Site icon Ngọc Thiên Hoa

KHẮC TINH CỦA ĐỈA

Truyện ngắn Khắc tinh của đĩa

Trời vừa dứt nước, bé Bảy ốm nhom cầm cái vợt nhanh chân phóng vội ra đồng. Thằng anh hai nó thấy vậy lật đật mang cái xô bọc vải mùng chối hả chạy theo em. Hai anh em nhà nẩu hì hục đưa vợt qua lại trên đồng nước. Thằng anh hai đưa vợt xuống, con em đỡ lấy đổ những gì vớt được vào xô nhựa. Bỗng con Bảy đưa hai bàn tay ré lên:

– Chết em, anh hai!

Thằng anh để cái vợt trên bờ, nhanh chóng đỡ lấy hai tay con em. Nó cho tay vào miệng rồi lấy tay trát lên tay con em một lớp chất nhày nhày, nhơn nhớt khiến bé Bảy nhăn mũi:

– Trời ơi! Gớm!

Thằng anh hai cười khùng khục:

– Chịu gớm hay chịu hút hết máu đây, mày? Đừng cục cựa nhen! Rứt mạnh là chảy máu tới sáng về sớm luôn đó bé! Rồi! Một trự! Hai trự…

Vừa nói, nó vừa rứt từ từ 5-6 con vật đen thui, nhờn nhợt, co dãn, quằn quại đang cố bám vào hai bàn tay bé Bảy.

– 5 trự! Xong rồi! Lấy bao tay bao lại dùm tui cái! Mai ở nhà đừng theo anh hai!

Con bé giãy lên:

– Không!

– Vậy đừng có khóc nhè ra khi bị cắn đó nhen!

– Khóc đâu! Chỉ la thôi!

– Trời! Đậy xô lại kẻo chúng bò ra!

– Nhớ mà!

Chừng nửa tiếng sau, thằng anh hai thu vợt:

– Sẩm rồi! Mình đi về, gái!

Con em gái nhấc cái xô ướm thử:

– Trừ hết nước chắc cũng hơn ký lô đó anh hai à. Được hai trăm ngàn đồng rồi! Hơn cả mấy ngày bán 400 – 400 trăm trái bắp Hiệp Ninh anh hai hén?

– Ừa! Nghe nhắc tới bắp thèm qúa! Ngày trước chủ thu mua 1 triệu tới 1 triệu rưỡi 1 ký nhưng nay chủ thầu ép giá. Của hổng vốn mà gái! Nay giá chỉ còn trăm hai tới trăm rưỡi ngàn một ký thôi. Tuy vậy, một tháng mình cũng có cả gần chục triệu lận gái à. Lời hơn bán mấy nan rổ của bà hay mấy con cá rô của ba và hơn cả nghề chăn trâu mướn chỉ 3 triệu một tháng của anh hai lúc trước! Ha! Úi mèn ơi! Vịt nhà ai thả ra ruộng vậy hè?

– Vịt nhà mình chớ vịt nhà ai!

– Xùy! Xùy! Hù!

“Cạp, cạp cạp…” Mấy con vịt bị thằng anh hai xua đuổi nên vừa chạy tán loạn vừa chửi um.

– Bảy! Bảy! Coi chừng chúng…

Trời giáng sấm cái “rầm”. Con bé ngã bổ chỗng ra ruộng bỏ dở câu nói của anh hai. Nó lồm cồm bò dậy, mặt tái lét. Thằng anh hai nắm tay em gái kéo lên. Nó đưa cái vợt cho con em rồi xách cái xô, miệng làu bàu:

– Kiếp bọ hung hả gái?

Hai anh em mất hút sau cánh đồng úng nước cùng ba con vịt bầu khi trời chiều sẩm dần vào bóng tối.

*

Căn nhà cuối làng ở xã Tân Lập hiện ra với những ngôi nhà khang trang hơn chòi tranh một chút và cũng có thể ngã nhào theo gió bão. Xã Tân Lập thuộc 1 trong 5 xã, 5 phường của huyện Tân Biên nằm phía bắc Tây Ninh, một vùng đất nhiều cao su và mía nhưng dân cư thưa thớt chưa tới 200 người trên km2. Tân Biên cũng là huyện mà tầng lớp mà tỷ lệ thanh niên vào tuổi lao động không được học hành mà chỉ sống bằng nghề nông hay làm công nhân cao su cho các công trường, khu công nghiệp như Trảng Bàng. Người làng Tân Biên sống cuộc sống bình lặng từ những ngày chúa Nguyễn mở mang vùng Tân Biên cho đến bây giờ. Họ đã nghèo lại vẫn nghèo như trước.

Con chó mực sủa vu vơ vài ba tiếng rồi nhận ra người quen. Nó chạy lởn vởn theo chân hai cô cậu chủ nhỏ. Người đàn ông khoảng chừng 50 tuổi đang ngồi trên bộ ván trong một căn nhà không phải là nhà “Đại Đoàn Kết” dành tặng cho người nghèo. Gia đình anh không được xếp vào hộ nghèo vì họ còn cái ăn, cái mặc. Vả lại, có tới phiên cũng chưa chắc gì phiên nhà anh vì nhà tặng giá trị 30 triệu vốn không nhiều để tới tay. Người đàn ông như chờ đợi hai đứa con lớn. Thằng bé 3 tuổi ngồi chơi trong cái nôi thật ngoan ngoãn vì không nghe tiếng khóc nhè. Thấy mẹ liêu xiêu từ bếp đi ra, anh ta đỡ cái nồi cơm trên tay mẹ và giúp mẹ bới cơm ra mâm. Bà mẹ ngồi xuống chiếc chiếu. Nó cũ mèm nhưng sạch sẽ. Người mẹ ở cái tuổi bảy mươi nên tay chân nôm vụng về. Bà xới một chén để một bên mà tay run run. Hai anh em bé Bảy nhanh chóng rửa tay chân rồi chạy tới hun thằng em út một cái mới chịu nhập vào mâm cơm nóng hổi. Bên cạnh chúng là chén cơm không có người nhưng chúng nó biết chén cơm đó, bà nội xới để cho ai. Người cha nhắc chừng:

– Hai anh em đừng đi lúc chạng vạng nữa nhen con. Dạo này bọn xấu bắt cóc dữ lắm đó. Chúng bắt cóc nhiều con nít hay thanh thiếu niên rồi giết để lấy lục phủ ngũ tạng bán sang Trung Quốc.

