Site icon Ngọc Thiên Hoa

Bàn tay không thể sinh sôi

Truyện ngắn Bàn tay không thể sinh sôiNgày xưa lâu lắm, có một con sông tên Đồng Đen nhưng bây giờ, nó chỉ bé như một cái bàu mà lũ con nít thường đến đấy câu cá hay tắm lội. Bên kia là cồn cát trồng toàn khoai mì. Một buổi chiều, trời vừa sâm sấp tối, những người thu hoạch mì đang nướng mì giữa đám khói mù mịt, hăng hắc mùi đất và thơm thơm mùi cháy của khoai. Một anh con trai như ba ngày nay, lấy vạt áo túm bốn củ mì nướng đem xuống chỗ bọn nhỏ ngồi câu cá phân phát và dành một củ vuông vức nhất cho một cô nhỏ tám tuổi quen trong lần anh gỡ dùm con diều giấy của cô mắc cạn trên ngọn tre:

– Đói bụng chưa? Tụi nhóc kia có phần hết rồi, khỏi cần nhường. Ăn đi kẻo chúng “giựt” của em. Mấy củ mì này là cuối cùng đó nghe.

Cô nhỏ cười. Cô nhìn vào bàn tay anh con trai. Hiểu ý, anh con trai lắc lắc mấy ngón tay thật tức cười:

– Anh nướng mì sợ nhựa chảy nên nhờ… chú kia giữ dùm.

Anh con trai hất mặt chỉ lên cồn cát có một người con trai khác giơ tay vẫy vẫy bằng lá khoai mì như làm chứng. Cô nhỏ đập cái cần câu dính bèo xuống nước:

– Để em cho anh chiếc khác nghe. Em mua nhiều lắm lận.

– Mua chi mà nhiều?

– Mua để dành khi nào bàn tay… đẻ nữa, em đeo.

Anh con trai trợn mắt rồi dùng hai ngón tay kéo mũi cô nhỏ, lắc đầu:

– Thiệt đúng là… con nít! Nhà em ở đâu?

Cô nhỏ dứ dứ cái cằm về căn nhà cuối xóm mà không nhận ra nét mặt anh con trai đổi sắc. Anh đưa mắt nhìn lên cồn cát như ước lượng có thể nói ra một điều gì với cô bé này không nhưng anh thấy người bạn anh trên cồn cát vẫn tươi cười, vẫy vẫy lá khoai, còn cô bé thì vô tư gặm củ khoai mì với cái mặt mày lem luốc vì khoai cháy. Anh nghẹn đắng trong cổ họng. Anh nhớ lại người bạn vẫy chiếc lá khoai mì trên cồn cát có kể cho anh nghe về một đêm tập kích vào căn nhà cuối xóm vào năm 1968 mà anh ta là người được đi theo như một kẻ “cảnh giới” cho người có nhiệm vụ “bắt người”. Anh cầm tay con bé khá lâu không nói một tiếng nào. Buổi chiều cũng chấm hết bằng mấy con cá rô giãy đành đạch trong giỏ lũ trẻ. Như mọi lần, cô nhỏ thả hết những con cá câu được trở lại chỗ chúng tự do bơi lội, nhìn theo chúng sung sướng nhảy lên đớp đớp cái gì trên mặt nước không rõ và lặn xuống bình yên, cô nhỏ mới chịu ra về. Mấy ngày sau, đám nhỏ không được ăn những củ khoai mì nướng khen khét đó nữa. Người con trai cũng biệt tăm…

*

Tối hôm đó, xóm lũ nhỏ đã xảy ra một chuyện thương tâm. Đám đông bu quanh bốn xác người. Có ai đó bảo: “Tối hôm qua, họ bị nhân dân tự vệ bắn chết”. Người khác lại nói khác: “Không phải bắn mà là trúng mìn”. Đêm hồi hôm là một đêm kinh hoàng cho cả xóm. Chó sủa dậy trời, dậy đất. Người lớn run cầm cập. Con nít chả biết gì nhưng thấy người lớn run thì chúng hớt hơ, hớt hãi theo. Máy bay “bà già” cứ rà ngang dãy núi Đồng Bò như người ta rà cá trên bàu và khẹt lửa sáng cả thôn. Đêm nào những trái “ngù đèn” mà chẳng “bụp” kèm theo tiếng “cuốc, cuốc, cuốc… bịch!” rớt đâu đấy làm nhảy dựng tim kẻ yếu bóng vía để sáng ra, bọn trẻ nhặt được vài ba chiếc dù trắng, sặc sụa mùi thuốc súng làm… kỷ niệm. Người lớn dùng chúng để may áo mặc như… áo tang. Phát sợ. Đêm nay, tiếng nổ “ầm” phát ra to vì gần quá. Nhà cửa rung lên tưởng chừng động đất đến nơi. Sáng ra: Bốn xác người đàn ông chỉ còn mỗi cái quần đùi trên những thân thể chẳng nguyên vẹn. Không ai nhìn nhận. Lũ con nít tò mò cũng đố mà dám tới gần nên chỉ thậm thò, thậm thụt nhìn ngơ ngác từ đàng xa. Cả làng như đưa đám tang lòng.

