Site icon Ngọc Thiên Hoa

Ngày ấy còn xa lắm

Truyện ngắn Ngày ấy còn xa lắm
Hiệu bánh Kinh Đô.

Một cô bé lấp ló nhìn vào lồng kính. Ở đấy, chao ôi bánh là bánh. Thơm nức mũi làm bụng nó cồn cào.

– Mua bánh hay định… gì đấy, nhỏ?

– Dạ, mua bánh.

– Loại nào? Hăm lăm, hăm tám, hăm chín, ba chục?

– Dạ, cái nào… ngon nhất.

– Hừm. Có tiền không?

– Dạ có.

– Ba chục ngàn.

– Bán cho con một phần năm.

– Ùm, hử? Hả? Giỡn chơi mậy! Bán mày rồi bốn phần tư còn lại… biếu không luôn cho tiện?

Cô bé cười:

– Con chỉ đem đủ ngần ấy tiền.

– Không đủ thì chờ cho đủ mà mua!

Cô bé ngần ngừ.

– Khoan đã!

Tiếng gọi giật lại khi cô bé quay ra đi.

– Con mua cái bánh này phải không?

– Dạ.

– Đây cho con hết một hộp. Cầm lấy mang về cho em ăn đi.

– Không! Con không có em. Con mang về cúng bà ngoại và má con.

– !!!

Người đàn bà nuốt cục nghẹn.

– Má con ngày xưa thích ăn bánh trung thu. Rằm nào, má cũng mua cho bà ngoại.

– Ừ. Giỏi. Về cúng má đi con. Tính tiền bà chủ!

– Cám ơn cô. Con chào. Khi nào con lãnh lương, cô trả lại cho cô.

Người đàn bà khẽ cười. Cô bé quay ra nhường chỗ cho người khác bước vào. Khu phố ồn ào trong ngày thường rồi sẽ chìm vào đêm như trăng chui vào mây. Bà nói với người bên cạnh:

– Thời buổi bây giờ khan hiếm những câu có hiếu nhưng không phải là không có phải không mày?

– Nữa. Lại bắt đầu…

– Không. Kết thúc rồi.

*

Khu nghĩa trang. Những ngôi mộ lặng yên, chật chội. Đất ở mắc hơn vàng thì đất chôn cũng đâu có rẻ bèo. Chôn chen chúc. Cô nhỏ ngồi xuống giữa hai cái mộ đơn sơ bên cạnh những cái mộ được xây dựng hết sức cầu kỳ như biệt thự thu nhỏ. Người chết cũng có giai cấp. Những chiếc bánh trung thu đặt đầy ra đó, kiến bu quanh. Chút nữa sẽ là giờ của mấy đứa chăn trâu bò mà người ta thường gọi là ”cô hồn các bác” giật giành nhau. Cô bé nhìn bên phải. Ngôi mộ của bà ngoại cũng đơn sơ như đời bà. Nó đặt xuống cái đĩa cho bà cái bánh:

– Ăn một cái là… ớn à ngoại.

Nó cúng cho má một cái.”Má nhớ chia cho ba”. Còn hai cái? Có hai cái thì cho ai đây?

– Cho ai đây ngoại?

Cơn gió rào lên, tóc nó bung ra như thời ngoại thường bung tóc nó chải đầu “– Con cho người nào mà con thương nhất“. Cô bé thừ người. Ngoại và má là con thương nhất rồi. Cho ai trong đám mả mấy trăm cái? Nó sực nhớ một cái mả của con bạn. Con nhỏ chạy thi trong ”Hội Khoẻ Phù Đổng” cấp tỉnh, hụp mặt xuống nước, chết im lặng.

– Mày à! Khi nào tao có tiền, tao sẽ mua cho mày nhiều thứ hơn. Cái mày thích thì ở cõi đời, tao còn chưa có. Cái mày bỏ, tao đang giữ nhưng rồi cũng trả lại cho mày.

Chẳng cần ai hiểu, nó đem cái bánh còn lại đến một cái mộ hoang nhỏ bé đầy cỏ dại.

– Ăn đi bé! Nhớ chia cho bạn bè.

