Site icon Ngọc Thiên Hoa

KHI ĐÃ ĐÁNH MẤT CHÍNH MÌNH – NGỌC THIÊN HOA

Khi đã đánh mất chính mình - Ngọc Thiên Hoa

    (Tự truyện? Loại hình tự thán hay tự tô?)

    KHÁI NIỆM:

    Tự truyện là loại hình văn học xuất hiện từ thời văn hóa phương Tây nhập vào Việt Nam từ lâu. Về thời gian (cả một cuộc đời), tự truyện coi như một sự bứt phá của dạng Hồi ký (có thể chỉ là một quãng đời). Về nội dung tập trung nói về mình, tự truyện còn là con cháu của Nhật Ký và về hư cấu, tự truyện coi như người… bà con với Tiểu Thuyết, Truyện Ngắn. Tự truyện cùng với Nhật Ký, Truyện Ngắn (pha sex) đã đang và vẫn là nguồn khai thác chính trong văn hóa nghệ thuật Việt Nam như người ta khai thác… giếng dầu Irag! Tự truyện viết về mình là chính. Đối tượng của tự truyện là ”cái tôi”. Cái tôi này bao giờ cũng được tô hồng sau khi tự bôi đen. Không ai viết tự truyện mà hạ mình. Hạ mình xuống như một phương pháp tu từ trong nghệ thuật văn học là ”ngoa dụ” cái xấu, cái nghèo, cái lạc hậu, cái thiển cận… để từ đó, thân phận “cái tôi” được bộc lộ cá tính của mình là tự vươn lên, tự đứng dậy (theo phương pháp phóng đại tu từ học cho phép), từ trong những đống bùn sình nhân loại đó.

    Tự truyện làm công việc của cái gọi là ”tìm về quá khứ” là chủ yếu. Quá khứ là những gì đã xảy ra trong cuộc đời và trôi theo dòng đời với thời gian. Quay ngược thời gian không có nghĩa là tái hiện hết những gì đã xảy ra từ thời xa xưa ấy. Thế là tự truyện hay hồi ký có thêm thuộc tính nữa là “Tính hư cấu”. Hư cấu bao nhiêu? Hư cấu tới đâu? Hư cấu như thế nào, mục đích gì và tác dụng ra sao? Chúng tùy thuộc vào “Tính chân thật” của tự truyện và bản thân nhân vật chính là mình có hay không có sự thành thật. Cái khác biệt của tự truyện là nhân vật “tôi” chính là mình – người viết lại quá khứ chứ không phải nhân vật xưng “tôi” trong truyện ngắn, trong tiểu thuyết như “Lạc rừng” (Giải thưởng Tiểu thuyết Hội nhà văn- 2000) của Trung Trung Đỉnh, “Thân phận xám hối” của Tạ Duy Anh, hoặc “Phố Tàu” của Thuận…

    Viết về mình như một kẻ tự thú hay tự than cũng như thuốc Tây bổ, hại hai mặt đều có khi mà sự thật không ai kiểm soát nổi thì nó chẳng mang tính thuyết phục mấy cho người đọc… thông minh!

    Tự truyện lắm cái cần bàn, nhiều điều bỏ ngõ. Muốn tự truyện đi vào lòng độc giả, song bước theo thời gian thì tự truyện phải có hai giá trị chung của một sản phẩm trí tuệ: Tính thẩm mỹ và Tính giáo dục. Văn học phản ánh hiện thực được soi sáng bằng hệ thống lý luận văn học với những thuộc tính của chúng: Tính dân tộc, Tính nhân dân, Tính giáo dục… Trong mỗi thuộc tính ấy, nó có hằng hà những thuộc tính con cháu. Tự truyện cũng là một loại hình văn học nên nó không thể tách ra khỏi những thống lý luận văn học đó. Giáo sư Đổ Đức Hiểu trong “Tự truyện” (“Từ điển văn học” Bộ mới, Nxb Thế giới – 2006) trang 1905-1906, hệ thống: “Tự truyện thường là những câu chuyện viết bằng văn xuôi, kể lại dĩ vãng của chính tác giả… Theo Lơjon, bởi vì, về quá khứ, kỷ niệm bị xóa mờ với thời gian với thời gian, vì tư duy… khi viết về tự truyện đã trải qua biết bao cảnh đời, và vì các sự kiện được sắp xếp, bố cục lại, suy ngẫm lại, nên khó mà trùng hợp với sự thật; đó là chưa kể khi nhà văn có ý thức muốn biến đổi câu chuyện, hoặc tô điểm thêm, hoặc làm xấu đi những sự thật, cho nên hình ảnh cuộc sống của tác giả trong tự truyện có độ lệch nhất định với cuộc đời thật của tác giả… Tự truyện không phải là một tập hợp những kỷ niệm tản mạn, mà được bố trí như một truyện, một tiểu thuyết…”