*

Sáng nay, lũ nít đứa nào cũng đến trường trễ. Ông thầy nổi tiếng “hung” nhất là thầy Thuận cũng không buồn nhấc ngọn roi tre. Buổi trưa, cô bác lại kể rành rọt hơn: “Hình như họ là VC từ núi Đồng Bò đi xuống bắt người lên núi bị nhân dân tự vệ phát hiện chạy vô hầm không kịp”. Sau ngày 30.4.1975, cô nhỏ mới biết cái làng Phước Thạnh của cô hồi ấy toàn hầm nuôi VC mà cô và lũ bạn đã từng chạy nhảy rầm rầm trên nóc hầm có khắp xóm, khắp làng. Họ còn nói thêm:

– Mìn của mấy ổng quăng ra nhưng không hiểu sao nhân dân tự vệ không chết mà mấy ổng chết? Lúc chôn xác, người ta thấy một người đàn ông ngón tay út có đeo một chiếc nhẫn nhựa, màu xanh.

Cô nhỏ… tưởng như có củ khoai mì mắc nghẹn trong cổ họng. Cô cắn ngón tay cái mình và nhận thấy cảm giác đau không giống nhau như khi anh con trai tốt bụng ấy đã nắm tay cô thật chặt chiều hôm kia. Chỗ bụi tre ấy đã thành chỗ miếu thờ “bốn ông”. Vài ngày sau, cô nhổ bụi mì trồng trong vườn, mang đi nướng và tới chỗ bụi tre không một đứa trẻ nào dám mon men lại gần, đặt gọn trên cái dĩa để sẵn. Không nói một lời, cô nhỏ quay đi như không tin có một sự thật đã xảy ra. Cô nhỏ không sợ ma. Chỗ nào có mồ mả, mỗi lần đi học, cô không bao giờ quên giơ cánh tay bé nhỏ vẫy vẫy… Còn bây giờ, cánh tay bé nhỏ kia không nhấc nổi lên vì cái miếu bốn ông kia có một người mà cô đã nợ mấy củ khoai mì. Cô đi ngang qua sông Đồng Đen, trèo lên cái cồn cát không một bóng người và trợt té xuống đất mấy lần. Nếu còn anh con trai đó, anh ấy sẽ chạy bay xuống mà cõng cô hay nắm tay kéo lên. Có lẽ xong mùa thu hoạch nên cồn cát được nghỉ? Cô lặng lẽ về nhà trước khi trời tối với chiếc bóng bé nhỏ cô đơn. “Khi nào muốn thả diều thì lên đây với anh nghen”, cô nhỏ đã gật đầu nhưng chưa bao giờ cùng anh thả con diều giấy trên cồn cát. Cái cồn cát vẫn để trống một thời gian còn con sông Đồng Đen một thời ấy không ai dám tới câu cá nữa. Ngày qua đi rồi đêm trở lại mang bầu không khí ảm đạm như chưa một ngày sáng sủa! Mặt trời cũng sáng đến, chiều đi. Mặt trăng một tháng ghé thăm một lần rồi cũng biến. Năm 1972 qua “mùa hè đỏ lửa” rồi cũng chấm dứt ở ngày 30 tháng 12.

*

Một buổi sáng thứ hai chào cờ tại trường tiểu học cộng đồng Phước Thạnh, năm 1974, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Th. cất giọng:“Trường tiểu học Cai Lậy, Tiền Giang bị pháo kích tối hôm qua, chúng ta hãy cùng nhau mặc niệm cho bạn bè …”. Cô nhỏ cúi đầu nhìn xuống bàn tay mình với những ngón xinh xinh, nhỏ bé nắm chặt vào tự lúc nào! Ba mươi hai năm sau, một trong những học sinh còn sống sót sau thảm sát đó tên Dương thị Ánh L, qua Mỹ năm 1999, diện con lai. Cuộc sống chị đã ổn định. Má chị vẫn khỏe mạnh. Chị ta có gia đình ấm cúng hạnh phúc với một gái, hai trai và chăm chỉ làm ăn như mọi người tha phương để lâu lâu có chút xíu đỉnh gởi về Việt Nam cho gia đình. Trong lớp học, ngày thứ hai hôm đó, cô nhỏ không thuộc một bài nào. Những củ khoai mì nướng và chiếc nhẫn nhựa màu xanh kia và những cái chết bạn bè hôm ấy như bóng ma ám ảnh trong cô về một cuộc đời như không có thật. Mỗi năm qua là mỗi chết chóc đến nỗi không ai biết mình sống được tới lúc nào! Vậy mà cái xóm cô, cây cối vẫn xanh um giữa những ngày nửa bên này, nửa bên kia. Hai vợ chồng bà ngỗng nhà trước vẫn rượt đuổi lũ nhỏ chạy trối chết và mo cau vẫn rụng trên đường làng đều đều như không màng đến chiến tranh, không ngán cảnh màn trời chiếu đất. Con người vẫn phải kiếm ăn. Họ gánh mớ cây trái trong vườn lên chợ Thành để đổi lấy gạo và cá mắm. Lũ nhỏ vẫn đến trường mọi ngày. Con trâu vẫn kéo cày trên đồng ruộng với người dân thôn dã tai đã quen tiếng súng và tay đã chai lỳ khổ cực.

