắng” đã cho chúng ta một khí chất làm người khi “thất thế sa cơ“.
Điềm thứ hai là điềm gở đã ứng vào tác giả “Nhất định thắng“: Trần Dần. Con Cọp Trần Dần đang nằm trong xà lim viết kiểm điểm về cái tội danh được thành lập từ tư tưởng phá hoại cách mạng, phản động trong Nhân Văn với “Nhất định thắng“! Cũng trong “Tô Hoài Hồi ký“, Tô Hoài dù có đề cao vai trò của Đảng cũng không thể nào cho qua vụ “Nhân văn – Giai phẩm” sai lầm mà chính Đảng là tác giả! Trong chiến dịch gọi là “Chỉnh Huấn chính trị, chỉnh Huấn Đảng” (Đặng Thùy Trâm hay nhắc tới ba chữ này) năm 1951 – 1953, đồng thời với “Cải cách ruộng đất” 1953 – 1956, vô số văn nghệ sĩ bị tù đầy. Nếu không tù thì họ cũng phải làm tự kiểm đấu tố một mất, một còn! Tô Hoài đã kể lại: “Tôi dự cuộc chỉnh huấn đã nhiều, có người lo quá, cả tháng không chợp mắt, như ở báo Cứu Quốc, một cậu còn trẻ, đã vào rừng thắt cổ… Họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm tham gia cuộc Giảm Tô ở Thái Nguyên (1951)… Đội viên Nguyễn Tư Nghiêm loay hoay cả tuần không bắt được rễ, không xâu chuỗi được một cố nông nào. Nguyễn Tư Nghiêm hoảng quá phát dại, đi không nhớ đường về xóm. Suốt ngày vơ vẩn ngoài đồng, bắt cào cào, châu chấu ăn (“Cát bụi chân ai“, sđd, trang 523)…
Những phân hóa cán bộ trong chế độ miền Bắc thời đánh Pháp hay đuổi Nhật hoặc đánh Mỹ đều là những “đá tảng” cản bước tiến hòa bình thống nhất. Những “tảng đá” ấy như anh lính nhà thơ trong “Nhất định thắng” trăn trở là có cội rễ, nguồn gốc đến ngày hôm nay. Trong các hội nghị nào của chính phủ của quốc hội đều có những mục nóng mà nguội “chống tham nhũng” trong phương áng “Thi hành luật chống tham nhũng” của Thủ tướng Phan Tấn Dũng: “Chỉ tập trung kiểm soát thu nhập quan chức cấp cao từ phó chủ tịch tỉnh, thứ trưởng trở lên và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nhà nước. Phải kê khai, giải trình các khoản “quà tặng” bằng hiện vật hoặc quyền tài sản. Những cán bộ có chức có quyền – tuỳ thuộc vào chức vụ, phạm vi quản lý – còn “thu nhập” từ đơn vị, cá nhân dưới quyền ở dạng “quà tặng” (vietnamese-law-consultancy.com). Nói hay. Làm dở. Quan tham còn thở. Chống nhũng thờ ơ. Dân chúng… phờ! Có cán bộ nào mà thành thật khai báo tài sản đâu? Chiếu theo tài sản hiện nay, chẳng có Đảng viên nào là “vô sản” cả? Hóa ra, những kẻ bị chết hay mất thanh danh vì cái tội “tiểu tư sản” quá ức oan! Thiết nghĩ, không tham thì sao chống, chẳng sai thì sao sửa? Văn học phản ánh cái gì ngoài hiện thực đời sống xã hội và quá trình phát triển của nó? Cứ mỗi một tác phẩm có động chút tới hiện thực đó là người chủ chốt xuất bản cuống lên, sợ hãi bị liên lụy như thời “Nhân văn – Giai phẩm” thứ hai có khác? Người ta nói “xấu che, tốt khoe”! Có bản lĩnh sao đi sợ ngòi viết đến thế?
PhạmThị Xuân Khải – Sinh viên khoa Ngữ văn – ĐHTH Hà Nội đã nhìn ra những viên “tảng đá“, những “con chuột đêm”, những “ngã ba lòng” trong “Bài thơ nhớ Bác” (Tiền phong ngày 25/03/1986) đã gây xôn xao cả nước đến cả cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, đại tướng Chu Huy Mân đều phải tỏ thái độ… “rất thích“:
… Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
Bởi lẽ đấu tranh – tránh đâu cho được?
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng
Và ai phải sửa?
Mỗi xuân về con càng thêm nhớ Bác
Lòng vẫn thầm mơ ước
Bác Hồ được sống đến hôm nay
Làm nắng mặt trời xua tan hết mây
Trừ những thói đời làm dân oán trách
Có mắt giả mù, có tai giả điếc
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ
Cùng chí hướng sao bầy mưu chia rẽ?
Tham quyền cố vị
Sợ trẻ hơn già
Quên mất lời người xưa:
“Con hơn cha là nhà có phúc”
Thời buổi này,
Không thiếu người xông pha thuở trước
Nay say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hóa, bê tha khi dân nước gian nan?
