Hôm nay, đến phiên tổ một vào trước nhưng tổ một đứng chẳng ngay hàng, còn giỡn. Tôi cho tổ bốn vào. Thế là tổ một la ó. Mặc. Tôi lạnh như cục đá:
– Tổ một xếp hàng không ngay thì tổ trưởng chịu đó nha.
Nhỏ Ninh, tổ trưởng, vội quay đầu lại nộ tổ viên:
– Xếp lẹ lên bọn mày!
Mười đứa bước ngang qua tôi, hết chín đứa háy tôi. Tôi gờm lại. Đến khi cô chủ nhiệm gần đến lớp, đằng sau có thêm bốn năm người, tôi mới giật nảy: “Chết cha rồi, bữa nay có dự giờ, cái bọn tổ một làm mất thì giờ quá.”
Chào cô giáo xong, cả lớp nghe cô giới thiệu:
– Hôm nay có các thầy cô ở Trường Cao Đẵng Sư Phạm Nha Trang về thực tập, dự giờ Toán lớp chúng ta.
Theo thông lệ, tất cả chúng tôi vỗ tay đồm độp mà bụng bắt đầu run run. Riêng tôi lo âu vì thế nào các thầy cô có tiết dự giờ sẽ không bao giờ tha cho các cán sự lớp. Tôi liếc xuống bài tập thật nhanh khi cô Liên làm thủ tục trên bàn, không quên đảo nhanh qua lý thuyết. Các thầy cô thực tập tìm chỗ ngồi đã xong.
– Xếp hết sách vở lại!
Cả lớp nín thở. Cô nêu câu hỏi, cho bài tập và sau đó gọi tên. Tôi vờ nhìn ra chỗ khác. Á! Một “thằng thầy” đang ngồi cùng bàn. Chưa kịp nghĩ bậy về hắn thì nghe tim rụng trong ngực.
– T. N. T. Kh…
Tôi rời khỏi chỗ, đưa vở cho cô rồi buông hai tay nhìn xuống lớp, tim đập bình bịch. Lệ thường, tôi nhìn vào bức tường vàng cuối lớp nhưng không hiểu sao lần này mắt tôi lại đảo xuống chỗ hắn. Tôi thoáng thấy hắn nhếch mép… Đúng là “thằng thầy” hôm qua đã đụng độ với tôi ở cổng trường. Chắc hắn mong mình hổng thuộc bài đây vì hôm đó mình không chịu gọi hắn là “thầy” như mấy đứa bạn.
Giọng cô Liên ôn tồn kéo tôi về với câu hỏi. Rồi đến bài tập dựng hình không gian dạng đơn giản. “Không khó đâu con, con ráng lên con. Ráng lên mày, không thì quê chết.” Cô gật đầu. Lần đầu tiên tôi nhận điểm mười chớ thường cô chỉ cho chín là hết. Có lẽ cô rộng rãi hôm nay vì có các thầy cô thực tập? Tôi ôm vở xuống không quên ném cho hắn một cái nhìn khinh khỉnh. Sau đó đến phiên cô giới thiệu bài mới. Lũ chúng tôi rất thích cô giáo chủ nhiệm kiêm dạy Toán của mình. Cô giảng hấp dẫn và rất dễ hiểu. Tôi quên phứt hắn đang ngồi cách tôi hai đứa bạn nhưng tôi biết tỏng hắn đang nhìn vở tôi. Hết giờ rồi mà hắn còn cố nhìn vào vở tôi? Gã này táo tợn! Còn cố coi thử chữ viết mình có giống gà bới không để ngạo! Bùm!…
Hôm nay đến phiên trực thể dục của tôi. Mỗi lớp trưởng trực một lần. Chạm mặt hắn tại văn phòng giáo viên, hắn mỉm cười. Tôi hứ thầm: “Cười lấy lòng hở? Còn lâu!”. Sau buổi học, trưởng ban văn nghệ các lớp phải ở lại họp. Tôi đang kiêm thêm chức đó phải ở lại gặp hắn lần nữa. Lần này, hắn nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Tôi lờ đi. Thầy Đương phổ biến chương trình văn nghệ cho đêm hai mươi, tháng mười một. Hai lớp chín gánh nặng hơn. Các giáo sinh thực tập được bổ về chủ nhiệm các lớp tám trở xuống nhưng hắn cũng nằm trong ban duyệt văn nghệ. Thế là tôi cứ phải đụng đầu hắn hoài! Thiệt ghét.