*

Sau năm 1974 đó, cô nhỏ lên mười. Thời tuổi thơ trong chiến tranh, người ta hầu như không ai nhớ nổi ngày sinh nhật của mình. Tên tuổi những thanh niên cũng chẳng biết đâu là thật, đâu là giả! Thần chết chóc vẫn gõ cửa hết nhà này tới nhà khác. Một ngày nọ, bên Phủ – xóm bên kia cồn cát xảy ra một chuyện…

– Tối hôm qua, bác ba D bị… xử bắn. Hình như bác ấy là ác ôn gì đó.

Người ta lại kể: ”Người nhà ông ba D nhận thấy trên tay người đàn ông non non đó có đeo một chiếc nhẫn màu xanh. Cuộc xử bắn nhanh như chớp. Họ biến mất sau ba phút”. Cả làng Phủ lại một phen… lên óc! Cô nhỏ… rúng động. Cảm giác một người đeo chiếc nhẫn còn sống không là niềm vui trong cô mà trái lại, cô… hụt hẫng. Một hình ảnh cô đã vẽ cho anh con trai là một người rất dễ mến, biết yêu thương con người. Mỗi lần lũ nhỏ cầm ná ngắm bắn con chim, gặp anh, anh cản lại nhưng anh nhìn chúng bắn trộm xoài nhà hàng xóm mà cười nắc nẻ. Bàn tay anh chỉ thích hợp cầm viết như một lần, anh ngồi tỉ mỉ vẽ con diều có hai cái râu cho cô mà cô giãy nãy bắt phải bốn mới chịu. Cô chỉ thấy anh cầm mấy củ khoai mì nướng vừa nóng, vừa đùa, nhảy nhảy chân đất mới thật là anh. Con người vốn vô tư, thích sống tự do như những con cá rô mà cô thả xuống sông hay như cây lúa mọc trên đồng, vậy mà sao lại có thêm một kẻ lẫn vào nhóm người cắt đi mạng sống một người? Ngần tuổi ấy, cô không thể hiểu hơn nhưng cứ có một người chết thì cô lại ghét cái kẻ giết người. Giết con kiến cũng là tội lỗi sao giết người không là một tội ác? Suốt những tháng ngày sau đó, cô nhỏ từ lúc đi bộ bưng những thúng giá, bánh khoai mì nhưn dừa thơm phức mùi lá dứa ra chợ Phủ bán đến lúc được cưỡi xe đạp bỏ từng lít xì dầu cho những cái quán bên đường, cô vẫn thường ghé lại chỗ bà ba D mua dùm bà vài cái bánh tráng gạo về cho má, cho em. Căn nhà ngói của bà đã biến thành cái chòi tranh đủ một mình bà chui ra, chui vào nướng bánh tráng bán kiếm ăn qua ngày. Bà vẫn nhai trầu. Bả trầu bà phẹt ra đỏ lòm như ngày xưa nhưng cái ngày bà trở thành góa phụ thì bà không bao giờ nhắc tới. Rời khỏi cái chòi tranh ấy, bao giờ cô nhỏ cũng nghe rưng rưng… như chính mình bị miểng đạn chém trúng. Thời gian lặng lẽ đi qua trong tang tóc.