“Bài thơ gây chấn động dư luận và ‘đêm trước khi đổi mới’ “ (tienphong.vn).
Xem ra, những lời “dạ thẳng lòng ngay” năm 1986 của Xuân Khải như trái bom phê bình nổ văng mảnh tới trung ương còn dữ dội hơn thơ Trần Dần và nhóm “Nhân văn – Giai phẩm” thời 1956. Tác giả được cấp to khen và bị cấp nhỏ… đọa đầy 10 năm! Chuyện ngược đời! Những ông lớn đã không hỏi tội nhưng những kẻ “nịnh thần” lại chứng tỏ lòng trung thành bằng cách luận tội lập công? Hay chỉ là cái chước “ném đá giấu tay” vì không những không tra còng số 8 cho tác giả bài này mà trái lại, các nguyên thủ quốc gia đều phải ngẫm lại mình:“Nguyên Tổng Bí thư khép lại cuộc gặp bằng mấy lời chân thành: “Nhìn lại mười năm trước đổi mới, cả một dân tộc đang khí thế hừng hực lại lâm vào khủng hoảng. Lỗi này không thể nói là của dân được mà phần quan trọng là ở sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước… Bây giờ trước những vấn đề như thế thì không ai khác là Đảng và Nhà nước chúng ta phải ra sức sửa chữa, khắc phục bởi vì những người cộng sản mà không thấy được những vấn đề đang đặt ra cho mình thì không chấp nhận được” (tienphong.vn). Các quan văn hóa nhà ta nhà xuất nhà ta đợi chờ gì nữa mà không chịu nhổ cây đinh “thần thánh hóa lãnh tụ, ca ngợi hóa tham quan” trong óc mình ra làm một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thực sự cho văn học theo hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa này được chấp cánh bay, không như Xuân Khải than dài là bọn cán bộ “say sưa trong cảnh giàu sang, thoái hóa bê tha khi dân nước gian nan” và Trần Dần tự thán “đất nước khó khăn này sao không thấm được vào thơ!”. Xuân Khải là con gái một quan to trong Ban tổ chức Trung ương Đảng phê phán quan lại nhưng vẫn thiết tha “mùa xuân về nhớ Bác không nguôi” mà còn bị “đì” như thế thì hỏi bần cố nông phán ánh trung thực lịch sử sẽ như thế nào? Thế nhưng nếu không có “thủ lĩnh trong bóng tối” “bật đèn xanh” thì ai dám “vuốt mặt không nể mũi”?
Truyền thuyết An Dương Vương thua Triệu Đà. Vương chở Mỵ Châu sau lưng ngựa cùng chạy ra biển. Rùa thần bảo vương hãy chém giặc trước. Vương hỏi: Giặc ở đâu? Thần Kim Quy chỉ ra sau lưng. Vương chợt hiểu và chém chết con gái yêu quý vì cái tội ngay thơ đã nói cái bí mật nỏ thần cho chồng là Trọng Thủy. Vương có thể vì quốc gia mà đoạn tình phụ tử. Hôm nay, có ai vì đất nước mà vì nghĩa diệt thân?
2. Tăng cấp về “Trị quốc”:
Nhận được trực diện kẻ thù là ai? Thù với giặc ở đây chính là “thù trong nội bộ, giặc ngoài ở xa”. Đó là những “con chuột”. Chuột thật đã vì đói mà chết hết. Chuột ngụ ngôn trở lại với đầy đủ tính chất của một loại thuộc “bộ gậm nhấm” từ chuột nhắt đến chuột cống:
Gian nhà vắng – chuột đêm nó rúc.
Biết bao nhiêu lo lắng hiện hình ra.
Hừ! Chúng đã biến thành tảng đá
chặn đường ta!
Nhà thơ áo lính một lần nữa thể hiện thái độ “chống chuột” của mình trong “Hãy đi mãi”. Nếu biết là “chuột nhắt của gia đình gậm nhấm” thì nhà thơ áo lính dám “dứt tình gia đình” biến mình thành thép nguội, tức “cái bẫy chuột”!
Nếu
hàm răng chuột nhắt của gia đình
gậm nhấm
cả tình yêu cùng dự định
tôi sẽ biến thân tôi thành
thép nguội
làm thất bại
mọi thứ rũa đã quen rũa người
tròn trặn quá hòn bi .
ở trong tôi
nếu còn sức mạnh gì
chính là sức những ai
nghèo khổ nhất .
những ai
lao lực nhất
địa cầu ta .
Sau những vết răng do con chuột là động vật cắn thì lại đến “lưỡi đao” của con người chém. Đó là cái ác tăng cấp:
Lưng tôi có tên nào chém trộm?
A! Cái lưỡi đao cùn!
Không đứt được – mà đau!
Chúng định chém tôi làm hai mảnh
Ơi cả nước! Nếu mà lưng tê lạnh
Hãy nhìn xem: Có phải vết đao?
