Không biết nợ nần gì mà bây giờ tôi phải nằm lại đây dẫn đầu một tổ chục có đầu.. cuốc đất. Cha mẹ ơi, tưởng ăn nhậu gì ngon lắm hóa ra cũng kiếp cu ly vác gạo bến tàu. “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, nói dối là ở tù, lù khù kinh tế mới”. Khẩu hiệu thời ni đọc nghe ghê ghê mà ai ai cũng thuộc lòng. Lũ học trò beo như chúng tôi đọc tới, đọc lui hoài đâm chán học hành nên cứ mỗi lần nghỉ học để đi lao động xa hay gần là vỗ tay đồm độp, sướng ran!
Hôm qua, lũ tôi cuốc đất nhừ tử, quăng đất lộn ầm ầm sau lưng văn phòng khoa mà tôi hay đùa: Bộ chỉ huy đầu sỏ. Còn bây giờ, lòng tôi ngổn ngang như nhện giăng lưới bắt ruồi! Chậc! Ai mà đi ăn mấy con ruồi. Lúc nãy, tôi đã làm một chuyện mà người lịch sự không bao giờ nỡ lòng làm: Đóng sầm cánh cửa! Ôi! Nhỏ Kh chửi bới tôi om sòm. Lòng tôi xót nhưng tôi không còn cách nào khác để “xua đuổi” một người!
Đợt diễn văn gừng ở Câu lạc bộ Lao động Qui Nhơn mang lại cho tôi phiền phức ghê gớm mà cũng thiệt xui xẻo. Th và T chắc ốm o hơn nên xuống tam cấp sân khấu không sao. Chỉ có tôi lù đù bị thần mộc níu cẳng, què một giò, cà nhắc. Lúc ấy, đau đến nổi tôi muốn… xáng cho mấy bạt tai vào… lũ muỗi vo ve. Chậc! Què còn hung. Hèn chi mấy ông nội thương phế binh thường làm tàng, “thí mạng cùi” dữ dằn ai cũng ớn lạnh. Đau muốn chết, chưa biết kiếm thằng cha căng chú kiết nào để… nũng nịu thì chạy ra từ đâu một thằng cha mặt mày thơ ngây không “si” được:
– Để anh coi thử!
Chưa ừ, hắn đã nắm cái cẳng què của tôi xoay xoay một cái “rắc”. “Á!”. Tắt luôn giọng, nước mắt tôi tràn một thúng. Thúng lủng, chảy hết. Chân hết trặc nhưng vẫn cà nhắc xí đỉnh.
Mọi người thay tôi “cám ơn” gã “anh hùng cứu mỹ nhân”. Hắn chở tôi về trường bằng xe đạp! Mèn ơi! Chỉ có nhiêu đó thôi mà mê chi cái con khùng như tôi chớ?
Trường tôi thiếu cha gì con gái đẹp đẽ mỹ miều, yểu điệu thục nữ, hắn không theo lại theo chi tôi chớ! Ta đang thất tình đây nè! Mẹ kiếp! Tôi bật ra một loạt chửi thề vô cùng sung sướng vì không bị ai nghe hết. Bây giờ, tôi phải cho đôi mắt khép lại. Mày trừng trừng như thế thì mẹ cha tau ngủ sao được.
Một ngày qua, đám đất đã thành luống chờ gieo cải củ nữa là xong. Hết mưa lại nắng bốc khói. Hai bàn tay tôi sưng sần, thiệt ngu. Ai biểu mà mày cuốc cho cố mạng? Nhưng tôi là hạng người háo thắng đáng ghét. Cái gì cũng muốn cho thiên hạ biết mặt thì tôi mới hả lòng, hả dạ. Bởi vậy, hồi cấp 2, cấp 3, lần nào lao động không cần bầu, tôi cũng…cho tôi hạng quá trời nhứt! Kết quả tiếng tăm như thế còn mình mẩy thì trầy trụa, tay chân lác lúa vì chuyện ăn thua!
Giờ to đầu hơn, tôi cũng hiếu động, hiếu chiến, hiếu thắng. Chậc! Mai, tau sẽ trả thù cái lão Tr và T lác dám nện bà mấy cục đất. Chơi đất với bà, bây chỉ có nước thua sớm. Bà nổi cơn điên lên hả? Bà mà lỗ máu đầu thì bây cũng xịt máu mũi, đui mẹ một con mắt rưỡi để lại nửa con cho bây thấy đường ăn củ cải.
“Bộ chỉ huy đầu sỏ” đang họp trong văn phòng khoa.
Tôi ngồi trên đám đất nóng như điên mà trù ẻo cho cái văn phòng khoa sập, ai biểu đày đọa lũ tui chi.
– Mơ màng gì?
Một cục đất bay tới, tôi chụp cái “rụp”. Cha chả cũng của lão T lác. “Đỡ nè!”. Tôi chơi nguyên rổ cho lão lé luôn. Trong văn phòng khoa, mấy cái đầu ló ra cửa sổ, cười! Hết nói nổi.
– Con này quậy dữ mày!
K chống cuốc nhìn, lắc đầu.
– Hì hì! Tự lão tìm cái chết. Nè, lão T kia, chơi nữa không?