*

Trước ngày Nha Trang giải phóng, tháng 3 năm 1975, không khí di tản trên những đường phố đã hỗn loạn. Quân đội VNCH cùng dân chúng ùa chạy muốn tắt nghẽn con đường. Súng lớn nổ lớn. Súng nhỏ nổ nhỏ. Không ai còn dùng tai nghe ngóng để phân biệt súng nổ phát một là súng VC; súng nổ liên thanh là súng CH; súng nổ cà giựt, cà thụt là súng cướp giật. Đêm đêm, chị em cô phải chạy lên nhà bà bác cạnh để tránh đạn. Cái hầm tránh đạn thiệt tức cười: Chỉ là bộ ván ngủ! Phía dưới, họ chất bao cát nhà binh chung quanh. Lũ nhỏ được tống vào hết ở trong. Chỉ cần một trái đạn rớt trúng là đi đời cả lũ! Vậy mà lũ nhỏ vẫn cảm thấy đó là nơi an toàn duy nhất khi nghe đạn bắn liên tù tì bắt đầu từ trong núi bay ra. Những ngày sau đó nữa, trường Phước Thạnh có thêm một cái xác đàn ông không biết bị bắn lúc nào. Thêm một số gia đình mượn góc sân làm chỗ trọ. Cô nhỏ chẳng hiểu họ nói cái gì vì tiếng rất khó nghe. Bà cô nói: Họ từ ngoài Bắc vào. Mọi người xúm lại kẻ cho gạo, người cho củi. Sáng mai, cặp táp của cô cũng như nặng thêm vì một lon gạo má cho đem giúp kẻ khốn cùng. Xóm cô không có ai tham gia vụ “hôi của” nên không ai bị chết. Người lớn kể có nhiều người nhào vô khiêng gạo từ trong kho Quân tiếp vụ ở Diên Khánh, Nha Trang nên bị gạo đè gãy xương tới chết. Các tiệm vàng ở Thành bị cướp đập nát tan. Phố thị như thế nhưng nông thôn bình lặng hơn chẳng hiểu vì sao? Chiều đó, hai trái bom đã được máy bay thả xuống cách chỗ nhà ông ba D bị bắn chục thước, đào một… cái huyệt nhưng chưa có ai chết kịp để mà chôn! Người ta ngầm bảo nhau: “Ông ba D đã đẩy “vị khách” không ai dám mời ấy đi xa để cứu nhà ông và hàng xóm. Có lẽ, ông không muốn thấy có những đứa trẻ phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông có tội gì thì ông cũng đã trả hết cho đời rồi”. Người ta còn nói thêm: “Có một trái bom nữa cách dăm ba phút cũng lạc vào nghĩa địa” nhưng không có con ma nào phải chết hai lần. Hai trái bom ấy dùng để phá hai cây cầu: Một là cây “Cầu Mới” bắt qua sông Cái chảy về Nha Trang nối trục Quốc lộ Một từ Bắc vào Nam. Hai là cây “Cầu Dứa” nối Thành – Nha Trang và cũng nối Bắc – Nam qua đèo Rù Rì. May sao, một trái đi đằng đông; một trái đi đằng tây chỉ đủ chôn một cây dừa nhà cô năm L. Người ta còn ca tụng người phi công năm ấy đã làm một nghĩa cử có lương tâm: Thả bom lạc tọa độ. Hình như anh ta rất rành bản đồ Nha Trang – Diên Khánh. Chỉ cần nhích lên một chút, một trái sẽ san thành bình địa cả làng, biến cái nhà cuối xóm thành hố giếng và hai hố bom kia là hai cái huyệt chôn tập thể cả trăm người già, em bé và chẳng ai còn nhắc lại chuyện cổ tích ngày xưa có con sông Đồng Đen… Người ân nhân ấy bây giờ làm anh hùng nơi đâu? Hai trái bom đó đều rơi vào xã Diên An sau này được tuyên dương “đơn vị anh hùng” với rất nhiều anh hùng như Trần Thị Tính, Ngũ Hữu Tám, Trần Anh Hào, Trần Minh Ngọc, Thái Lợi… Người chủ tịch sau ngày giải phóng là bà Trần Thị M – một người hoạt động cách mạng chìm trong những căn hầm bí mật. Không hiểu sao bây giờ, bà hay đi thơ thẩn quanh xóm như muốn tìm lại, nhìn lại một thời kháng chiến. Người ta nói rằng bà ăn năn vì sau này bà biết chính bà đã bỏ chết đói, chết khát đứa em con cô cậu ruột mà bà hết sức thương yêu ngay khi cậu em này bị nhốt trong căn hầm của bà vào năm 1968.

*

Năm 1975, xóm làng Đông Dinh như nhộn nhịp hẳn lên vì có nhiều bộ đội từ miền Bắc vào sinh hoạt. Họ được phân công ở chung trong nhà dân. Không hiểu sao họ… chừa nhà cô nhỏ ra. Sau này, cô biết thêm vì nhà cô nhỏ là thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” còn nhà người ta là “có công cách mạng”. Cô mặc kệ, cứ hết giờ đi học là chạy qua nhà hàng xóm để nghe họ nói tiếng khó nghe mà thấy họ cũng hiền lành như mọi người trong xóm. Cứ giờ trưa, kẻng báo ăn gióng lên, bộ đội từ các nhà tập trung về căn nhà giàu trước nhà cô để ăn cơm tập thể. Họ ăn kỳ khôi, toàn đũa trở đầu. Cô nhỏ thắc mắc, họ cười hiền khô: “Giời ơi thế mà không biết à, cho hợp vệ sinh đấy!”. Bây giờ không có ai “hợp vệ sinh” nữa cả. Những người bộ đội ấy thường ca hát sau giờ học chính trị gì đó. Những giờ đó mới thu hút lũ nhóc. Họ hay ca cái bản gì mà “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi. Thề có sá chi đâu ngày trở về…” hay “Lá còn xanh như anh còn trẻ …”. Nhưng cô nhỏ không quên một việc. Cô sang nhà hàng xóm “không phải để tiễn người ra trận” mà để tò mò đi tìm một vết tích.

– Một vết chó cắn vào chân mà không biết là chân nào?

Mấy bà cô kể như vậy.