Không đứt được mà đau!
Lưng Tổ Quốc hôm ngày hôm nay rớm máu.
Vết “chém trộm” như một ẩn dụ từ hai phía ta và địch. Địch trực diện không đáng sợ bằng địch trong lòng ta. Địch trong lòng ta như giòi ăn ra, như mối mọt ăn luồng từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây khó mà chống đỡ! Hai địch này cần đánh, cần diệt nhưng diệt bằng cách nào? Anh chồng với bóng dáng chiến sĩ vệ quốc quân, chính xác nhất là anh là nhà thơ của cách mạng với “chút tài mọn tôi làm thơ chính trị” vì anh muốn “Thơ phải khua gió bão” mà đi… diệt chuột!
Tiến lên, anh chồng nhà thơ chính trị này quên đi cái đói, cái rét và những cơn mưa phùn đất Bắc, anh tự kiểm điểm mình (không phải những bản tự kiểm của Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân… chạy tội cho nhẹ) đã không hiểu tình nghĩa ở cô vợ mười chín, chưa hiểu hết thế nào là hướng đi đúng. Anh đã có lúc “cúi đầu” buồn cho thơ không là tiếng nói hiện thực. Anh “định kiến” về lòng nhân ái. Anh “cúi mặt trước đèn” mà “vẫn có phút giây ngờ vực” về cuộc đấu tranh này với “Ai có LÝ? Và ai có LỰC? Ai người tin? Ai cả ngã lòng tin?”. Chỉ cần đọc qua, người đọc nào mà không hiểu được nỗi ưu tư này là vì cái gì mang lại, do cái gì tạo nên?
Anh đi đấu tranh cho tự do nhưng chính anh lại không bảo bọc được tình yêu tự do của anh. Anh đi chiến đấu cho cơm no, áo ấm nhưng gia đình anh đói meo. Anh phụng sự cho Đảng, cho quân đội hết lòng nhưng nhận lại sự hững hờ, nghi ngờ, chụp mũ (ngã ba lòng) của lòng ta cơn “nước lũ“, gặp lòng em là “lá khoai“! Đi chiến đấu mà húc đầu vào ngã ba lòng hoài thì thử hỏi gan vàng nào gặp lửa đốt quá tải mà không chảy? Chí lớn nào gặp đói chí chết mà không tiêu! Tình yêu là sức mạnh đưa ta qua mọi bến bờ nhưng tình yêu đẫm đầy lao lung, khốn khó, tình yêu chết yểu! “Tảng đá chặn đường này” là đấy. Khó mà vẹn toàn cả hai thì đành cắt đi một! Thế nhưng, cuối cùng, mọi người vẫn thấy được Trần Dần cố giữ cả hai tình yêu và tình cách mạng. Bằng chứng là trong tù cộng sản, Trần Dần vẫn là người cộng sản chân chính để viết “Nhất định thắng”:
Muôn triệu con người
Muôn triệu bàn tay
Bật cả máu ẩy đá lăn xuống vực!
Anh đã nghĩ: không có đường nào khác
Không thể nào “đem ngã lòng ra mà thống nhất Bắc Nam”. Tức là phải cùng tâm, cùng ý, cùng sức, cùng lòng mới thống nhất đất nước. Tâm. Ý. Sức. Lòng của riêng anh nghĩ:
Cái này đỏ lắm gọi là TIM.
Anh cho cuộc đấu tranh giành THỐNG NHẤT.
Đem nguyên trái “TIM” mà cho đấu tranh giành “THỐNG NHẤT” khác nào đã cống hiến cái mạng cho Đảng, cho quân đội, cho nhân dân, cho cách mạng? Đoàn kết là sức mạnh. Đó là lời kêu gọi “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Hồ Chí Minh. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh bị đối xử như kẻ phản phúc, khó có ai nghĩ thông, hiểu lẽ đời như Trần Dần.
Hiểu mình và hiểu người cũng như anh hiểu anh và anh hiểu Đảng. Mềm nắn. Rắn buông. Anh là người có tài năng văn học, nghệ thuật. Đảng trọng tài anh. Anh làm nư. Đảng chỉnh huấn. Anh làm nũng. Đảng cảnh cáo. Anh làm tội. Đảng bỏ tù. Anh tự tử. Đảng mất anh còn người khác. Anh mất mạng. Ai lời? Hừ! Đã dùng dao lam cứa cổ là phải đứt cuống họng mà chết vì mất máu. Không cho chết hôm nay thì mai, ta cũng quyết chết cho được. Đã muốn chết thì ta quyết chết! Nhất định thắng được thì nhất định chết được! Không bằng cách này thì bằng cách khác. Trần Dần có chết thật đâu! Lúc “giận mất khôn” nên thế. Vỡ lẽ ra, hú hồn! Mạng người là cái quý giá nhất đời! Không có mạng, tình yêu hay tự do, vất! Trần Dần mà chết ngày hôm ấy, có lẽ… là tội nhân thiên cổ của vợ con chứ không phải Đảng! Rồi ta thấy, nhà thơ áo lính vẫn lao vào cuộc đấu tranh của Đảng phát động cho đến lúc… chết thật theo lẽ sinh tử đời thường!