*
Đêm nay là đêm văn nghệ mừng các thầy cô và chia tay các giáo sinh. Một tháng rưỡi qua nhanh như chớp mắt. Lớp tôi có bốn tiết mục. Tôi có hết bốn. Tôi hát bài “Trường làng tôi”. Tôi hát cho hắn, hát hết mình: “Trường làng tôi không giây phút tôi quên, nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh…”. Hắn cũng biết hát và hát hay nữa là khác. Tôi biết, hắn đang nhìn theo từng cử chỉ của tôi trên sân khấu, từng động tác múa của tôi trong bài “Vòng hoa chiến thắng” với Sơn, Liễu, Nhung, Châu, Thu. Khi tôi nhận biết rằng tôi cũng bắt đầu thôi lạnh lùng với hắn thì hắn sẽ đi biền biệt… Cũng đêm nay, ai xin mà thầy Đương chia ca trực cho tôi và hắn giữa khuya. Tôi và hắn lại phải đối đầu trong một bối cảnh bất ngờ! Đêm đầy sao. Sân trường Diên Thạnh Khánh Hòa cũ cũng vắng lặng. Chỉ còn những bạn nhà xa ở lại ngủ trong lớp. Ngoài cổng cũng có một học sinh và một giáo sinh trực. Tự nhiên tôi thấy buồn ngủ. Hắn im lặng ngồi đàn. Hắn biết tôi thích nghe đàn dù tôi không nói là tôi thích. Tôi cũng không có điều kiện để đi học đàn. Không có tiền nên chỉ học mò mẫm. Thế thôi. Cũng may, tôi học luôn có phần thưởng vở, viết. Nếu không, chắc má tôi cũng không có tiền mua nổi. Ngày xưa, nhà tôi thuộc loại khá trong làng. Ba tôi làm ở Ty An Ninh Khánh Hòa nuôi đủ một gia đình mười một người. Khi ba tôi bị bắt, má tôi còn được đi làm ở sở quân cụ Nha Trang và hưởng chếđộ cô nhi quả phụ. Đến ngày thay đổi chế độ, nhà tôi đi xuống trầm trọng. Dòng họ ba tôi có cô hai giàu hay đi bán gạo. Chị tôi hỏi mua, bà luôn luôn nói “bán dùm”. Chị tôi tức lắm. Hồi ấy, tôi cũng chưa biết gì. Tôi chỉ thường hay nói chuyện với vườn cây nhà tôi. Giờ bỗng nhiên, tự đâu đưa đến một người lạ hoắc lại nhìn mình bằng cặp mắt không phải để khinh khi, để chế ngạo. Hắn gần giống như cây chôm chôm nhà tôi để tôi trèo lên thầm thì khi buồn bực đến sớm.
– Em còn quá bé để buồn mà!
Hắn thôi đàn, xua tan im lặng. Tôi khẽ cười. Hắn chỉ cho tôi những ngôi sao và giảng giải vì sao có chúng. Chúng “chết” và “sống” thế nào. Hắn là giáo viên vật lý. Hắn bảo tôi cũng giống như ngôi sao chỉ về đêm mới có! Tôi cãi: “Thế tại sao người ta gọi sao Mai?” Hắn phì cười mắng tôi “lém lỉnh” Giữa sân có hai cái lon. Hắn thách:
– Em quẳng trúng nó?
– Thử cái đã.
Tôi chọi một cục gạch. Cái lon kêu “ách” một tiếng, văng ra xa. Hắn đâu có biết tôi “trùm” quăng đất lộn hồi nhỏ và quăng xoài số… dzách?
– Em mà ném hoa kén chồng, chắc không trật!
Hắn trố mắt, đùa.
– Chưa biết vì hoa không giống gạch và chồng không phải… lon!
Hắn cười hiền lành. Mắt hắn thiệt đẹp. Hắn chẳng tán tôi mà tôi cũng chẳng cần phải làm duyên, làm dáng với hắn. Trời sắp sáng. Vậy là chúng tôi sắp sửa chia tay. Các giáo sinh bắt đầu thức dậy, sửa soạn rột rạt trong phòng. Hắn giơ tay ra. Tôi lắc đầu cười. Chúng tôi chia tay nhau chỉ vậy.
*
Trời hửng sáng. Tôi trốn trong phòng. Bọn lớp tôi đến chia tay khá đông. Hắn cố đưa mắt tìm tôi nhưng không có. Tôi nhìn hắn qua lỗ bé xí của cửa sổ. Khi họ đi hết rồi, Sơn đưa cho tôi cuốn sổ và một lá thư:
– Thầy Luyện gởi cho mày.
– Ừ.
