Lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX là lịch sử chống Pháp với những cuộc khởi nghĩa võ trang lớn nhất từ trước đến bấy giờ. Một trong những cuộc khởi nghĩa lâu nhất đó là cuộc khởi nghĩa của Đề đốc Hoàng Hoa Thám.
1. Đề đốc Văn Thám họ Trương.
Ba mươi năm đã kiên cường đấu tranh.
Trương Văn Thám là tên thật của Hoàng Hoa Thám. Ông quê ở Tiên Lũ, Hưng Yên nhưng lên Sơn Tây kiếm sống. Ông từng theo giúp lãnh binh Trần Quang Soạn ở Bắc Ninh và theo cha nuôi là Bá Phúc vận động nghĩa quân Vân Nam giúp Cai Kinh ở Lạng Sơn. Ông được phong chức Đốc binh, tức Đề đốc Thám hay còn gọi là Đề Thám.
Sau hiệp ước ngày 23-7-1883 Quý Mùi và hiệp ước Patennôtre ngày 6-6-1884, triều đình Huế chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Lịch sử nước ta bước vào thời kỳ đau thương vì giặc giã; triều chính đảo lộn vì quan trường; đất nước phân chia vì vua tối nên ”Còn ai ngồi khóc cha chung. Còn ai phụng chỉ cúc cung triều đình?”.
Trước bối cảnh rối ren của đất nước lại thêm sự chuyên quyền trong triều đình Huế của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường dẫn tới vua Dục Đức bị phế, Hiệp Hoà bị bức tử, vua Kiến Phúc chết non trong tám tháng trời gây cảnh chém giết thảm sầu, đầu rơi máu đổ như thời phân tranh. “Thượng bất chính. Hạ tất loạn”. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa tự phát bất mãn bùng lên của các văn thân, nhân sĩ. Khi vua Hàm Nghi phải rời bỏ kinh thành Huế sau khi cuộc tấn công dinh Khâm sứ Pháp ngày 22/05/1885 tại Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết đã nhân danh vua xuống chiếu “Cần Vương”. Lòng người vẫn tưởng chúa xưa nên Bắc kỳ, Trung kỳ (Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên… ) và miền nào cũng có người người đánh Tây. Đó là Phạm Tuân, Đình Hội, Tự Như, Lê Ninh, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ, Mai Xuân Thưởng, Đinh Công Tráng, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng… và lỗi lạc nhất là Hoàng Hoa Thám. Những nguời nông dân các vùng Hưng Hóa, Thái Nguyên, Bắc Giang theo Hoàng Hoa Thám dệt nên trang sử hào hùng về tinh thần yêu nước quật khởi chống xâm lăng có sẵn từ thời các vua Hùng dựng nước!
Khu căn cứ địa của Đề Thám vẫn vững vàng trong khi các cuộc khởi nghĩa “lấy gan vàng chọn đạn sắt” khác không cân sức đã lần lượt bị tan rã trước sự tấn công dữ dội của Pháp và đã đẻ ra hàng loạt tay sai cho Pháp như Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Cao Khải, Trần Bá Lộc, Lê Hoan cùng lũ vô lại bán chúa cầu vinh, “tham sanh úy tử” kiểu Trương Quang Ngọc, Nguyễn Đình Tình đã cùng quan thầy giết hại Văn Thân tơi bời. Chúng đã bán đứng vua Hàm Nghi – linh hồn của phong trào Cần Vương – để đổi lấy vài đồng xu bất nghĩa và chức quan lãnh binh nhỏ nhoi, bất nhân vào năm 1888. Cũng trong thời gian này, Cai Kinh bị bắt (có sách ghi bị giết ở Lạng Sơn vào tháng 7 năm 1888) đã đẩy Đề Thám lên cầm đầu cuộc khởi nghĩa lớn nhất, vang dội nhất lúc này.
Căn cứ địa của nghĩa quân Đề Thám với chiến khu Yên Thế lấy Chợ Gò làm chính là nơi cực kỳ hiểm trở giữa đồng và núi non đã khiến cho Pháp lo sợ ngày đêm. Những cuộc tấn công của Phap có sự hướng dẫn của Tổng đốc Lê Hoan vào Yên Thế đều đại bại khiến chính phủ Pháp hết sức lo ngại, kinh hãi. Đề Thám và các tướng tài của ông như Đề Kế, Đề Huỳnh, Đốc Thu, Thống Luận… đã biến căn cứ Yên Thế thành một pháo đài bất khả xâm phạm trong ba mươi năm dài (1883 -1913).
Trong suốt thời gian đó, Pháp hai lần hòa hoãn cùng ông (1894 và 1898) để âm thầm chuyển chiến lược đánh phá bởi đại tá “cực kỳ kinh nghiệm dẹp loạn” là Gallieni với sự tiếp tay của chính đình nhà Nguyễn bán nuớc mở những cuộc tấn công đẫm máu lên chiến khu Yên Thế:
Máu nhuộm đỏ lá rừng Yên Thế
Xương trắng đồng nức nở chiến khu.
Mẹ ngồi ru mãi lời ru
Một đời trung liệt nghìn thu sáng ngời!
