Site icon Ngọc Thiên Hoa

NHÂN NĂM ANH CHÓ VIẾT VỀ CHỊ CẦY

Trong mười hai con giáp, chó được xếp hạng thứ mười một tức là chỉ hơn anh chị heo (lợn) lười biếng, ăn no nằm ỳ.

1. Đặc điểm sinh lý của chó:

Trong thế giới loài vật bốn chân và thuộc nòi có vú, chó được những nhà động vật học phân nhóm: Chó nhà và chó rừng. Chó nhà sủa. Chó rừng tru. Chó cũng được phân hai hạng sang hèn như con người và ở với giai cấp nào, nó sẽ hưởng chế độ, tiêu chuẩn của giai cấp đó. Chó có tuổi thọ trung bình từ mười bốn năm đến mười tám năm. Trong suốt cuộc đời làm chó này, con vật được coi gần gủi người nhất cũng có những thuộc tính gần giống như con người: Trung thành hay phản trắc; vui vẻ hay cáu kỉnh, buồn rầu hay vui tươi, bệnh đau hay mạnh khoẻ…

Sự truyền giống của chó bắt đầu ở tuổi lên năm. Nhiều con chó khôn như giống ngựa thì không bao giờ loạn luân. Chó mẹ đẻ ra chó con như những động vật khác và rất ham con. Khoa học có sự nhân giống cho người thì cũng có nhân giống cho chó thường được gọi là ”chó nhân bản” như con Snuppy của Hàn Quốc.

Trong đời sống, phim ảnh, chó sói (wolf) đã đi vào cổ tích ”Em bé quàng khăn đỏ”; loại chó hung tợn ”Hyena” có trong phim ”Lion King” và những con chó sống miền Bắc cực đã lên màng hình vì công việc kéo xe chạy trên tuyết cho cư dân miền băng giá bốn mùa. Trong những phim hoạt hình trí tuệ nhất của Mỹ, chó thường đi với chuột láu cá Jerry để ăn hiếp con mèo qủy quái Tom trong phim”Tom and Jerry” mà tầng lớp nào cũng yêu thích. Chó đi với cảnh sát là nhân vật quan trọng để tìm ra thủ phạm và kẻ gian hay tuy tìm tông tích nạn nhân, dò mìn, đánh hơi ma túy, trinh sát… nhờ vào thính giác cực kỳ tinh xảo với độ nhạy cảm gấp bốn trăm lần con người.

Chó ở Việt Nam không có bệnh viện riêng, thức ăn riêng, ngủ chung với chủ như ở nước ngoài nhất là ở Mỹ. Dân bình bình, nuôi chó có bạn chứ không giữ nhà. Dân sang, nuôi chó làm cảnh và đi thi chó. Thế mới ra những câu châm chích:

Bình dân nuôi chó giữ nhà

Người sang nuôi chó để mà đi ”show”.

Trên màn hình Mỹ, ngày nào cũng có những ”show dog” với những giống chó nhỏ bằng con mèo đến to như con bê, từ con lông xù tận móng đến con đào không ra một cọng lông làm thuốc, từ con mặt mày xinh xắn như những hoàng tử, công chúa đến những con xấu như ma lem đêm mơ thấy còn hãi hùng… Các loại thường gặp như: Chihuahua (chó nhỏ), Hound (chó hung, mặt mũi dữ tợn), Shepard(chó ”cảnh sát”), Mongrel (chó giữ nhà )…

Tính cách của chó không phức tạp như con người và có thể chia hai mức độ tốt, xấu:

– Chó tốt: Trung thành, thân thiện, dễ nuôi. Ở Mỹ, nhiều ”Stores” với những con Puppy xinh xắn được nuôi để bán.

– Chó xấu: Ăn bậy, sủa ẩu, cắn càn. Nhiều con trở nên hung tợn, nổi điên cắn người hàng xóm kể cả chủ nhân và khi chó điên cắn, người ta lại phải cầu cứu thuốc chủng ngừa ”Bệnh chó dại” mà bác sĩ người Pháp Luis Pasteur (1822-1895) đã tìm ra vaccine năm 1886).

Chó có công dụng: Giữ nhà và ”làm việc thiện”.