*

Buổi tối ngày 25 tháng 5 năm 1968. Có một tốp ba người đột nhập vào căn nhà cuối xóm. Đêm vui gia đình cũng là đêm tan nát hạnh phúc. Đêm “tống biệt” lạnh lùng, tàn nhẫn. Cánh cửa bị đập bung ra. Hai người canh ở ngoài. Một người có súng đi vào trong. Hắn không đọc bản án tử hình. Hắn lễ độ: “Mời ông H đi theo chúng tôi”. Người đàn ông không kịp nắm tay người vợ đang như bị trời lấy đi đôi chân để nói một câu từ biệt; không kịp ôm hai đứa con út một gái, một trai đang bi bô “ba ba” mà ông cưng muốn chết; không kịp nhìn lũ con mặt tái me tái mét run như những con trùn bị người ta đào trúng. Ông bị họng súng đẩy đi từ sau lưng. Hộp thuốc “trợ tim, hen xuyển” mà người vợ lạy lục xin đem cho chồng được người trẻ tuổi cầm lấy nhưng gã có súng hất đổ vãi ra thềm. Người được “mời” ra đi mỗi cái quần đùi xanh da trời vì bộ đồ “pyjama” ngủ cũng bắt lột ra. Người vợ liều mạng chạy theo chồng choàng chiếc áo sơ mi có năm hột nút áo cài giữa cổ mặc cho họng súng đen ngòm quay lại hất bà ngã xuống thềm. Năm góa bụa, bà mới bốn mươi tuổi. Cả nhà khóc không dám khóc. Con Tô Tô mắt đỏ ngầu bứt dây phóng cái “rật” xông vào đám người lạ mặt. Hình như có người bị nó cắn ở ống chân. Họ đã không bắn con chó. Một lát sau, con chó mới chạy về. Nó chui xuống gầm gường, bỏ ăn, ở mãi không ra tới tận chiều hôm sau. Chó sủa inh ỏi xóm trên rồi chuyền sang xóm dưới. Dân vệ bấy giờ mới chạy tới. Tất cả không còn ai là người lạ mặt. Cả làng hôm sau chảy nước mắt ngùi ngùi thương chú Tám chết oan”. Ngày sau, bác tổng T lên nhà chích thuốc cho người mẹ trẻ. Ông ta rầu rầu:

– Tui đã bảo nó mày đừng về nhà ban đêm nữa. Cách đó mấy hôm, có người rình hụt mày ở đoạn đường dưới bụi tre ông M này. Nó bảo em đâu có làm gì ác ôn đâu anh. Thím nghĩ coi, thời buổi bắt bớ lấy công, mấy ổng đâu có phân biệt ác hay không ác mà là thi hành hay không thi hành… Tui…

Cả nhà không ai muốn nghe cái gì nữa cả. Ngày hôm sau, một số người ở ty công an xác nhận: “Chắc có lẽ vì thằng ba T thù anh ấy chuyện bị anh ấy mắng lấy tiền người ta, gạt thả người nhưng không thả. Thằng này thù ảnh nên mật báo chớ không ai vô, đồ ăn cơm quốc gia, thờ ma…”. Những con ma này bây giờ chắc cũng không có cháo để mà hưởng hơi! Từ ngày ấy, căn nhà cuối xóm ở giữa hai lằn đạn “thoát ly” theo cách mạng hay “nghĩa tử quốc gia”. Không còn ai biết tin tức về những người bắt và bị bắt năm xưa nữa. Chao ôi! Đêm đêm, người mẹ trẻ nhìn về hướng núi Đồng Bò đọc những câu thơ cho người con gái thứ tám trong gia đình viết. Cuốn nhật ký hay thê thảm, cô nhỏ chỉ còn nhớ mỗi câu thơ đau xé lòng của má: “Ngó lên chót núi âm u. Ngó xuống hòn núi, vọng phu trông chồng”. Chưa một lần bà ghi một chữ “thù” vào trang nhật ký. Nhật ký của người chết chỉ để cho người chết đọc. Nhật ký của người còn sống, không thể cho ai đọc thì cũng nên… đi trước cuộc đời. Đốt hết đi. Đấy mới là nhật ký thật sự của một con người chân chính.

Cô nhỏ bốn tuổi đã mở to mắt nhìn mọi người không biết tại sao đêm nay, người ta khóc nhiều đến như vậy và bầu trời không có lấy một trái hỏa châu rơi. Im lặng đến lạnh lùng. Cô nhỏ không hiểu tại sao đêm nay, ba đã không ẳm nó úp vào ngực nằm trên võng mà ru: “Vân Tiên đầu đội kim khôi. Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô…”.

*

Mấy chục năm trôi qua, cứ nghe ai hát Vân Tiên là nước mắt cô ràn rụa. Dù là người của VNCH nhưng ba cô đã chết trong tay những người cộng sản như một người anh hùng. Chính vì vậy mà họ đã chôn cất rất kỹ lưỡng ba cô ba mươi hai năm về trước và ba mươi hai năm về sau họ lại là những người lặn lội đi tìm lại nấm mồ trên núi cao trao, trả lại cho những người con một người cha chỉ còn một bộ xương được gói rất kỹ trong một cái áo mưa màu xanh đi rừng của bộ đội thời đó như xác ướp Ai Cập. Khi người đào mộ giở cái áo mưa ra, ai cũng nhìn thấy: Một chiếc quần đùi màu xanh lá cây, trên cổ còn một chiếc áo sơ mi cột bằng năm nút áo và giữa bộ xương khô nguyên vẹn có một sợi dây dù trói lại vẫn còn. Tất cả thoáng chốc mất dạng vào không khí. Ngôi mộ như trong giấc mơ: Nó ở trên một ngọn núi rất thanh thản nhìn xuống cánh đồng Võ Kiện – Diên An và nhìn rất rõ về xóm vườn có căn nhà cuối bãi. Ngôi mộ đá ấm cúng trong nương chuối bên cạnh dòng suối với tảng đá to mà ông ấy đã kiệt sức vì đói khát vì bệnh và chết ở đấy năm 1968 ngay sau khi ông được “mời” đi có một ngày, một đêm. Chị y tá kể: Khi chị đi ngang qua, chị đã thấy ông sùi bọt mép. Chứng giật kinh phong này phải cần thuốc mà chị không có. Chị quả quyết ông H không vì bị đập đầu hay bị bắn mà chết vì bệnh và đói khát. Khi hỏi tại sao bắt ông thì người trong cuộc trả lời: Vì ông là người sĩ quan của VNCH không gây ra tội ác nào và rất được lòng bà con hàng xóm nên cấp trên muốn đưa ông đi theo mà thôi. Ngôi mộ ấy trước đây vẫn được sự săn sóc của một chủ rẫy. Người đàn ông tên Th ấy đã kể: Khi ông tới dọn cái rẫy này, ông đã thấy có nhiều ngôi mộ. Sau đó, thân nhân người chết đã bốc đi hết. Chỗ chôn này chỉ dành cho VC mà thôi. Ngôi mộ này đã ở lại với ông như ông đã khấn: “Thôi nếu có duyên thì hãy ở lại với vợ chồng chúng tôi có gì ăn nấy”. Ông nói rằng từ ấy vườn rẫy của ông bao giờ cũng trúng mùa. Những con thú cũng không phá phách rẫy vợ chồng ông như phá nát rẫy bao người khác. Bây giờ, mộ bốc đi rồi ông thấy buồn buồn. Nhìn những tảng đá chất xung quanh ngôi mộ đơn sơ mà ấm áp, người ta có thể đánh giá được tấm chân tình của một con người sống đối với con người đã chết mà không cần biết họ là ai. Xác lấy về sau khi nghiệm đúng: Khi còn sống, người bất hạnh có trồng một cái răng vàng. – Thiệt cám ơn chú! Chú đã chăm sóc mộ cho ba chúng cháu.

