– Con thấy chưa? Em không làm được cái gì thì nó cũng không khóc vòi.
– Vòi là gì mẹ?
– Là làm nũng.
– Làm nũng là gì?
– Trời à! Nhõng nhẽo đó. Tức là bắt mẹ phải làm cái này cái kia.
– Người ta đông quá kìa mẹ. Đi xin kẹo, mẹ.
– Ừ.
Người mẹ tạm gác lại nỗi lo âu. Em vấp bậc thềm, ngã sấp. Mẹ không đỡ. Mẹ kêu em đứng dậy. Nó chống hai tay dưới đất làm dơ cái costume công chúa mà ba mới mua, sáng lóng lánh đầy kim tuyến. Mẹ cười bằng ánh mắt nhìn con. Chị vẫn vậy, rất bình tâm khi con ngã nhào từ thuở chập chững cho đến khi lớn. Có lần em ngã vấp cả răng chảy máu mà mẹ vẫn ngồi đó nhìn em. Ba nghe chuyện giận mẹ và nói rằng mẹ ác. Mẹ lùng bùng trong miệng: ”Ác gì mà ác! Con tự ngã thì tự đứng lên. Tập cho nó cái tính kiên cường một chút. Mai mốt không có mẹ một bên, con ngã, lấy ai đỡ nó? Răng non dập thì chảy máu thôi. Đừng cho nó thấy máu là sợ. Hồi xưa, má dạy em đó mà. Không kiên cường mà chịu đời… cho anh mấy đứa con ở xứ hiếm người mẹ nào chịu cho con bú sữa mẹ vì sợ hư vú?. Không ‘ác’ thì con anh bây giờ èo uột lớn bi nhiêu đó?”. Rồi ba cũng chào thua mẹ. Mẹ cái gì cũng lý luận đóng cọc, đóng đinh không cãi vào đâu được. Mấy đứa con là bằng chứng chính xác nhất những gì mẹ lùng bùng với ba. Nhưng có cái gì mà hoàn hảo? Ấy là vì mẹ không thể dạy chúng học tiếng Việt giỏi như con nít ở quê hương. Mẹ buồn nát ruột.
– Trick- Or -Treatinh!
– Happy Halloween!
– Thank you.
Âm thanh ”trick-or-treating” như điệp khúc của ngày hội được chuyền từ đầu này tới đầu kia làm chị quên mất mọi thứ. Ngày vui nhất của con ngoài ngày sinh nhật thì dù bận cỡ nào, có lắm mối lo đến đâu, cha mẹ cũng phải cho con một ngày này nguyên vẹn. Những nụ cười của con đã tô điểm nét đẹp thêm cho khu phố. Những ánh mắt trẻ thơ chớp lên khiến người ta nghĩ về hai chữ hòa bình. Halloween ở Mỹ nói chung và nhất là ở phố Lisle bé nhỏ này, sau sự kiện 9/11/2001, lũ nhỏ xin kẹo đã vắng tanh trên đường phố và các trung tâm thương mại lớn nhỏ. Đêm 31/10 năm kế đó, nhà nào cũng cẩn thận với những mặt nạ ma quỷ không biết lành dữ thế nào và trẻ em năm ấy buồn hiu vì cha mẹ không dám xa con nửa bước. Tang tóc đã bao trùm lên nước Mỹ và làm niềm vui trẻ thơ cũng chìm vào với những tư tưởng giết người không cần đối tượng! Khủng khiếp quá! Người mẹ bất giác xiết chặt con gái nhỏ bé trong tay như sợ nó vuột ra khỏi tầm với của mẹ. Sẽ là đau đớn lắm nếu ngày ấy xảy ra như một ngày 9/11. Con bé lại trườn khỏi lòng mẹ. Nó quen tuột xuống đất và thích thú dẫm từng bước trên đường. Người mẹ thở hắt ra…
Ba mẹ con dắt nhau đi chung quanh khu phố nhỏ. Bên kia đường, xe cộ nối đuôi nhau chạy về phía ngoại ô. Đi làm có. Chở con xin kẹo có. Hết một loạt đèn đỏ, xe ngừng cho người đi đường là loạt đèn xanh cho người đi bộ. Xe cộ có đến đèn mình chạy cũng phải hiền lành, nhẫn nại chờ cho người đi bộ băng qua đường. Thậm chí, họ còn hất tay ra dấu cho đi. Thế là người đi bộ tha hồ… vọt. Em chạy lủng đủng theo mẹ và chị. Em xách cái giỏ nhựa màu cam – màu Halloween có cái mặt cười nhe răng. Quên cả lạnh. Quên cả đói. Quên hết những gì phiền toái trong ngày. Lũ con nít nhà ai cũng đủ màu sắc trong những lớp costume. Mặt xanh lè có. Mặt trắng chách có. Mặt đỏ lòm có. Tóc màu chi cool nhất, hung hăng nhất cũng đổ ra đầy đường. Em chợt hét lên khi thấy một mặt nạ tự nhiên bắn vọt máu tươi! Mẹ vội bồng em, ôm vào lòng, nhỏ nhẹ:
– Chỉ là chiếc mặt nạ giả thôi con. Đừng sợ con gái! Có mẹ nè.