Chó còn có những cử chỉ khá dễ thương. Nếu bà mèo hay làm duyên, làm dáng kiếm láp rửa mặt thì chó nhiều khi há mỏm táp… ruồi. Bởi vậy, dân gian có câu chỉ một sự hy hữu cầu may như những ả ế nhằng, ế nhịt cầu duyên: ”Chó táp nhằm ruồi”. Con ruồi vô phúc chắc bữa ấy chắc bị ”tình phụ” mới nhào vô miệng chó mà… tự tử chứ bình thường, ruồi bay nhanh như chớp, cả ”vợt điện” còn họa hằn mới ”chụp” được. Ruồi loại ấy không… mù thì cũng… chột.

Tùy theo tính cách khôn ngoan, thông minh và hữu dụng với kiếm dễ hay khó mà người ta phân ra thành nhiều loại chó. Phân loại người thời khó, phân loại chó thời dễ.

2. Phân loại chó:

Cổ nhân có câu: ”Coi gà xem cựa, coi ngựa xem mông” còn với chó thì ”coi lông với móng, coi màu với mông”. Sao chó phải coi kỹ thế ?

Ở Việt Nam, nếu con mèo ”tam thể” là loại mèo quý có ba màu đen vàng trắng được xếp loại một. Sau đó là mèo nhị thể và mèo mun (có dính dấp đến chuyện làm người chết bật sống dậy khi bị giống này nhảy qua bụng) thì chó có nhiều bậc hơn vì sự phong phú màu sắc cũng như vóc dáng, móng đeo…

Thông thường, chó mực được xếp quý. Câu đối bật ra cho bạn đọc: ”Thằng chực mó chỉ con chó mực” hay ”Con chó mực ăn chực chó đen”.

Loại thứ hai là chó có tám móng đeo tức móng chân thay vì bốn thì mọc thêm bốn móng nhỏ nữa. Loại chó lưỡi có đốm đen khôn ngoan, bắt rắn tài tình xếp thứ ba. Nhưng có người theo sách Trung Quốc về ”tướng chó” chia những loại chó trắng đốm đốm (bạch cẩu hoàng đầu), chó vàng (hoàng cẩu), chó trắng tinh (bạch cẩu ), chó lưỡi đốm… Theo Độc Cô Cầu Thắng trong bài: ”Năm Tuất nói chuyện xem tướng chó” trên BBC thì loại bạch cẩu này là chó cung đình của các Dương Quý phi, Tây Thi. Trong phim Tàu, các nàng mỹ nhân này chưa bao giờ được đạo diễn cho ôm chó mà chỉ ôm mèo như Võ My Nương. Có lẽ kiếm con chó trắng như tuyết khó quá chăng? Còn cho rằng Bao Công có con chó loại ”Bối kiếm đầu” lông dài như hình lưỡi kiếm giúp chủ nhân phá án dễ dàng. Thế nhưng những bộ phim về Bao Thanh Thiên, Bao đại nhân chẳng thấy con chó lưỡi kiếm này xuất hiện trên màn bạc! Độc Cô Cầu Thắng còn cho rằng: Những con chó ấy là ”quý tướng cẩu, nếu có, chủ nhân chắc chắn sẽ gặp may mắn, phát phú quý, thăng quan, tiến chức.”làm người viết… cười ra nước mắt! Số là: Con chó Tô Tô nhà nọ đúng hàng ”quý cẩu” nhưng chủ nhân nó, bị Việt cộng bắt, bị bỏ đói đến chết trắng mắt với cái gọi là ”may mắn” thì đừng nói đến thăng quan, thăng vào… quan tài với nhúm xương tàn sau đó ba mươi hai năm thì đúng thiệt! Ông anh khác có chó tám móng đeo, tự nhiên nó sử dụng ngón ”cẩu sực xí quách” táp phập vào tay ông khách đến chơi nhà. Thế là ”khách đến nhà không trà thì nước” mà… nước miếng năn nỉ gần gãy lưỡi, ổng mới không làm to chuyện. Đúng là tướng chó với tướng người chỉ là ”người tưởng” mà thôi!

Ở đời, không nên nhìn mặt mà đoán hình dung là vậy. Nếu đoán tướng thì Mao Toại lùn tịt sao có thể làm chính khách nước Tề, Hàn Tín bé loắt choắt sao làm nên Đại nguyên soái nước Hán? Vậy thì mấy con chó không thuộc ”quý cẩu” bỗng chốc bị vào nồi như dịch cúm gia cầm chết oan bao nhiêu thân chị Dậu.