    Tự truyện của Beckham, VanGhogh hay của Mark Chagall (diendan/tuoitre.com) là tự truyện loại vừa hoặc tự truyện “Cuộc đời kinh doanh tại Mỹ” của Sam Walton là cuốn tự truyện nói về sự thành đạt của công ty bán sĩ Wal Mart nổi tiếng của Mỹ (porum.net). Những cuốn xưng tự truyện như “Tự truyện Arsenal Asley Cole”, cựu hậu vệ Anh (livepoolfc.com), “Tự truyện Tạ Đình Phong” (ngoisao.net), “Quân lực cộng hòa tự truyện” của Phạm Bá Hoa K5 (ngocthelinh.tripol.com) với số trang ít ỏi, kết cấu quá đơn giản… chẳng phải là tự truyện mà chỉ là một đoạn hồi ký mà thôi.

    THỂ LOẠI TỰ SỰ: TỪ TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN ĐẾN TỰ TRUYỆN: TÍNH HIỆN THỰC VÀ TÍNH GIÁO DỤC… ĐI ĐÂU, VỂ ĐÂU?

    Từ khi những tác phẩm của trí tuệ là loại hình tự sự ra đời với những cuộc ”cách tân” hình thức, đổi mới nội dung sau thời mở cửa thì “nơi bình yên chim hót”đã không còn nữa. Giá trị hiện thực của tác phẩm chỉ là hư cấu đến mức phi giáo dục mà các giải thưởng văn học hằng năm của Hội Nhà văn đã ở lưỡng cực của sự khen ngợi tới bến, chê bai tới bờ. Đây cũng là điều tất yếu của thời đại hòa bình nảy sinh nhiều ước mơ hoang tưởng với khát khao chân chính, giữa tự do ảo mộng với tự do hiện thực và giữa tham lợi cuồng ngông với danh dự con người. Văn học nghệ thuật không thoát khỏi mặt đất của hiện thực. Vậy là xuất hiện những tư tưởng, những thành kiến chống đối nhau tới cùng để tìm tiếng nói chung khó như mò kim đáy biển. Điều này cũng đã thể hiện sắc nét trong Hội nghị Lý luận – Phê bình Văn học ở Đồ Sơn tháng 10/06 vừa qua.

    Thực chất của hiện thực đen thui, sa đọa thuần phong xã hội, hư hỏng nhân cách từ “Man nương” của Phạm Thị Hoài sang “Chốn vắng” của Dương Thu Hương vào “Bóng đè” của Đỗ Hoằng Diệu đến ”Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư và tới ”Dòng sông tật nguyền”… của Phạm Thanh Khương là kết quả của một cuộc chạy đua tốc độ hoang tưởng càng nhiều, phỉ báng càng hung, vô lý càng lớn được gắn bốn bánh xe đẩy là “sex” chạy trong tình trạng không có bộ phận hãm phanh của cơ quan, báo chí, truyền thanh và những người cầm bút phê bình. Từ đó, nó sinh nhiều dư luận, lắm phê bình, không ít kẻ lặng thinh và đẻ ra cái tức cười trong giải thưởng văn học là giải… hiện tượng! Tự truyện ngày nay “ăn theo” cái đà danh lợi này nhiều hơn là chất luợng văn hóa. Tự truyện “Lê Vân – yêu và sống” của chính Lê Vân, lắm cái cần bàn, nhiều điều xét lại như những bài viết trên các web site, các báo tải đăng. Nhưng làm thế nào để đánh giá tác phẩm? Vẫn là thước đo chất luợng của hệ thống lý luận văn học mà các nhà nghiên cứu, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Trà, Lại Nguyên Ân, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Văn Hạnh, Lê Tiến Dũng… đã dày công nghiên cứu tạo thành một hệ thống lý luận vững chắc mà những ai muốn bước vào thế giới phê và tự phê bình cũng cần tự trang bị lấy. Hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư hay hiện tượng Lê Vân nằm ở giá trị nào của một sản phẩm chỉ mới là sản phẩm của trí tuệ chứ chưa phải là sản phẩm của văn học?