Nó ngồi chút nữa rồi lầm lũi ra về. Tiếng chân nó nặng nề như trên vai vừa vác cái gì nặng trịch. Hình như đó là bốn cái bánh trung thu mà nó không tiền mua nổi để cúng cho má và ngoại. Chợt nó thấy thèm quá. Sao chẳng có cái nào cho mình nhỉ? Của cho là của nợ nhưng thiệt tình là nó cũng thèm vô cùng! Tiền tháng này chưa lãnh. Nếu có sớm, nó chẳng phải đi mua nợ. Chân nó khựng lại. Trước mắt nó không có bà tiên nào giáng phàm mà lại có một cái bánh trung thu hiệu ”Jambon bát bửu” loại hai trứng của hiệu bánh Kinh Đô nằm chình ình nhìn nó trong lớp áo nghèo hàn. Nó lắc lắc đầu. Nó nhắm con mắt rồi lại mở ra. Vẫn là cái bánh. Ai mà tốt bụng vậy?

– Của từ thiện đó cháu? Họ cho gạo ông nè và hỏi căn chòi bên ai ở, ông nói có con bé mười lăm, mười sáu tuổi mồ côi đang đi lấy hạt điều chưa về. Họ gởi ông một cái cho con bé đó đó. Ăn đi cháu!

Vậy là nó không biết được những người làm công việc từ thiện đã tới từng căn nhà nghèo phát gạo và bánh khi nó đang ngồi thầm thì trong thành phố buồn của ngoại và má. Nó không có ba và không hề biết mặt ba bao giờ. Nó sống một mình cũng như bên kia dậu mồng tơi cũng có một ông già cô đơn ngồi nhặt từng hạt điều như nó mà không hề lê la xin ăn của người. Nó nghe lòng thắt lại. Trái tim nó ứa máu vì lòng hảo tâm của con người. Lòng tốt vẫn hiện hữu trên cuộc đời mà những cái bánh trung thu đã là một nhân chứng cho lòng nhân ái không bao giờ cạn cùng của con người. ”Cái mày thích” tức là đường chạy đến đích của mày ở cõi đời, tao chưa có. ”Cái mày bỏ” tức là tuổi xanh tao đang có trên người. Thư Sinh ơi! Con bạn lớp mười thương nhớ ơi! Chiếc bánh này, tao nhất định phải ăn cùng mày như một rằm trung thu mình đã từng có chung những giờ phút rước đèn ngôi sao mà ước ao chiếc bánh như hôm nay. Ăn đi con nhỏ!

– Ông à! Mai con đi nhận hạt điều thêm, ông có lấy thêm thì con lấy dùm luôn ông ạ?

– Ừ! Ít thôi con à. Làm nhiều coi chừng đau mắt.

– Con cần tiền mà. Con sẽ trả lại món nợ những chiếc bánh trung thu.

– Hà hà… Ở đời, vẫn phải cần mắc nợ cháu ơi! Nếu không, ông cháu ta không phải ngồi đây nhặt mỗi hạt điều xuất khẩu!

Cô bé cười. Lần đầu tiên trong đời, nó cảm thấy vui sau ngày bà và mẹ lần lượt ra đi. Niềm vui từ đâu tới cũng làm cho người ta níu lấy cuộc đời ngắn ngủi mà sống cho ra con người. Trăng đang hiện dần qua đám mây. Cô bé thấy rõ ràng chú Cuội và Hằng Nga đang chụm đầu vào nhau thì thầm…”Cuội ơi! Ta nói Cuội nghe. Ở trên cao quá làm chi. Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già. Ôm một mối mo”. Dưới cái bánh có một dòng chữ thật tươi: ”Chúc bé ngon miệng, chóng lớn” và vẽ cái mặt cười với chiếc lồng đèn. Cô bé cất giữ cẩn thận như một kỷ niệm ngày thơ ấu không bao giờ trở lại.

*

Năm năm sau. Phượng rực thắm hai bên đường thân thuộc. Căn nhà nhỏ đón cô gái trở về. Nghe nói cô gái đang học năm thứ hai trường Đại học Y Sài Gòn. Cô sống và đi học bằng cái nghề nhặt hạt điều. Sáng nay, cô đến tiệm bánh trung thu Kinh Đô. Có một người đàn bà như quen lắm đang chọn những cái bánh trung thu trong tủ kính.

– Chào cô! Cô có phải là người năm năm trước đã mua bánh ở đây?

– Phải! Nhưng năm nào, cô cũng mua chớ không phải năm năm trước.

Người đàn bà cười.

– Có chuyện gì không, cô gái?

– Cháu, cháu… cám ơn cô đã cho cháu bốn cái bánh trung thu năm năm trước.

– Ô! A! Ạ… Ôi chao! Cháu lớn như thế này rồi à? Nay có tiền mua bánh rồi phải không?

Cả hai cùng cười.

– Cháu mua bánh cho… mấy em nhỏ.

Dừng lại một chút, cô cắn môi:

– Như ngày trước, cô cho cháu, những người từ thiện cũng chia cho cháu.