Đông gườm tôi:
– Con gái gì như bợm!
– Á!
Tôi “dớt” cho hắn một cục đất, hắn nhảy dựng, im re. Sợ chưa con, vận động viên ném tạ đó con. Toàn thắng, mình mẩy đất cát tùm lum. Cả tổ nghỉ sớm.
Buổi chiều, cái giếng trước khu B tập thể nữ đông đen. Bao nhiêu cái gàu bị giếng “đớp” trọn. Đồ lũ chèo bẻo, xách nước mà cũng để tuột gầu, lấy chồng chắc để tuột chồng chẳng chơi. Chờ múc cho được xô nước, tôi cùng Kh xách ỳ à, ỳ ạch ra chỗ tắm gần đường cái. Không hiểu đứa nào ngu mà cho xây cái nhà tắm như vậy. Nhắm mắt, nhắm mũi, tôi xối cái ào, một nửa nước thấm vào bộ đồ, một nửa lọt xuống da đi ra ngoài. Có lần Ch thấy được, nó la làng:
– Không cởi đồ ra tắm hả? Kinh rứa.
Tôi…quạt:
– Rứa cái chi, kệ tau, để vậy cho ấm. Kinh ông nội mày. Xí!
Mùi xà bông Dove thơm ngút ngàn lau sậy luôn. Tôi hít một hơi rồi vọt lẹ cho đứa khác vào. Chán chết cái cảnh cái gì cũng tập thể.
Lại đêm. Không đi đâu thì nằm dài viết vẽ. Thạch Sanh gảy đàn có công chúa tìm tới. Còn tôi, tôi gảy mãi chả con ma nào lại. Từ khi Thông học dự bị thi rớt về Tuy Hòa, tôi không còn có dịp nghe hắn móc classic nửa đêm. Thiệt quả buồn. Tay ê ẩm nhưng tôi cũng thả hồn với bài “Đôi bờ” nhớ hắn một phút như mặc niệm. Chao! Cả H, cả Kh, T Th… tôi cố nhắm mắt lại vớ đại một người mà đành chịu. “Tim không là đá sao băng giá. Lòng chẳng hững hờ sao vẫn xa!”.
“Tình chẳng cho không, chẳng biếu không, cho nên rồi chẳng chút động lòng. Người từ một cõi mênh mông đến. Ta bên Người năm tháng cũng buồn tênh!”.
Nhìn những dòng chữ, tôi không ghìm được tiếng thở dài: “Từ từ đọc, đừng có nhồi nhét quá, loạn cả óc lên, nhất là đừng có bướng” với cái địa chỉ “Thiết bị Giáp bát Hà Nội”. Cho hết vào hộc tủ vì nghe tiếng chân, chắc M về, tôi trùm mềm, ngủ.
Mượn được chiếc xe đạp của Th, tôi mừng húm. Bỏ vài củ khoai lang, vài cái bánh tráng, tôi làm “hiệp nữ giữa rừng sâu” cút ca, cút kít “vèo” tận Nam Tăng thăm lũ bạn.
Cũng nơi này, năm thứ nhất, tôi có mặt: Cuốc đất, nhổ mì, phát tranh gai chích đầy tay. Ch mừng trước nhất rồi đến bọn con L, T, H, Th… cả mấy thằng khỉ “ba chai vào một hủ”. Dăm câu ba sợi, trời tối, tôi đạp tức tốc về kịp trả cái xe đúng giờ. Thấy tôi hổn hển, Th chọc:
– Thở dữ drậy, bồ rượt hả?
– Rượt con khỉ. Không có gã mắm nào theo kéo mình cho đỡ mỏi cẳng. Cám ơn nhen, cô nương, kiếp sau, tại hạ xin đền đáp.
Th cười một tràng dài tha hồ chửi với rủa.
Trả xe cho nó xong, tôi cò cò theo đường Nguyễn Huệ về trường không cho nó “Đưa em về dưới mưa”. Có lần tôi và Ph cãi nhau về tác giả. Nó bảo của Phạm Duy. Tôi nói: “Phạm cái đầu mày”. Thơ, nhạc lẫn lộn làm tôi chẳng nhớ. Mà người đời thiệt ghét. Ca cho đã đời mà chả biết tác giả là ai. Tội nghiệp cho mấy thằng cha tác giả. Rốt cuộc, tôi tìm ra bài “Em hiền như Masoeur” là của Nguyễn Tất Nhiên mà Phạm Duy phổ nhạc “ăn gian” bớt. Hồi nhỏ, tôi nghe ông anh rễ tôi ca rù rì cái gì mà:
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng xanh xao…
Hai năm tình lận đận
Hai đứa cùng hư hao…
Tôi thuộc bài không nhanh bằng thuộc nhạc nên nhớ hoài cái bài “Hai năm tình lận đận” cũng của Nguyễn Tất Nhiên.
Đọc những bài thơ tình của mấy nhà thơ nổi đình, nổi đám, tôi đã dám cam đoan: “Thơ tau không dưới hơn lũ bây” rồi “tự thưởng” cho mình củ khoai lang. Gớm! Bụp! Trời ơi đá mẹ cẳng cò vào bực thềm cổng! Đau quá!
Tháng 9-1985