Tôi để chúng trong học bàn đi rửa mặt. Khi tôi trở lại, chúng mất tiêu. Chẳng đứa nào chịu nhận đã lấy. Chỉ có bọn con gái thôi. Tôi biết đầu sỏ là con L. Con khỉ này hay cà khịa với tôi vì mất chức lớp trưởng bởi tôi nhiều phiếu hơn nó. Nó lớn từ lớp bảy. Nó biết mặc áo ngực từ năm lớp sáu kia! Chúng nó đang giành nhau đọc ở ngoài cầu tiêu. Buồn cười hết sức. Sơn đưa mắt nhìn tôi. Con bé thương tôi nhứt lớp, thường bênh tôi và thích múa cặp với tôi. Tôi cười: “Không sao! Không có gì đâu!?”. Rồi đúng là không có gì! Tôi không xuống còn hắn thì không lên. Tôi vẫn là một trong những học sinh giỏi của lớp. Tôi nhớ mãi hắn nói: “Em còn bé quá!”. Ừ! Bé quá nên phải đợi lớn hơn thôi. Tôi đem hắn vào nhật ký rồi đốt sạch. Chỉ có ánh mắt buồn trong sương đêm và tiếng đàn của hắn với những lời dặn dò của hắn là tôi không đốt được. Tôi cũng chắc rằng, giờ đây, ở phương nào đó hắn cũng sẽ có một thoáng nhớ về cô lớp trưởng hôm nào như ngôi sao chỉ nhấp nháy vào đêm. Còn được bao lần để nhớ như thế nữa? Tôi không biết vì hiện giờ tôi chỉ ở lứa tuổi mười lăm: Nửa buổi học, nửa lăn mình trên ruộng. Tôi muốn viết được thành nốt nhạc và cũng muốn trở thành nhà thiên văn học. Than ôi! Đó cũng chỉ là mơ ước mà thôi!
*
Ngày lại qua ngày…
– Mai đi củi nữa không?
Diệp hỏi.
– Mai chủ nhật hả?
– Trời đất! Mày nằm mơ chăng? Sáng đúng bốn giờ là xuống tao nhen. Nếu không tao đi trước à!
– Ừ!
Tôi hối hả dọn dẹp. Nhà không nuôi gà, nuôi heo vì má tôi không thích dơ, lại không sao chăm sóc cũng không thích ăn thịt chúng. Nhà chỉxây được một lò bánh mì đốt bằng củi. Anh tôi học thợ bánh mì và xây lò. Còn tôi thì thích leo núi hơn ở nhà chụm củi. Nóng, chịu không nổi.
Bốn giờ đêm, tôi đến nhà Diệp. Trăng đã lặn qua bên kia. Chúng tôi hì hục leo núi và thở hồng hộc.
– Chà! Bữa nay chơi cây bự dữ há. Coi chừng chặt trúng cây Sơn. Cây toàn mủ không, chụm khét nghẹt đa!
Diệp chọc.
– Há! Giỡn chơi! Cây Trâm thứ thiệt mà mậy. Đi ăn cơm. Bọn nó cũng đang nghỉ kìa.
Chúng tôi giở cơm ra. Mùi lá chuối thơm phức đói cào ruột. Cơm đã quyện lại, nhuyễn đến nỗi dao xắt mỗi lát y như bánh đúc. Hai đứa ăn cơm chấm muối ớt ngon thiệt ngon! Chúng tôi cố không uống nhiều nước sợ hết bất tử, uống nước suối có mà sốt rét. Chim chóc kêu não nuột. Nằm dài trên đám lá, tôi bỗng nhớ đến hắn. Ước sao bỗng đâu hắn chợt xuất hiện như hoàng tử trong cổ tích thì hay vô cùng!
Rầm! rầm! rầm… “Lũ khỉ đột về sớm, thông cây xuống núi ồn ào phá giấc mơ của người ta”. Tôi lầm bầm. Cả hai cùng vội vã xuống núi vì đứa nào to gan mà dám ở lại trong núi một mình! Tôi đẩy khúc củi tôi xuống.
– Coi chừng lọt xuống suối là đi tong một buổi đó!
Diệp nhắc chừng.
Người ta đốt rẫy khói mù mịt. Bỗng nghe “ình” một tiếng kinh hồn. Một trái mìn chiến tranh sót nữa lại nổ. Tôi không ngoái đầu lại. Tôi đang nghĩ về những ngôi sao chỉ lấp lánh về đêm./.
Tháng 11-1979
Ngọc Thiên Hoa
(“Mùa phượng cuối cùng”, Nxb Hội nhà văn – 2007)