    Xét về giá trị hiện thực: “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư đã tái tạo hiện thực quá đà suy thoái đạo đức, phi hiện thực mà một tác phẩm văn học không nên có nên nó dù có gượng ép trao giải thì nó vẫn là tác phẩm của trí tuệ (sáng hay tối) của tác giả chứ chưa thể là tác phẩm văn học. Tự truyện “Lê Vân – yêu và sống” đã dựng lại được thời kỳ bao cấp, chế độ tem phiếu thực phẩm với con người sống và yêu trong đó nhưng mức độ phê nhiều hơn phán. Người đọc đã nhìn thấy ở Lê Vân không như họ mong đợi như khi Lê Vân vào những vai diễn “Chom và sa“, ”Chị Dậu” (được coi như “ăn theo tác phẩm ‘Tắt đèn’ của Ngô Tất Tố) hay ”Bao giờ cho đến tháng Mười” (vai Duyên) trước đó mà chị lại phải đi vào vai diễn cô gái Hà Nội thơ ngây mấy chục năm về trước hay diễn viên múa Ba Lê kiêm diễn viên điện ảnh ngày nay có tuổi, bỗng không nổi hứng mà “Tự thú trước bình minh”? Đây cũng chỉ là sản phẩm của tác giả với từng đoạn hồi ký mà thôi! Tự truyện của Lê Vân đang trên sàn thóc của dư luận. Lại đụng vào dư luận.