Trần Dần không như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Bính… chọn “nàng tiên nâu” và “nàng tiên với tửu” để “quên đời”, anh lao vào cuộc chiến với nhân dân, với quân đội. Anh hồ hởi nghe tin tức trên đài, báo. Anh từ một người định kiến với dòng người di tản:
Tôi đã trở nên người ôm giận
Tôi đem thân làm ụ cản đường đi
– Đứng lại!
– Đi đâu?
– Làm gì?
không cho phép những người ấy bỏ đất Bắc mà đi. Anh níu kéo:
Tôi muốn kêu lên – những tiếng cộc cằn…
– Không! Hãy ở lại
với một lý giải theo truyền thống cha ông về mảnh đất tổ tiên không thể bỏ. Anh cố cắt nghĩa là đất miền Nam trong tay Mỹ lắm ruộng, nhiều vườn, đầy đủ vật chất nhưng chẳng phải thiên đường, non bồng gì. Thế nhưng sau đó, nhân vật người thơ lại mở lòng thông cảm cho người di tản “họ xấu số, chớ hành thêm họ nữa” vì lời nói chân thật của họ ra đi. Họ ra đi vì không muốn mình “thiếu quả tim, bộ óc”. Họ có phải là những người tham lam vật chất đâu? Họ đi tìm chân lý. Hãy để họ đi đi. Chân lý chỉ xuất hiện khi người ta trải qua nhiều gian khổ và chông gai. Bài học trường đời sẽ dạy ta khôn hơn, hiểu đời ra và thấy rõ con đường nào mình phải đi? “Quả tim, bộ óc” chính là cái anh cần để vá lại những “ngã ba lòng“. Hiểu mình thì cũng mở lòng hiểu người! Tư tưởng nhân bản là thế thôi!
Nhân vật này từ thế dự bị động đến thế tiến công. Cả một đoạn 6 như ăn gan, cắn cổ họ Ngô và Mỹ. Đoạn 7 là kèn loa sức mạnh của quân vô sản. Cấp độ tăng tưởng vượt bậc như thế, “Nhất định thắng” đã đi đúng đường lối chủ trương chính trị hoá văn học. Nghĩa là tất cả nhân vật trong các tác phẩm chống Pháp, Mỹ được phép xuất bản phải là nhân vật tuyệt đối trung thành với Đảng. Nếu có phải chết thì nhất định cũng phải hô to khẩu hiệu nói lên lòng trung thành chế độ, lý tưởng đó! Trần Dần không chệch quỹ đạo của con tàu cách mạng bay qua văn học khi viết trường ca “Nhất định thắng” này! Vậy mà, Trần Dần vẫn bị Tố Hữu kết tội như thường: “Trong cái công ty phản động “Nhân Văn – Giai Phẩm” ấy thật sự đủ mặt các loại “biệt tính”: từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ“. (Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại “Nhân Văn – Giai Phẩm” trên mặt trận văn nghệ, Nxb Văn Hoá, 1958).
Hoàng Cầm chân thật: “Trước mắt tôi là một con người dũng cảm của Đảng, có thủy có chung, biết tin yêu Đảng vô bờ bến, biết căm ghét những cái thối nát đang làm hại đến uy tín của Đảng, của quân đội… Trước mắt tôi là Trần Dần”. Trần Dần không làm điều ác. Những kẻ “lấp hang”, “chặt chân” Trần Dần nói trên mới là Lý Thông, Bàng Quyên. Trong “Cơ hội của chúa” (my.opera.com), Việt Hà đưa ra sự kiện: “Camus cho rằng sự dốt nát dẫn đến độc ác. Vậy giải thích thế nào về những người có học hình như đã làm điều ác”. Sự cùng vẫn của Trần Dần cũng nằm trong sự cùng vẫn của con người mà “Sự cùng quẫn cuối cùng của con người, đấy chính là cơ hội của Chúa”!? Kinh thay!
Sau những sai lầm và sửa sai nhưng không trị tận gốc cái bệnh hay làm sai rồi sửa ấy, chúng ta thấy rằng chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội làm Người khi viết về những cái không phải Người. Bulwer Lytton có nói: “The pen is mightier than the sword – Ngòi bút có uy lực hơn lưỡi gươm”. Kẻ không có bản lĩnh, chẳng tự tin mình, tất nhiên, phải sợ ngòi bút! Kẻ nào ghen ghét người khác hơn mình về tài năng, đức độ và cống hiến, kẻ ấy chỉ là quái thai của một sản phẩm xã hội chẳng phải của con người!
