Site icon Ngọc Thiên Hoa

KHI BA LÀ NGƯỜI TRUNG QUỐC

Truyện ngắn Khi ba là người Trung Quốc

Loài người đã mang nhiều dòng máu lai căng trong người. Có người tự hào, có người xấu hổ. Tôi ở trong nhóm máu người lai đó nhưng tôi chẳng xấu hổ,.chẳng tự hào mà chỉ có sáng buâng khuâng, chiều ngậm ngùi và từng đêm trăn trở…

Mẹ tôi từng là một trong những người “cửu vạn” thủy sản Bình Điền – Quận 8 khi mẹ mới qua tuổi hai mươi. Công việc của những người lao động chân tay như mẹ thật kinh khủng. Hằng ngày, mẹ phải khuân vác ít nhất 100 tới 150 sọt cá mới kiếm đủ tiền cho 1 ngày sống. Sài Gòn những năm tháng thăng trầm vẫn vô tư lự đưa người cửa trước, rước người cửa sau. Mẹ không đi cửa sau hay cửa trước mà mẹ đi cửa chính. Cực nhọc oằn lên vai không làm mẹ thấy tủi thân bằng những người đi ở cho chủ bị hành hạ tới bến, đánh đập tới bờ. Ông bà ngoại nội cũng lần lượt qua đời ở Đồng Nai sau những lần lao động kiệt sức để kiếm miếng ăn và bị bạo bệnh. Năm 1994, mẹ lọt vào mắt đen của người chủ trùm thủy sản. Ông ta làm mối cho mẹ một người đàn ông cùng buôn bán với ông ta. Ông này giúp mẹ một khoảng tiền trả bệnh viện thuốc thang cho bà ngoại. Mẹ hứa rằng khi nào bà ngoại mất, mẹ mới chịu lấy ông. Bà ngoại ở tuổi 45, lứa tuổi xuân thì trở giấc thì khó mà chết trẻ. Chứng bệnh tim, người Việt Nam không nhiều thì ít, ai mà chẳng có. Mẹ nghĩ vậy. Vậy mà, đầu năm 1995, từ bệnh viện, mẹ đón xác bà ngoại về hỏa táng trước sự hiện diện của hai ông chủ. Mẹ trở thành người đàn bà của tay “Mạnh Thường Quân” sau đó. Ông ta như là một người quân tử lấy giáo huấn “Khổng – Mạnh” làm đầu. Ông chấp nhận cho mẹ đội tang đủ 3 năm khiến mẹ cảm kích muôn phần. Từ kiếp “cửu vạn”, mẹ trở thành bà chủ khiến thế giới bần hàn ngước lên thèm thuồng, ngưỡng mộ lẫn ganh tị. Ông ta chẳng hiểu cảm hóa mẹ thế nào mà cuối năm 1995, mẹ sinh ra tôi khi mẹ vừa hai mươi mốt tuổi. Tôi không nhớ ba có thương tôi không nhưng tôi biết mẹ tôi cưng tôi hơn hết. Khi tôi lên mười, tôi hỏi mẹ về người cha của mình. Mắt mẹ buồn rười rượi:

– Ba đi về nước rồi. Ba hứa sẽ quay lại rước mẹ con mình.

– Còn hai em con đâu?

Mắt mẹ long lanh những giọt nước mắt chực rơi. Mẹ nói như hụt hơi:

– Ba sẽ đưa mẹ con mình đi gặp em.

– Tại sao ba không dẫn mẹ con mình đi cùng?

– Mẹ… mẹ không biết!

– Khi nào mẹ lớn, mẹ tìm em về cho con chơi với em, mẹ nghen.

– Ờ…

Mẹ gần rớt nước mắt khi tôi ngu ngốc khơi vết thương lòng của mẹ. Tôi không hỏi nữa. Hai đứa em trai sinh đôi cách tôi chỉ một tuổi đã theo ba tôi trở về Trung Quốc năm 1997. Tám năm rồi, ba tôi không trở lại Việt Nam. Mẹ tôi trở lại kiếp thân của dân cửu vạn để nuôi tôi ăn học. Bây giờ, nhớ lại, tôi thấy ngạc nhiên lắm vì ở trường, không có ai biết tôi mang dòng máu Việt – Trung. Vậy mà trước đó, những đứa trẻ lai Việt – Mỹ đã là trở thàn nạn nhân của sự đối xử tàn nhẫn trong sự phân biệt chủng tộc lai căng.

