Đêm đông 1989. Mưa dai dẵng. Mưa như chưa bao giờ biết thương người ngoài vỉa hè. Trong lòng chị, mưa cũng đang xối tầm tã. Ngọn đèn hột vịt thay cho bóng điện. Cúp điện dài dài.
– Chưa có ngày nào cúp dai như hôm nay!
Chị than. Ngày mai, chị sẽ phải bước vào con đường sống còn trong trường tranh đấu sinh tồn. Trang giáo án vẫn thẳng tắp những hàng chữ cứng cáp mà xinh xinh nằm như những hạt bắp vô tư lự trước những điều chị đang gồng mình gánh lấy. Chị vặn nhỏ ngọn đèn. Ngọn đèn leo lét này không thể tắt trong lúc chị cần ánh sáng. Thứ ánh sáng trí tuệ và tâm hồn đấm đá nhau trong chị. Trí tuệ thì phải có. Tâm hồn cũng chẳng thể thiếu. Chị ngủ. Giấc ngủ có chút chập chờn cơn thất nghiệp sắp thành bão tố kéo đến. Giấc ngủ chị cũng không mồ côi khi đằng nọ, có một người đang thao thức.
Sáng.
Bài chị phải giảng hôm nay là ”Tình đồng chí” của Chính Hữu. Học trò nài:
– Hát đi cô!
Chị cười. Giảng thơ được phổ nhạc thì không ngâm cũng hát:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Tôi với anh hai người xa lạ
Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau…
Người ta không hề quen nhau mà lại thương nhau với một tình đồng chí sâu sắc như thế! Chị thở dài. Còn đối với mình thì người đó là thầy: Một người thầy đã đào tạo chị ba năm học phổ thông. Một chọi một đau nhói cả lòng. Không nhường thì bất nghĩa còn nhịn thì bất nhơn. Bất nhơn khi con sẽ đói. ”Một miếng khi đói bằng một gói khi no” chị cũng không giữ được cho con! Phải tranh lấy cho bằng được cái miếng cơm, manh áo tơi tả này. Chị lạnh lùng nhủ.
Bài giảng của chị hôm nay hình như chẳng có hồn khác hẳn bảy năm về trước, thầy chị đã giảng cho chị. Khi trong tâm bão động, con thuyền trí tuệ cũng bị dạt khỏi bờ và hồn người cũng chẳng đứng vững trên con thuyền cứ chao nghiêng, chực đổ sấp.
– Cô hôm nay sao vậy cô?
– Có nhức đầu phải hông cô? Sao mặt cô tái mét?
Người giảng bài giật mình và nghẹn ngào. Một tình cảm trong nghề làm chị phân vân. Một tình cảm bên lề làm chị… mắc cỡ. Chị đành nói dối:
– Cô… nhức răng.
– !!!
Chị đóng cuốn giáo án lại. Hàng chữ như hạt bắp ngủ yên vậy mà sao chị như nghe nó còn ấm ức vì chị chưa giảng hết những gì chị đã viết bên trong. Nhìn ánh mắt của học trò thơ ngây và trong trắng, chị như nghe tim mình… thót. Chị cười một lần nữa:
– Mai cô giảng lại và hát cho các em nghe.
Những ánh mắt ngại ngần như nở hoa. Lòng chị đau đáu vì thời cuộc, thắt lại. Dù sao, lời hứa ngọt ngào vẫn ấm lòng bao tuổi thơ. Chị đã đi qua thời thơ dại và ngày mai như tắt ánh mặt trời. Chị bỗng quyết định một điều mà nó chỉ mới vừa loé chớp trong tâm hồn đang sủi tăm, sủi bọt.
Họp nhóm.
– Các đồng chí có quyền bình chọn bằng lá phiếu của mình.