– Không gì đâu mấy cô, mấy chú! Người nào chết ở đây, tui cũng nhang khói đầy đủ mà.

Ngôi mộ cũ không ai quật lại lần nữa. Xác bốc đi đem về an táng vào cái huyệt được đào sẵn từ năm 1987 mà lúc còn sống bà đã ao ước “có bạn, có đôi” tại căn nhà cuối xóm. Bây giờ, nó là cái nhà “Từ đường họ Trần” ở xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chỗ ngôi mộ trên núi, anh chị em đã đồng ý thay bằng hai cây hoa mai tượng trưng hai vợ chồng mà lúc còn sống người ba, người má đã thích hoa mai, đã trồng hai cây mai trước sân nhà. Khi người cha ra đi, cây mai lớn của người cha héo úa rồi chết. Ba ngày sau, con Tô Tô yêu quý của người ra đi nhào xuống mương… tự sát. Mãi đến khi cầm được cây viết viết lên được chữ “Ba”’, chữ “Má”, cô mới cảm nhận sẽ là bất hạnh vô cùng khi một trong hai chữ đó đứng cô đơn! Còn vườn cây năm ấy, không hiểu sao lại tiêu điều như để tang tập thể.

*

– Em bé! Lại đây đi. Sao cứ đứng thập thò thế?

Lần thứ hai, cô nghe được giọng miền Bắc. Những ngữ “giời ơi, thế nà thế nào? Ối giời ơi!” lạ hoắc nghe rồi cũng quen tai. Người nào sao ngó bộ cũng dễ thương không giống những kẻ trong bóng tối những đêm năm trước ghê sợ? Cô nhỏ sà lại:

– Có chú nào bị… sẹo không?

– !!!

Như bị hỏi bất ngờ và ngớ ngẩn, mấy người bộ đội đớ ra rồi bật cười rộ. Nhìn thấy khuôn mặt tội nghiệp non nớt của cô, một người vẻ lớn tuổi trả lời:

– Cháu… thiệt con nít. Này nhé! Bộ đội chú nào cũng có sẹo cả. Đây nè, xem này…

Cô nhỏ tối tăm mặt mũi vì những sẹo dài, sẹo ngắn, sẹo lớn, sẹo bé dài, ngắn cứ ngoan ngoãn chạy qua trước mắt. Cô nhỏ dụi mắt, hỏi ngược lần nữa:

– Vậy vết nào vết… chó cắn?

– Hả??

Thôi chết, hết bộ đội cười rũ đến chủ nhà cũng rũ ra cười. Cô nhỏ ngớ người: Hỏi chó cắn thôi chớ có hỏi gì đâu mà người ta cười dữ, phát bực.

– Này em bé! Đi bộ đội đánh giặc thì bị đạn… cắn chớ đi ăn trộm đâu mà bị chó cắn.

Cô nhỏ cắn môi, run run:

– Vậy chớ chú nào biết một chú có đeo chiếc nhẫn nhựa, màu xanh?