Tôi nhớ bà hàng xóm kể rằng bà có cô bạn lai cùng lớp vì bị bạn bè ức hiếp túm tóc phỉ nhổ chê bai mái tóc vàng xoắn ốc nhưng chẳng có cô thầy nào bênh vực khiến nó phải nghỉ học. Bây giờ, nó cũng đã định cư ở quê cha của nó mất rồi. Nó có nhớ bà, con bạn ngồi chung bàn hay chơi lò cò cùng nó không nhỉ? Thập kỷ 19, Liên Xô xuất hiện ở Việt Nam nhiều hơn Mỹ nhưng chẳng ai chửi bới “mắt xanh mũi lõ” cả. Có ngày, tôi bỏ việc phụ mẹ để chạy theo coi dân Liên Xô đi ra phố đến bơ phờ. Mẹ ôm tôi vào lòng, cười khi nghe tôi phụng phịu:

– Mẹ nói bà ngoại ngày xưa từng chạy theo lính Mỹ mệt nhưng được thỏi Sôcôla hay bánh Q và kẹo gum. Bây giờ, con chạy theo Liên Xô mòn cẳng mà chẳng có gì là sao? Liên Xô nghèo hơn Mỹ phải không mẹ?

Mẹ hùng hồn:

– Không phải ở chỗ giàu nghèo. Liên Xô là thành trì cách mạng thế giới. Liên Xô với Trung Cộng, Việt Nam, Cu Ba, Cộng Hòa Liên Bang Đức là khối Cộng Sản. Mỹ là tên sen đầm quốc tế. Mỹ xâm lược Việt Nam. Bác Hồ lãnh đạo toàn dân đánh Mỹ phải cuốn cờ chạy dài không dám quay đầu lại từ năm 1973. Con ăn đồ Mỹ nhục lắm.

– Nhục à? Sao lại nhục? Con có ăn được miếng nào đâu?

– Lớn chút nữa con sẽ hiểu.

– Mẹ còn lớn nữa không?

Mẹ phì cười, ôm tôi mà không trả lời. Tôi ngủ trong lòng mẹ những khi có chuyện vẩn vơ như thế này. Có một ngày, mẹ ngồi thừ trong phòng sau khi tiếp một bà khách quen làm cùng chỗ, khiến tôi ngạc nhiên. Té ra, ba tôi đã có vợ con bên đó trước khi gặp mẹ. Ông ta không có con. Tôi bàng hoàng biết rằng mình chỉ là đứa bé ra đời không đúng như ba tôi mong mỏi. Trong mắt ông, đàn bà Việt Nam chỉ là công cụ chửa đẻ, sản sinh nòi giống cho đàn ông Trung Quốc và những đứa con gái không cần thiết mà sinh ra chỉ là những đứa con chết tiệt. Tôi vỡ lẽ ra vì sao ông ta không dẫn hai mẹ con tôi đi cùng. Tôi đâm ra thù hận người đàn ông đã tạo tôi ra rồi bỏ mặc. Tôi thù cả người Trung Quốc. Mẹ tôi lao đầu vào học tiếng Tàu. Mẹ nuôi hy vọng một ngày nào đó, ba tôi sẽ trở lại Việt Nam và ngôn ngữ sẽ không là vấn đề quan trọng nữa. Khi mẹ học tiếng Tàu, tôi lao vào học tiếng Mỹ và bỏ thời gian và tiền bạc vào mạng chát để nuôi hy vọng gặp được một người đàn ông ở Mỹ. Bao nhiêu người đã gặp nhau trên mạng và thành đôi cũng nhiều. Tôi là đứa con gái mới mười bảy tuổi, tôi không sợ ế chồng. Khi tôi báo cho mẹ biết là tháng sau, bạn trai của tôi, Kevin từ Mỹ sẽ tới Sài Gòn để gặp tôi, mắt mẹ đầy nét lo âu. Mẹ nhẹ giọng:

– Con còn nhỏ qúa, không lo học sao lại lo đi có bạn trai. Những người đàn ông bên Mỹ không tốt đâu. Họ lấy con rồi sẽ bỏ hoặc biến con thành nô lệ mà thôi.