Tổ trưởng bộ môn văn chỉ biết nói ngắn gọn và hình như ông ta cũng không tin rằng mình có thể được tồn tại trong cương vị này. Những nụ cười xã giao hay thân thiện lúc ban đầu biến mất. Tất cả như co rút vào lá phiếu như tự bỏ cho mình là chính. Lá phiếu của sự sống còn thoi thóp và cái chết ngáp ngáp sắp bắt đầu lặng lẽ mở ra. Trong tổ văn mười lăm người giờ còn mười một. Trong mười một người đã có đến năm người có ”gốc rễ” – thứ gốc rễ không sống bằng nước thiên nhiên nên ”cứng ngắt” đến khó dời. Thứ gốc rễ lý lịch và nịnh bợ như một vạn lý tường thành không dễ gì bứng được. Nhóm ba người kỳ cựu với ”đương kim vô địch” hiệu phó, một chủ tịch công đoàn, một bí thư đoàn trường cũng còn ngồi vững vàng. Ba người còn lại đấu với nhau là loại bình văn dân. Không gốc gác, chẳng họ hàng, ghét nịnh bợ và… hay đấu tranh.
Ngày xưa, người ta đấu tranh cách mạng để giành lấy sự tự do cho quốc gia. Ngày nay khi hòa bình thì sự đấu tranh trở thành đấu tố như thời ”Cải cách ruộng đất” để loại bỏ đồng nghiệp. Những ưu điểm đã trở thành khuyết điểm. Những thân ái cũng tan theo con sóng sinh tồn. Một ngày đi trễ được moi ra. Một lần không ăn mặc đúng quy định được… phim quay lại. Một cú giảng hơi thiếu giờ với sự cài lắp vội vàng khúc cuối bài tổng kết đã không là sự cảm thông nghiệp vụ bình thường mà nó đã trở thành ”yếu kém chuyên môn”. Những ý kiến phê bình thủ trưởng đã thành ”chống đối chính sách” nghĩa là những phát ngôn viên các đài ”phát thanh tự do” thời mở cửa phải ”im cái mồm, ngậm cái miệng” như con sò sợ người ta bỏ vô nồi làm món cháo đồ biển. Lúc đấu tranh sinh tồn, nhìn mặt nhau sao mà chỉ thấy… đinh. Không nhổ những cây đinh này thì mình chết chắc. Thế là họ quay lưng lại với những gì gọi là tình bạn bè, nghĩa thầy – trò được xây dựng từ những ngày còn chia nhau củ khoai lang, chụm đầu khen chê thật lòng qua từng tiết thao giảng. Họ buộc lòng phải đánh đổi chúng để cho sự tồn tại nghề nghiệp mà sự đấu tranh sinh tồn ngấm ngầm ghê rợn. Những lá phiếu bán rẻ lương tâm được bóc ra. Ai cũng tự chọn mình một phiếu. Bây giờ, mười một bỏ hai.
– Hai đồng chí T và D cùng phiếu. Chọn lại.
Nhưng cuối cùng hai người trong tổ ba người bình dân cũng… rớt. Người ta tranh nhau mà rớt chớ có ai thuở nào ”nhường” nhau mà cũng… rơi bao giờ! Chị bàng hoàng. Chị không viết phiếu cho mình để mong thầy tồn tại. Thầy cũng vậy. Thầy muốn cho trò được sinh tồn. Nỗi bàng hoàng lại như không cô đơn. Ánh mắt người thầy gần mười năm thân quen vẫn mở rộng tầm nhìn. Ông nhìn thấy một người học trò trẻ có triển vọng trong cái nghề ông hướng dẫn chị từ còn ở phổ thông. Cô ấy là người không biết đi bằng đầu gối. Với xã hội, người ấy sẽ ”không thức thời” nhưng với lương tâm, người ấy là một ánh sao trời nhỏ bé nhưng không bao giờ tắt. Những gì ông nhận ra từ chị trong bao nhiêu năm nay, đủ tư cách không pháp lý bảo chứng để ông trao chiếc áo tàng hình của mình. Người tàng hình mới biết được những gì người ta làm trong bóng đêm.