Con vật nào trong mười hai con giáp cũng được đi vào văn học tùy theo đặc tính, công dụng của chúng.

3. Chó từ đời sống bay bỗng qua văn học:

Trong tục ngữ, ca dao, dân ca, cổ tích:

Văn học đã mang con chó cùng với những con vật khác đi qua những làn điệu ca dao, dân ca, tục ngữ từ ngàn xưa:

Nếu đặc tính của con người là râu tóc thì con vật phải là lông lá, móng sừng.

Ca dao hay hát:

Con mèo, con chó có lông

Cây tre có mắt nồi đồng có quai.

Để nói đến khía cạnh hục hặc, không còn ân cần, người ta thường dùng ngữ: ”Mắng chó, chửi mèo”. Ghét nhau đến tận xương cốt thì từ mắng yêu ”con khỉ” thay bằng từ mạt sát ”đồ chó” hay ”đồ thứ chó đẻ” hoặc ”đồ thứ trâu sanh, chó đẻ” dù không ai hiểu lý do con chó đẻ, con trâu sanh có tánh cách gì xấu xa để người chửi độc mồm, độc miệng? Câu chửi đó rất nặng nề như một sự ”cạn tàu, ráo máng”.Vậy là hết.

Trái với sự chửi chí chết là cái mắng yêu ”đồ chó” nhưng là ”chó con”. Mất từ ”con” thành ra từ chửi nặng.

Để nói lên sự xui xẻo khi con chó nhà thay đổi tiếng sủa thành tru như cho sói, người ta nói:

Vô phúc vớ phải chó tru

Không giết người cũng ở tù mọt gông.

Con chó ấy nhất định nếu không bị thả trôi sông thì cũng vô nồi nước sôi để ra:

Cày tơ bảy món, bạn khoái món nào

Thịt dồi lòng chó, vó xào lá mơ?

Con chó cảm được thân phận nên kêu:

Con gà tục tác… lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.

Con chó khóc đứng, khóc ngồi

Bà ơi đi chợ mua tôi đồng giềng.

Củ giềng nghe đâu ăn với thịt chó thì không tanh lại ấm bao tử gì gì đó…

Đấy, con chó vốn được gọi là con vật bốn chân thân cận con người, trung thành đến chết. Người bảo lếch là không dám đi, bảo qùy là không dám chạy, bảo đứng dậy là không dám ngồi… Vậy mà người ta còn rêu rao, kêu gọi nhau: ”Sống không ăn giồi chó, chết không có mà ăn”. Người nhậu quăng cục xương chó chết, con chó sống nào có biết đồng loại ra sao nhào vô… gặm mót. Đau là vậy!

Giới nhậu nào xơi thịt chó nhiều nhất? Người ta khẳng định:

Nam Kỳ ăn cá Rô Ti

Dân xơi thịt chó vị chi… Bắc Kỳ .

Bây giờ, chỗ nào người ta cũng ăn, cũng xơi, cũng đớp ”cầy tơ bảy món” từ con vật đầy tình nghĩa mà cũng đầy ”chất đạm mát gan, bổ thận” này không còn mảnh xương đến nổi ”giả cầy”, cầy giả cũng… chơi. Thiệt là…”thiên linh linh, địa linh linh, cho thêm dĩa cẩu mới… tang tính tình……”.

Còn đâu con chó mà người ta nâng niu cách học ”bơi chó”, chiêm ngưỡng con chó ”làm xiếc” chui vòng lửa, bắt bóng, nhảy dây, làm ngựa để chú khỉ cưỡi cho chủ nhân thò tay nhặt tiền!

Nhưng chó vốn là con vật trung thành và đa năng nhất của người nên ”đánh chó phải kiêng chủ nhà” là vậy. Chó lại là con vật hướng thiện giúp con người tự sửa mình như trong cổ tích ”Người học trò và con chó đá”: Con chó đá không vẫy đuôi chào anh trò nhỏ bởi vì anh ta ”chưa đổ ông Nghè đã đe hàng tổng” nhăm nhe thay vợ, hăm he láng giềng. Người phi đạo đức sao mà đỗ đạt trạng nguyên? Bây giờ, những loài chó đá ấy… tuyệt chủng nên trạng nguyên, bãng nhỡn, thám hoa có dịp ”quang tông, diệu tổ” đảo lộn cương thường, lật ngang thế sự có con chó nào ”sủa” cho tỉnh mộng đâu?