Tôi đanh giọng:

– Vậy những người đàn ông nào mà mẹ cho là tốt nhất để con có thể lấy được? Việt Nam – Nga, Trung Quốc hay Nam – Bắc Hàn?

Mẹ tôi im lặng. Tôi muốn nhìn thấy những dòng nước mắt của mẹ cho hả hê cõi lòng ủ ê của tôi.

Tối hôm sau, mẹ nằm liệt giường sau khi ra ngoài làm việc. Tôi tìm chai dầu cạo gió cho mẹ và thấy được dấu vết của đời cửu vạn hằn trên vai khiến tôi nuốt nước mắt. Nước mắt tôi không nuốt được vào lòng nữa mà lăn dài xuống má khi tôi nhìn tờ khai sinh của tôi mà mẹ cất kỹ trong tủ. Tôi mang họ mẹ chứ không phải họ Trung Quốc như ba. Tôi tìm tờ giấy khai sinh của hai đứa em trai nhưng mẹ nói ba lấy đi hết rồi. Tôi lặng lẽ tìm những người làm dịch vụ xuất ngoại cho ba và hai em tôi hỏi thăm. Thì ra, người cha muốn mang con ra nước ngoài phải có giấy khai sinh hợp lệ của cha mẹ. Mẹ tôi đã ký tên vào tờ đồng ý cho ba tôi dẫn hai em tôi đi vô thời hạn. Mẹ tôi sao lại rứt núm ruột của mình trao con cho người chồng chỉ ở chung có hai năm và ngôn ngữ bất đồng như thế? Ba tôi đã lừa mẹ tôi cả trên những tờ giấy khai sinh thì ông có thể nào là người đàn ông tốt mà mẹ ngày đêm mong chờ như thế? Tôi nhất định phải kiếm một người chồng đàng hoàng để trả thù cho mẹ và cho mẹ thấy, người đàn ông Trung Quốc đểu cáng và tàn ác như thế nào mà mẹ vẫn một hai bênh vực và chờ đợi như đá vọng phu.

*

Tôi đứng đợi Kevin ở sân bay Tân Sơn Nhất gần 4 tiếng đồng hồ. Đêm đó, tôi về một mình. Mẹ vẫn thức chờ tôi và hỏi:

– Bạn trai con đâu? Kenvin đâu?

Tôi ôm cổ mẹ:

– Làm gì có Kenvin nào. Con giỡn với mẹ thôi.

Mẹ nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi cười nói vui vẻ khiến mẹ tôi trố mắt nhìn tôi hoài coi thử con gái có chứng bệnh tâm thần hay không? Tôi qủa là con nhỏ giỏi đóng kịch. Chờ mẹ ngủ xong, tôi chạy một mạch vào phòng tắm, mở nước và hét thật lớn cho trút hết nỗi thất vọng ghê gớm đêm nay. Thì ra, Kevin mà tôi chờ là Kenvin Lin chứ không phải là Richard Kenvin. Tôi làm sao có thể dẫm lên con đường bùn lầy của mẹ? Nhìn thấy người đàn ông xuất hiện với ám hiệu như đã báo trước, tôi rút cái sim trong chiếc điện thoại rẻ tiền cất đi. Tôi đã giấu mẹ chuyện tôi bị gã đàn ông này chơi khăm. Hắn là người Trung Quốc rành rành nhưng cho tôi cái hình một người đàn ông Mỹ khác. Thì ra, tôi ngu ngốc tâm tình cùng hắn hoàn cảnh của mình cho hắn biết cả nội tạng bên trong để hắn đánh lừa tình cảm của tôi. Thật đê tiện! Nhìn những món trái cây mà mẹ công phu chọn lựa cho người khách chưa từng quen biết khiến lòng tôi đau nhói. Vậy rồi tôi cũng ngủ được một hơi. Qua bao đêm sau, cơn bão có chồng ngoại bị dạt sang bờ khác bởi những tin tức nóng bỏng từ Biển Đông. Tôi kể cho mẹ nghe tình hình ở Sài Gòn. Mẹ gạt phắt. Mẹ bảo:

– Chuyện quốc gia đại sự hãy để cho nhà nước lo. Không thấy ai chống nhà nước là bị bắt hết hay sao?

– Mẹ nói đi đâu vậy trời? Chống Trung Quốc là chống nhà nước hả mẹ? Nhà nước với Trung Quốc là một hay sao?

Mẹ nạt tôi:

– Con nít biết gì! Mẹ cấm con không ra đường đi dự biểu tình.

Chưa bao giờ tôi thấy mẹ giận dữ như vậy. Tôi lặng lẽ dự trù dự định của mình.

*

Sáng nay, mẹ thấy tôi lại dợm chân ra đường sớm, mẹ lo lắng:

– Hè rồi, không học cua, con chạy ra đường là gì sớm vậy con?

– Đi biểu tình! Trung Quốc của mẹ lại gây hấn với nước mình đó.

– Biểu tình? Không được! Không được đâu! Công an hốt về trại giam hết đó!

– Chống Trung Quốc xâm lược mà có tội à?

– Trung Quốc nước lớn, dân đông lại giỏi mọi thứ. Các nước yếu ớt thì bị họ thôn tính là lẽ đời “mạnh được yếu thua”. Chống họ, được cái gì?

– Không gì cả! Chỉ cho họ thấy họ ngang ngược đáng ghét.

Mẹ thấy tôi quyết liệt đi nên thả tối hậu thư:

– Con muốn đi biểu tình, hãy đi luôn đừng về nhà! Coi như mẹ không đẻ ra con.

Tôi thét lên trong nước mắt:

– Phải! Giá như mẹ đừng đẻ ra con!

Mẹ đứng như trời tròng khi tôi trả treo. Tôi bỏ vào trong phòng. Mẹ không chạy theo như mọi lần là tôi biết mẹ giận lắm. Nói cứng nhưng tôi không muốn mất mẹ. Tôi cần có mẹ như những đứa bạn khác. Cực chẳng đã mới mồ côi thôi chứ không ai nhẫn tâm từ bỏ tình cốt nhục. Những người lính Mỹ sau 1975 cũng có ai nhận lại giọt máu rơi của mình đã đành mà ngay cả ba tôi, một “Mạnh Thường Quân”, một “Hảo Quân Tử” đã khiến trái tim mẹ nhũn như con chi chi lại “quất ngựa truy phong”, thử hỏi, sao tôi không ghét, không thù? Tôi lớn lên nhờ vào mẹ trong vai trò của người cha. Vậy bây giờ, tôi làm sao nỡ đánh mất luôn tình mẫu tử? “Không đi thì không đi! Chống Trung Cộng, cần gì phải biểu tình mới yêu nước chớ?”. Tôi không cần thể hiện lòng yêu nước. Tôi chỉ muốn hòa vào dòng người biểu tình để thét lên tiếng căm thù đất nước đã sinh ra những ông cha lừa bịp, ác độc và đáng nguyền rủa. Để xoa dịu nỗi thù hằn, tôi tự an ủi rằng tôi từ chối tay Kenvin Lin cũng là một cách biểu hiện tích cực. Vậy mà, tôi lại khóc khi thấy mẹ không vào dỗ dành như mọi lần. Khóc hả hê, tôi lăn ra ngủ một giấc mặc cho ngoài trời mưa đổ một trận như quất vào mông tôi hàng ngàn vết roi cho nên thân.