    Lâu nay, người cầm bút hình như đã quên mất trình độ thẩm định tác phẩm của độc giả mà nhiều khi lý tính của những nhà phê bình phải cần cảm tính của độc giả làm nền. Dư luận độc giả là cái cân (non hay già) về giá trị đạo đức của tác giả và giá trị giáo dục của tác phẩm. Trong khi đó, nhà phê bình là thang bậc để tác giả, tác phẩm đó thăng cấp hay hưởng cung bậc giáng, thăng của hình thế nốt nhạc trong một bản nhạc. Nốt nhạc bị giáng không có nghĩa là mất giai điệu nhưng tác phẩm bị… giáng có nghĩa là tác phẩm không thể hiện được chức năng thẩm mỹ bằng hình tượng văn học (nhân vật mang đặc điểm chung, phải đại diện cho một tầng lớp nào đó trong xã hội) hay bằng ngôn ngữ văn học (gồm ngôn từ hội thoại, ngôn từ chuyên môn và ngôn từ nghệ thuật theo Lại Nguyên Ân) và nhất là ngôn ngữ người kể chuyện “có chức năng miêu tả, thuyết minh, phẩm bình, ‘mách nước’ cho người đọc hiểu các nhân vật, các sự kiện trong tác phẩm… Ngôn ngữ người kể chuyện là ngôn ngữ của chủ thể thuật chuyện.” (Lê Tiến Dũng “Ngôn ngữ người kể chuyện” tr 1089 “Từ điển văn học, Bộ mới”, Nxb Thế giới mới – 2004). Tự truyện của Lê Vân cần phải được đọc lại bằng cách nhìn thẩm mỹ mang tính giáo dục được xây dựng trên nền tảng hiện thực được cho phép hư cấu của loại tự truyện hay hồi ký. Nhưng xét trên phương diện tư tưởng, tự truyện của Lê Vân hình như đi xa giá trị đạo đức gia đình thỏa mãn cái tôi (người khen dũng cảm, kẻ chê vô tình). Hội Nhà văn có nên vì “hiện tượng” Lê Vân mà tặng cho tác giả này một giải thưởng tai tiếng trong những giải đã tiếng tai trong những năm qua và nhất là trong năm này? Giá trị giáo dục của một tác phẩm đi về đâu theo thị hiếu thị trường văn học hiện nay là “giựt gân-scandal” của những loại hình đang nổi tiếng và tai tiếng đi kèm như nhật ký (Nhật ký Đặng Thùy Trâm), truyện pha sex (“Bóng đè”, “Cánh đồng bất tận”), tự truyện (“Lê Vân – yêu và sống”) dưới sự dìu dắt, hổ trợ nồng nhiệt của các nhà xuất bản và lợi nhuận không thể là không có mắt? Còn sắp tới lại thêm một đứa con tự truyện Thanh Hoa mà nhà văn Trần Thị Trường sẽ là bà mụ thứ nhất sắp ra đời? Nền văn chương thi phú Việt Nam sẽ ra sao khi những ngôi sao từ các sàn diễn ca nhạc, sân khấu bỗng chuyển hết sang… tự truyện như để tự khai phá lấy mình? Độc giả sẽ phải trả giá đắc cho sự tò mò, tọc mạch của mình hơn là thưởng thức giá trị văn học! Đó là điều đáng buồn cho văn học đã làm độc giả chuyển từ thưởng thức chất lượng sang tò mò cá nhân y như ngày nay, người ta coi ca nhạc chủ yếu là coi ca sĩ… biễu diễn thời trang, nghèo chừng nào, bắt mắt chừng nấy! Thời kỳ hết nhật ký đến dịch thuật lại truyện sex và giờ đây là tự truyện đều được hai đầu người viết và khâu xuất bản lạm dụng hết mình! Phải chăng là tiếng nói chân chính, là bứt phá thiện chung của văn học trong thời kỳ hậu đổi mới? Nằm trong chu kỳ qũy đạo xoay của trái đất, con người và hình thái bất kỳ một loại hình nào trong xã hội cũng chịu luật đào thải. Nhạc trẻ ăn nguội, uống lạnh có rôm rả cho lắm vào rồi cũng nhường chỗ cho những giai điệu nhạc quê hương, trữ tình không bao giờ già. Cách tân cỡ nào đi nữa rồi cũng rụng vào khung hình đạo đức, văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Đâu cũng vào đấy cả như hệ thống lý luận văn học đã cài đặt đó đây. Chừng ấy sóng, chừng ấy gió cũng chìm vào biển lặng để ta trở về những tháng ngày êm ả, không bon chen.

    KẾT LẠI:

“Lê Vân-yêu và sống” đã mắc vào những điều cần tránh của một loại hình tự sự sau đây:

    Với giá trị đạo đức: Tổng kết những ý kiến chung và ý riêng qua các mạng nối kết: (vannghesongcuulong.org, vnxpress.net, laodong.net, nhandan.com.vn, ngoisao.net, tinvietnoline.com, tuoitre.com, dantri.com, nld.com.vn, saigonnews.com,ktdt.com.vn, thoibaoviet.com, vnmedia.vn):

– Tình cha con bị phủ định: Trần Tiến “đau đớn quá” (đăng trên công an nhân dân) và Lê Vân coi như đã “hy sinh” cả cha mình cho cái tôi được sáng giá.

– Tình thầy trò bị phủi ơn: Lên án cả những đạo diễn đã đưa mình lên bậc thang danh dự là Phạm Văn Khoa, Đặng Nhật Minh (giống như cầu thủ người Anh Wayne Rooney với tự truyện của mình đã phản bội thầy là huấn luyện viên Moyes khi kiện ông ta – người đã đưa anh ta lên vinh quang (tuoitre.com).

– Tình yêu: Rối tung như thay áo. Chẳng biết kềm chế bản thân. Không có tình yêu thật sự và sự hời hợt tình yêu lầm lẫn đầy tính toán qua những đoản khúc tự truyện đăng trên web với những người Thầy đạo diễn (Phạm Kỳ Nam), cuộc hôn nhân 14 ngày tan vỡ tới chuyện tình mười năm trước để quên đi người tình trong bóng tối… đi lấy chồng việt kiều… “đem cái cảm nhận đầu tiên ấy mà gán cho cái đến sau và gọi nó là “mối tình đầu” của mình được, như thế là tự dối mình và cả độc giả, cả thế hệ 4X, 5X, 6X chúng tôi” (đăng trên cand).