Bà nội gắp cho con cháu miếng trứng:

– Ba con nói đúng đó sấp nhỏ à. Trứng này là gà của bà hai nuôi nên chúng ăn cơm thóc vụn vặt trong vườn. Bà nội đã đổi cái rổ lấy 5 qủa trứng. Ăn đi con! Ăn mà không sợ trứng cao su như hồi hôm trước, ba con mua lầm. Tội nghiệp thằng con tôi!

Bà chép miệng rồi tiếp:

– Chén cơm này mẹ con chắc ăn xong rồi, thằng hai ăn đi!

Thằng anh hai giơ tay lấy chén cơm. Nó kính cẩn nói trong không khí:

– Con ăn nhen mẹ!

Cả nhà im lặng đến nỗi con chó cũng rút mặt vào hai chân trước. Hình như nó buồn chuyện qúa khứ? Thằng hai nhớ rằng ba năm trước, mỗi lần nghe đến câu “con ăn nhen mẹ”, ba nó cúi gằm mặt xuống chân. Bà nội thở dài. Bé Bảy khóc thút thít. Năm tháng qua đi, thời gian đuổi bớt nỗi buồn như cơn gió đuổi mây đen đi phiêu lãng. Cả làng ai cũng biết chị Bốn Đẹp, mẹ nó chết tức tưởi.

Mỗi chặp sáng, chị Bốn Đẹp chở nấm xuống chợ huyện Tân Biên. Con đường huyện lộ đầy lỗ trâu, lỗ bò. Ai nói xây cầu, xây đường gì không biết chứ cái đường huyện này, mới vá hôm nay, mai lầy ra với trời lũ hay ụ thành ổ để… trâu bò nghỉ xả hơi. Sáng đó, chị Bốn Đẹp chở hàng mới ra đường lộ chẳng may sụp ổ voi nhằm lúc chạy ra chiếc xe tải đâm phải. Thằng tài xế ngủ gật hay sao nên không thấy người chạy trước. “Rầm”. Chiếc Wave Trung Quốc 4 triệu 8 kém chất lượng lại không được bảo hành, gãy làm đôi. Chị Bốn Đẹp văng xuống lòng đường, bất tỉnh. Con đường huyện có khối người qua lại nên khi thấy thằng tài xế de xe lui, những người chạy xe qua đường thắng lại, tưởng nó tính cán cho nạn nhân chết luôn nên một số thanh niên vội chạy ra cản đầu xe. Một người đập vào thành xe, quát:

– Cán người còn muốn cho người chết 2 lần luôn hả mậy?

– Quân trời đánh! Mày hết muốn sống rồi hả?

– Gọi xe chở chị này đi bệnh viện, mau!

Thằng tài xế mặt như… xế chiều. Hắn dạ luôn miệng, tay bấm phôn mà lòng kêu oan ức. Một chiếc taxi trờ tới. Cửa xe bị bật tung ra bởi những người chạy xe ôm dựt mạnh. Họ khiêng nạn nhân bỏ lên xe bỏ quên những yêu cầu cần thiết của y tế về trường hợp chuyển nạn nhân bị tai nạn xe cộ đi cấp cứu. Nạn nhân không cục cựa. Một người đàn bà Chăm đội cái chum trên đầu tò mò nhìn vào xe. Bà nhận ra nạn nhân là người quen:

– Chèn ơi! Chị Bốn Đẹp! Hổm trước, chị cứu con cháu gái tôi khỏi bị bò báng đây mà! Trời ơi! Để tui theo chỉ coi có gì không?

Nói dứt câu, bà bỏ cái chum xuống vệ đường rồi nhảy lên chiếc taxi. Người ta hỏi nhau:

– Không chờ công an tới à?

Người đàn bà Chăm lắc đầu:

– Chờ công an tới, người ta chết hết!

Nói xong, bà giục:

– Chạy nhanh đi tài xế!

Chiếc xe taxi chạy về hướng bệnh viện. Cái chum nằm lại chõng chơ bên vệ đường. Đám người ở hiện trường lại có nhiệm vụ trông coi cái chum của người đàn bà Chăm tốt bụng. Họ còn thu nhặt hai giỏ nấm của nạn nhân đổ vung vãi trên đường. Người khác chia nhau chạy đi báo cho người nhà nạn nhân và giải tán sau đó khi công an tới lập biên bản. Buổi sáng hôm ấy, chợ huyện Tân Biên như có tang khi người đàn bà Chăm mang cái mặt buồn hệt thời mất nước về thông báo rằng “Chị Bốn Đẹp đã… không qua khỏi vì chấn thương sọ não vỡ hộp sọ”. Người ta lại than phiền:

– Trời không phù hộ người hiền!

Người làng chép miệng:

– Vậy là gà trống nuôi con mọn rồi. Tội nghiệp thằng Bang!

Thằng chủ xe tải tới bệnh viện đền vài triệu cho người nhà chị Bốn Đẹp trả viện phí và làm thủ tục lấy xác coi như đền bù. Ngày mai, hắn tuyên bố cho thằng tài xế nghỉ việc. Như vậy là hắn không chịu tiền phí tổn phiên tòa cho thằng tài xế của hắn. Thằng tài xế nguyền rủa:

– Cuộc đời thật hắc ám! Cô hồn các bác ở đâu cứ xô người vào xe như cơm bữa. Qủy ma cũng thật rảnh! Còn cái thiếm kia! Tui với thiếm có thù hằn kiếp nào mà kiếp này thiếm báo hại tui mang tiếng sát nhân vầy nè trời? Tự nhiên thiếm hiện ra té cái “đùng” cháng trước bánh xe tải chứ ai đời sướng ích gì đi cán người cho oan hồn bám trụ! Thằng chủ! Mày chó má thật! Chạy tài cho mày cả chục năm chưa gặp chuyện gì. Nay mới lâm nạn, mày lại “thi hành án” tao. Đù… không có mày, tao chết sao? Trông cho mày sập mẹ cái công ty cô hồn chết chủ, chuyên hối lộ cán bộ, chuyên buôn bán hàng quốc cấm sang biên giới thằng… giặc… Tàu aù aù aù…

– Mày chửi giặc Tàu không sợ công an tóm cổ sao?

Như gãi trúng chỗ ngứa, thằng tài xế xửng cồ:

– Tui chửi thằng Tàu chứ tui chửi thằng công an nào mà bắt tui? Thằng nào bắt tui vì tui chửi thằng Tàu gian manh, thằng đó đúng là thằng Tàu nằm vùng. Sau này, xuống ngựa cưỡi kiến, tui cũng… thiến nó cho bằng được! Nó chết nằm dài thườn thượt, tui quật mồ chỗng ngược xác nó lên!

