Site icon Ngọc Thiên Hoa

Cuộc chiến chưa kết thúc

Truyện ngắn Cuộc chiến chưa kết thúcGã quản giáo nhìn chầm chập vào người phụ nữ đang làm thủ tục thăm chồng cải tạo. Gã thầm khen ngụy quân thằng nào cũng có vợ đẹp. Gã nói khéo:

– Muốn chồng về sớm thì bảo cho tôi biết nhá.

– Tôi không hiểu?

– Chậm tiêu thế!

Gã ghé sát chị:

– Muốn chồng về sớm hay muộn? Nghĩa là cô cần… biết điều!

– Thật tình, tôi không có tiền. Nhà cửa, tiền bạc mấy ông tịch thu, đổi hết, lấy đâu mà…

– Chật! Chật!

Gã chắt lưỡi, ém tiếng trong họng:

– Cán bộ thèm chi tiền bạc của cô. Cán bộ thèm… cô!

Chị lắc đầu. Gã nhếch mép:

– Tùy!

Gã chỉ cho người phụ nữ đang tái mét mặt mày thấy những xác tù chết.

– Kết quả là đó!

Chị hết hồn, chờn vờn như muốn té sấp. Gã bồi thêm một cú:

– Ở tù thì chẳng sướng, cô biết đấy. Có thể mất mạng lúc nào với nhiều lý do. Cô thăm chồng cô đi. Nếu muốn chồng cô không mất cái mạng vì những rủi ro hoặc được chiếu cố thì cô quay lại gặp tôi. Tôi chẳng ép… dân.

Nói xong, gã hất hàm. Lính của hắn ra hiệu cho chị đi theo hắn.

Trại I dành cho cấp bậc đại uý đến đại tá. Cấp bậc càng cao, ”nợ máu càng nhiều” thì cải tạo “mút mùa lệ thủy”. Gã bộ đội dẫn chị vào một lán, xướng:

– N T V!

Chị chẳng thể nào nhận ra anh. Người xuất hiện trước mặt chị không phải là một người khỏe mạnh mà là một bộ xương chỉ có hai con mắt biết cử động. Chị nghẹn ngào:

– Anh!

– Anh không sao. Mẹ có khỏe không?

Giọng anh run vì đói, vì bệnh. Anh không dám hớ ra một cử chỉ âu yếm nào dù là chùi nước mắt cho vợ. Tù cải tạo mới hai năm đã dư sức ủi láng tình cảm của anh.

– Đừng nên thăm anh. Cực lắm. Đồ ăn gởi vào chẳng ai hưởng được nguyên vẹn.

Anh nói hai câu sau thật nhỏ vì sợ gã canh tù nghe. Trực ban báo:

– Hết giờ thăm nuôi.

Chị níu tay chồng, cố nhìn lấy những giây phút cuối cùng trước khi chị quyết định đi gặp gã cán bộ. Anh lùi lũi theo gã canh tù mà thương người vợ mới cưới chỉ mấy tháng. Anh quay đầu nhìn lại vợ, gã canh tù thúc cây súng sau lưng:

– Đi! Nhìn cái gì?

Anh rít trong cổ:

– Nhìn vợ?

Gã canh tù nghe anh trả treo. Tối đến, anh sém chút bị hắn cho ăn báng súng. Hắn đang làm tội anh thì có người rỉ tai. Gã thả anh ra:

– May phước cho mày.

Anh tối tăm mặt mũi, chẳng hiểu gì thế nào là may phước. Ngoài kia, tiếng súng bắn dòn. Thêm hai người tù trốn trại bị bắn bỏ.

Đêm ở trại Kỳ Sơn – An Điền. Gã cán bộ tiếp người vợ tù. Gió Quảng Nam khô khan khiến máy quạt chạy rào rào ngăn bớt tiếng cởi quần áo thô bạo:

– Cô… quả đẹp!

Hắn lau láu nhìn bên trong thân thể vợ kẻ thất trận đang cuộn lại những căm hờn và cố níu lấy cái phao bập bềnh đang ngã giá trên gường để cứu mạng chồng. Gã bày ra… trước mặt một cách sỗ sàng khiến chị muốn… ói. Chị thấy những xác chết trong tù vì đói, bệnh, vượt ngục, chống đối và lao động quá sức cho những ”công trình cầu treo An Điền, đập Hồ Đài, đường Trường Sơn 3…”. Đã đời, gã đẩy chị qua một bên:

– Phòng cạnh có người chờ cô!