Người đàn bà im lặng. Bà không nói cho cô biết bà chính là người trong nhóm từ thiện. Họ mua bánh với một tấm lòng như vầng trăng thu rưng rức sáng.

Cô trở về cái chòi tranh của mình. Ông già hàng xóm cũng vẫn còn nhặt hạt điều. Lưng ông còng hơn. Tóc bạc hơn nhưng nụ cười vẫn không già so với thời gian.

– Ông à! Con có tiền rồi nè! Con… thôi nhặt hạt điều rồi. Con phụ nhà hàng sau giờ học.

– Ừ! Giỏi! Ông cũng có tiền. Ông… vẫn nhặt hạt điều cho người ta xuất khẩu!

Hai ông cháu cười vui vẻ. Nụ cười lương thiện không có nếp nhăn.

– Ông à! Những năm ông ở đây, những người từ thiện có trở lại cho bánh, cho quà ông không?

– Có. Nhưng năm nay thì chưa tới ngày nên chưa. Có gì hông?

– Không mà!

– Nhớ tuổi ăn bánh trung thu phải hông?

– Đâu có. Ông à! Con chờ cái người viết mấy dòng chữ trong cái túi đựng bánh cho con đó.

– Ô!

Một ngày qua… rồi ba ngày tới… Mớ bánh trung thu đã phát hết cho những em học sinh trường khuyết tật. Mùa hè chấm dứt. Cô trở lại trường. Trước khi đi, cô gởi cho ông già tờ giấy:

– Ông à! Nếu họ có trở lại thì ông hỏi ai là người viết dòng chữ này nghe ông? Ông đưa cho người ta tờ giấy này nghen ông.

– Ờ. Quan trọng phải không?

Cô gái cười:

– Con đi nha. Năm tới con về thăm ông. Mà hổng biết ông sống nổi tới đó hông nữa á?

– Hùm! Khà khà khà… sống dai lắm con. Có chết cũng giữ tờ giấy cho con mà.

– Ông tốt! Thôi con đi.

– Tự chăm sóc mình nhen con.

Ông già nhìn theo cô gái. Lòng ông mênh mông… theo từng bước chân người láng giềng nhỏ bé, thân thuộc xa dần. Tim ông ngồn ngộn những nhịp đập vui buồn xa cách. Nó đột ngột dừng lại.

*

Cô hướng về thành phố buồn của ngoại, của mẹ, của Thư Sinh và của những con người không còn đi bằng đôi chân trần trụi.

– Bà ngoại à! Đừng nói với mẹ kẻo mẹ mắng con… Ngoại ăn bánh có ngon không?

– Mẹ à! Con đi.

– Thư Sinh! Con bạn chết tiệt! Mày đừng cười tao nhé! Tao đang giữ tuổi xanh mày đây và con đường chạy này, tao cũng chẳng biết tới cái nào gọi là cái đích. Tao ước gì…

Điều ước không nói ra thành lời. Cô đã mang nó theo cùng trời cuối đất. Ngày cô đi, đoàn từ thiện đã ghé lại chỗ ông già. Trên tay ông còn nắm chặt một mảnh giấy nho nhỏ.

*

Sài Gòn vào thu. Nắng và gió ngập hanh những con đường vòng quanh thành phố. Mưa từng cơn như thác giăng. Trăng chui ra đám mây đen để ửng hồng rực và tròn như cái mâm cổ tích sau khi mưa tạnh. Thành phố trong trăng lóng lánh kiếp phong trần! Nước mắt cô nhỏ xuống bàn tay. Nước mắt ngày trung thu lại phải còn chia đủ cho những mất mát trong đời và còn giọt nào cho điều ước của cô trở thành hiện thực? Ở nơi xa lắm, có một người đang gởi một đóa hồng theo địa chỉ mail trong mảnh giấy mà ông già khi chết cũng không buông ra, dưới cơn mưa đá mù trời. ”Nơi em sống, cơn bão số 6 Xangsane đã tàn phá cả Hội An. Em đang ở nơi nào?”. Cô gái cầm mảnh giấy có dòng chữ ”Chúc bé ngon miệng, chóng lớn” mà buồn, vui một mình. Cô mong trung thu năm tới đến sớm để cô trở về thăm ông già hàng xóm, thăm thành phố buồn của bà, của mẹ và mua thật nhiều những cái bánh trung thu. Hôm nay, cô không mở mail. Đóa hồng đã về tới. Nó vẫn nằm im trong đó, không nở, chờ ngày người nhận mở ra! Ngày ấy chưa biết là ngày nào!./.

Tháng 10/03/06
Ngọc Thiên Hoa

Exit mobile version