Ai cũng bật cười cho khí khái… cùn của nó. Thằng tài xế tiếp tục chửi rủa… trong tù vì không có tiền đóng tại ngoại để mà ra. Gia đình chị Bốn Đẹp không kiện tụng khiến thằng tài xế nghe lòng rưng rưng… Thân nhân nạn nhân bắt đầu sống trong những ngày tang thương chồng lên cuộc đời nông dân khốn khổ. Căn nhà ở xóm đồng phát tang ngay hôm sau. Ba năm sau, thằng tài xế ra tù. Con vợ chịu cực không nổi đã bỏ nhà đi đâu không biết. Thằng tài xế nghe tin, nó xách con dao chặt xương bò chém một cái “rầm” vào cánh cửa nhà mẹ vợ xẻ một nhát sâu thấu bên trong với một lời thề độc: “Đừng để tui trông thấy con mụ lăng loàn đó. Nếu không, nó cũng như cánh cửa này!”. Từ cú cán người xui xẻo và bị vợ đá, nó để chòm râu khiến ai nhìn nó cũng đem lòng ngờ vực là tướng cướp Bạch Hải Đường tái xuất giang hồ. Thằng tài xế về nhà trình diện ba má để nghe giáo huấn về lòng nhân bản của con người và chia buồn về sự kiện vợ đá nó. Xong đâu đó, công việc đầu tiên là nó mò ra mả chị Bốn Đẹp. Không biết nó khấn vái gì mà nó bỏ luôn nghề tài xế. Không biết nó làm nghề gì mà cứ mỗi tháng, nó nhờ người gởi tiền về cho chồng chị Bốn Đẹp nuôi thằng bé chưa dứt sữa mẹ. Bây giờ, thằng bé đã lên ba. Ba năm trôi qua…

Thằng anh hai ăn xong chén cơm của mẹ, nó quay qua nói với ba:

– Mai chắc con không đi học cách trồng cao su đâu ba. Nghề này khổ qúa mà chẳng chái ra tiền. Con nghe nói có người mua đỉa giống Udenlaya từ Nga về nuôi nên ba mua về con nuôi cho chứ đỉa đồng sắp cạn kiệt rồi.

Người cha nhìn thằng con một chặp, giọng anh buồn buồn trong sự cảnh báo:

– Cái nghề nào mau hái ra tiền cũng đưa người vào phiền muộn và tai ương. Nghề nông cổ truyền của tổ tiên cũng sắp một mai mỗi khi có các công trình đô thị hay công trình quốc gia nào đó được đẻ ra.

– Thời nào theo thời nấy mà ba! Không ruộng mà chẳng có việc làm là đói chết đó! Bà nội già rồi còn đi trồng nấm công làm chi! Lỡ nội té xuống, tiền thuốc tốn hơn tiền ăn rất nhiều.

– Suỵt! Con nói nhỏ thôi kẻo nội nghe được, nội tủi!

– Vậy ba đi hỏi mua đỉa giống cho con đi!

Người cha trầm ngâm một chập mới trả lời:

– Để ba xem sao cái đã! Nghe qua đã khó khăn…

Nhìn thằng em 3 tuổi đang ôm cổ bà nội, thằng anh hai cười trấn an ba:

– Cu Tân giống ba như đúc vậy đó. Nó thiếu sữa mẹ sớm nhưng cũng không còi cọt như mấy đứa trẻ hàng xóm.

– Hàng tháng có tiền trợ cấp của chú Đại đó mà. Tội nghiệp! Người biết chữ nhân nghĩa hiếm nhưng không phải không có trên đời này.

Nói xong, người cha ngáp dài. Thằng con thấy vậy khuyên:

– Ba đi ngủ đi kẻo bà nội xót “tội nghiệp thằng con tôi”!

Người ba nhỏm đít đứng lên vừa nghe con tiếu lâm, anh bật cười. Đằng góc nhà, bé Bảy cặm cụi làm bài tập. Trong nhà này, nó học sáng nhất nên anh hai hy sinh ở nhà đi làm tùm lum công việc cho em gái đến trường với bạn bè. Khi nó học bài khuya, bà nội khổ thân vì phải… rinh cháu gái ngủ gục vào giường ngủ với bà. Anh Bốn Đẹp tắt đèn. Anh thầm nhủ ngày mai, anh đi theo xe hàng thằng bạn đi ra Bắc một chuyến. Thằng bé để cho bà nội trông coi. Hai anh em thằng hai ngó chừng là được. Nói xong, ông ngủ đi. Trong giấc ngủ, ông mơ thấy chị Bốn Đẹp đứng trước mái hiên nhà với bản mặt buồn như mặt ông sau ngày vợ mất.

*

Chiếc xe hàng từ Tân Biên vận chuyển hàng cho lái buôn Trung Quốc tới Ninh Bình đã tối nên tài xế tấp vào cái quán cà phê Việt Nam quen thuộc đợi qua cơn buồn ngủ. Ông chủ quán giơ tay ra hiệu. Hai người trung niên nhìn theo tay ông ta. Đối diện quán ông là một cái quán Như Tiên do hai vợ chồng trẻ làm chủ. Không ai biết rõ lai lịch vợ chồng họ nhưng coi bộ vợ chồng họ có vẻ cũng khá mặn mồi. Quán này hồi trước rất đông khách bởi vì chị chủ nổi tiếng đẹp gái. Dần dần, khi có sự xuất hiện của đám khách công nhân không cùng ngôn ngữ, khách Việt Nam thưa dần vì ngán đụng chạm với người Tàu. Ông chủ quán vuốt mấy cọng râu dưới cằm bảo người tài xế quen:

– Những anh trùng trục kia là công nhân của nhà máy đạm Ninh Bình đấy! Chẳng hiểu sao công nhân Việt Nam còn thất nghiệp dài dài mà khi có công việc lại giao cho công nhân Tàu?

– Có gì lạ đâu bác? Chính phủ nào, e kíp đó. Chủ thầu nào, công nhân đó. Mướn công nhân Việt Nam lại mất công mướn thông dịch viên à?

– Bọn họ hết lớp này đi tới lớp khác đến. Ngôn ngữ bất đồng nhưng đánh lộn rất… đồng lòng. Mỗi lần đánh nhau, bọn công nhân Tàu kéo hàng chục đồng bọn tới. Không như dân Việt Nam mình. Ai chết mặc bây!