– Thầy!
Chị kêu thảng thốt trong miệng. Người thầy nhìn chị và ông ta cười bằng con mắt trần gian. ”Con mắt còn lại” trong ca khúc của Trịnh Công Sơn lẽ ra phải khóc thì ông lại cười. Khóc hay cười trong lúc này cũng đầy ý nghĩa như nhau là ”khóc người”. Ông hài lòng. Lá phiếu của con bé học trò thay tên nó bằng tên ông trong lúc này dù không thể giữ ông ngồi lại chỗ cũ là một bằng chứng có chạm vàng, chạm ngọc lòng lương thiện của nó. Tổ văn sẽ còn lại chín người.
– Thầy trò ta sẽ phải đi bán cà rem hay bán vé số rồi phải không em?
Chị rớt nước mắt. Chưa bao giờ chị thấy thầy mình cao cả như thế.
– Làm cái gì cũng được mà thầy.
Thầy gật đầu. Sau cái gật đầu ấy, chị đã mất người thầy vĩ đại. Sự vĩ đại sao mà hiếm hoi. Cái mà mình chưa làm được nhưng người khác làm được cũng coi như ”tài giỏi” và ”vĩ đại”. Như tìm ra một ”chân lý” trong đời thường, chị trở về nhà với ngọn đèn hột vịt bằng những bước chân mềm mại.
Hạ 1999.
Mưa vẫn rơi đồm độp. Mười năm qua vậy mà tiếng mưa rơi cũng giống như một thuở nào. Mưa rớt vào lòng chị cho cồn cào, cho ướt át nỗi niềm thời cuộc mười năm nay. Con số thời gian đếm bằng tờ lịch đã nhích đến năm 2000. Chị thoát ra khỏi quỹ đạo nghề nghiệp mà thấy hai chữ ”tự do” như ở trước mắt. Thật phi thường và sung sướng biết bao khi đồng vào, đồng ra không là cái giải lụa thắt cổ trong cái nghề được đào tạo chính quy của mình. Cái giải lụa đào đó vẫn bay phất phơ để chờ người đến phiên bị… xiết cổ.
Một ngày nọ, lũ học trò năm não, năm nao trở về tìm cô giáo cũ trong quán nước mía của chị.
– Cô ơi! Cô nợ chúng em cái bài thơ ”Tình đồng chí” hồi đó đó, cô còn nhớ không?
Chị cười – nụ cười của kẻ mắc nợ sao khó coi. Chị phải ”trả nợ”… Khúc nhạc dạo đầu mở ra… ”đêm tối chung chăn thành đôi tri kỷ”. Mảnh chăn đầy tình nghĩa đó chị đã có trong cuộc đời và bây giờ có ai dám đắp chung cùng chị?
– Thôi tụi em về nhen cô. Tụi em sẽ tới thăm cô.
– Khi nào cô có gì cần giúp thì tụi em sẵn sàng giúp cho cô.
Chị lại cười. Nụ cười không bao hàm đồng ý hay từ chối. Đến lúc cái vòng xoay trái đất lại lặp lại. Thật khó mà nhận diện cái vòng xoay nào là của mình hay của đời, của tự nhiên hay nhân tạo? Cái ”gốc rễ” dù là dấu cộng hay dấu trừ của tình thương người hay tình tiền tệ vẫn phải lẫn vào nhau mà tồn tại. Mưa cho đã đời rồi mưa sẽ tạnh. Màu xanh sẽ dệt quanh đời. Cái mà chị vui nhất không phải là tình đồng chí mà là tình thầy – trò vẫn có đất để sinh sôi.
Mảnh chăn tri kỷ đã lâu không giặt giũ cũng đến lúc phải giặt một lần. Chị quyết định giặt nó bằng cơn mưa mùa hạ năm nay./.
Tháng 7/1999
Ngọc Thiên Hoa
[yourchannel user=”CNN” search=”TRI KỶ”]