– Tình chị em từ bé: Khi mẹ đòi giết hết lũ bây thì Lê Vân đã van mẹ giết… em mình mà để cho mình sống. “Nhân chi sơ tính bổn thiện” là vậy ư?

– Giá trị giáo dục thẩm mỹ bằng hình tượng người không trung thực: Nhân vật tự truyện chưa nói thật. Nếu nói thì nói quá sự thật qua những bài phản ứng của Tuyết Lan, Thanh Tú, Ngọc Trang, Hoài Phương, Bảo Ninh, Nguyễn Văn Tính và người đọc sẽ cảm nhận được cái chưa thật, có sự pha chế giữa sự thật trần trụi và “sự thật hư cấu” khi đọc hết hồi ký dạng trích đoạn cuộc đời của Lê Vân chứ chẳng phải là tự truyện đúng tiêu chuẩn.

– Tính hiện thực tâm lý của nhân vật tự truyện như thần thánh hóa vì nhớ hết mọi thứ khi mới lên ba?!

– Học theo “Lê Vân yêu và sống” đã làm “tổn thương những người ruột thịt dữ thế” (đăng trên công an nhân dân, vnmedia.vn) như thế có nên không? Một con người chân chính, khi họ sống và yêu, hết lòng cho nghệ thuật thì không ai coi nặng bản thân mình với cái tôi to đùng như thế cả!

    Có lẽ giá trị vượt trội của tự truyện Lê Vân là đánh trúng vào tâm lý tò mò của độc giả khi họ muốn khai thác đời tư của các nhân vật trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Người ủng hộ Lê Vân trên góc độ “dám nói sự thật” như: Nga My, Hoàng Nhuận Cầm, Bùi Mai Hạnh (người chấp bút cho Lê Vân), Lê Xuân Quang, người hàng xóm, nhóm văn nữ bạn bè Hà Nội của Lê Vân và một số tác giả gởi thư khen ngợi lòng dũng cảm đó của tác giả. Nhưng, “dám nói sự thật” không đồng nghĩa với phanh phui bản thân hay lột trần những gì thiêng liêng cần giữ lại cho riêng mình. Ở đời, không có cái gì là tuyệt hảo thì dù là tự truyện đi nữa cũng là một bài học cho những người sắp bị phơi ra ánh sáng không bằng trí tuệ mà chỉ là ánh sáng sân khấu với đông đảo khán giả. Để rồi, sau bức màn nhung, còn lại gì?

   TỰ NHỦ:

    Nhiều người đã tự hỏi: “Mình có nên viết tự truyện không nhỉ?” và trình bày:

– Những đứa trẻ mồ côi thèm có người gọi bằng ba biết bao nhiêu nhưng Lê Vân lại đi phủ định cha mình. Vậy thì có cha hay không nên có cha? Đời lầm lỗi và đời cũng biết hối. Sao người từ chối tình cha?

– Có những người mất ba từ bốn tuổi nên những gì về cái tuổi đó, họ có nhớ gì đâu mà sao Lê Vân mới ba tuổi nhớ hay quá như thần đồng? Có người chỉ nhớ mang máng: “Mình chỉ nhớ mỗi ba mình khi hát ru mình bằng Lục Vân Tiên và để mình nằm trên bụng nằm trên chiếc võng. Ba mình đêm nào cũng thắp đèn măng xông để bắt bồ sè cho cây sao-cô-chê. Rồi ba bị dẫn đi lên núi trong khi mình đái dầm và tiếng khóc của má. Hết!”

– Thời bao cấp, có người nhớ rõ: “Mình cũng đứng xếp hàng mua cá (cá thúi), mua vé xe, mua hàng với sổ hộ khẩu vàng khè mà mình đâu có than thở gì! Còn thú vị với cái chờ đợi thử thách đôi chân. Mình chẳng hề thù ghét những ai thời đấy”.