Em lại chùi khỏi tay mẹ.
– Trick- Or -Treating.
– Happy Halloween!
– Thank you.
Mẹ mỉm cười sung sướng khi thấy em cám ơn người cho kẹo. Mẹ hôn em như để ban thưởng cho con. Con bé lớn dắt tay em xếp hàng chờ đợi. Không có cảnh chen lấn hay xô đẩy trong hàng. Thế giới đầy sắc màu, đầy biến hình trong ngày ma quỷ sao mà dễ thương!
– Take one for you.
Mẹ không cần nhắc em. Em biết một là gì. Em nhìn bạn. Thằng bé nhón tay lấy một. Em cũng thế. Những người đi sau cũng thế. Ồn ào mà thứ tự. Nơi khác.
– Take two for you.
– No, only one.
Em trả lại một cái. Người cho kẹo cười:
– Two for you.
– No, one.
Người cho kẹo lắc đầu. Mọi người ồ cười theo. Em đâu cần lấy nhiều. Em chỉ muốn được theo mẹ ra đường, gặp người, vui với bạn trong ngày này đó mà! Người mẹ bế con lên:
– Con giỏi quá! Mẹ thương.
Họ đi qua hết một vòng thành phố. Mặt đứa nào cũng ửng đỏ vì lạnh. Môi đánh lập cập mà chúng vẫn cứ đòi đi nữa. Năm nay, ngày Halloween lạnh sớm quá nhưng nắng đã làm cái lạnh như chửng lại một ít đủ cho lũ con nít dạo dưới nắng trong hai tiếng rưỡi đồng hồ. Đường ngập xe, ngập người, ngập tiếng cười và ngập nắng. Phố như co cụm lại để ôm trọn những con người bé nhỏ đang tràn trên đường. Cây đang trút hết những đợt lá cuối cùng của thu tàn cho đông lại. Mùa thu tạm biệt người đi…
Năm giờ chiều, phố nhỏ không còn bóng trẻ. Khu ngoại ô bắt đầu có ánh đèn. Đó cũng là lúc những đứa nhỏ từ khu phố vừa xin kẹo hối hả chạy về nhà mình để tiếp nhận thêm hoặc ban phát kẹo ra cho trẻ khác trong hai tiếng đồng hồ. Trời hâm hấp tối. Mảnh trăng treo lơ lửng khuyết giữa trời soi vào những căn nhà ma đang phát ra những tiếng hú hu, kèn kẹt, khà khà… Đấy là những âm thanh ma quỷ không thể thiếu trong ngày Halloween. Ngày này, ma quỷ hay về đòi ăn và phá phách. Người ta trang trí cho nhà mình càng gớm ghê, gớm giếc càng tốt vì ma qủy sẽ bỏ đi. Những bộ xương người được dựng lên tự động, những con ma le xanh dờn hay trắch chách với hai con mắt chỉ có hố sâu hun hút làm… đứng tim không biết bao nhiêu người yếu bóng vía! Những chiếc giỏ đựng kẹo đã nặng trên đôi tay của lũ trẻ thì cũng là lúc tám giờ rưỡi đêm. Halloween, ngày hội của những oan hồn – ngày Tết của trẻ em, ngày hội hóa trang rực rỡ nhất của Mỹ cũng vẫy tay tạm biệt các bạn nhỏ…
Ngoài thềm nhà em, chiếc đèn lồng bằng trái pumkin (đèn Jack-ó-lantern) cũng lụn nến! Mặt hình ma mà cô chị đã khoét mắt mũi miệng nôm vui mắt cũng chìm vào đêm. Chuông “kính koong” thôi không làm nhức óc. Rỗ kẹo vẫn còn một nửa. Năm nay lạnh sớm nên chẳng cha mẹ nào dám để con đi trong lạnh buốt và thế là kẹo cũng ế nhề, ế nhịt. Mua kẹo về phát mà không người đến nhận thì kẻ phát buồn như mất cái gì!