Tiếng chó sủa ban đêm như đã thành âm thanh quen thuộc đến nổi thiếu nó, người ta cảm thấy trống trãi, lo sợ nỗi cô đơn và sợ nhất là bỗng không bặt tiếng chó là coi chừng… mất con chó!

Tục ngữ xuất hiện: ”Chó treo, mèo đậy ” để nêu cái ”tài tình” tính xấu của hai con vật có nhiều thù vặt này. Cái tội ăn ẩu, ăn hổn, ăn tạp, ham ăn đã khiến con chó dễ vướng vào ”bã chó”. Chính cái ”bã chó” mà người ta dùng để giết chó lại khiến bao kẻ dùng nó mà kết thúc cuộc đời. Lão Hạc của Nam Cao là một. Chó cũng ”đánh hơi” được sự nguy hiểm từ trong ”khẩu phần” thức ăn nên có sự ”cảnh giác”. Có lẽ vậy mà khi được cho ăn, con cho cứ vừa ăn vừa lắm la, lắm lét vừa sợ mất ăn, vừa ngán dính bẫy khiến cho nó không cảm thấy miếng ăn ngon lành gì nữa cả. Thân làm chó khổ đến cả miếng ăn, có gì mà vui sướng!

Đã mang kiếp chim thì phải hót, kiếp trâu thì phải cày, kiếp cầy thì phải sủa. Tiếng sủa của chó như một điệp khúc giữ nhà:

Chó sủa nào phải sủa không

Chẳng thằng ăn trộm cũng ông đi đường.

Chao! “Ăn cơm chúa, múa tối ngày”! Sủa không hay có mà ăn gậy. Tội nghiệp thân chó giữ nhà biết bao!

”Sủa” cũng trở thành từ thông dụng vui vui khi người ta mắc cơn ho liên tù tì. Ho biến thành ”sủa cả đêm, ai ngủ được !”

Cuộc đời chó nhiều phen lận đận nên có câu ”lên voi xuống chó”. Xuống chó hay xuống ngựa cũng đồng nghĩa với xuống… ruộng sình khó mong ngày lên yên tuấn… cẩu!

Thêm vào đó, vì chó thuộc nòi vận động viên tốc độ nên để chỉ sự giàu có về ruộng vườn, thiên hạ hay so: ”Chim bay sãi (mỏi) cánh. Chó chạy cong đuôi” nghĩa là đất đai rộng quá khiến con chim bay sặc sừ, con chó chạy le lưỡi. Khiếp!

Chó làm việc thiện không chỉ giữ nhà, xiếc, săn tin, dò bẫy, đánh hơi trong cuộc đời mà còn giúp người qua cơn túng thiếu. Hình ảnh bầy chó chưa mở mắt đã được chị Dậu rứt lòng bán sấp, bán ngửa để lấy tiền thuốc thang cho anh Dậu trong ”Tắt đèn” của Ngô Tất Tố là một điển hình.

Đấy! Làm chó ngoài đời đã cực mà chó đi vào văn học cũng chả có số phận gì thấm khá hơn chó trong tử vi.

Chó với cái tật xấu hay cắn ẩu người nên có câu: ”Coi chừng chó cắn trộm”. Người xưa và nay đều dùng từ ”chó” để nêu tính cách xấu xa của con người. Trong ”Hịch tướng sĩ văn”, Hưng Đạo Đại Vương, Trần Quốc Tuấn có viết: “Huống chi ta cùng các ngươi sinh ra ở thời nhiễu nhương… trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sĩ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ…” (Việt Nam sử lược – Trần trọng Kim, Nxb VHTT 1999).