– Lê Vân được người ta chiếu cố cho đi học múa từ trong nước ra ngoài nước sướng chết cha mà than khổ. Một người so sánh: “Mình đây, nổi tiếng “ca hay, múa dẻo” nhưng có con ma nào tới tuyển chọn đi học múa chi đâu? Ngày mình đi học thì bữa đói bữa no, ăn cơm độn chuối non sắc lắt, mì sàigòn say thiếu điều chết vì độc. Mình đi học no thiếu, đói thừa. Lên núi kiếm củi. Xuống đồng mò cua. Cấy gặt theo mùa. Cuốc tay chai như nhựa cao su dính mủ. Vậy mà mình đêm thì theo đội ca hát, không hát ca thì đẩy xe bán bánh mì, đội thúng bán hàng rong hay chong đèn khuya chờ đêm bán bánh? Ngày học hành và lao động kiếm ăn. Đứa nào thời ấy chẳng có cái nghèo đeo như con đĩa đói?

– Lê Vân khoe học giỏi và nổi danh khiến bao người… không đọ nổi khi họ có cái “lý lịch tồi tàn”. Than ôi! Khốn khổ. Nhưng họ chẳng bao giờ ngồi mà chửi cha, trách mẹ, thù oán chế độ này phỉ báng chế độ kia, bán rẻ họ hàng, kêu than khốn khó. Không có nó sao có mình?

Được mưa chê nắng lưa thưa
Được ngựa thì lại chê lừa chậm chân.

– Với em út, người khác tâm tình: “Mình nuôi em trong những tháng ngày mồ côi cha lẫn mẹ với lương tháng lương giáo viên cấp ba mười ba ký gạo. Ngày đi bỏ xì dầu. Tối bán thêm hột vịt!

Đèn lương tâm leo lét vẫn soi
Đóm trí tuệ lập loè mãi sáng.

    Roi thì ngoài dứ dứ cho nó sợ, trong lo lắng chúng nó đau. Có miếng ngon, vật lạ gì, chúng vòi, mình cũng… cúng cho chúng ăn no mới lo tới mình. Ngày giải phóng 1975, mình nhường cái bàn thờ bà ngoại cho ba đứa em núp tránh bom lạc, ai đi van má giết em, tha cho mình sống như Lê Vân nọ? Tuổi nhỏ như Lê Vân mà đã manh nha tư tưởng ham sống trên cái chết của em? Nhân bản thế?

– Chuyện tình yêu nói bao nhiêu cho hết? Tình hai mươi mấy năm còn đầy. Tình già gần xuống lỗ còn đấy. Lê Vân mười năm tình cũ héo gầy thì nhằm nhò gì! Thì là thầy yêu, thì là bạn yêu và thiên hạ yêu. Cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Ai nào có biết nghĩ như Lê Vân là tình nào khốn, tình nào gió, tình nào có, tình nào không? Lấy chồng là định mệnh, là tình lấy trước, thương sau. Hy sinh như “người Mỹ thầm lặng” ấy mà! Bây giờ, chúng ta có nên lôi hết những người ngày xưa lên giấy cho nổi danh, cho thỏa sự tò mò của độc giả muốn khám phá ra họ là ai hay không dù chỉ là “lắm mối, tối nằm không”, dù chỉ là Phật hưởng hơi nhang?

Có những thứ tình yêu không thể nói
Tấm chân tình chỉ sáng chói khi… im!

    Có kẻ âm thầm: “Như bây giờ, mình vẫn ngồi cặm cụi với công việc ngày cầm cây kềm, cây cọ, đêm chịu khó cạo gió nuôi con. Năm nhớ ngày giỗ cha, Tết nhớ ngày cúng mẹ để… nhìn lại mình, thương người khốn khó, giúp kẻ cơ hàn mà dạy con cho thành Người: Làm kẻ trí thức phải có trí nhân, làm kẻ thọ ơn phải lo mà trả! Nguyền rủa ai đây!”

– Viết! Dù chẳng có một cắc nhuận bút. Dù chẳng được một đồng lương công! Viết! Dù chẳng có ai đỡ đầu, lăng xê hay tâng bốc. Cần gì nhỉ?