– Đám công nhân này chắc cũng từ giai cấp nghèo kiết xác ở bên Tàu sang đó bác.

– Đã là kiếp công nhân, họ chịu chung sự bóc lột của chủ thôi. Cái khác là đám công nhân Tàu sang đây, lương họ gấp 2-3 lần lương công nhân Việt Nam.

– Ở miền trong cũng có “Đông Đô Đại Phố” ở Bình Dương đó bác. Tàu tràn lan khắp nước mình chứ phải mỗi Hải Phòng hay Ninh Bình đâu. Trên Tây Nguyên hàng vạn. Bauxite Tân Rai đó. Ở đâu có Trung Quốc, ở đó có công nhân Tàu. Gì lạ đâu bác?

Ông lão trợn mắt, mắng:

– Cái thằng ngu biết một chẳng biết hai! Công nhân Trung Quốc có đẳng cấp khác hẳn công nhân Việt Nam đấy chứ. Chúng được chủ thầu chống lưng lại được quan chức địa phương “vuốt mặt nể mũi” nên dần dà quay sang ức hiếp chúng dân. Thậm chí, chúng muốn ghẹo cô gái nào ở đây là cứ thế mà sấn tới, chẳng ai dám làm gì! Suỵt! Hình như chúng đang quậy hai vợ chồng chủ quán!

– Bác hiểu tiếng Trung à?

– Chút chút. Chúng nó nói tiếng Tiều Quảng Đông khi đụng chuyện.

Ba người cùng nghe ngóng. Những tiếng ồn ào thô tục không cách nào hiểu được cứ chui vào tai những người đang nghe lén khiến họ bực mình. Anh Bốn Đẹp hỏi ông chủ quán:

– Chúng nó nói cái gì vậy bác? Chúng quậy mà thanh niên mình ở đây không đập cho một trận hay kêu công an à?

– Đập chúng khác gì tự đập đầu mình? Nếu biết chúng nói gì, dân mình cũng không dám chửi lộn với chúng. Công an hay quan địa phương có tới cũng bênh vực người ngoài thôi! Không tin, chú em tới hỏi những người ở đây thì rõ! Đấy! Lại giở trò sàm sỡ với chị chủ quán kìa! Mà cái con nhỏ này không nên thân. Giỡn mặt tênh tếch với chúng nên mới vậy chứ.

Tiếng kêu oai oái giọng đàn bà vang lên cộng với tiếng cười hề hà của bọn công nhân Trung Quốc làm hai người trung niên cau mặt. Đợi cho bọn công nhân Trung Quốc bỏ đi, ông chủ quán chạy sang nghe tin tức. Anh chồng chị chủ cà phê Như Tiên lắc đầu:

– Không làm ăn được nữa rồi bác ơi! Chúng nó bắt ngày mai vợ cháu phải đưa cà phê xuống khu ổ chuột. Nếu không, chúng nó đòi đốt cái quán này đó bác! Cũng tại mụ vợ này sớm tối cứ phô hàng trước mặt chúng!

– Trời! Vậy mà cũng “điêu” được à?

Ông lão trợn mắt. Ông về kể cho hai người trung niên nghe bằng giọng chỉ có nốt trầm:

– Những tưởng ở đâu có công trường, công nhân, ở đó bọn tôi mở quán xá kiếm chút cơm, chút cháo. Ai ngờ có bọn đầu trâu, mặt ngựa dựa thế hiếp người. Hai chú bây muốn đi coi “Phố Tàu”, “Làng Trung Quốc” của chúng ở đây, lên Khánh Phú mà xem. Cứ theo đường quốc lộ 10 là tới nơi. À quên nhắc mấy chú nhé. Giả trang làm khách thì được chứ vác theo xe, họ… cẩu luôn xe đi à. Họ đòi bao nhiêu thì đưa thí cô hồn. Lạng chạng, họ kêu đầu gấu tới… tai dân trước mũi công an cho coi!

– Bọn chúng lộng hành ghê vậy hả bác?

– Người nhà không bênh gà nhà, cáo nó thịt gà. Thế thôi!

Hai chàng trung niên tò mò thắng công việc. Họ giả làm khách hàng vào một cửa hiệu hớt tóc bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh: “Foot Massage, Sim Thẻ, Cà Phê… ” đỏ chét giăng ra trước mắt khiến hai người trung niên… choáng! Anh Bốn Đẹp cứ ngỡ như phim Tàu đang quay tại Việt Nam mới có cảnh sống động live thật 100% như vầy! Không có nhân dân tệ, người bạn tài xế phải trả bằng tiền Việt. Cứ gần 3 ngàn rưỡi nhân dân tệ ăn 100 ngàn Việt Nam. Giá mắc hơn bất cứ chỗ nào nhưng khách Việt Nam đã vào nào dám kêu ca? “Thưởng thức” phố Tàu xong, họ quay lại chỗ ông chủ quán lấy xe tiếp tục đi về phương Bắc. Chuyện làng Trung Quốc có ngang nhiên ở Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa hay Đồng Nai, Bình Dương, Tân Rai được họ gát lại. Tuần sau, hai người trung niên quay trở về chỗ ông chủ quán. Ông ta mở banh mắt khi kể chuyện quán Như Tiên:

– Chị vợ coi như xong rồi đó!

Thấy hai chàng trung niên há hốc, ông lão vuốt râu:

– Thằng chồng bỏ nhà đi rồi! Số là con vợ đưa cà phê xuống chỗ nghỉ của bọn công nhân Trung Quốc, thị bị hiếp tập thể luôn. Thằng chồng xuống làm dữ nên bị chúng đánh cho thập tử nhất sinh. Tỉnh hồn, xấu hổ hóa dại, nó giận lây con vợ nên bỏ đi trong đêm hôm qua rồi!

Anh Bốn Đẹp buột miệng:

– Sao lại như vậy? Vợ mình bị người ta hiếp, mình không bảo vệ được là xấu hổ rồi còn giận vợ là sao?

– Nó giận vợ là tại con nhỏ cứ ăn nói hớ hênh chi đó. Con này biết chút chút tiếng Trung. Trước đây, nó lấy chồng Trung rồi bị sao đó, trốn về. Bây giờ, lão mới nghe thêm là nó lấy được thằng chồng tài xế hiền lành. Nhưng thằng tài xế này 3 năm trước ở tù vì lỡ cán chết người ta.

Nghe tới đó, anh Bốn Đẹp kêu lên:

– Vậy hả? Sao ngộ vậy?

– Ngộ sao?

– Thằng chồng tài xế nó tên gì?