*

Tôi vào mạng. Kenvin gởi lời xin lỗi và cầu xin tôi tha thứ. Anh chỉ muốn cho tôi ngạc nhiên chứ không phải giỡn cợt tình cảm của tôi. Tôi không thèm trả lời. Mợ hàng xóm bán hủ tiếu gõ cửa. Mợ đưa cho tôi một giỏ trái cây và một tô hủ tiếu:

– Mẹ con dặn con ăn uống cẩn thận. Đây là trái cây vườn chứ không phải trái cây Trung Quốc, đừng sợ. Chiều tối, mẹ con mới về.

Tôi buột miệng hỏi mợ:

– Mẹ con đi đâu vậy mợ?

– Ơ! Con không biết hay sao? Sáng nay, mẹ con đã đi biểu tình chống Trung Quốc.

– Đi… biểu tình?

Tôi bàng hoàng… Không đợi tôi mở miệng, mợ thêm:

– Mấy thằng Trung Quốc chơi không được ngon. Nó sử dụng nhiều thủ đoạn lắm. Ba con đấy. Nó một mặt cho mẹ con tiền giúp bà ngoại con trong bệnh viện nhưng thật ra, nó làm bà ngoại con chết sớm để lấy mẹ con sinh con trai cho nó đem về Trung Quốc. Con bị bỏ lại vì con là con gái đó mà! Thôi mợ đi bán đây!

Tôi như khụy xuống bậc thềm. Một bóng người đỡ tôi lên. Tôi kịp nhận ra đó là… Kenvin Lin.

*

“Con gái yêu dấu của mẹ!

Con hãy quên đi chuyện mẹ và ba để bắt đầu cuộc đời mới. Mẹ đã liên lạc với Kenvin theo số điện thoại của con trong cuốn vở học trò. Mẹ mất hai đứa con trai nên mẹ không muốn mất thêm đứa con gái tội nghiệp của mẹ. Mẹ ngăn cấm con mọi thứ là vì lý do này. Ở đời, không phải vì những chuyện nông nổi mà đánh hỏng cuộc đời mình. Con còn có một tương lai phía trước. Mẹ yên tâm theo đuổi ý nguyện của mình. Mẹ trao con cho Kenvin vì mẹ tin tưởng rằng con đã chọn một người bạn trai tốt. Ở đời, không có gì hoàn hảo, con hãy cho Kenvin một cơ hội dù cậu ấy có là người Trung Quốc cũng mặc. Không phải người đàn ông nào cũng xấu đâu con. Mẹ đã nói chuyện với cậu ta và cậu ấy tha thiết được cùng con đi tới cuối đường đời. Hay cho cậu ấy một cơ hội cũng là cơ hội của con và cả cơ hội của mẹ. Mẹ đi tìm ba và hai đứa em trai về cho con, con gái yêu dấu của mẹ. Mẹ đi mà không gặp con lần cuối vì mẹ sợ những những dòng nước mắt của con sẽ níu chân mẹ và nhắc lại cho con một mối thâm thù bị ba bỏ rơi. Mẹ sẽ về với con khi mẹ tìm ra người thân của mình”.

Tôi chết lặng. Ngay hôm ấy, tôi tức tốc chạy ra sân bay. Kevin lấy vé và năn nỉ tôi xin cùng đi Cao Bằng.

*

Người ta nói rằng có một người con gái thành phố chạy lên Cao Bằng. Cô đứng bên Thác Bản Giốc trắng xóa một trời non thanh, nhìn qua biên giới Trung Quốc để gào to: “Ba ơi! Bà ba! Māmā! Mẹ ơi!”. Cô sợ rằng nếu mẹ không tìm ra hai người em trai và người cha tàn nhẫn thì chắc rằng mẹ sẽ không về với cô. Có người nói rằng cô gái đăng ký kết hôn và sau đó theo Kevin Lin về Mỹ. Không ai biết tương lai ra sao nhưng Thác Bản Giốc vẫn trắng xóa, trời biên giới vẫn trong xanh và biển đông vẫn nổi sóng gào như không hề biết rằng chiến sự đã, đang và sắp đi qua…./.

Tháng 6/12/2011
Ngọc Thiên Hoa

Exit mobile version