– Âm hồn họ đi hết rồi đấy!
Mẹ buột miệng.
– Âm hồn là ai mẹ?
Mẹ nhìn cô con gái lớn sáu tuổi một chập khiến nó ngơ ngác. Người mẹ đang kiếm từ ngữ dễ hiểu nhất để cắt nghĩa cho con:
– Là những người khi họ chết, mình không thấy họ. Ví dụ như mẹ chết đi. Chôn xuống đất rồi, con không thấy được mẹ như mẹ đã không thấy được bà ngoại của con, như bố không thấy ông nội của con.
– Khi nào mẹ… chết?
– Ơ??
Người mẹ chưng hửng. Câu hỏi của con làm chị… thót cả người. Ừ phải! Cũng sẽ có ngày ấy. Người mẹ chép miệng:
– Khi nào trời gọi thì đi!
– Đi đâu mẹ?
Chị lại nhìn con. Nếu mà cứ nói thì con bé cứ hỏi mãi tới sáng. Chị nói mà như không muốn cho mình nghe luôn:
– Đi theo… ông bà nội ngoại.
Con bé thôi hỏi. Nó chuẩn bị bài cho ngày mai tám tiếng trên trường. Nó biết rằng những giỏ kẹo này, mẹ sẽ mang về Việt Nam cho mấy chị bên đó. Mẹ hay nói đùa với lũ cháu: ”Mấy con ăn kẹo này là kẹo té lên, té xuống, lạnh chết cha luôn của mấy em với cô đó nhen. Đứa nào chê ít, tao… đỡ lạnh, em… đỡ té lần tới. Hừ. Của một đồng, công một lượng, đó con!”. Mấy chị nghe mẹ nói, vừa buồn cười vừa cảm động nên… ăn hết trọi!
Em ngủ gục hồi nãy giờ trong tay mẹ. Trong giấc mơ không biết nó có thấy gì trong ngày này nhưng tiếng nó thở khi ngủ đều đều, vô tư ngày nào cũng như ngày nào để rồi khi một ngày không xa nữa, tiếng thở đều đều kia sẽ không êm đềm trong đêm thâu. Người mẹ nhìn con. Chị mong rằng những gì bất hạnh có thể xảy ra xin hãy đánh rớt vào chị để giấc ngủ trẻ thơ mai kia không còn mẹ thì vẫn vô tư như một thuở nào có mẹ.
Tết Trung thu ở quê hương đã thay bằng cái Tết Halloween xứ người. Vượt qua hết những hàng rào, vật cản thì những gì có thể mang đến cho con trẻ vui hồn nhiên với giấc ngủ bình yên là Tết của em.
Ba mệt mỏi với công việc sinh tồn hằng ngày nên tranh thủ ”chặt hẻo” cùng lũ cháu ở phòng bên vào ngày lễ lọc. Em vẫn ngủ ngon lành trong đôi tay ấm của mẹ. Ngoài kia, nơi nào đó, có những đứa trẻ tự ôm lấy chính mình trong đêm tối. Một giọt nước rớt xuống mặt con làm nó giật mình. Giọt nước làm nhòe dòng suy nghĩ của người mẹ. Hình như đó là giọt mưa lòng trong đêm Tết Halloween./.
Tháng 10/31/06 Halloween
Ngọc Thiên Hoa