– Lão biết đâu?

– Sao ngộ qúa vậy há?

Anh Bốn Đẹp cứ trợn mắt, vắt óc suy nghĩ. Anh muốn kể chuyện nhà anh cho lão chủ quán nghe nhưng kịp ngậm miệng vì chợt nghe lòng ngậm ngùi. Anh nhìn thằng bạn tài xế đang căng tai nghe ông chủ kể chuyện… hoang đường trên đất Việt. Nếu như không chính mắt cả hai nhìn thấy những tên thanh niên mặc mỗi quần đùi, ở trần trùng trục, tiếng cười nói ầm ĩ cả khu phố, coi trời bằng vung khi theo gái Việt Nam tán tỉnh thô bạo và tụt quần… đái vãi ra đường trong tiếng cười đùa vô tổ chức của bọn chúng, cả hai chẳng thể nào tin! Bất giác, người tài xế chửi:

– Bọn côn đồ Tàu thật mất dạy! Đất nước của chúng cũng không có chuyện làm bậy như vậy mà. Đúng là vào nhà vô chủ hiện ra một lũ sói lang.

– Nhà vô chủ nên bọn chúng mới có cơ hội làm bậy chứ nhà có chủ, gà sao dám mọc đuôi tôm? Cáo sao dám ló đuôi hồ ly? Tao mà làm quan, tao tống lũ côn đồ về nước. Tử tế, tao trải thảm đỏ đón rước. Côn đồ, chỉ có nước, tao cho… đai!

Đang nghe nghiêm túc, hai chàng trung niên bỗng phì cười vì từ sau cùng của ông chủ quán. Người tài xế cười:

– Bác lại sính ngoại nữa. “Đai” gì mà “đai”!

– Ừ hử! Nghe quen tai nên bắt chước xước ổ gà!

– Rồi người vợ ở lại một mình à?

– Ở một mình có mà chỉ tối làm gái không nhân dân tệ cho chúng thôi. Biết đâu là thị đã dính Tàu con trong bụng rồi cũng nên! Cô ấy muốn bỏ quán để tìm chồng nhưng tao biết thằng chồng nọ mất mặt, cổ hủ sẽ không bao giờ nhìn nhận con vợ bị hiếp dâm trước mặt mình mà mình không làm được gì như vậy đâu! Đây cũng là tâm trạng của những người vượt biển có vợ con bị hải tặc hiếp đấy mà!

– Khác nhau hoàn cảnh và tùy từng loại người đó ông!

– Cùng một hành động dã man, tội ác như nhau!

Ông lão phán một lời xanh rờn xong, còng lưng bưng cà phê cho khách mới. Quán cà phê bên kia đường rung lên vì bị người lạ mặt đập cửa. Nghe tiếng hét thất thanh của người phụ nữ, hai chàng trung niên đưa mắt nhìn nhau rồi chạy ra khỏi quán. Ông lão chủ quán kịp nhìn thấy một người đàn ông trùng trục chạy trối chết ra khỏi cái quán cà phê Như Tiên. Ông vội vã chạy qua bảo hai chàng trung niên mặt còn đỏ vì giận dữ:

– “Ách giữa đàng quàng vào cổ” rồi! Chút nữa bọn chúng kéo đồng bọn tới đập nát cái quán Như Tiên rồi… chẻ sọ hai chúng mày cho coi! Hai anh em nhà bây mau đi ngay! Đừng để chúng thấy. Nếu không, lành ít dữ nhiều. Lúc ấy đừng trách lão đây không báo trước nhá!

Anh Bốn Đẹp kịp ngoái đầu bảo cô chủ quán đang ôm lấy ngực:

– Tôi không biết chồng bây giờ của cô đi đâu nhưng tôi biết anh chồng tài xế trước của cô. Cô muốn thoát thân, theo chúng tôi mau!

Cô gái không mở miệng. 5 phút sau, khi xe sắp chuyển bánh, ông lão chủ quán hớt hãi chạy theo. Bên cạnh ông là cô chủ quán Như Tiên. Chiếc xe nhanh chóng chạy đi. Một người đàn ông trùng trục ngồi bên kia quán hớt tóc đối diện với tay lấy cây viết. Hắn xòe lòng bàn tay ghi một hàng số, trong đó con con số 70 và chạy gấp vào khu phố Tàu với nụ cười bí hiểm.

*

Thằng anh hai chở 2 xô đỉa lên huyện giao cho chủ thầu mới nhằm lúc anh ta chưa đi Trung Quốc giao hàng. Thấy mặt thằng nhỏ, người chủ thầu ngờ ngợ:

– Phải cu Tâm không vậy?

– ?? Ủa! Chú Đại?

– Chú đây! Cháu không phải đi học trồng cao su à?

– Dạ không! Nghèo trèo cao rớt bịch chú à. Thời buổi “lập thân ỷ lại bất thành nhân” mà chú!

Người chủ thầu suýt phì cười khi nghe thằng nhỏ xổ ngạn ngữ Tàu pha Việt. Anh trầm giọng:

– Làm anh em cháu mồ côi mẹ là lỗi tại chú.

– Thôi chú à! Ai muốn vậy đâu? Chỉ tại mẹ cháu vắn số mới ra nông nổi.

Chợt thấy người làm công đi ngang qua trông quen mặt, Tâm hỏi chú Đại:

– Anh này mỗi tháng đưa tiền tới nhà cháu nè. À! Thì ra, cái người ẩn mặt gởi tiền trợ cấp cho cu út nhà cháu là… là chú?

Người tài xế ba năm trước không gật cũng không lắc. Anh ta nghe điện thoại. Vài phút sau, anh bảo người phụ việc:

– Nhận hàng cho thằng cháu này với giá cao nhất nhen.

– Dạ! 1 triệu hay 1 triệu rưỡi?

– Đã nói giá cao nhất mà còn hỏi!

– Dạ dạ!

Người phụ việc chạy đi. Đại dặn thằng anh hai:

– Này Tâm! Không có chú, cháu cứ chở hàng lên. Chú đã dặn nhân công rồi. Chuyến này, chú đi hơi lâu một chút. Ba cháu đi Bắc về chưa?

– Dạ chưa, chú Đại. Ba nói ba đi 1 tuần nhưng bây giờ hơn 10 ngày mà chưa thấy. Cháu hơi lo.