C. KẾT:
I. Giá trị nội dung: “Nhất định thắng“:
1. Phản ánh:
Hiện thực cuộc sống xã hội Việt Nam sau năm 1954 (thời cải cách ruộng đất sai lầm – chế độ tem phiếu nghèo khổ) được phản ánh trung thực qua cuộc sống hai vợ chồng người lính vệ quốc quân nghèo khổ nhưng một lòng kiên định theo cách mạng:
– Nạn thất nghiệp. Nạn di tản. Nghèo khổ. Khó khăn chồng chất.
– Thời kỳ văn học không phán ánh đúng hiện thực trong tầm nhìn nhận của tác giả.
– Nhìn thấy “ngã ba lòng” (đá tảng, chuột) chia rẽ trong lòng người tranh đấu chung lý tưởng.
– Chế độ Mỹ – Diệm bị lên án với âm mưu chia cắt (bày kế hại, không chịu ký hiệp thương bầu cử). Tức là lực lượng “xấu” cần tiêu diệt.
– Thấy được sức mạnh của quần chúng nhân dân vượt lên trên tất cả những gì thần tượng hóa lãnh tụ của nền văn học Việt Nam sau 1945.
– Mang lại niềm tin về tương lai dù trong khốn khó cho mọi thế hệ.
– Nhất là: Khẳng định một tình yêu chân chính trong gia đình vượt qua sóng gió của cuộc đời.
– Kết thúc để lại được một tinh thần đấu tranh có giá trị đến bây giờ tức là “Dân chủ” trong “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.
Những nội dung này, nằm chung trong hệ thống nền văn học mang sắc áo chính trị của Đảng khi Hồ Chí Minh năm 1956 ký quyết định xóa bỏ tự do báo chí.
2. Còn bỏ trống:
Thấy chưa hết thực chất của đối phương bằng cái nhìn một chiều:
– Mỹ Diệm giành hết thức ăn (của chó Mực). Tức là nghèo đói do Mỹ Diệm gây ra chứ không phải chính sách “cải cách ruộng đất” và “chế độ tem phiếu” sai của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
– Cho di tản vào Nam là sai lầm. Tức là dù thấy được nguyên nhân (thiếu tim, óc) nhưng vẫn cố bám vào lý lẽ kẻ bỏ đất là phản.
– Đòi họ Ngô trả miền Nam là chưa khách quan vì sau hội nghị Genéve 1954, sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 được phân ranh chia đôi hai miền. Hai bên tranh nhau, chỉ có quân đội của chính phủ nào có sự viện trợ mạnh thì thắng.
II. Nghệ thuật:
Tổng thể trường ca “Nhất định thắng” được xây dựng trên kết cấu một chuyện cổ tích có hậu của thời hiện đại.
1. Giá trị được ghi nhận:
Toàn bộ bản trường ca được dàn trải trên kết cấu tăng cấp của mô hình bậc thang.
– Sử dụng nghệ thuật bậc thang có chừng mực để cân bằng câu chữ của thể loại thơ tự do được coi như khắc thêm hoa văn mới cho bình rượu.
– Tăng cấp trong cách xây dựng nhân vật cũng như tư tưởng từ thấp lên cao hiếm thấy trong các thể loại thơ, trường ca.
– Tâm lý nhân vật mâu thuẩn được khắc họa có tính cách đấu tranh trong mọi hoàn cảnh (thất nghiệp, nghèo khổ, không đồng tình cuộc di tản, nội bộ chia rẽ…).
Tính tăng cấp theo nghĩa cộng được nhìn thấy trong “Nhất định thắng” như sau:
* Nhân vật:
– Cô vợ 19 tuổi từ thất nghiệp đến có việc làm. Nhân vật này từ chẳng biết Mỹ – Diệm đến cùng xuống đường biểu tình.
– Nhân vật người chồng – nhà thơ chính trị từ mâu thuẩn trong suy nghĩ về cuộc chiến (chuột, đá tảng, định kiến, nghi ngờ…) đã lĩnh hội được ý nghĩa cuộc tiến công giải phóng miền Nam theo chiều hướng của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (đẩy tảng đá rớt, hiểu lẽ đời, không thể mang ngã ba lòng mà giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa nhập vào cuộc biểu tình…). Tâm lý nhân vật đẩy lên mức cao nhất là tin tưởng vào nhân dân – sức mạnh làm nên lịch sử.
* Quân miền Bắc: Vận chuyển lương thực, tiến công về Nam và không khí đồng khởi bắt đầu.
* Thiên nhiên và sự ẩn dụ:
– Từ mưa bão, mưa sa hàng tháng (thời tiết không tươi) đến nắng hanh (tươi sáng).
– Mưa sa trên cờ đỏ không phố, không nhà (khó khăn, ngã ba lòng… ) đến nắng lên đỏ cờ, đỏ phố (thắng lợi từng bước và triển vọng hòa bình).