Giữ hai trận tuyến không bao giờ có chữ “hòa” thật sự. Ta không đánh người, người cũng đánh ta. Con “Hùm thiêng Yên Thế” không thể ở mãi trong rừng nên năm 1905, Đề Thám quyết định tấn công ra Bắc lấy thành Hà Nội với kế hoạnh “đầu độc lính Tây”. Kết quả không như ý muốn của Đề Thám đã dẫn đến sự phẩn nộ của Phủ Toàn quyền. Năm 1907, Đề Thám lại tổ chức bạo động ở Hà Nội cũng không thành công và đảng Nghĩa Hưng của ông tan rã.
2. Bị nguời ám hại, binh tan
Ngàn năm Yên Thế hiên ngang, sáng ngời.
Pháp đàn áp các cuộc khởi nghĩa khác trong biển máu đã xong nên dốc toàn lực lượng, xiết vòng vây tấn công Yên Thế nhưng vẫn không bắt được Đề Thám. Điều đó cho ta thấy: Ông không những là một thủ lãnh giỏi cầm binh, khéo léo trong chiến thuật du kích mà còn biết liên kết các nghĩa quân khác như quân khố đỏ, khố xanh. Ông còn có tinh thần tương trợ cứu viện cho bè bạn như: Viện binh cho quân Hoàng Thái Ngân ở Tam kỳ, Vũ Lệ…
Đề Thám còn sử dụng kế sách ám sát, quấy rối an ninh Pháp, tấn công vào những đồn trại, xe lửa, đầu độc, bạo động… Nhưng “Cọp kia dù có bốn chân nhưng vẫn là cọp giữa rừng lẻ loi”. Ông đã chiến đấu lẻ loi vì “Vua lập ra chỉ bù nhìn, quan lại bán nước, dân tình hoang man…”. “Địa lợi”, “Nhân hòa” của ông đã có, nhưng “Thời cơ” đã không cho ông một cơ hội đánh Pháp giành tự do cho đất nước. Ông trở thành “kẻ thù truyền kiếp” của khâm sai Lê Hoan, là “cái đinh” trong mắt chính phủ bảo hộ nhưng chúng vẫn không thể bắt ông cho đến khi giải thưởng 25 ngàn lấy đầu ông được tung ra. Giải thưởng ấy đã làm tối mắt tên phản phúc Lương Tam Kỳ và đồng bọn. Chúng giả vờ gia nhập hàng ngũ nghĩa quân và ngày 18 tháng 3 năm 1913 Quý Sửu (có sách ghi ngày 10 tháng 2) khi ông ngủ, bọn phản phúc đã cầm con dao không có trái tim… vung lên. Chúng nộp thủ cấp của vị anh hùng bất tử này cho công sứ Pháp ở Nhã Nam để lãnh thưởng!
Bài học “mất cảnh giác” từ thời “Mỵ Châu – Trọng Thủy” đã dẫn đến sự mất nước của An Duơng Vương Thục Phán được tái diễn ở Đề Thám, để lại bao nỗi xót xa, thương tiếc trong lòng người dân Việt yêu nước!
Sau khi Yên Thế bị san bằng, đại gia đình Hoàng Hoa Thám đều bị bắt hết. Toàn bộ nghĩa quân trừ những kẻ hàng giặc như tên Quýnh – con rễ Đề Thám – lớp thì bị tử hình, lớp bị đày vào lao tù vĩnh viễn ở Guyane. Thất bại đó đã chấm dứt một cuộc khởi nghĩa nông dân võ trang vĩ đại nhất trong lịch sử chống Pháp của dân tộc ta.
Người dân Việt Nam cảm kích ông, tôn thờ ông bao nhiêu thì càng phỉ báng những tên tay sai, bán nước đã tiếp tay cho giặc gây cảnh đầu rơi, máu đổ trên quê hương suốt một thế kỷ. Hơn ba mươi năm sau khi Hoàng Hoa Thám bị ám sát, cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 đã nối tiếp con đường ông và bạn bè làm nên lịch sử và Hoàng Hoa Thám với chiến khu Yên Thế xanh bạt ngàn đã đi vào huyền thoại để khẳng định chắc chắn một điều rằng: Nhân vật lịch sử này đã trở nên bất tử.
Hùm Thiêng Yên Thế đây Đề Thám
Kiên cường chống Pháp sáng trời Nam.
Chiến khu nhuộm máu can trường hận
Một cõi “đi – về” của Nghĩa – Nhân.
Tháng 3/ 2005
Ngọc Thiên Hoa
(Bài viết riêng cho trường Trung học chuyên ban Hoàng Hoa Thám Diên Khánh – Khánh Hòa nhân kỷ niệm 45 năm thành lập trường 1960 – 2005)
Tư liệu tham khảo có sử dụng:
1. “Việt Nam sử lược” (Trần Trọng Kim, Nxb VHTT 1999).
2. “Tiền nhân Việt Nam” (Gdat.org/work).
3. “Vua Hàm Nghi” (Bửu Diên Hoàng Oanh – Nguyệt san Huế).
Xin chân thành cám ơn.