– Không sao đâu! Tuyến đường nào cũng có công an chận. Không chở hàng quốc cấm, không sao. Nếu có chút chút, chung ngay tại chỗ, không việc gì! Thằng công an giao thông nào không ăn, tài xế chết tức tưởi! Muốn đi chơi với chú không? Vài hôm nữa, chú ghé nhà xin phép bà và bà nội chở cháu đi với chú một chuyến ra Bắc nhen?

Thằng Tâm dạ. Nó nghe ông chủ thầu nói chuyện với ai trên phôn mà mặt ông chủ sầm lại. Ông ta gằn: “Cho đáng đời thứ đàn bà bỏ chồng theo trai. Qủa báo nhãn tiền đó mà. Vậy chớ có biết bây giờ nó ở đâu không?”. Không nghe bên đầu dây trả lời, thằng Tâm chỉ thấy miệng ông chủ thầu đỉa hầm hè coi bộ tức tối dữ lắm. Thằng Tâm vẫy tay chào ông chủ mới. Anh ta bận phôn nên chỉ giơ tay chào nó một cái.

*

Thằng Tâm về nhà đã thấy có thêm vị khách. Ba nó kể sơ cho cả nhà nghe vì sao hai người phải mất 10 ngày mới về tới. Bà nội nghe xong, cứ nhè Phật Bà mà mô lia lịa. Bà tấm tức:

– Mô Phật! Cô cứ tá túc ở đây coi như người nhà cái đã nhen. Đợi cho chồng cô hồi tâm, chuyển ý, anh ta sẽ tìm tới rước cô đi. Cô tên gì?

– Dạ! Con tên Hai Láng.

– Ờ! Mấy đứa nhỏ vào đây chứ làm chi mà lấp ló ngoài cửa. Chị Hai Láng ở tạm nhà mình vài hôm. Nhà chúng tui nghèo nên có gì ăn nấy, cô có ngại không?

– Dạ không! Con có mang theo ít tiền.

Anh Bốn Đẹp định nói với mẹ là cô ta không phải tới nhà mình ở trọ mà chỉ tiện đường đi kiếm chồng cũ, tránh mối họa nhưng anh chưa nói được với mẹ. Đợi cho mẹ đi ra vườn, anh nói với Hai Láng:

– Mẹ tôi nói vậy thôi. Cô ở đây chờ tin. Tôi liên lạc dùm cho cô. Nếu cô liên lạc được với chồng cũ của cô càng tốt.

– Dạ!

Nhưng Hai Láng chưa liên lạc vội. Chị ta đang tính chuyện gì không biết. Trước tiên, trong căn nhà nghèo khốn này, chị mặc nhiên trở thành “vú em” cho thằng bé lên ba. Sự có mặt của người đàn bà lạ làm cho bé Bảy khó chịu trong lòng nhưng chưa dám nói. Với người đàn bà lạ, những người đàn ông thường có cái nhìn rộng rãi hơn nhưng với phái nữ, nhất là với những cô tiền thiếu nữ, cái nhìn về nhân vật lạ sẽ gay gắt và đầy ác cảm hơn. Vì thế mà bé Bảy thường ngày cứ lén theo dõi mọi cử động của người đàn bà không rõ lý lịch này. Một hôm, nó nghe chị ta gọi điện thoại cho ai đó bằng tiếng xì xồ gì. Bé Bảy mét với anh hai. Thằng Tâm chỉ cười bảo em gái đừng để ý làm gì ba cái chuyện lẻ tẻ. Có người coi ngó em út là nhất rồi. Bé Bảy giãy lên:

– Ai cần bả coi chớ? Không khéo có ngày, bả véo, bả đánh em út hay bán em cho mấy kẻ xấu.

– Con nhỏ này! Có bán, bà ta… bán mày trước!

Thằng anh hai gõ đầu con em gái khiến nó vùng vằng bỏ đi. Nó quên cám ơn anh hai về chiếc nhẫn vàng mới cứng cừng cưng mà anh hai mua cho nhân ngày sinh nhật 13 tuổi. Con chó mực sủa hặc hặc. Tiếng xe Vespa LX 125 nổ êm khiến con chó cũng thôi luôn. Hai Láng nghe tiếng xe và tiếng chó, chị ta nhìn ra và… trân mình. Người khách mới tới cũng vừa chạm mặt với người đàn bà lạ trước nhà. Cả hai cùng tái mặt nhưng thằng Tâm vô tư. Nó nhận ra người khách lạ. Người đàn bà biến mất sau cánh cửa. Người chủ thầu cũng kiếm cách rời khỏi căn nhà cấp 5 tức khắc và quên mất lời hẹn chở thằng Tâm đi Bắc. Sáng ngày mai, không ai tìm thấy người đàn bà đẹp đẽ có tên Hai Láng đâu nữa. Nghe tin Hai Láng bỏ nhà đi mất, Đại phóng xe tới xin phép bà nội cùng anh Bốn Đẹp cho Tâm đi cùng. Trong thâm tâm, Đại biết mình sẽ phải tới đâu sau khi giao hàng.

*

Phố Tàu vào đêm nhộn nhịp, ồn ào, xô bồ và hỗn độn. Những công nhân Trung Quốc mặc mày đỏ kè từ những quán nhậu, quán karaoke bước ra. Người đàn ông trùng trục vừa chửi tục vừa khoe:

– Ngộ mới vừa đi đêm với con gái Việt Nam chỉ mất vài nhân dân tệ. Gái điếm ở đây hàng loạt tha hồ mua vui.

Một công nhân khác có vẻ tươm tất hơn, chép miệng:

– Ngộ muốn kiếm con vợ Việt Nam nhưng ngộ không biết tiếng Việt, làm thế nào?

Thằng kia cười hu hú:

– Gái Việt Nam lành lặn bất tất đã tới ở đây. Thứ bầy hầy ở đây, nị lấy làm gì?

– Lấy cho nó hầu hạ không được à?

– Này! Nị có nghe chuyện thằng Táng Guoqiang bị thằng Việt Nam đánh sưng quai hàm không?

– Không! Việt Nam chúng dám đánh mình à? Sao không kêu đồng bọn quánh chết cha bọn chúng?

– Đã theo dõi con mụ Xiu Le rồi. Con mụ này mà phản, đại ca cho… đỉa hút máu ngay!

Phía bên kia đường, hai người đàn ông trao đổi:

– Nhà thầu Trung Quốc không thu mua đỉa khô, đỉa chết làm sao đây? Không thể để đỉa chết đói. Nị làm sao thì làm. Mấy chục tỉ của ngộ không thể giao cho hà bá cá nuốt!

– Dạ hiểu, đại ca!

– Hiểu thì tốt!