– Vết thương đang lở loét (lưng tổ quốc hôm nay rớm máu) lại được lành lặn (Những vết thương kháng chiến đỏ lòm
Đã mím miệng, lên da lên thịt)…
2. Tồn tại:
– Nghệ thuật bậc thang vui mắt, cân bằng câu chữ nhưng không hẳn là nghệ thuật tạo hình sáng tạo của nhà thơ vì thế giới đã có người làm thử nghiệm trước. Theo cách này, ngôn ngữ bị hạn hẹp, vần điệu bị triệt tiêu và tiết tấu ngắt ngứ không tạo ra giai điệu êm đềm thơ ca.
– Phần khắc họa tính chất kẻ thù, giọng thơ đang đầy xúc cảm vì hiện thực bỗng trở thành giọng thơ tuyên truyền, cổ động. Vì thế những đoạn có nội dung nói trên vụng về từ ngữ, non nớt nghệ thuật liên kết ý tứ, gò ép cảm xúc nhất là những đoạn 6, 7.
Tóm lại: Xây dựng hệ thống nhân vật chính diện và phản diện với đầy đủ thuộc tính tâm lý trên hệ thống hiện thực có nút thắt và gỡ, “Nhất định thắng” từ bài thơ đã chuyển thành bản “Trường ca Nhất định thắng” với khí thế tiến công của cuộc cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Hòa cùng khí thế cuộc cách mạng tiến về Nam trong chiến thắng, “Nhất định thắng” là tiếng kèn loa chiến công của những trang thơ dệt bằng máu thời chống Mỹ đầy tự hào của những người cộng sản! Nó có giá trị là bản trường ca từ trong mưa máu bay lên thành bản hùng ca muôn đời của một giai đoạn lịch sử nhất định đã sinh ra nó! Tiếc thay! Những người khốn khổ trong đó có Trần Dần đã không có một thanh tra cảnh sát Javert trọng tình, trọng nhiệm vụ hay một giám mục Myriel tốt bụng như Victo Hugo đã xây dựng trong Les Miséralbees!
Trong “Cẩm nang Mỹ học Nghệ thuật Thi ca – Phê bình” (“Thơ là thơ” tr 155), Nguyễn Hoàng Đức viết: “câu nói nổi danh của Gertrude Stein ‘Một bông hồng là một bông hồng là một bông hồng” nhắc nhở chúng ta rằng thế giới ngôn từ dạt dào và thực tại mà chúng mang theo luôn luôn trào vọt, xâm lấn khởi mọi bờ cõi xác định”. Mượn câu nói này, người viết xin được dùng trong trường hợp Trần Dần: “Một con cọp dù đã chết cũng là con cọp là con cọp là cọp” để nhắc nhở chúng ta “Cọp chết để da. Người ta chết để tiếng“. Bản thân Trần Dần vừa mang khái niệm “con Người” với “Trần Dần là người con, là con người là Người”; vừa mang khí chất trừu tượng “con Cọp” với “Trần Dần là cọp con, là con cọp là Cọp”!
“Nhất định thắng” của Trần Dần coi như là mở rộng cho khẩu hiệu “Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua“ của Hồ Chí Minh và khẳng định “thắng lợi nhất định về dân tộc ta” (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh toàn tập) hay lời dự đoán trong bài thơ Xuân 1968:
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.
Bắc – Nam đã thống nhất. “Nhất định thắng” của Trần Dần là một tiên đoán. Lời tiên đoán dựa trên nền tảng rất “Người”:
Tôi ước ao tất cả mọi người ta
Đòi Thống Nhất phải đòi từ việc nhỏ
– từ cái ăn
cái ngủ
chuyện riêng tư
– từ suy nghĩ
nựng con
và tán vợ
Là cơm áo!
Là ái tình
Đã là tiên đoán thì không thể có mệnh số tầm thường hóa tiên tri. “Nhất định thắng” nói riêng và thơ Trần Dần nói chung, tuy có những “hoa văn” trên bình rượu với những tầng chữ bậc thang giãn cách, cân bằng từ ngữ nhưng không vì thế mà cho rằng thơ Trần Dần là “kiểu trí thức thơ tổng hợp” như Nguyễn Văn Hoà chẳng biết đùa hay thật trong “Cần có cuốn Từ điển Thơ Trần Dần“. Nguyễn Văn Hòa cho rằng “Muốn đọc được thơ, có khi độc giả phải biết tiếng Pháp… cũng phải cần có Từ điển tiếng Việt… Muốn thưởng thức Thơ Trần Dần cũng cần có kiến thức Hội Họa”. Chúng ta làm sao có thể tán thưởng: “Có lẽ Trần Dần là người có công sáng tạo ra rất nhiều chữ Việt mới qua thơ của mình! Và chúng ta cũng không nên trách các nhà thơ trẻ cố tình viết sai chính tả trong thơ cách tân của mình!?”. Sáng tạo chữ Việt sai chính tả sao có thể công nhận là “công lao“?