Người đàn bà bật dậy. Chị nhìn hắn bằng ánh mắt dữ tợn, gằn giọng:

– Tôi không làm đĩ!

Gã ngạc nhiên rồi hạ giọng:

– Thì thôi!

– Hãy giữ lời. Nếu không…

Gã nhún vai. Trong ánh mắt của gã, chị thấy được hai chữ e dè dán lên tròng đen hun hút tham vọng chiếm đoạt và danh lợi.

*

Năm 1978. Đội công an thay bộ đội quân khu V. Những người tù cũng “đủ lý do để chết” . Người có tên V được đưa qua chỗ “cải tạo tốt” ngày hôm sau năm 1977. Chiến tranh Việt Nam – Campuchia bắt đầu.Củ mì, củ lang, củ chuối thay cho cơm trắng, cá tươi. Những đợt đổi tiền đã làm phá sản thành phần buôn bán và đẩy gia đình trung bình, sĩ quan nguỵ xuống hạng bần cố nông. Tình hình chiến sự căng thẳng khiến cho người thăm không gặp thân nhân. Những trại giam tù chính trị chật ních người nay nhận thêm những tù nhân vượt biển.

*

Năm 1982, người vợ đón chồng trở về trước thời hạn trong một căn nhà ngói mốc. Căn nhà lầu xinh xắn trong thành phố đã về tay một cán bộ công an. Chị rụng rời khi thấy anh bò xuống xe! Anh sửng sốt khi đứa con gái bốn tuổi kêu mẹ anh bằng “bà nội”. Anh có con ư? Có hồi nào mà anh chẳng rõ? Anh không hỏi chị một lời. Trong một ngày chịu không nổi những ám ảnh vợ anh và thằng chó má nào đấy vật vựa trên gường, anh ra đi…

*

Phan Thiết.

Những người ăn xin lê lết chung quanh những quán cơm, quán trái cây hai bên đường Quốc lộ1. Năm tháng qua đi, những người cải tạo đã lần lượt lên máy bay theo diện HO về nơi thiên đường còn những người ăn xin thì chẳng có cuộc sống khá hơn ở miền địa ngục khi sống bằng những đồng tiền bố thí. Bà bán trái cây giải thích với khách tò mò:

– Thương binh cộng sản được hưởng chế độ đãi ngộ. Thương binh cộng hòa hưởng chế độ… ăn xin. Thương binh tệ hơn là thương binh bị mìn cải tạo.

Chú xe thồ giở cái mũ kết cũ mèm phe phẩy bớt cái nóng, ngậm ngùi:

– Tôi đây cải tạo về nộp giấy cho chính quyền quên mất copy nên giờ chẳng giấy tờ gì lận lưng chứng nhận cải tạo. Thay chiếc xích lô bằng chiếc xe thồ cũng coi như… đổi đời!

Chuyến xe khách Hà Nội – Sài Gòn có một người con gái khoảng hai mươi lăm tuổi rất đẹp. Cô ta đang hỏi thăm những người cụt hai chân nói giọng miền Nam. Người bán chôm chôm giọng Huế trọ trẹ chỉ về những người thương phế binh bên kia:

– Nghe họ gọi nhau là anh hai, ba tư, năm chi đó. Ai mà cô quan tâm rứa?

– Ba cháu! Cháu muốn tìm ba về cho mẹ cháu. Bà nội cháu mới qua đời. Cháu chẳng hiểu vì sao ba cháu bỏ đi không nói gì hết. Có phải vì ba cháu mặc cảm đôi chân?

– Mặc cảm ri?

– Ba cháu bị mìn trong khu cải tạo rừng ở Quảng Nam.

– Tội hỉ? Răng mà ba cháu cũng kỳ quá! Bỏ vợ con mà đi không nói tiếng nào! Cháu nhớ mặt không?

– Dạ không! Mẹ cháu nói sau lưng ba cháu có cái bớt đen. Ba cháu hát hay lắm.

– Ô! Khi nào bác tìm ra, bác chỉ cho. Ở đây, ai ăn xin cũng hát hay cả.

– Cám ơn bác. Ba cháu biết đàn. Cháu chào.