Thiên hạ kháo nhau về những người đột nhiên mất tích không sao tìm được. Khi tìm được, nạn nhân chỉ còn là bộ xương biết cục cựa hay bộ xương đã rục rễu trong rừng già hay trong ao hồ, sông suối. Nghe nói, họ bị rút hết máu cho tới chết.

*

Căn nhà cuối xã im lìm. Cửa đóng kín mít khiến người làng cứ nghĩ họ đi chơi đâu đấy cả nhà. Bé Bảy nghỉ học cả tuần không xin phép khiến cho cô giáo đánh giấy mời phụ huynh. Thằng học trò lò dò gõ cửa không thấy người, nó tò mò chạy chung quanh nhà để tìm cách đi vào khiến con chó sủa om sòm. Vài hôm sau, con chó mực được láng giềng cho ăn ké nên còn sức “gâu gâu” đôi câu cho có lệ rồi nằm rạp. Mấy hôm trước, con chó còn sức, nó lấy chân cào cánh cửa mấy trăm lần. Ai cũng có thể nhìn thấy móng vuốt con chó khôn ngoan in trên cánh cửa. Hôm sau, người hàng xóm gọi con chó cho nó ăn ké, không thấy nó ư hử. Người hàng xóm lấy làm lạ nên bước qua tìm con chó. Bà rú lên một tiếng rồi như bất tỉnh. Khi tỉnh hồn, bà la làng:

– Ối làng xóm ơi!

Hàng xóm chạy tới căn nhà bỏ trống. Một cảnh tượng khủng khiếp: Chiến trường… đỉa! Đỉa bám vào con chó hút máu trên tấm thân cằn cõi của nó. Đó là lý do vì sao nó không qua hàng xóm kiếm ăn và đó cũng là lý do khiến nó chết nhanh chóng. Người ta đập cửa vào nhà. Mọi người kinh hoàng khi nhìn thấy những thùng đỉa nuôi rất công phu đã bị vung vãi khắp nhà và ở một góc tường, một em bé được phủ bằng một áo… đỉa. Chúng hút máu con mồi cho tới hết máu vẫn còn bám đen ngòm. Không ai trông thấy hai tuần trước đó, hai kẻ lạ mặt đã đột nhập vào căn nhà khổ nạn. Những người trong nhà biến mất trừ thằng bé út và con chó. Người ta kháo nhau rằng người trong nhà đã đụng chạm tới băng đảng nào đó nên mới bị họ thanh toán một cách dã man như vậy. Người già vốn thông minh. Ông lùa nguyên đàn vịt vào nhà. Trong giây lát, những con đỉa còn lại cũng chui vào bụng vịt bầu, Ông bảo mọi người:

– Dạ dày con vịt tới 42 độ C nên đỉa tiêu hết. Tiếc rằng, đỉa là giống trường sanh bất tử nên hễ cứ một mẩu đỉa khô rớt xuống nước, nở ra 1 con đỉa mới. Đỉa trâu hút máu chết nguyên con trâu. Đỉa là loài hút máu. Thế mới biết kẻ nào đẻ ra việc nuôi đỉa bán như vầy có lòng hiểm độc khôn lường!

– Còn ai trồng khoai đất này!

Họ lo chôn cất xác thằng bé lên 3 cạnh mồ mẹ nó. Cả làng thao thức về thảm cảnh chỉ xảy ra trong một gia đình nghèo, hiền lành và tốt bụng.

*

Thằng Tâm cùng chú Đại trở về nhà trong thảm cảnh mà cả đời nó chưa bao giờ phải chịu. Nó quên phắc cái số may mắn thoát chết nhờ chú Đại chở đi ra Bắc. Mặc cho chú Đại và hàng xóm khuyên bảo điều gì, nó câm suốt ngày bên những thùng nhựa nuôi đỉa giống chõng chơ. Chiều tối, Đại mở lời trước:

– Cháu có biết ai là thủ phạm không?

Mắt Tâm đỏ ngầu:

– Hai Láng!

– Cháu khẳng định?

Tâm khô khốc:

– Khi em Bảy nói chính nó nghe được thị ta nói chuyện xí xô xí xào trên phôn, cháu không nghĩ ra được cái gì? Bây giờ, cháu thấy mọi chuyện cũng từ người đàn bà này mà ra cả. Tội nghiệp ba và bạn ba cháu mang thị khỏi phố Tàu nhưng họ đâu biết đã mang họa vào thân! Bé Bảy chắc chắn bị thị bán đi rồi! Tội ba, bà nội, còn út nữa. Thù này không trả, cháu thề không trở về làng!

Đại chết lặng. Linh tính anh cho biết thằng nhỏ đoán không sai bao nhiêu. Người đàn bà nọ ham tiền, ham đua đòi, làm sao, thị có thể cam tâm sống trong căn nhà nghèo mạt này?Thị không dám gọi điện thoại cho anh. Chạm mặt nhau, thị nghĩ tới lời thề độc của người chồng cũ mà trốn hay sao? Vô lý. Nếu có lý, đó cũng chỉ là một cái cớ để thị thực hiện âm mưu độc ác khác nhưng được ung dung trắng án vì yếu tố không có mặt tại hiện trường. Người đàn bà phản chồng, lăng loàn như thế, trời còn dung gian sao chứ?

– Thật khốn nạn!

Đại rít trong kẽ răng:

– Chốn cũ nương thân. Không phải là nơi nguy hiểm nhất là an toàn nhất à?

Toàn thân máu nóng bốc lên đầu, Đại khều Tâm:

– Đi với chú! Cho cháu trả thù!

Tâm quắc mắt. Sức mạnh trả thù nâng toàn thân nó đứng thẳng. Nó ngồi sau xe, Đại chở nó lên huyện lấy đồ đạc. Đại nhắc lần cuối:

– Quên giọng miền Nam đi!

– Dạ, chú!

Hai người thay đổi quần áo và lên xe con biến mất trong tối hôm đó.

*

Ở những “Khu phố Tàu” hay “Làng Trung Quốc” ở Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa hay Tây Nguyên, công nhân Trung Quốc được đối xử ưu tiên một so với công nhân Việt Nam. Cho nên bên Quảng Châu, Trung Quốc, những thanh niên thất nghiệp nhận được những cú điện thoại bằng tiếng Quan Thoại từ những người thân, bạn bè làm công nhân ở Việt Nam: “Tòa tong cọt quẹ xem khắn khoại, bò chọa tia, ại khịa pố cũng còi, căng chia ché koái, ăn lén pò uệ mí xừ.” (qua Việt Nam làm công nhân, không cần giấy tờ, muốn lấy vợ cũng được, lương cao lắm, công an không dám làm gì đâu). Những người công nhân nước ngoài như Trung Quốc bất hợp pháp bị tống về ít hơn trăm lần những người Trung Quốc nhập cư lậu vào Việt Nam qua các ngã đường đã được các nhà thầu Trung Quốc hợp thức hóa… ma qủy trước mắt các đại quan viên Việt Nam. Ông chủ quán đón hai vị khách mới tới:

– Khách quan dùng chi?

