Trung Quốc có tất cả 5 chùa mang tên Thiếu Lâm như Bắc Thiếu Lâm Tự Bàn Sơn, Thiếu Lâm Tự Tung Sơn (Hà Nam), Thiếu Lâm Tự Phúc Châu – Phúc Thanh (Phúc Kiến), Nam Thiếu Lâm Tự Bồ Điền, Nam Thiếu Lâm Tự Toàn Châu (Phúc Kiến). Những ngôi chùa ấy đi vào trong sử sách và phim ảnh với “Thiếu Lâm Tự Truyền Kỳ“. Những Chùa Thiếu Lâm này tương truyền đã chứa những bộ bí kíp võ công như “Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công (72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm), Thất thập nhị huyền công niên tuyệt kỹ (72 công phu Thiếu Lâm Tự) và La Hán Thập Bát Thủ (18 chưởng lực La Hán) làm mưa, làm gió một thời!
Việt Nam trên 20 Thiền viện Trúc Lâm. Những Thiền Viện chính như Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh). Thiền Viện Trúc Lâm Sùng Phúc (Hà Nội). Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo – Vĩnh Phúc), Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử – Chùa Lân hay Long Động Tự (Uông Bí – Quảng Ninh) còn gọi là Chùa Long Động, Chùa Trúc Lâm (Hòn Tre – Khánh Hòa), Thiền Viện Trúc Lâm (Đà Lạt – Lâm Đồng), Chùa Trúc Lâm (Thanh Lương – Hà Tĩnh), Chùa Trúc Lâm (Hương Thủy – Huế). Trong đó ba Thiền Viện lớn nhất ngự ở Đà Lạt, Quảng Ninh và Vĩnh Phúc.
Chùa Trúc Lâm ở Việt Nam được xây dựng xưa từ đời thời Trần như Thiền Viện Trúc Lâm Long Động (Quảng Ninh) và mới hoàn thành như Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (Bắc Giang). Cũng như tất cả các chùa khác, chùa Trúc Lâm hay Thiền Viện Trúc Lâm đều xây dựng cơ bản gần như giống nhau. Đó là chánh điện thờ chư vị Phật, Bồ Tát, tam quan điện, nhà ăn chay, nội viện như nhà sách kinh Phật, thư viện, nhà Tăng, La Hán Đường, phòng tiếp khách…
Trong nước có tên Chùa Trúc Lâm. Ngoài nước sao không có chứ? Tên “Chùa Trúc Lâm” từ Việt Nam được “vượt biên” qua Pháp như Chùa Trúc Lâm ở Marseille. Còn ở Hoa Kỳ, Chùa Trúc Lâm đang tọa lạc trên đường Ashland ở Chicago, là nơi phát tâm bồ đề của cộng đồng cư dân vùng lân cận “Thành phố Gió”. Chùa được xây trên đền thờ người Do Thái và hiện giờ vẫn còn tiếp tục nâng cấp cho giống một mái chùa kiến trúc Việt Nam.
Mái ngói cong cong hình bán nguyệt
Tầng tầng lớp lớp dáng bất diệt.
Chùa nơi tôi ngộ từng chân lý
Thắp sáng chơn tâm lửa từ bi.
Năm mới Tết đến! Chúng ta đi chùa hái lộc là phong tục tập quán ngàn năm. Thế nhưng phong tục cũng thay đổi theo thời gian. Đốt nhang nhiều chẳng phải là lòng thành. Hái lộc không có nghĩ là vặt trụi lá. Khói nhang gây tai vạ. Cây cỏ cũng biết sầu. Lòng có từ tâm thì dẫu không hái lộc, lộc cũng tự tâm mà đến. Lòng bình an. Đó chính là Lộc. Người có tâm Phật thì không đốt nhang, Phật cũng tự tâm mà hiện. Tâm từ bi. Đó là Phước! Được chữ “Phước” và chữ “Lộc” thì sợ gì chữ “Thọ” không nương theo gió lành mà tìm đến! Chùa chiền là chốn tu hành thanh tịnh. Không hạnh ngộ thì như “vá canh trong nồi canh” như nước trong dầu! Vá chẳng ăn canh còn dầu không ăn nước! Chùa chiền qua năm tháng có thay tên, cũng không vì thế mà thay chùa.
Hy vọng cái tên Trúc Lâm mãi mãi ở trong mỗi đệ tử nhà Phật như một nghĩa cử thiêng liêng để nhắc nhau nhớ người khai sinh ra nó: Vua Trần Nhân Tông, tổ tông của Thiền phái Trúc Lâm Tự. “Trúc Lâm” từ đó mà “sinh sôi nẩy nở” khắp năm châu, bốn bể! Thánh thiện thay! Huyền diệu bấy!
Xuân về, cỏ biếc sắc lên xanh
Tết đến, hoa tươi thắm mộng lành.
Trúc mai thanh tao vô hư ảnh
Lâm tuyền tĩnh mịch bất vị danh!
Tháng 1/28/2013
Ngọc Thiên Hoa