Viết! Để lại cho đời những gì sau này là gia tài của mẹ. Không bằng tiền bạc. Chẳng có vàng cây. Chỉ có tháng ngày cho đời, cho con, cho người thân, bạn bè và cuối cùng là… cho một tình yêu!

    Tình yêu đó không thể bày bán trên từng trang giấy. Đời người ai cũng có tự truyện cả. Nhưng mình tự truyện để người trong cuộc như bị lên giàn hỏa thiêu, như bị cắt từng miếng thịt, như bị đánh mất tình người. Tiền thu bỏ túi rồi cũng tan trôi theo lá vàng bạc mã. Bất nhẩn cách gì!

CUỐI CÙNG:

    Không thiếu những người có những “thâm cung bí sử”. Liệu khi đi đẩy hết lên mạng với loại tự truyện, hồi ký… mình có còn là mình không? Tình có còn đẹp đẽ, thiêng liêng khi mình… bán họ để cái gọi là… giải tỏa tâm lý? Vậy kẻ tài ba hơn, thông minh hơn, nhân bản hơn tự biết di chuyển mình qua nhân vật tiểu thuyết như “Đi tìm một thời đã mất” của nhà văn Pháp Marcel Proust hay viết tiểu thuyết nhưng sắc nét tự truyện “Der Steppenwolf-Sói thảo nguyên” như Hermam Hesse nhà văn, họa sĩ Đức (Nobel năm 1946) mà giới trẻ mê say vì tính nhân bản không thù ghét ai trong tác phẩm. Có hơn không? (Xem ra, bestseller chục nghìn bản “Lê Vân-Yêu và sống” so với cuốn bestseller hàng triệu bản đó có thấm gì!). Nhưng khi loại hình tự truyện này phát triển, chắc chắn người ta tránh xa những người nổi tiếng. Người ta xa lánh những kẻ tiếng tăm. Người ta sẽ phải… thủ đòn vì biết đâu chừng một ngày không xa, mặt ta như rạ khô phơi trên đồng giấy cạn! Tình yêu tay ba hóa ra sẽ chẳng còn và những người đàn ông sẽ trở lại chung tình và người đàn bà cũng trở nên hiền thục! Đời chẳng vì thế mà yên? Biển chẳng vì thế mà đẹp? Sông chẳng vì thế mà mất khúc? Người chẳng vì thế mà hạnh phúc ư? Nên hay không nên nhảy vào tự truyện? Là chấm hết những cung bậc thương yêu. Là đi toi những màu sắc nghĩa tình. Là chỉ còn bạn với hào quang nhá lên rồi tắt ngủm! Tự truyện “Lê Vân-yêu và sống” có trở thành một tác phẩm văn học hay không? Điều đó chờ đợi các nhà phê bình phân tích giá trị sản phẩm trí tuệ này theo hệ thống lý luận văn học hẳn hoi chứ không bằng cảm tính, lý tính suông. Những nhà phê bình sẽ không bao giờ chết trừ khi hết người viết văn./.

Tháng 11/10/06
Ngọc Thiên Hoa

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO CÓ SỬ DỤNG:

1. “Tự truyện” Đỗ Đức Hiểu, Từ điển văn học, Bộ mới, Nxb Thế giới 2004.

2. ““Ngôn ngữ người kể chuyện” ————————————————–3. “Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 – Nhìn từ góc độ thể loại” Bùi Việt Thắng, “Văn học Việt Nam sau 1975” Nxb GD – 2006.

4.“Lê Vân-yêu và sống” Lê Vân (tuoitre.com, vnmedia.vn)

5. Một số wes liên quan đến những trích dẫn trong bài: vnmedia.vn, vikipedia.org, liverpoolfc.com, ngocthelinh,tripod.com, porum.net, nld.com.vn, thoibaoviet.com, saigonnews.net, ktdt.com.vn, sgtt.com.vn, vnxpress.net, laodong.com.vn, hanoimoi.com.vn, ngoisao.net, tinhnhanh.net,tinvietonline.com, dantri.com, vannghesongcuulong.org…

Xin chân thành cám ơn.

(“Nhìn lại bến bờ 1”. Nxb Hội nhà văn – 2008)

[yourchannel user=”CNN” search=”Tự truyện”]

Exit mobile version