*

Bà bán chôm chôm nghe tiếng hát. Người cụt chân xuất hiện với cái nón lá rách tả tơi và một cây đàn. Bà vụt đứng dậy kêu cô gái thì chiếc xe đã chạy. Bà quay lại nói với người cụt chân:

– Chú tên V phải không? Con gái chú tìm chú đó.

Người cụt chân thoáng biến sắc, rồi hắn thê thảm, lạnh lùng:

– Tôi không có gia đình, chẳng con cái!

Bà bán chôm chôm nghe nói mà tức! Bà khèo một đứa trẻ bán nước lại, nói nhỏ. Thằng bé sáp đến bên người cụt chân. Nó giả đò trợt chân rồi nhanh tay giở lưng hắn ra. Nó nhìn bà, gật đầu. Bà cho nó hai chục ngàn tức khắc. Hôm nay, bà thấy vui.

*

Sài Gòn năm 2006 bóng bẫy những sắc màu. Cô gái theo một người đàn ông đi cùng chuyến xe vào khách sạn sang trọng. Cô kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ mấy năm nay. Mẹ không còn sức gánh chè đi bán nuôi con đi học, nuôi mẹ chồng già. Năm 2002, con bé học ra trường thì mẹ ung thư dạ dày. Cô chạy vạy vào đâu cho mẹ hóa rị, xạ trị? Sài Gòn thiếu gì chuyện làm nhưng làm sao mới có đủ số tiền lớn? Có người làm mai cho cô một người đàn ông nghe nói cũng hào phóng. Ngày người mẹ nhập viện chợ Rẫy là ngày con gái bà có người đàn ông lớn tuổi mang xe tới rước đi.

Nằm trên gường bệnh, chị sực nghĩ ra và biết không ngăn được con như cách 28 năm về trước. Chị không thể nói điều này cho chồng. Chị hy vọng rằng một ngày nào đó, anh sẽ hiểu cho chị. Thà cứ để cho con gái có một người cha cụt chân hơn làm con một người cán bộ cao cấp mà phẩm chất thấp hèn. Nhưng người sĩ quan cộng hòa cụt chân kia lại là con người cố chấp. Anh chẳng hiểu chị, làm sao, anh có thể chấp nhận đứa con gái của kẻ thù? Đứa con hiếu thảo làm chị rứt lòng ra đi không được. Vậy là chị sống không bằng chết. Ngoài đường lê la kiếp hành khất, còn có một người cũng đang dở sống, dở chết. Một chiến trận âm thầm đã vạch ra mấy chục năm nay chẳng có một lời cảm thông.

Người trong trận vẫn níu lấy sự sống. Chỉ tội đứa con gái. Nó nằm cùng danh sách những hạng người đáng chửi rủa hơn là thương xót. Chị đã không bỏ cái bào thai oan nghiệt vì bà mẹ chồng:

– Đừng phá! Con nào cũng con!

Bà thông cảm cho người con dâu mới lấy chồng phải góa bụa. Thằng con bà học cải tạo chừng nào mới về để sinh với nhau một mụn con? Bà giữ riệt cái thai không ruột rà máu mủ như một việc làm từ thiện và đứa cháu gái này đã mang lại cho bà bao nhiêu niềm vui đến khi bà qua đời! Thằng con bà quả tệ. Nó anh hùng nơi đâu chớ thật hèn khi không dám đối đầu với nghịch cảnh.

Chị bỗng thèm một mái gia đình hạnh phúc đơn sơ biết là bao! Mái gia đình đơn sơ này làm sao có được khi bom đạn, tiền bạc, tham lam, chấp nhứt làm người ta căm thù, tù tội, tan rã hạnh phúc? “Ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Chị thông cảm vì sao người ta gói lòng hận thù đến hôm nay chưa dứt cũng như chồng chị cố chấp đến mức thà ăn xin chứ không về với vợ, không nhận tiền người anh em HO nước ngoài gởi về. Anh chấp nhận sống bằng đôi chân cụt nhưng anh ta không biết rằng anh đã nợ chị một mạng người, đã nợ người ở tấm lòng, đã nợ con gái kẻ thù cái công nuôi mẹ là bổn phận của anh.

Cuộc chiến đã tàn trên tấm thân tàn phế vì chiến tranh và cuộc tình đã tan trên tấm thân bị hoen uế vì cứu người? Không! Sau ba mươi mốt năm, cuộc chiến vẫn chưa kết thúc!./.

Tháng 12/23/06

Ngọc Thiên Hoa

Exit mobile version