Thơ “kén độc giả” đâu phải là kén như thế? Chúng ta có nên mang thơ Trần Dần gởi lên viện Hàn lâm Văn học Thụy Điển để xét giải Nobel văn chương không? Thơ mà đòi hỏi trình độ nghệ thuật, ngoại ngữ ngay cả tiếng mẹ đẻ như Nguyễn Văn Hòa cho như thế thì… vô địch thiên hạ! Trần Dần chắc cũng chẳng thích người đời tặng cho mình nhiều ngữ nghĩa hay ho đến rắc rối như vậy. Trần Trọng (Trần Trọng Vũ) con trai ông trong “THƠ và KHÁCH THƠ” (tienphong.vn) nhắc lại lời nói của bố: “Tôi chẳng muốn mang sang gì cả. Nỗi buồn ga cuối còn nguyên”. Không! Ga cuối có nỗi buồn và cũng có niềm vui. Người đi vẫn đi. Người về vẫn về. Nỗi buồn nào cũng có thuốc thời gian. Vinh quang nào cũng có phút giây đẫm lệ! Thời thế tạo anh hùng. Thời thế cũng tạo người khùng, kẻ điên như Phạm Thanh Khương trong “Thơ không vần cho anh” (Bốn chiều gió cả, Nxb CAND – 2007) cảm thán:
Nửa đời người trăn trở với nhân gian
Thế thái nhân tình, nhân tình nên phải thế
Nuôi ước vọng suốt một đời trai trẻ
Câu thơ hay giọng thấu thấm ân tình.
… Một đời thi nhân, thi nhân đến tận cùng
Vòng kim cô xiết trái tim ứa lệ
Định mệnh thế hay lời niệm chú
Câu thơ không vần vẫn đi giữa xuân.
“Một đời thi nhân” thì phải làm “thi nhân đến tận cùng“. Đấy chính là ga cuối của Trần Dần. Ước mơ “ga cuối” của nhà thơ:
HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT
ĐỘC LẬP
DÂN CHỦ
Đó là tim
là máu đời mình
Là cơm áo!
Là ái tình
Cái có rồi thì tự tìm mảnh đất mà sống. Với kẻ có thời làm lãnh tụ như Hồ Chí Minh thì khẩu hiệu to lớn: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” . Với kẻ sĩ chết đi sống lại như Lê Đạt thì khẩu khí ấy được bổ sung trong bài thơ “Mới”:
Không gì đẹp bằng con người
Không gì quý bằng tuổi trẻ
Điều chưa có, chưa đẹp, chưa mới, chưa tự do thì sẽ “NHẤT ĐỊNH THẮNG”! Với tư tưởng “Sống bằng tương lai“, Russian Proverb cho rằng “The future is his who knows how to wait” nghĩa là tương lai chỉ đến với người biết chờ đợi. “Nhất định thắng” qua nhân vật nữ 19 tuổi đã cho chứng minh lời nói của Russian Proverb là đúng nhưng đúng đến mức độ nào thì cuộc đời Trần Dần và những người tương tự là bằng chứng thật nhất để khẳng định tất cả những gì người ta gọi là… chân lý!
Tình yêu muôn đời vẫn là niềm tin bất diệt, thiêng liêng. Kết thúc về một tình yêu trong trường ca “Nhất định thắng”, nhà thơ, nhà cộng sản chân chính Trần Dần đã nhắn gởi tới tương lai một thông điệp nhân bản:
Đất nước khó khăn này
sao không thấm được vào Thơ?
Thơ ca nói riêng và văn học Việt Nam nói chung hình như từ lâu đã chìm vào giấc ngủ của nàng công chúa ngủ trong lâu đài! Chiếc chìa khóa ấy vẫn ở trong tay mụ phù thủy. Thế hệ gọi là thơ trẻ Việt Nam như nhà ngôn ngữ học cõi trên mà người cõi dưới không sao hiểu tới. Họ như già trước tuổi với những kinh nghiệm copy cách tân hình thức. Giọng thơ nào cũng như con Két học nói trong lồng son! Kết quả cuộc thi thơ trên các web site thì điệu Slow lại dành cho tuổi trẻ mà điệu Roch – Rap thì lại để cho “đất nước khó khăn” này! “Ghi chú về thành phố” như ghi chú về dọn nhà của Vàng Anh? “Niệm khúc gió” có phải từ “Niệm khúc cuối” của Ngô Thụy Miên? Sáng tạo phải là sáng tạo trong vắt như pha lê, như mật ong không trộn đường. Từ Nguyên Tĩnh kết thúc “Trường ca Hàm Rồng” bằng hai câu thơ mang triết lý lương thiện:
Như không có tình yêu tôi đã thành người độc ác
Không có phù sa tôi không là cây xanh hữu ích cho đời.
Tình “Người” ấy chính là “phù sa” của tôi, em và chúng ta, là “một bản tình ca” mà Văn Cao trong “Anh có nghe thấy không” thầm hỏi biết “bao giờ nghe được“? Mỗi chúng ta đừng học theo “Thói đời” như Nguyễn Bỉnh Khiêm tự thán và đừng làm “Người thân xưa hờ hững hóa người dưng” như Nguyễn Anh Nông ngậm ngùi trong “Những tháng năm ở rừng“.