– 2 cà phê đen bác ạ!

– Này bác ơi! Quán Như Tiên bên kia, ai làm chủ vậy bác?

– Trước là của Lê Thị Hai. Nay là Xiu Le.

Người đàn ông có vẻ thất vọng khi nghe chủ nhân Như Tiên lại mang cái tên Tàu:

– Cô Hai chủ cũ đi đâu rồi bác?

– Chẳng rõ hai chú ơi!

Người thanh niên khèo người bên cạnh:

– Không thể nào! Ông lão này không nói thật. Ba cháu từng kể rõ ràng câu chuyện mới tháng trước.

– Mình không phải người quen nên ông không nó thật là phải nhưng cháu đừng nóng. Ta qua chỗ nhà hàng Khánh Huyền, khách sạn My Sơn hoặc tới My Sơn Viên. Không có tin về ả, chúng ta tới xông hơi Đại Đường. Thị dĩ nhiên sẽ ở quanh đây mà thôi.

Đại hỏi thăm khắp nơi về tình hình ở “khu ổ chuột” tức khu công nhân Trung Quốc ở so với khu khang trang của chủ thầu một cách khéo léo. Sau đó, anh đổi tiền Việt ra nhân dân tệ khiến Tâm ngạc nhiên. Đại giải thích sơ:

– Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn!

– ??

Như chắc ăn 100%, Đại bảo Tâm:

– Bước tiếp theo, chúng ta vào xin việc làm. Lương ít không sao. Tiếng Tàu không biết cũng chẳng nhằm nhò gì miễn là có cách tiếp cận đám công nhân này.

Tâm và Đại lò dò vào xin việc. Ở đây có thông dịch viên hẳn hoi nên chủ thầu đồng ý thu nhận ngay. Hai chú cháu được phát 2 bộ đồ công nhân và được đưa vào căn phòng cuối cùng của dãy nhà trong khu ổ chuột. Căn phòng nhận thêm 2 công nhân nữa là đủ 8 người một phòng. Đại khôn ngoan. Tối đến, anh ra dấu mời 6 người công nhân trong căn phòng đi nhậu. Họ vui vẻ đi ngay. Đa số quán xá ở đây chỉ dành cho công nhân khi tan giờ hoặc vào đêm nên người Việt Nam đừng hòng bén mẻng tới. Kế hoạch dò la tung tích người đàn bà chủ quán Như Tiên, Lê Thị Hai – Hai Láng xong. Hai đêm sau, Đại cũng dẫn cả nhóm đi nhậu ở quán Như Tiên. Chủ quán không ra mặt mà chỉ có người đàn ông phụ bán nói tiếng Trung sỏi ra tiếp khách. Đợi tới khuya, chờ cho những người công nhân ngã ngớn bên trong cùng chủ quán ra về hết, Đại đốt pháo. Tiếng pháo quen thuộc ở phố Tàu không bị cấm bao giờ. Người chủ quán bấy giờ mới xuất hiện để dọn dẹp. Thị đúng là… Hai Láng. Đại khống chế thị với cây súng đạn đã lên nòng. Bên kia, Tâm khống chế tên Tàu giả nai cũng bằng cây súng. Đại gằn:

– Tiếng súng và tiếng pháo rất giống nhau phải không? Nói! Những người trong căn nhà ở Tân Lập đâu?

Thị giả ngây thơ:

– Em, em… không biết!

Tâm sôi máu:

– Bà không nói, tôi giết bà!

– Tui không biết!

– Bà nói láo!

Tay thị vung ra, Tâm nhìn thấy chiếc nhẫn. Mắt nó đục ngầu:

– Tay bà đeo chiếc nhẫn của bé Bảy, em gái tôi! Bà giải thích làm sao?

– Đồ tiện nhân! Tâm! Coi chừng thằng Tàu kia! Nó lạng quạng là nổ liền!

– Dạ!

Đại gí súng vào màng tang thị:

– Một là một phát bể óc. Hai là dao cắt đứt cổ. Ba là đỉa hút máu.

Thị rùng mình:

– Em… em… nói.

Khu phố Tàu nghe tiếng pháo trong đêm khuya. Sáng hôm sau, tin chủ quán Như Tiên Xíu Le bị bắn một phát vào đầu. Người ta tìm thấy nạn nhân thứ hai là một người Trung Quốc bị một nhát cắt cổ. Hai thân thể bị đỉa hút máu trong chum khiến cả khu phố rởn tóc gáy!

Vậy mà, những tin tức làm công nhân ở Việt Nam rất dễ cũng được liên tục chuyền đi: “Zài xuè nán, zăo gòng zuò, hen róng yì, bú yòng giàn zhàng “ (qua Việt Nam tìm việc rất dễ, lương cao, không cần ViSa, không ai dám làm gì).

*

Căn nhà cuối xã Tân Lập trở thành hoang phế vì người sống cuối cùng cũng không trở về nhà. Nghe nói, Tâm và Đại sau khi “thi hành án” hai kẻ chủ mưu bắt cóc và giết người, họ nhanh chóng qua biên giới để tìm tông tích người nhà của Tâm với hy vọng mong manh là cả 3 nạn nhân vẫn còn sống đâu đó. Họ chưa bị chích lấy máu, chưa bị đỉa hút máu hay chưa bị mổ bụng lấy nội tạng. Kẻ… hút máu vẫn tiếp tục sinh sôi lẫn vào dòng người ma qủy mà tác quái. Tiếc rằng, đàn vịt thiếu ăn, sinh sôi không kịp để mà xơi… đỉa. Người ta thấy rằng cứ tới ngày 31 tháng 10, trước căn nhà hoang phế có một người phụ nữ bồng đứa bé 3 tuổi đứng ngoài cửa. Nghe nói chị trông chồng, mẹ chồng, thằng con trai và đứa con gái từ đâu đó trở về. Ngày đó là ngày Halloween. Ngày người chết trở về./.

Tháng 10/31/2011
Ngọc Thiên Hoa

Exit mobile version