Cô không nhận ra có một người đang cắn ngón tay mình, rồi anh ta cắn vào chiếc đũa. Câu hỏi như khói thuốc lá vòng vòng rồi tan ra trong mênh mông…

*

Tháng sau, những người bộ đội ấy ra đi. Người trong làng có những cô đã “phải lòng” nhau thì phải. Anh bộ đội đẹp trai nhất trong đám có cặp mắt đen lay láy quyến rũ não nùng đã yêu người con gái thứ tám của ông H, người đã chép nhật ký cho má vào những năm 68. Anh ta tặng cho chị hình như là một cuốn sổ tay với mấy dòng thương nhớ gì đó. Còn cô nhỏ có đọc bài thơ chị ấy viết cho anh ấy cũng đầy xao xuyến lắm: “Thương về anh trai hùng miền Bắc. Yêu mến anh vì cặp mắt nhung đen…”. Trong tình yêu, người ta không nghĩ gì hết. Chị ấy cũng không nghe ai bày phải thù những thằng bộ đội đã giết hại cha mày nhưng không hiểu sao tình yêu họ đã không đi vào đoạn kết? Những người bộ đội đó, họ đi đâu không rõ nhưng rõ nhất là sau 1975, căn nhà cuối xóm trở thành căn nhà chơ vơ, lạc lõng và nghèo khổ giữa một thôn xóm vốn nổi tiếng là khá giả với những khu vườn bạt ngàn cây trái xanh tươi, trù phú bốn mùa. Vết chó cắn và chiếc nhẫn nhựa màu xanh vẫn mãi còn là dấu chấm hỏi cho đến năm năm nữa.

Năm năm sau, cô nhỏ có thể hiểu ra: Bàn tay không thể sinh sôi. Chiếc nhẫn nhựa màu xanh mà cô đã tặng cho anh con trai nướng khoai mì như “có qua, có lại” ấy được đeo ở ngón tay giữa vừa vặn. Nó không thể chuyển ra ngón út trong vòng vài tháng từ cái mùa hè câu cá 1972. Người chết năm năm về trước không phải là anh ta. Nhưng còn chiếc nhẫn màu xanh xuất hiện trong đêm xử bắn? Cô hy vọng và mong mỏi rằng anh ấy thà cứ làm một kẻ can trường trên chiến trận chớ đừng là một tên chỉ điểm. Kẻ chỉ điểm không bao giờ trở thành anh hùng!

*

Năm 1980. Chị bưu điện quen thuộc đưa cho cô một lá thư lạ hoắc: “Em bé! Anh không phải là người có chiếc nhẫn nhựa, màu xanh nhưng anh biết người ấy. Tám năm trước, anh đã cùng anh ấy nướng khoai mì trên cồn cát cạnh con sông Đồng Đen nơi em thường ra đấy ngồi câu cá với bạn. Anh đã giữ chiếc nhẫn mà anh ấy đưa vì sợ chảy nhựa bởi lửa nóng. Anh đùa với chú H nên đeo vào tay chú. Dè đâu, tay chú to quá nên chỉ ngón út mới vừa. Tháo ra không được, chú H cười bảo: ‘Thôi, nó… chịu ở với tao rồi thì để yên đó đi, mày đi mua chiếc khác trả cho nó’. Tối hôm đó, chú đi không về. Người thanh niên năm 68 là anh chớ không phải anh ấy. Con chó không cắn ai cả. Nó chỉ chạy theo chủ nó mà không sủa nên không ai bắn nó. Con vật còn có nghĩa sao con người chẳng biết tình? Anh ấy đã mua ba chiếc nhẫn như em. Anh ấy đùa: Để khi nào bàn tay em đẻ nữa, đeo cho em. Hình như anh Kh có xin một chiếc. Khi em nói nhà em ở cuối xóm thì anh ấy biết người bị giải đi đêm 68 là ba em. Anh ấy nói với anh là cảm thấy rất thương tâm và không dám gặp em. Trong chiến tranh, người ta ở với thời đại nào phải sống hết mình vì thời đại đó. Ba em sau đó thế nào, anh không được rõ. Gặp lại em vào năm 75, anh đã nhận ra em là cô nhỏ tám, chín tuổi hôm nào. Anh ấy đi N năm 72 và… đã đi trước ngày 30.4.75. Sự thật không phải lúc nào cũng dễ nghe, dễ chấp nhận. Anh mới là người cảm thấy áy náy. Anh… xin lỗi…”. Những dòng chữ nhảy múa, nhạt nhòa trong nước mắt cô bé. Chẳng hiểu gì thêm vì sao anh ta mua ba chiếc nhẫn nhưng cô rất thanh thản vì người đàn ông tre trẻ trong đêm xử bắn không phải là anh ta, có lẽ là bạn anh ấy tên Kh. Anh ấy không phải là kẻ chỉ điểm. Chiếc nhẫn nhựa màu xanh hy vọng chỉ đem lại đen đủi cho số phận một con người. Anh ấy cũng đã từng đeo một chiếc? Cô nghĩ đến người phi công và hai trái bom lạc đường nhưng anh ta đã thành anh hùng ở đâu đó trên quê hương. Bàn tay không thể sinh sôi nhưng yêu thương và hận thù lại như sinh đôi. Mùa hè 1980, cô trở lại cồn cát nhìn con sông Đồng Đen vẫn còn đen lắm như một dạo nào. Bất giác, cô nắm tay mình khi nhìn về hướng núi Đồng Bò mà người ta đã trói ba cô mang đi mất tích và trong cái đêm mênh mông. Hình như cũng có một bàn tay vô hình đang giữ đôi tay nhỏ bé mồ côi của cô thật chặt.

*

2005.