Sau vụ “Trần Dần – Thơ” đầu năm 2008 (giữa nhà xuất bản Đà Nẵng và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thống Nhã Nam) bị đình chỉ vì “vi phạm hành chính về xuất bản“, chúng ta mới thấy rằng bệnh chưa chữa đúng thuốc thì vẫn cứ xập xình. Trong vết thương xập xình đó với những “điều dưỡng viên” (Nguyễn Huệ Chi, Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên, Hoàng Hưng, Giáng Vân, Phạm Toàn, Bùi Minh Quốc và 218 văn nghệ sĩ, trí thức đồng ký tên phản đối) đã thể hiện chút tình người le lói sáng như sao khuyết giữa biển lòng nhân ái văn thơ. Điều dưỡng viên vẫn phải cần sự chỉ đạo từ… Bác! Tuy nhiên, sao khuyết trên bầu trời vẫn lấp lánh về đêm.
Làm người, tốt nhất đừng nên thích một chữ “Phản” vào giữa trán. Phản theo nghĩa nào cũng không được thiện chung. Trần Dần tách mình ra khỏi Đảng chứ không phản Đảng. Chúng ta đừng vì thương Trần Dần oan khiên hay vì một lý do nào đó mà biến Trần Dần thành kẻ phản bội chế độ mà ông đã đấu tranh sống chết vì muốn nó tốt đẹp hơn. Kẻ phản bội thời nào, chế độ nào cũng bị đời nguyển rủa. Đánh giá một tác giả, một con người phải dựa vào ba chiều thời gian: Thời đại, con người và tác phẩm. Đó cũng là nhân cách của người bình thẩm.
Tóm gọn: “Nhân cách là văn cách. Ðấy là nhân cách sáng tạo. Tôi mong muốn mỗi công dân là một người Thơ. Ðầu tiên là làm người”. Đó là di ngôn về thơ mà Trần Dần để lại cho thế hệ sau./.
Tháng 4/20/2008
Ngọc Thiên Hoa
Tư liệu tham khảo có sử dụng:
1. Thơ Trần Dần (thivien.net); “Nhất định thắng” (tienve.org), “Nhất định thắng” (thivien.net), “Nhất định thắng” (Giai phẩm mùa xuân, talawas.org), “Nhất định thắng” (Trần Dần – Thơ, Nxb ĐN – 2008).
2. Một tâm hồn đồi trụy Trần Dần (Huy Vân, talawas.org).
3. Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số cầm đầu trong nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm (Từ Bích Hoàng, talawsa.org).
4. Tiến tới xét lại vụ án văn học: Con người Trần Dần (Hoàng Cầm, talawas.org, thivien.net).
5. Cẩm nang mỹ học nghệ thuật thi ca phê bình (Nguyễn Hoàng Đức tuyển dịch, Nxb TN – 2000).
6. Nhật ký trong tù – Số phận và lịch sử (Hoàng Quảng Uyên, Nxb VH – 2005).
7. Bốn chiều gió cả (Phạm Thanh Khương, Nxb CAND – 2007).
8. Hồ sơ Nhân văn – Giai phẩm (talawas.org).
9. Hoa thủy tiên (hainguyen.wordpress.com).
10. Đợi chuyến đò đã lỡ (Nguyễn Hoàng Đức, Nxb TN – 1998).
11. Truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1985 (Nxb VH – 1985).
12. Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn (Nguyễn Huy Thiệp – Tác phẩm và dư luận, Nxb HL, CA 1991).
13. Trường ca Hàm Rồng (Từ Nguyên Tĩnh, Nxb QĐND – 1999).
14. Thơ: Wordsworth, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Anh Nông, Lê Đạt, Văn Cao, Hoàng Cầm, Ngục trung nhật ký, Phạm Hưu Vũ, Phạm Thị Xuân Khải, Hồ Chí Minh, Hoàng Hưng…
15. Thủ lĩnh trong bóng tối (Phạm Thị Hoài, vanchuong.vnweblogs.com).
16. Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại ‘Nhân văn – Giai phẩm’ trên mặt trận văn nghệ, (Tố Hữu, Nxb Văn Hoá – 1958).
17. Từ “Cổng tỉnh đến cổng thơ” (Trần Mạnh Hảo, giaodiem.com).
18. Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta (Đông La, vietnamnet.vn).
19. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (Lại Nguyên Ân, Từ điển Văn học – Bộ mới, Nxb Tgm – 2004).
20. Nhân văn – Giai phẩm (huongduongtxd.com).
21. “Bài thơ gây chấn động dư luận và đêm trước khi đổi mới” (tienphong.vn).
22. Các web khác có dẫn trích: vi.wikipedia.org, conghung.com, nguyentrongtao.vnweblogs.com, vietbao.vn, vietnamese-law-consultancy.com, hainguyen.wordpress.com…
Xin chân thành cám ơn.