Chó trong tử vi và lẻn vào chiêm bao:

Theo ”Tử vi trọn đời” của Giáo sư Hiển Linh thì người cầm tinh tuổi ”gâu gâu” này không phải chỉ đại kỵ với cầm tinh tuổi ”meo meo” và đệ nhất là… ông ba mươi ”à um” mà kỵ với Kỷ Sửu, Ất Mùi, Tân Sửu, Quý Mùi, Ất Dậu, Đinh Sửu, Tân Mẹo, Quý Dậu, Đinh Mẹo, Giáp Tý, Canh Ngọ, Mậu Ngọ…

Mỗi con có mỗi khắc tinh khác nhau. Nếu khắc tinh của cá là cò, khắc tinh của rắn lục là chim bìm bịp, khắc tinh của rết là gà, của đĩa là vịt… thì khắc tinh của chó chính là cọp chứ không phải là mèo. Mèo chó có thể ở chung một nhà nhưng cọp thì cả trời cũng … mời ”đi chỗ khác chơi”. Có lẽ vì sự tích con chó lừa cọp một vó đau khiến con trâu cười đến nỗi dập mất hàm răng ăn cỏ và cọp thù chó thấu xương. Do đó, người tuổi chó ngán gặp tuổi cọp và khi chiêm bao, bạn mà thấy chó rượt thì đi núi coi rừng cọp vồ và ngược lại. Chó cắn đỡ hơn cọp cắn nhưng đừng để con nào cắn có lẽ phải nhờ phước đức ông bà để lại phải cho dày.

Trong sách ”Khám phá bí ẩn của những điềm chiêm bao” theo nguyên tác Michael Halbert thì thấy chó: ”là được người nâng đỡ. Thấy chó cò là may mắn gần kề. Thấy chó mực, nên đề phòng bị lừa gạt. Thấy chó cái là sắp được thỏa mãn ân tình. Thấy chó cắn nhau là bị khuấy làm cho bực mình. Thấy bị chó sủa nên đề phòng mất của. Thấy chó săn là công cuộc làm ăn gặp hồi thịnh vượng… Chó điên cắn nhằm mình là bị tiếng thị phi”.

Nếu ai đó cả đời chỉ thấy toàn chó cắn, chó sủa và chó điên lẻn vào chiêm bao thì coi như vận may chả mỉm cười dù chẳng mắc vào tuổi đại kỵ có chữ ”Tuất” này. Thế mới nói xui xẻo không do bói toán, duyên may chả phải cơ trời mà chỉ con người tự tạo ra những đau thương, khổ nhục, đắng cay, đoạn trường!

Cùng với gà, heo, mèo, dê, ngựa, con chó được xếp vào hàng lục súc mà con người nuôi nấng, vì thế mà con nào cũng muốn được lòng chủ thì ”bập bênh, bập bênh, mày lên thì tao xuống, mày xuống, tao mới được lên” thành chuyện ”Lục súc tranh công”. Con chó mới mắng rằng:

Trách sao khéo thổi lông tìm vết

Giận thành lay vạch lá tìm sâu.

Ai ai đều thủ phận như nhau…

Lời lẽ chí lý, thông minh. Có lẽ vậy nên người ta chửi ”ngu như bò, dơ như heo”, ít ai chửi “ngu như chó”. Con chó vô tội và vẫn đáng thương khi nó được sủng ái rồi lại thất sủng .

Ước mong sao trong các em, con chó vẫn là người bạn mà các em cùng vui, cùng hát: ”Gâu gâu gâu! Con chó nhà em thức khuya dậy sớm. Gâu gâu gâu! Con chó nhà em suốt ngày nó siêng năng. Có khách đến nó sủa gâu gâu. Lúc tối trời nó cũng sủa gâu gâu. Em đi học về nó vẫy đuôi vui mừng, gâu gâu…”.

Chơi với loài nào cũng vậy, cẩn thận đến một ngày từ bạn hóa thành thù thì càng nguy hiểm vô cùng huống chi là loài chó (dẫu ở Mỹ ”Nhất chó, nhì đàn bà, ba trẻ con còn lon ton là…đực rựa). Nhưng cuối cùng, nguy hiểm nhất cũng chính là… con người vì con chó chỉ mang… một giáp mà con người mang đến… mười hai con giáp! Nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn trên sân khấu Thúy Nga Paris by nigth kể chuyện vui có câu: ”Con ơi ! Người ta nuôi con gì thì trước sau cũng thịt con ấy mà thôi!”.

Đó là cái sự đời khi cuốn lịch có tờ cuối tháng mười hai âm lịch được bóc ra…

”Mừng năm Chó! Mời Tuất anh, Khuyển chị đi ăn Cầy Tơ. Cầy Tơ ăn đi chị Khuyển, anh Tuất. Mời ! Mừng năm Chó!”./.

Tháng1/21/06
Ngọc Thiên Hoa

Exit mobile version