Người thiếu phụ vừa đốt lá thư: “Anh à! Không cần biết anh bây giờ ở đâu, là ma hay là người thì anh vẫn là người con trai tốt bụng chưa bao giờ giết hại hay đánh động một con chim đang rỉa lông, rỉa cánh trên cành cây và đã cho em những củ khoai mì nướng ba mươi hai năm về trước. Dù bàn tay không thể sinh sôi nhưng chút chân tình ấy đã sinh sôi và người ta có thể giữ mãi khi sang bên kia thế giới. Bàn tay anh có thể đã vấy máu nhưng đó là chuyện của núi sông không ai tránh né khi buộc phải cột mình vào với bổn phận. Em tin rằng dù anh có là người từ một chiến tuyến này chống người chiến tuyến khác nhưng anh không phải là một tên chỉ điểm. Những người đã chết trên trận tuyến của mình là những người anh hùng. Nhưng anh ơi! Ta còn có biết bao người anh hùng khác rải rác trên quê hương không người hương khói. Người sống đã từ nghèo khổ mà nuôi những đứa con thi đỗ hai ba trường đại học. Những người sống không làm giàu trên máu xương người khác. Họ cũng là những người anh hùng.

Ba em cả cuộc đời không giết một ai. Ngay cả với những người CS bị cầm tù, ông ta cũng xét mà thả hết ra: Ai không có gia đình, vợ con, ba mẹ? Em có nhớ thời bao cấp, em đứng xếp hàng chờ mua cái vé xe đi học ngoài QN nhưng không được. Em ra về trong lặng lẽ thì bỗng có một người đàn ông lớn tuổi gọi lại hỏi cộc lốc: Mày tên gì? Con ai? Nhà ở đâu? Em đã trả lời cho có lệ: Dạ, con tên M, con ông tám H, nhà con ở xóm vườn trầu. Ông ta lại hỏi: Có phải cạnh cái bàu và con sông Đồng Đen không? Em gật. Anh à! Như một phép lạ. Ông ấy nhìn em một hồi, đi vào trong mang ra cho em một cái vé. Vé em nhận và cám ơn nhưng em đã để tiền lại. Em sợ nhận món nợ không phải mình được trả mà người trong nhà mình đã phải trả dùm mình một cái giá quá đắt như ba em.

Thật không thể nói không buồn hận khi nhớ lại hình ảnh ba em chỉ cái quần đùi đi trong đêm tối với hai sợi dây trói chéo sau lưng và bàn chân lê trên đất cát, dẫm lên gai góc, đá rừng. Ông ấy đã chết đói, chết khát trong tay ‘người anh em mình’. Thậm chí người chị con cậu ruột cũng bỏ em mình dở sống, dở chết dưới hầm chiến công cách mạng trong tư thế trói chặt suốt một ngày, một đêm! Nguyễn Huệ là bậc anh hùng, là vua một cõi, là kẻ thù không đội trời chung với Nguyễn Ánh nên chết rồi vẫn bị Ánh sai người ‘đầu phải xiềng, xương cốt đốt đổ xuống biển. Ba em có muốn làm kẻ anh hùng gì đâu! Ba em cũng chỉ là con người và chẳng có ai để thù một kiếp sao người ta lại cho ông ta bị trói suốt ba mươi hai năm ròng rã? Vậy mà những lần quỳ trước ngôi mộ thật của ba má em, em không rớt một giọt nước mắt. Hình như ba em đã vỗ về: “Thôi con gái! Hãy để dành nước mắt cho những người bất hạnh hơn ba của con”. Bao nhiêu nước mắt tuôn ra, em đã nuốt trở vô lòng. Em không thể cầm cây súng, cầm con dao, cầm một trái đạn hay bất cứ thứ gì có thể làm em nguôi lửa thì đành cầm lấy cây bút. Bây giờ, anh có thể hiểu vì sao, em khô khan không có lấy một lời ngọt ngào. Ngọn bút em cày trên giấy những đường cày như bật máu. Nghiệt ngã làm sao! Thay vì cày những đường cày thù hận, em lại phải cày những thương yêu như ngày xưa chỉ có vài củ khoai mì, anh đã khắc vào tim em một vết son tình nhân loại. Ba em bây giờ đã được đoàn tụ với má em rồi. Giọt nước mắt này, em xin dành cho người không quê hương. Biết đâu anh đã là hóa thân của những gì xung quanh em: là lá cỏ, là bóng mây, là những sắc cầu vòng mà em đã ghép nó vào bài thơ từ thuở học trò”.

Cái cồn cát vẫn còn giữa nắng mưa. Con sông Đồng Đen vẫn đầy lục bình trôi nghiêng, trôi ngửa. Những con chim vẫn làm tổ trên ngọn dừa như chưa hề biết đến có một lần chiến tranh và một lần bất hạnh. ”Anh à! Anh chẳng từng bảo em: ‘Khi nào muốn thả diều thì lên đây với anh’ sao?. Em quả thật bây giờ muốn thả con diều mà bàn tay anh không thể hồi sinh. Nhưng những gì người sống không làm được thì người từ cõi vô hình sẽ làm được đó thôi”. Ngọn lửa mang theo dòng chữ chỉ dành riêng cho một người thổi vào hư không…

Ngày “Hội hóa trang – Halloween” đến mỗi năm một lần, có một thiếu phụ lẫn vào dòng ma qủy để đi tìm một người đã trôi tan vào cõi vô hình không ai biết mãi cho đến bây giờ./.

Tháng 10/28/2005
Ngọc Thiên Hoa

Exit mobile version